Số 31 - Đông Nam Á năm 1999 - một năm sôi động

11:25 28/03/2012

Đông Nam Á năm 1999 - một năm sôi động

Tác giả: Phạm Thị Miên.

Năm 1999 nhiều sự kiện diễn ra ở Đông Nam A' làm dư luận quốc tế và khu vực quan tâm theo dõi: cuộc bầu cử Quốc hội , bầu tổng thống và vấn đề Đông Timo ở Inđônêxia, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội ở Malaixia, các cuộc đàm phán giữa chính phủ với các lực lượng ly khai hồi giáo ở Philippin, các cuộc thảo luận bất tín nhiệm chính phủ ở Thái Lan, việc Campuchia được kết nạp vào ASEAN, ASEAN đã thực hiện được ý tưởng ASEAN-10 và tự mình giải quyết những vấn đề tồn tại, tìm biện pháp tiếp tục hợp tác phát triển. Bài báo này xin điểm lại một số nét của tình hình Đông Nam A' năm 1999.

I. Những nét mới nổi lên ở khu vực.

1. Về kinh tế:

Theo bản phúc trình của Ngân hàng thế giới WB, tình hình khu vực Đông A' cuối năm 1999 được cải thiện nhiều so với năm trước. Ngoại trừ Inđônêxia là nước còn gặp nhiều rối ren chính trị và chưa thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, các nước còn lại ở ĐNA có mức tăng trưởng khả quan. Năm 1999 tăng trưởng GDP của Thái Lan là 4%, Malaixia :4,5%, Philippin : 3%, Mianma : 3%, Xingapo : 4,8%, Inđônêxia : 1% và Việt nam: 5%.

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ về cơ bản đã dịu xuống, đa số các nước ĐNA đã qua thời kỳ khó khăn nhất. Kinh tế một số nước có triển vọng phục hồi nhanh như Thái Lan và Malaixia. Các biện pháp kiểm soát tiền tệ của Malaixia, những bước đi theo bài thuốc của IMF được áp dụng ở Thái Lan đã cho thấy những kết quả bước đầu. Chính phủ các nước ASEAN đã và đang thúc đẩy quá trình cải cách cơ cấu, thực hiện chính sách quản lý vĩ mô có hiệu quả, điều chỉnh các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Inđônêxia đóng cửa 64 cơ sở tài chính trong nước làm ăn thua lỗ để củng cố hệ thống ngân hàng. Xingapore cho phép người nước ngoài mua phần lớn cổ phần trong các ngành ngân hàng của mình để tăng vốn. Philippin ngừng cung cấp giấy phép cho ngân hàng mới để khuyến khích việc mua lại và sáp nhập các cơ sở tài chính hiện hành. Mặt khác, kinh tế thế giới năm qua phát triển ổn định cũng tạo thuận lợi cho kinh tế ĐNA phục hồi nhanh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đã thức tỉnh các nước ĐNA về nhu cầu sớm khắc phục sai lầm, áp dụng các biện pháp ngắn hạn và dài hạn ở các mức độ khác nhau. Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN lần 3 họp tại Hà Nội ngày 19-20/3/99 đã ra Tuyên bố chung gồm 21 điểm đánh giá cuộc khủng hoảng và đưa ra những biện pháp hợp tác kinh tế tài chính giữa các nước ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng tài chính là sự khởi đầu thực hiện Tuyên bố Hà Nội và Chương trình hành động Hà Nội về lĩnh vực tài chính cho viễn cảnh ASEAN 2020.

Điều quan trọng nữa là Hội nghị Tài chính đã thành lập Cơ chế giám sát tài chính giúp các nước ASEAN có thể tránh được một tai nạn tài chính khác.

