Italia và BRI: Cuộc hôn nhân vụ lợi ?

11:37 20/09/2019

Italia và BRI: Cuộc hôn nhân vụ lợi ?

Lê Thu

Tóm tắt: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Italia, một nước công nghiệp thuộc nhóm G7, “xoay trục” tìm kiếm động lực mới từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Liệu sự “xoay trục” này có giúp Italia thoát khỏi bế tắc?

Nguồn: Reuters.

Năm 2018, trong khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung gia tăng căng thẳng, nền kinh tế châu Á được đánh giá là vẫn khá ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6%, vượt trội so với các khu vực khác.[1]

Trái ngược với bức tranh kinh tế của châu Á, châu Âu bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nhiều biến động về chính trị - xã hội ở cấp độ liên minh lẫn cấp độ từng quốc gia thành viên. Anh tìm cách rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rút lui khỏi chính trường sau 3 năm tới. Bạo loạn “áo vàng” với sự tham gia của hàng chục nghìn người làm rúng động nước Pháp. Chính phủ tại hàng loạt các quốc gia từ Đức đến Pháp,Tây Ban Nha, Ý và Bỉ gặp phải nhiều thách thức từ chủ nghĩa dân túy…[2]

Trong khi các quốc gia đang loay hoay tìm cách vực dậy nền kinh tế, Italia đã đi đến một quyết định gây nhiều tranh cãi là gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trở thành quốc gia thành viên thứ 124 trên thế giới của dự án này, nhưng là thành viên đầu tiên của nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.

Động thái của Italia khiến nhiều nước ngạc nhiên, đặt ra nhiều nghi vấn cho các nhà quan sát. Động cơ nào khiến Rome quyết định đi ngược lại ý chí, quan điểm của các nước đồng minh để xích lại gần Trung Quốc? Lợi ích của Italia trong giao dịch này là gì? Bài viết này sẽ tìm cách lý giải nguyên nhân tại sao Italia gia nhập sáng kiến Vành đai- Con đường của Trung Quốc và những tính toán đằng sau của Ý khi tham gia dự án này.

Sáng kiến Vành đaiCon đường: Cơ hội phát triển hay “bẫy nợ”

Được chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ cuối năm 2013 với tên gọi ban đầu là “Một vành đai, Một con đường”, đến nay BRI được cho là minh chứng rõ nhất cho quyết tâm của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thoát khỏi phương châm “Giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Sáng kiến này được cho là lấy cảm hứng từ tồn tại một con đường tơ lụa lịch sử đã từng Trung Quốc với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi.

Theo tuyên bố từ các nhà lãnh đạo phía Bắc Kinh, BRI là sáng kiến có ý nghĩa toàn cầu và xuyên thế kỷ. BRI được kỳ vọng sẽ thiết lập một mạng lưới kinh tế, thương mại bao trùm các khu vực Á - Âu - Phi với dân số 4,4 tỷ người (2017), kết nối hơn 20 nước dọc theo con đường mà dự án này đi qua với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 21 nghìn tỷ USD và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ do liên kết được với các thị trường đang nổi và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.[3]

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì BRI không những không tạo ra động lực phát triển, mà là một dạng “bẫy nợ” đối với các quốc gia nghèo và chậm phát triển. Với các dự án nằm trong khuôn khổ này, Trung Quốc cho các quốc gia nghèo và chậm phát triển vay vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng do cơ chế vay không minh bạch, khả năng quản lý kém, khi nước chủ nhà có thể mất khả năng chi trả do lãi suất cộng dồn với tiền gốc quá lớn. Tại thời điểm đó, chủ nợ sẽ ép mua con nợ để mua lại quyền quản lý các công trình như sân bay, cảng biển trong một thời gian dài.

Một số ý kiến còn cho rằng BRI là công cụ địa chiến lược và địa kinh tế của Trung Quốc nhằm tạo ra một hệ thống các cơ sở hậu cần, căn cứ quân sự có tính liên hoàn nhằm làm sói mòn trật tự do Mỹ và Phương Tây đóng vai trò chủ đạo. Trong bối cảnh đó, việc Italia là một nước công nghiệp phát triển Phương Tây lại “nối gót” Sri Lanka, Maldives, Myanmar…khiến giới quan sát không khỏi giật mình.

