Hội thảo quốc tế: “An ninh hàng hải tại Đông Nam Á: An toàn hàng hải và môi trường biển”

07:27 03/04/2012

Trong hai ngày 29 và 30/3/2012, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh hàng hải tại Đông Nam Á: An toàn hàng hải và môi trường biển”. Tham dự Hội thảo có gần 35 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đến từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Cambodia, Philippines, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Canada.

Qua 8 phiên với 13 tham luận và hơn 80 ý kiến thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về các chủ đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý cho an ninh và an toàn môi trường biển, tìm kiếm và cứu nạn, quản lý cảng biển và các tiêu chuẩn về vận tải đường biển, tài nguyên phi sinh vật biển, nghề cá, bảo vệ môi trường biển, an toàn hàng hải nhằm tìm ra những mô hình hợp tác thành công để áp dụng trong khu vực Đông Nam Á.

ThS. Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao cùng Ông Carl Baker, Giám đốc các Chương trình thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ chủ trì Hội thảo

Hiện nay khu vực biển Đông Nam Á bao gồm nhiều vùng biển quan trọng và nhiều hệ sinh thái biển lớn như Eo Malacca, Biển Đông, Vịnh Thái Lan, Biển Sulu và Biển Sulawesi. Không chỉ đóng vai trò là các đầu mối giao thông quan trọng, các vùng biển này là môi trường biển phong phú về các loài sinh vật, thực vật biển, có tiềm năng về đa dạng sinh học, kinh tế và môi trường của khu vực. Tuy nhiên, an toàn hàng hải, môi trường biển trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như ô nhiễm môi trường do các sự cố đâm va, xả thải, tràn dầu từ các tàu thuyền, trữ lượng và chất lượng cá bị suy giảm do các phương pháp đánh bắt tận thu, đánh bắt trái phép, thiên tai xảy ra liên tục. Ngoài ra, sự tồn tại của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vùng biển càng tạo thêm khó khăn trong việc quản lý và thực thi an toàn hàng hải và quản lý môi trường biển. Tất cả những vấn đề này đặt ra yêu cầu tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm đảm bảo an ninh hàng hải và qua đó góp phần tạo ra môi trường ổn định cho cho các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á.

Các học giả cho rằng Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, quốc gia mà tàu mang cờ và các quốc gia cảng biển. Bên cạnh Công ước luật biển, các công ước quốc tế của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó phải kể đến các công ước về an toàn hàng hải, công ước về tìm kiếm và cứu nạn năm 1979, công ước về chống khủng bố hàng hải, các công ước về ngăn chặn ô nhiễm từ tàu thuyền, công ước về trách nhiệm dân sự… Bên cạnh các khuôn khổ quốc tế, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng bắt đầu thiết lập các khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển như Ghi nhớ Tokyo về kiểm soát của các quốc gia cảng biển, Hiệp định ReCAAP về chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển đối với tàu thuyền trong khu vực Châu Á, Chương trình hợp tác bảo vệ môi trường biển trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc, Sáng kiến vùng Tam giác san hô, Quan hệ đối tác trong quản lý môi trường tại các biển ở Đông Á (PEMSEA), Diễn đàn hàng hải của Đông Nam Á…

TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo

Về những bài học kinh nghiệm cho hợp tác ở khu vực Đông Nam Á về an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển, các học giả đều nhấn mạnh rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra môi trường biển và hàng hải an toàn là ý chí chính trị của các quốc gia trong việc phối hợp hành động. Theo các học giả, các thách thức về an toàn hàng hải cũng như các mối đe dọa đối với môi trường biển hiện nay đều là các vấn đề cần sự chung tay đối phó của nhiều tổ chức hoặc quốc gia chứ không thể giải quyết đơn phương, riêng lẻ. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tương đối thành công trong việc thiết lập các cơ chế hợp tác liên ngành hoặc liên quốc gia nhằm nâng cao an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển như Hệ thống kiểm soát sự cố nhằm phối hợp xử lý các tình huống khẩn cấp trên biển tại Mỹ, Trung tâm Thông tin giám sát Châu Âu, hay Kế hoạch hành động nhằm bảo vệ, quản lý và phát triển môi trường biển và ven biển trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương với sự tham gia của các nước Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (trong khuôn khổ Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc). Mô hình áp dụng các phương tiện kỹ thuật, tuân thủ các khuôn khổ pháp lý quốc tế đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi thông qua các hình thức như lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho trường hợp xảy ra sự cố, thành lập quỹ hỗ trợ hàng hải trong đó có sự tham gia của các công ty hàng hải, các tổ chức quốc tế cũng là một mô hình hiệu quả mà Singapore đã thực hiện thành công để đảm bảo an toàn hàng hải tại Eo biển Malacca. Sáng kiến hợp tác bảo vệ môi trường biển trong khu vực Tam giác san hô nhằm bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các loài cá trong khuôn khổ dự án “Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy” (REBYC II - CTI) với 5 quốc gia thành viên là Indonesia, Philippines, Papua New Guinea, Thái Lan và Việt Nam cũng là một trong những thực tiễn rất đáng khích lệ trong khu vực trong thời gian qua.

Đề xuất về phát triển hợp tác để bảo vệ an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển tại Đông Nam Á, các đại biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực thi các khuôn khổ và các cơ chế hiện có. Trong đó, hợp tác về ứng phó với các sự cố, tai nạn hàng hải được nhấn mạnh là lĩnh lực có tiềm năng mở rộng hợp tác. Xây dựng lòng tin thông qua việc công bố sách trắng, xuất bản thông tin cũng được các đại biểu nhấn mạnh là biện pháp quan trọng và nên được tiến hành đầu tiên. Ngoài ra, những biện pháp hợp tác về các lĩnh vực như bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, xây dựng năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển… cũng là những lĩnh vực được các đại biểu nhấn mạnh cần được đẩy mạnh hợp tác và xây dựng các thỏa thuận ở cấp độ khu vực./.

Cùng chuyên mục