2. Về chính trị:

Sau hơn 30 năm kể từ ngày thành lập, Hiệp hội ASEAN đã bước sang trang mới, đó là việc ASEAN hoàn thành ý tưởng ASEAN -1O, cùng phấn đấu cho hoà bình , ổn định khu vực , giữ vững bản sắc dân tộc và sự đoàn kết nhất trí. Tinh thần tự lực tự cường khu vực được thể hiện ở Hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thường niên lần thứ 32 đã đạt được kết quả quan trọng trong việc củng cố đoàn kết và hợp tác ASEAN trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp hội. Các nước ASEAN đã khẳng định lại giá trị, vai trò và tầm quan trọng của Hiệp hội.

Diễn biến mới đáng chú ý là Hội nghị AMM-32 đã nhất trí về tiến trình hình thành Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông ( Code of Conduct) theo quyết định của Hội nghị cấp cao Hà Nội, coi đó là biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng ở khu vực, theo đó, ASEAN sẽ sớm xây dựng Dự thảo và trao đổi với Trung Quốc.

Hội nghị cấp cao không chính thức ở Manila, Philippin ngày 28/11/99 đã xác định phương hướng phát triển của ASEAN trong thời kỳ phục hồi khủng hoảng kinh tế. Vấn đề an ninh của khu vực đã trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận . Lần đầu tiên việc liên kết ASEAN bằng công nghệ thông tin IT đã được thảo luận bao hàm những lĩnh vực rộng lớn kể cả mặt luật pháp cho đến những vấn đề xã hội và kinh tế cũng như việc sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng Internet v.v....

Hội nghị cấp cao không chính thức và Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 cuối tháng 11 vừa qua tại Manila đã thoả thuận về một khuôn khổ cho sự hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN 10 và 3 nước Đông Bắc A'. Diễn đàn này sẽ là nơi để các nhà lãnh đạo châu A' có thể bàn những vấn đề kinh tế, chính trị mà không có mặt các nước phương Tây. Tại diễn đàn này thủ tướng Nhật bản Obuchi đã tuyên bố Nhật sẽ chi một khoản viện trợ 500 triệu đôla cho ASEAN để đào tạo chuyên viên tài chính và giáo dục cấp đại học, và 200 triệu đôla giúp bài trừ nạn nghèo khó tại các nước ASEAN bị khủng hoảng tài chính tác động.

Các nước ASEAN đã đưa ra kế hoạch xoá hàng rào thuế quan : Brunei, Inđônêxia, Malaixia, Singapore, Thái Lan, Philippin sẽ xoá hẳn mức thuế hải quan trong trao đổi thương mại với nhau vào năm 2010 , 4 nước còn lại : VN, Lào, Campuchia, Mianma sẽ thực hiện chương trình này vào năm 2015.

II. Những thách thức của ĐNA trong thời kỳ mới.

Sự xáo động chính trị, xã hội, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo , các phong trào ly khai là những vấn đề nan giải ở một số nước ASEAN, nhất là ở Inđônêxia, Philippin, Malaixia và Mianma.

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã qua 6 kỳ họp nhưng hầu như vai trò của nó trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực còn rất hạn chế, rõ nhất là trong việc giải quyết vấn đề Đông Timo. Vai trò lãnh đạo của ASEAN trong ARF ngày càng bị thách thức.

Sự thay đổi lãnh đạo trong một số nước ASEAN cũng là một thách thức đối với sự phát triển của tổ chức ASEAN. Trước đây ASEAN dựa vào uy tín cá nhân của các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao nguyên thủ để duy trì sự đoàn kết. Sự xuất hiện các nhà lãnh đạo mới, xuất hiện những tư duy mới, có thể dẫn đến những ảnh hưởng nhất định trong vấn đề tổ chức và nguyên tắc hoạt động của ASEAN.

Sự phân hoá lực lượng trong ASEAN ngày càng rõ ràng hơn trong các vấn đề lớn như: một số nước đề cao giá trị phương Tây, dân chủ, trong khi một số nước khác lại coi trọng giá trị truyền thống châu A'. Các nước thành viên mới của ASEAN đều là những nước nghèo , kinh tế lạc hậu sẽ phần nào ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của cả ĐNA. Vì vậy để duy trì sự đoàn kết và thúc đẩy hợp tác các nước ASEAN phải có nhiều cố gắng khắc phục những điểm khác biệt, đặt lợi ích chung lên trên hết.