Nền kinh tế khó khăn của Italia

Mặc dù là một trong những quốc gia thuộc nhóm 7 nước có nền công nghiệp đứng đầu thế giới (G7) nhưng những số liệu kinh tế của Italia trong những năm trở lại đây cho thấy Italia đang đứng trước triển vọng u ám.

Ngày 1/2/2019, Cơ quan thống kê quốc gia Italia (ISTAT) cho biết nước này đã rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật nghiêm trọng khi tăng trưởng hai quý gần đây bị sụt giảm liên tiếp. Kể từ đầu năm 2018 trở lại đây, tăng trưởng luôn ghi nhận tình trạng sụt giảm qua các quý, trong đó Quý III 2018 đạt mức tăng 0,8% và quý IV đạt 0,6% - mức thấp nhất được ghi nhận trong vòng 3 năm qua.[4]

Năm 2018,đầu tư trực tiếp nước ngoài của Italia chỉ đạt 18,2 tỷ Euro.Con số này chưa bằng một nửa của 48,1 tỷ Euro mà nước này đã thu được vào năm 2007, một năm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) diễn ra[5]. Bên cạnh đó, thị trường lao động cũng không có nhiều cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức lớn hơn 10%, thậm chí con số này ở nhóm những người trẻ ở mức đáng báo động khi mà lên tới 40%.[6]

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt đó là nợ công gia tăng nhanh chóng, hiện đã lên tới mức 132% GDP tương đương với 3 nghìn tỷ USD. Nợ công của Italia tương đương với tổng nợ công của cả Pháp và Đức, khiến Italia trở thành quốc gia có tỷ lệ lớn thứ hai trong khu vực EU sau Hy Lạp.[7]

Năm 2018 được cho là năm chứng kiến sự sụt giảm kinh tế một cách trầm trọng của Italia và tương lai là trong năm 2019 nền kinh tế Ý cũng sẽ không có dấu hiệu khả quan nếu như quốc gia này không có những hành động cụ thể. Ngày 31/03/2019, bộ trưởng Kinh tế Ý Giovanni Tria thừa nhận là trong năm 2019, có nhiều khả năng Ý chỉ có mức tăng trưởng bằng không.[8]

Trước tình hình khó khăn này, lời đề nghị tham gia BRI từ phía Trung Quốc được xem như “chiếc phao cứu sinh” có thể giúp Ý phần nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Thủ tướng Conte phát biểu ngày 8/3/2019 “Với tất cả các biện pháp đề phòng cần thiết, việc Italia gia nhập một tuyến đường tơ lụa mới thể hiện cơ hội cho đất nước chúng ta.”[9]

Sức ép từ EU

Từng là nền kinh tế đứng thứ 3 trong EU, Italia từng tự tin về ảnh hưởng và đóng góp của mình đối với Liên minh. Tuy nhên, trong trạng thái khủng hoảng, Italia bất mãn vì lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh Châu Âu, Ủy ban châu Âu bác bỏ kế hoạch ngân sách của nước này. Cụ thể là, 24/10/2018 Ủy ban châu Âu (EC) đã bác kế hoạch ngân sách của Ý với lý do quốc gia này đã thâm hụt ngân sách dự kiến quá cao và mức nợ công khổng lồ lên đến 132% GDP.

Mỹ từng là đồng minh truyền thống của Italia nhưng cũng không hề có động thái nào trong việc hỗ trợ quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng. Mối quan hệ giữa EU và Mỹ đang chuyển biến xấu khi mà chính Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận, quan hệ Châu Âu-Mỹ đang bị thụt lùi sau khi Chính quyền Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran và các cường quốc trong nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Bản thân khối EU cũng có nhu cầu mở rộng hợp tác với các đối tác khác trong đó có Trung Quốc. Do đó, sự dửng dưng của Mỹ và EU phần nào đẩy Italia xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Quyết định tham gia BRI của Italia một mặt cho thấy quốc gia này đang cố gắng tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh dư địa phát triển quan hệ với đồng minh và các đối tác truyền thống đã cạn kiệt. Lợi ích kinh tế cơ bản khiến cho Rome bỏ qua những toan tính về an ninh và chiến lược để bắt tay với Trung Quốc.

