Hội thảo về An toàn và An ninh các giàn khoan dầu và công trình xây dựng ngoài khơi

03:05 18/10/2010

Từ ngày 07 đến 08/10/2010, tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Hội đồng hợp tác an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương (viết tắt là CSCAP), Học viện Ngoại giao (cơ quan đại diện của Việt Nam tại CSCAP) phối hợp với đại diện CSCAP Singapore và CSCAP Úc đồng chủ trì Hội thảo của Nhóm Nghiên cứu về An toàn và An ninh các giàn khoan dầu và công trình xây dựng ngoài khơi. Đến dự cuộc họp lần này, ngoài hơn 20 chuyên gia từ các nước trong khu vực còn có hơn 20 đại diện của các công ty, tập đoàn dầu khí của Bru-nây và Việt Nam như PVN, Vietso Petro, ...

Trong 2 ngày hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các thách thức về an ninh và an toàn đối với các giàn khoan dầu và các công trình xây dựng ngoài khơi, nhất là trong quá trình lắp đặt, vận hành, tháo dỡ, ảnh hưởng của các hoạt động này tới an toàn hàng hải và kiến nghị các giải pháp hợp tác khu vực nhằm tăng cường an toàn, an ninh cho các giàn khoan dầu và các công trình xây dựng ngoài khơi.

Hội thảo đã chỉ ra những thách thức đang nổi lên bao gồm: Nhu cầu năng lượng tăng cao đã làm tăng các hoạt động thăm dò và khai thác ở Châu Á- Thái Bình Dương, khiến cho mật độ giao thông đường biển tăng. Điều này đã dẫn đến một loạt các hệ lụy như: tai nạn (đụng độ, tràn dầu, các sự cố kỹ thuật), tấn công khủng bố đối với lĩnh vực năng lượng, làm tăng mức độ rủi ro đối với các công trình năng lượng trong khu vực và các vấn đề có liên quan đến luật pháp (cướp biển, cướp có vũ trang). Ngoài ra, việc thông qua, áp dụng và giải thích các cơ chế quốc tế khác nhau dễ gây hiểu lầm, ngăn cản hợp tác giữa các ngành, quốc gia khu vực trong việc phản ứng và khắc phục các sự cố, làm giảm ấn tượng tốt đẹp về nhau; khiến cho nguy cơ xảy ra các tai nạn thảm khốc ngày càng tăng. Việc thiếu các biện pháp hợp tác giữa các ngành, quốc gia và khu vực để đối phó với những tai nạn cùng với số lượng các giàn khoan bị bỏ hoang tăng lên sẽ gây nguy hiểm cho tự do hàng hải và môi trường.

Cuối hội thảo, các đại biểu đã nhất trí một số biện pháp nhằm xử lý và giảm thiểu những rủi ro đối với vấn đề an toàn và an ninh dầu khí ngoài khơi trong khu vực như: tăng cường hợp tác giữa các ngành và chính phủ khu vực; kêu gọi chính quyền các nước khu vực phê chuẩn, tôn trọng và thực hiện hiệu quả các công ước quốc tế, các văn kiện khu vực và những tư liệu khác; và đánh giá lại việc quản lý rủi ro về an toàn và an ninh dầu khí ngoài khơi trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên hội thảo khoa học về An toàn và An ninh của các giàn khoan dầu và công trình xây dựng ngoài khơi được CSCAP tổ chức. Hội thảo lần này thể hiện rõ vai trò của Việt Nam trong CSCAP cũng như trong vấn đề hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn liên quan tới các giàn khoan dầu và công trình xây dựng ngoài khơi nói riêng, và an toàn hàng hải nói chung; nâng cao vị thế của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Cùng chuyên mục