III. Một số tình hình cụ thể tại các nước ĐNA.

1. Về cuộc Tổng tuyển cử ngày 7/6/99 của Inđônêxia:

Đây là cuộc tổng tuyển cử dân chủ và tự do nhất ở Inđônêxia kể từ năm 1955. Ngay từ đầu năm, ngày 28/1/99 Quốc hội Inđônêxia đã thông qua 3 luật mới về cải cách chính trị, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho một hệ thống chính trị mới theo hướng đa nguyên, đa đảng, dân chủ và dân sự hoá:

- Luật về các đảng phái chính trị: chấm dứt việc hạn chế chỉ cho 3 đảng lớn tham gia tranh cử.

- Luật về tổng tuyển cử tự do,

- Luật về thành phần của Hội đồng dân biểu ( DPR ) và Đại hội Hiệp thương nhân dân (MPR) .

Thành viên quân đội trong DPR giảm từ 75 xuống còn 38 người, đưa tổng số thành viên của DPR còn 500 người, thành viên của MPR giảm từ 1000 xuống còn 700 người.( gồm 500 của DPR và 135 thành viên dược chỉ định từ 27 tỉnh, mỗi tỉnh 5 người và 65 thành viên của các tổ chức xã hội) .

Nhiệm kỳ cuả tổng thống và phó tổng thống tối đa là 2 nhiệm kỳ 5 năm.

Quá trình chuẩn bị bầu cử chu đáo, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh an ninh trật tự được bảo đảm . Kết quả bầu cử : Đảng Dân chủ đấu tranh PDI-P của bà Megawati (con gái cựu tổng thống Inđônêxia Xucacno) đã giành số phiếu cao nhất, chiếm 34% tổng số phiếu bầu. Đảng Golka cầm quyền chiếm 22% tổng số phiếu, đứng thứ hai, đảng Thức tỉnh dân tộc PKB của ông Wahid-lãnh tụ tinh thần của Hồi giáo, thường được gọi là Gus Dur, đứng thứ 3 với 17/7% tổng số phiếu bầu.

Cuộc chạy đua vào chức tổng thống diễn ra rất sôi động. Các nhà quan sát cho rằng cuộc bầu cử tổng thống lần này là cuộc chạy đua khó dự đoán nhất trong lịch sử Inđônêxia. Người thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống không phải là người của 2 đảng có số phiếu cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử mà là thủ lĩnh đảng Hồi giáo - đảng Thức tỉnh dân tộc chỉ chiếm có 17% tổng số phiếu. Đến những phút cuối cùng 2 ứng cử viên là ông Habibie và Wiranto rút lui vì thấy khó có khả năng giành thắng lợi. Điều này đã tạo thuận lợi cho ông Wahid thắng cử vì chỉ còn 2 ứng cử viên tổng thống là ông Wahid và bà Megawati.

Cuộc bỏ phiếu công khai tại MPR bầu tổng thống diễn ra ngày 20/10/99. Kết quả là ông Wahid giành được 373 phiếu, chiếm 54%, bà Megawati được 313 phiếu, chiếm 45%.

Những yếu tố dẫn đến thành công của ông Wahid:

- Là một trí thức , lãnh tụ Hồi giáo nổi tiếng và được người Hồi giáo kính nể, tôn trọng, coi ông như một vị thánh.

- Wahid có chủ trương hoà hợp tôn giáo, bảo vệ nhân quyền và dân chủ.

- Có quyết tâm thực hiện chương trình viện trợ kinh tế 43 tỷ đôla do IMF tài trợ giúp khôi phục kinh tế.

- Dân Inđônêxia hy vọngWahid có khả năng sớm lấy lại uy tín của Inđônêxia trên trường quốc tế sau những sự kiện diễn ra ở ĐTM.