Nhu cầu nội tại

Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc ngày càng khẳng định vị thế siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, thương mại song phương giữa Italia với Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn, chỉ đạt 43,9 tỷ Euro trong năm 2018, bằng 2,5% tổng sản phẩm quốc nội của Italia, thua xa các đối tác Châu Âu (chiếm 3,8%) và với Mỹ (3,4% GDP)[10]. Với việc ký kết BRI, Italia hi vọng có cơ hội tiếp cận lớn hơn với Trung Quốc, thị trường tiềm năng cho hàng hóa “Made in Italia”.

Theo các nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Italia khó khăn là do sự sụt giảm trong hoạt động công nghiệp do nước này phải nhập khẩu 75% nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ các ngành công nghiệp. Trong Lễ ký biên bản ghi nhớ BRI, hai nước đã ký 10 thỏa thuận liên quan đến các lĩnh vực như thép, năng lượng và khí đốt. Italia hi vọng sự hợp tác với Trung Quốc phần nào đã được giải quyết được thị trường nhập khẩu thông qua sự hợp tác này.

Bên cạnh đó, BRI hứa hẹn bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế của Italia. Trung Quốc đang thúc giục chính phủ Italia đẩy mạnh kế hoạch kết nối đường sắt cao tốc giữa Torino của Ý và Lyon của Pháp. Vụ sập cầu đường cao tốc ở thành phố Genoa, miền bắc Italia tháng 8/2018 khiến ít nhất 30 người chết cho thấy nhu cầu cấp thiết là phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, đây là một trong số những lĩnh vực mà hai bên mong muốn đẩy mạnh hợp tác. Cụ thể, MOU mở ra cơ hội cho Công ty Xây dựng giao thông Trung Quốc đầu tư và quản lý 2 cảng Genoa và Trieste. Trong đó, Genoa là cảng biển lớn và lâu đời nhất nước Ý; còn Trieste có tiềm năng rất lớn kết nối Địa Trung Hải với các quốc gia không giáp biển trong khu vực như Áo, Hungary, Czech, Slovakia và Serbia. Theo số liệu thống kê của EU trong những năm gần đây, số hàng hóa đến từ Trung Quốc đại lục chỉ chiếm 2% số hàng hóa nhập khẩu của Italia bằng đường biển. Sự hợp tác hứa hẹn sẽ tạo ra lợi ích cho cả hai bên. Với việc quản lý các cảng biển của Italia, bên cạnh cảng Piraues ở Hy Lạp.

Trong Bản ghi nhớ mà hai nước đã kí ngày 23/3/2019, hai nước cũng đẩy mạnh việc hợp tác tại các thị trường của nước thứ ba. Bên cạnh đó, hai nước cũng cam kết chú trọng đến việc phát triển xanh hay kết nối văn hóa giữa hai nước.[11]

Thử thách mới cho BRI

Quyết định hợp tác với Trung Quốc của Italia bắt nguồn từ cả sức ép từ bên ngoài lẫn nhu cầu nội sinh của nền kinh tế Italia. Những đối tác truyền thống như châu Âu và Mỹ… không thể giúp quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng thì Italia phải tìm kiếm các thị trường mới, giàu tiềm năng hơn đặc biệt là cho các mặt hàng xa xỉ, công nghệ cao của nước này. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ hơn 30% mặt hàng xa xỉ toàn thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc được hi vọng sẽ là cửa ngõ cho xuất khẩu hàng hóa của Italia sang châu Á.

Việc BRI bị vướng phải chỉ trích “bẫy nợ” đối với các quốc gia nghèo và chậm phát triển phần nào làm giảm sức hấp dẫn của sáng kiến này trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, BRI cũng có sức hút riêng, “đã thu hút hơn 100 quốc gia tham gia. Nhiều vấn đề của BRI phần nào cũng bắt nguồn từ yếu kém trong việc quản lí và không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu của các nước đi vay nợ.

