Chương trình Về nguồn

03:26 27/02/2014

Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục về truyền thống lịch sử cho đoàn viên thanh niên, ngày 22/01/2014, Đoàn thanh niên Học viện Ngoại giao tổ chức hoạt động Về nguồn tại khu di tích lịch sử Nghệ An.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử

Điểm tìm đến đầu tiên đoàn tìm đến là núi Động Tranh, nơi an táng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới cái nắng hiếm hoi của những ngày đầu xuân ở miền Trung, chúng tôi băng qua 269 bậc đá để đến khu mộ chính với lòng ngưỡng vọng và tri ân người đã sinh cho dân tộc Việt Nam một danh nhân thế giới. Người phụ nữ Việt Nam tảo tần, chịu thương chịu khó, người vợ, người mẹ vĩ đại suốt đời chăm lo cho chồng cho con mà nhận về mình bao nhiêu vất vả hy sinh.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi xuôi về làng Hoàng Trù và làng Kim Liên - quê ngoại và quê nội của Bác Hồ. Cả hai ngôi làng mà những hình ảnh thân thương gần gũi đã đã in sâu vào tâm thức của nhiều người Việt. Nơi đây có hai mái nhà tranh bình dị dưới lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè, có câu dân ca mênh mang cùng đồng ruộng núi sông và là nơi đã nuôi dưỡng, chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của vị anh hùng dân tộc.

Rời quê Bác, Đoàn qua thăm mộ vua Mai Hắc Đế - vị anh hùng dân tộc một lòng yêu nước thiết tha luôn đấu tranh cho nền thái bình của nước nhà, lật đổ nền thống trị của Phong Kiến Phương Bắc, dành độc lập tự chủ cho đất nước và lập nên nhà nước Vạn An ở thế kỷ VIII.

Điểm dừng chân cuối cùng của Đoàn trong chuyến Về nguồn là mảnh đất đã một thời máu lửa và đi vào sử sách mang tên “Ngã ba Đồng Lộc”. Tại Đài tưởng niệm, chúng tôi thành kính dâng hương hoa tưởng nhớ 10 cô gái Đồng Lộc cũng như tri ân hàng chục vạn thanh niên xung phong đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và mạng sống của mình cho đất nước thống nhất và phồn vinh như hôm nay. Ngay bên Đài tưởng niệm vẫn còn nhiều hố bom sâu hoắm như chứng tích nhắc nhở thế hệ trẻ ngày hôm nay không quên đi lịch sử đấu tranh đầy bi tráng của dân tộc. Nằm trong cụm di tích Bảo tàng Thanh niên xung phong trưng bày các hiện vật của một thời bom đạn, càng xem chúng tôi càng hiểu rõ sự hy sinh cống hiến của các anh các chị cho cuộc sống yên bình chúng tôi ngày hôm nay và tự nhủ lòng phải phấn đấu làm việc tốt hơn chung tay xây dựng xã hội văn minh phồn thịnh.

Đài tưởng niệm “Ngã ba Đồng Lộc”

Hai ngày, một đêm của chuyến Về nguồn thật ngắn ngủi so với cuộc sống hối hả ngày thường nhưng đã cho chúng tôi bài học thật lớn về lòng yêu nước, thay đổi suy nghĩ của chúng tôi trong các toan tính đời thường. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” là bài học chúng tôi có được sau chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Trần Giang Thái

(Ảnh: Nguyễn Trung Nguyên)

 

Cùng chuyên mục