Tuy vậy , việc ông Wahid thắng cử đã gây phẫn nộ cho những người ủng hộ bà Megawati. Ngày 21/10 khi bà Megawati được bổ nhiệm làm phó tổng thống thì tình hình chính trị ở Inđônêxia mới dịu đi.

Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống và sự phân chia các chức vụ là sự thoả hiệp chính trị giữa các đảng lớn. Mỗi đảng được giao một vai trò chính yếu . Ngày 26/10 tổng thống và phó tổng thống đã công bố danh sách nội các mới. Qua thành phần nội các mới có thể thấy rằng ông Wahid chú trọng tới vấn đề dân chủ, coi trọng và tranh thủ sự ủng hộ của trong nước và quốc tế để khôi phục kinh tế. Việc bộ trưởng kinh tế là người gốc Hoa chứng tỏ ông đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Hoa trong nền kinh tế đất nước.

Về đối ngoại, ngay sau khi thắng cử, ông Wahid đã tiến hành chuyến thăm xã giao tới 9 nước thành viên ASEAN, thăm Mỹ và các nước Trung Đông để tranh thủ sự ủng hộ của các nước và lấy lại ảnh hưởng của Inđônêxia trên trường quốc tế.

Sự thất bại của đảng Golka cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 7/6/99 và bầu cử tổng thống đã chấm dứt 32 năm cầm quyền của đảng này, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của Inđônêxia.

Tình hình chính trường Inđônêxia tiếp tục còn những diễn biến phức tạp. Hy vọng với đội ngũ lãnh đạo có kinh nghiệm, một Nội các đoàn kết Inđônêxia sẽ mau chóng ổn định tình hình, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và lấy lại uy tín của mình là nước lớn ở khu vực, có tiếng nói trên trường quốc tế.

2. Cuộc tổng tuyển cử ở Malaixia:

Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội lần thứ 10 kể từ khi Malaixia giành độc lập được tiến hành vào ngày 29/11/1999.( Theo kế hoạch là vào tháng 6/2000).

Trước đó, ngày 10/11 thủ tướng Mahathia đã công bố giải tán Quốc hội và Tổng tuyển cử được quyết định tiến hành vào ngày 29/11/1999. Các đảng phái chính trị đã tham gia tranh cử giành 193 ghế nghị sỹ Quốc hội và 394 ghế nghị sỹ các bang ở MLS.. Các đảng phái chỉ có hơn 2 tuần để vận động tranh cử.

Mặt trận quốc gia Barisan National (BN) do thủ tướng Mahathia làm chủ tịch mà nòng cốt là Đảng Mặt trận dân tộc UMNO và 13 đảng khác trong liên minh cầm quyền. Liên minh BN chỉ dùng biểu tượng của Liên minh là chiếc cân công lý để tiến hành vận động bầu cử với hy vọng giành áp đảo với 2/3 số phiếu để tự mình đứng ra lập chính phủ và giành một kỷ lục thắng lợi liên tiếp trong 42 năm cầm quyền ở một bán đảo 32 triệu dân với thu nhập bình quân 3000 USD/năm.

Với bộ máy vận động bầu cử có kinh nghiệm và được tổ chức khoa học, BN nổi rõ là lực lượng mạnh ở hầu hết mọi nơi. Ngày 21/11 BN đã đưa ra một tuyên ngôn có tính thuyết phục và sát hợp với quyền lợi mọi tầng lớp nhân dân.

Mặt trận lựa chọn , được gọi là Mặt trận đối lập, gồm 4 đảng chính:

- Đảng hành động dân chủ DAP, đảng của những người gốc Hoa, ủng hộ ông Anwar Ibrahim vì coi ông ta là nạn nhân của sự bất công hiện nay.

- Đảng Hồi giáo chính thống Malaixia PAS, là một đảng bảo thủ, ủng hộ ông Ibrahim.

- Đảng nhân dân Malaixia PRM.

- Đảng công lý quốc gia Keadilan-NJP, của bà Iwan Ismail, vợ của Anwar Ibrahim.