Italia là đối tác phát triển đầu tiên Châu Âu nhận đầu tư của Trung Quốc, và yêu cầu các cam kết và điều khoản về cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được các yêu cầu, nguyên tắc như cởi mở, minh bạch, bền vững theo tiêu chuẩn của EU. Do đó, trường hợp của Italia hết sức thú vị để kiểm chứng liệu BRI có khả năng phát triển trong một môi trường thể chế chặt chẽ, lành mạnh với các chuẩn mực xã hội và môi trường cao. Bất chấp những tiền đề thuận lợi ở cả bên trong và bên ngoài, các cam kết chính trị hoa mỹ, còn quá sớm để đánh giá liệu Italia có thức sự “xoay trục” và BRI có thực sự mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho cả hai bên.

Lê Thu là Hội viên CLB Galileo và hiện là sinh viên năm thứ hai, Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.

[1] Lan Chi, “ADB dự báo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 6% trong năm nay,” Báo Đầu tư, 12/4/2018; truy cập tại https://baodautu.vn/adb-du-bao-kinh-te-chau-a---thai-binh-duong-tang-truong-6-trong-nam-nay-d79929.html (14/9/2019).

[2] Quang Dũng, “Nhìn lại những biến động và bất đồng của châu Âu năm 2018”, Báo Điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam, 28/12/2018; truy cập tại https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhin-lai-nhung-bien-dong-va-bat-dong-cua-chau-au-nam-2018-857167.vov(15/9/2019)

[3] Lê Đức Cường - Bùi Văn Mạnh, “Đôi nét về sáng kiến “ Vành đai và Con đường” của Trung Quốc”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, 13/11/2017; truy cập tại

http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/doi-net-ve-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc/10813.html (15/9/2019)

[4] Quỳnh Dương, “Kinh tế Italia: Trước triển vọng u ám”, Báo Hà Nội mới, 3/2/2019; truy cập tại

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/926022/kinh-te-italia-truoc-trien-vong-u-am (15/9/2019)

[5] Bloomberg, “Ủng hộ sáng kiến “ Vành đai và Con đường” và thế lưỡng nan của Italia”, Báo Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM, 20/3/2019; truy cập tại

http://www.hoinhap.org.vn/phan-tich-binh-luan/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te/23035-ung-ho-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-va-the-luong-nan-cua-italia.html(15/9/2019

[6] Minh Đức, “ Nền kinh tế Italia - mối lo ngại mới cho EU”, Thời báo Ngân hàng, 28/11/2018; truy cập tại

http://thoibaonganhang.vn/nen-kinh-te-italy-moi-lo-ngai-moi-cho-eu-82529.html (15/9/2019)

[7] “Qủa bom nợ Italy và tương lai EU hậu Brexit”, Báo mới 24h; truy cập tại

https://baomoi24g.net/qua-bom-no-italy-va-tuong-lai-eu-hau-brexit.htm (15/9/2019)

[8] “Tình hình kinh tế Ý ngày càng ảm đạm”, Báo Quốc tế, 2/4/2019; truy cập tại

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190402-tinh-hinh-kinh-te-y-ngay-cang-am-dam(15/9/2019)

[9]  Quốc Vinh, “Italia muốn tham gia “ Vành đai và Con đường” với Trung Quốc, Mỹ lên tiếng khuyên răn”, Báo Nga.com, 10/3/2019; truy cập tại

https://baonga.com/kinh-te-the-gioi.nd150/italia-muon-tham-gia-vanh-dai-con-duong-voi-trung-quoc-my-len-tieng-khuyen-ran.i102990.html (15/9/2019).

[10] Bloomberg, “Ủng hộ sáng kiến “ Vành đai và Con đường” và thế lưỡng nan của Italia”, Báo Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM, 20/3/2019; truy cập tại

http://www.hoinhap.org.vn/phan-tich-binh-luan/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te/23035-ung-ho-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-va-the-luong-nan-cua-italia.html(15/9/2019)

[11] “Via della Seta, il testo dell’intesa tra l’Italia e la Cina: la versione inglese e la traduzione in italiano”, 12/3/2019; truy cập tại

https://www.corriere.it/economia/19_marzo_12/via-seta-testo-dell-intesa-l-italia-cina-versione-inglese-traduzione-italiano-9ea09020-44c2-11e9-b3b0-2162e8762643.shtml?refresh_ce-cp&fbclid=IwAR1OYzvXrOtlbHJpSPj-RZiQdVCSE6-ob9PQynH42x0PN0xm8peWLQXSXRk(15/9/2019)

Cùng chuyên mục