Về hình thức, đây là cuộc chạy đua giữa hai lực lượng đối lập nhau trong cuộc tổng tuyển cử, nhưng thực chất, cái đích chung của hai mặt trận là khác nhau. BN là lực lượng cầm quyền, có kinh nghiệm lãnh đạo đất nước và nhiều thành công trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Mục đích của BN là phải giành được 2/3 số phiếu bầu Quốc hội để tiếp tục lãnh đạo đất nước. Trong khi Liên minh lựa chọn chỉ có tham vọng ngăn không cho BN giành được đa số 2/3 phiếu bầu để đưa cựu phó thủ tướng Anwar lên làm thủ tướng trong khi ông này đang bị cầm tù 6 năm, mà theo luật hiện hành thì mãn hạn tù 5 năm sau mới được ra tranh cử. Điều này cho thấy Anwar chỉ là con bài để họ tập hợp lực lượng chống lại BN.

Sáng ngày 29/11/99, khoảng 9,7 triệu cử tri MLS đã đi bỏ phiếu. 52 nghìn cảnh sát đã được huy động để đảm bảo an ninh tại các địa điểm bỏ phiếu. Cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong không khí cạnh tranh hoà bình.

Kết quả bầu cử:

Liên minh cầm quyền BN do thủ tướng Mahathia làm chủ tịch đã thắng áp đảo trong bầu cử đạt 149/194 ghế trong Quốc hội Liên bang và 279/393 ghế tại các nghị viện ở 9 bang và được quyền cử thống đốc ở 9 bang này.

Liên minh đối lập giành được 45 ghế, nhưng đáng chú ý là đảng Hồi giáo chính thống PAS thắng áp đảo ở bầu nghị viện ở 2 bang Kelantan và Tenraganu và được quyền cử thống đốc ở 2 bang này.

Kết quả tổng tuyển cử cho thấy Liên minh cầm quyền đã đạt được mục tiêu đề ra trước bầu cử là giành 2/3 ghế tại Quốc hội. Tuy vậy, việc đảng Hồi giáo chính thống thắng áp đảo ở 2 bang, trong đó có bang Tenraganu là quê hương của ông Mahathia là do sự phản đối của người Hồi giáo đối với việc cách chức ông Ibraham. Thắng lợi của Liên minh cầm quyền là do kết quả của những cải cách kinh tế mà chính phủ đang thực hiện và vai trò lãnh đạo, uy tín của ông Mahathia. Thắng lợi lần này là lần thứ 5 liên tiếp của ông và đảng UMNO. Thắng lợi này cũng góp phần đẩy lùi những bất ổn chính trị và cho phép chính phủ mới đẩy nhanh hơn nữa cải cách kinh tế. Kết quả bầu cử cho thấy phong trào dân chủ ở nước Inđônêxia và sự kiện Đông Timo, Axê thuộc Inđônêxia đã ảnh hưởng không lớn tới xu thế dân chủ ở Malaixia. Những lá phiếu mà các phe đối lập nhận được nhiều hơn kỳ bầu cử trước có thể chỉ là phản ánh sự phản đối đảng UMNO hơn là sự ủng hộ cho các đảng đối lập. So với tổng tuyển cử lần trước, UMNO mất đi 20% số ghế ở Quốc hội. Tuy vậy, Liên minh đảng cầm quyền vẫn đủ mạnh để lãnh đạo đất nước. Vượt qua khủng hoảng kinh tế, chính phủ Mahathia đã chứng tỏ là một chính phủ có bản lĩnh, có khả năng chèo lái con thuyền đất nước trong những thời điểm khó khăn. Tự chủ, tự cường, bảo vệ chủ quyền đất nước là những yếu tố quan trọng tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ của đảng cầm quyền.

3.Thái Lan:

Tình hình chính trị, nội bộ Thái Lan trong năm 1999 tiếp tục ổn định. Liên minh chính phủ do đảng Dân chủ của thủ tướng Chuan Leekpai làm nòng cốt tuy chưa thật thống nhất trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế, nhưng chưa xuất hiện những rạn nứt lớn khiến phái đối lập có thể lợi dụng, kích động dư luận để làm suy yếu vị thế của chính phủ hiện nay. Tháng 7/99, Thái Lan đã tiến hành cải tổ Nội các do 3 bộ trưởng và thứ trưởng từ chức cuối tháng 6/99. 3 người này thuộc đảng Hành động xã hội trong liên minh chính phủ.

Trong 2 năm cầm quyền, chính phủ của thủ tướng Chuan Leekpai đã hạn chế được những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế đang từng bước phục hồi tuy tốc độ chưa nhanh nhưng xuất khẩu đã tăng. Chính phủ đã để cho 56 ngân hàng suy sụp phá sản. Đồng Bạt đã dần ổn định so với đông đôla, giới đầu tư nước ngoài lại bắt đầu quan tâm đến Thái Lan. Trong khi đó, các đảng phái đối lập tích cực hoạt động, tấn công vào điểm yếu của chính phủ là vấn đề tham nhũng và đòi giải tán Hạ viện. Liên minh cầm quyền đã chống tham nhũng bằng việc mở cuộc điều tra làm rõ hành vi phạm pháp của một số quan chức ngân hàng quốc doanh nhằm tăng thêm hình ảnh trong sạch cuả đảng Dân chủ và nâng cao uy tín của đảng này. Ngày 20/12/99 chính phủ của thủ tướng Chuan Leekpai đã vượt qua được cuộc thảo luận bất tín nhiệm chính phủ tại Quốc hội kéo dài từ ngày 15 đến ngày 20/12/99. Kết quả cuộc bỏ phiếu là 225 phiếu thuận/ 125 phiếu chống và 13 nhà làm luật thuộc phe đối lập bỏ phiếu trắng.

Về đối ngoại: chính phủ đã thành công trong việc đưa quân tham gia lực lượng quốc tế ở Đông Timo, giải quyết ổn thoả vụ chiếm đại sứ quán Mianma ở Băngcốc và giải thoát con tin. Quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật bản vẫn tiếp tục được phát triển. Đồng thời, Thái Lan cũng coi trọng thúc đẩy các quan hệ nhiều mặt với các nước láng giềng, tích cực xúc tiến tiến trình thực hiện dự án xây dựng Hành lang Đông - Tây, phát triển hợp tác với các nước Đông Dương.

4. Campuchia:

Tình hình nội bộ Campuchia tiếp tục đi vào ổn định và có nhiều cải thiện. Chính phủ thực hiện 3 chương trình:

- Cải tổ lực lượng vũ trang : có kế hoạch giải ngũ 55.000 binh sỹ bằng cách cấp cho mỗi người 1200 đôla trong vòng 5 năm.

- Cải tổ nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi viện trợ nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế. Dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 1999 là 4%.

- Phát triển nông thôn, cải tổ lâm nghiệp.

Quan hệ hai đảng CPP và FUNCIPEC được cải thiện, 2 đảng vượt qua được giai đoạn tranh giành quyền lực và giải quyết những tồn tại.

Việc Quốc hội mới được thành lập do Ranaridth làm chủ tịch và thành lập Thượng viện do Chia Sim làm chủ tịch là kết quả của sự thoả thuận giữa hai đảng.

Quốc vương N. Xihanouk ân xá cho một số nhân vật, trong đố có thái tử Sirivuth Chakrapong sau khi Ranaridth đã giữ chức chủ tịch Quốc hội có thể là tính toán đến khả năng tăng cường lực lượng Hoàng gia và chuẩn bị cho thời kỳ hậu Xihanouk.

Tăng cường hoạt động đối ngoại nhằm tranh thủ viện trợ nước ngoài, thực hiện đa dạng hoá quan hệ, hội nhập khu vực và quốc tế. Thủ tướng Hunxen đi thăm các nước Đông Nam A' và Trung Quốc, khai thác, tranh thủ viện trợ của Nhật, Mỹ...

Việc Campuchia được kết nạp vào ASEAN không chỉ là thắng lợi ngoại giao của CPC mà còn là thắng lợi của sự đoàn kết ASEAN, đưa ĐNA thành một khu vực thống nhất, cho dù có những dư luận cho rằng một ASEAN -10 là một thắng lợi về hình thức chứ không phải thực chất.

Nhìn chung, tình hình CPC vẫn tiếp tục ổn định, hoà hợp dân tộc được tăng cường, các cải cách đang được thực hiện và nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc.

5. Các nước khác trong khu vực:

Trong năm qua tình hình tại các nước khác ở khu vực tiếp tục có sự ổn định về chính trị và kinh tế. Philippin tiếp tục duy trì những cải cách kinh tế từ thời tổng thống P. Ramos. Kinh tế Xingapore phát triển vững chắc do chính trị ổn định. Các nước Đông Dương cùng với Mianma, Thái Lan triển khai nhiều dự án hợp tác tiểu khu vực như về giao thông đường bộ, phát triển hành lang Đông-Tây. Tại Hội nghị cấp cao không chính thức ASEAN tháng 11 vừa qua, Thái Lan đã đưa ra dự án " phát triển du lịch giữa Thái Lan, Lào, Campuchia và Mianma nhằm thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với khu vực này. Đề nghị này đã được các thành viên khác của ASEAN ủng hộ. CHDCND Lào tiếp tục cải cách kinh tế, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh phát triển đất nước. Năm qua Việt Nam đã tăng cường các hoạt động đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị trong nước, duy trì phát triển kinh tế, lạm phát thấp, mức sống của người dân được cải thiện. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã nhận thức được những khó khăn trong phát triển kinh tế và đã có những điều chỉnh chính sách để tăng cường nội lực, nhằm đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2000 và những năm tới.

Nhìn chung tình hình chính trị nội bộ và kinh tế ở khu vực ĐNA trong năm 1999 có nhiều chuyển biến tích cực. Các nước có tổng tuyển cử như Inđônêxia và Malaixia đã nhanh chóng lập chính phủ mới. Vấn đề Đông Timo đã được giải quyết tuy ảnh hưởng của cuộc trưng cầu dân ý tại đây cũng phần nào gây lo ngại cho các nước có phong trào ly khai.

ASEAN đã triển khai thực hiện các nghị quyết được thông qua tại Hội nghị cấp cao 6 tại Hà nội là Chương trình hành động Hà Nội, kết nạp Campuchia là thành viên của ASEAN. Sự đoàn kết trong ASEAN còn được thể hiện qua việc nhất trí đưa ra Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông.

Trước mắt, một ASEAN 10 tuy có những mặt tích cực nhưng cũng có những mặt khó khăn trong duy trì sự đoàn kết trong đa dạng của ASEAN do sự phát triển về kinh tế không đồng đều của các thành viên Hiệp hội.

Về đối ngoại, nhìn chung các nước thành viên ASEAN tiếp tục giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, nhất là Mỹ, và Trung quốc, tranh thủ vốn, kỹ thuật của Nhật bản.

Xu hướng hợp tác khu vực ĐNA-ĐBA được thể hiện rõ trong truyên bố của 13 nước tại cuộc họp cấp cao không chính thức của ASEAN với nguyên thủ 3 nước Nhật Bản, Trung Buốc và Hàn Quốc cuối tháng 11/1999 tại Philippin.

ASEAN là một tổ chức khu vực của các nước đang phát triển, đã qua 32 năm sóng gió, vượt qua muôn vàn khó khăn để có một ASEAN-10 ngày nay, có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Hy vọng rằng sau thời kỳ điều chỉnh cơ cấu, phục hồi kinh tế, ASEAN sẽ có một sức sống mạnh mẽ, tự tin bước vào thế kỷ 21./.

Cùng chuyên mục