Số 35 - Báo cáo nội dung hội thảo: Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ Asean+3

11:49 29/03/2012

Báo cáo nội dung hội thảo: Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ Asean+3

Tác giả: Đặng Cẩm Tú.

Từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 8 năm 2000, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei đã diễn ra "Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN + 3" do Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Brunei Darussalam (BDIPSS) tổ chức. Tham dự Diễn đàn có khoảng 40 đại biểu, bao gồm những thành viên ASEAN-ISIS, các học giả từ các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trước ngày bắt đầu Diễn đàn, các thành viên ASEAN-ISIS tổ chức cuộc họp dành cho các lãnh đạo ASEAN-ISIS, bàn về Hội nghị cấp cao ASEAN và việc thực hiện "Chương trình hành động Hà Nội". Sau đây là những nội dung chính đã được thảo luận:

1. Về cuộc họp ASEAN-ISIS:

Các thành viên ASEAN-ISIS đã nhìn lại quá trình thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội trong hai năm vừa qua, đánh giá những thành tựu và những khó khăn, trở ngại, từ đó xác định hướng đi tiếp theo cho ASEAN nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn 2020.

Theo các đại biểu, từ 1998 đến nay, ASEAN đã có bước tiến trong một số lĩnh vực, biểu hiện qua:

- Gần 100 sáng kiến lớn và chương trình hoạt động;

- Các biện pháp kinh tế và tài chính, trong đó bao gồm việc phát triển cơ chế trợ giúp về tài chính trong khu vực, mở rộng phạm vi hoạt động của cơ chế này ra toàn bộ Đông A', thực hiện có hiệu quả cơ chế giám sát và đánh giá lẫn nhau, đẩy mạnh việc triển khai AFTA và thương mại điện tử trong ASEAN, tăng cường tự do đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, củng cố hợp tác trong công nghiệp và các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống thông tin liên lạc, giao thông và năng lượng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển du lịch;

- Thành lập Quỹ Khoa học và Công nghệ;

- Một số các dự án khả thi nhấn mạnh vai trò của các bên đối thoại trong việc tham gia tăng cường phát triển nguồn nhân lực và xã hội ở các nước ASEAN. Các đại biểu cho rằng thành công của Chương trình hành động Hà Nội là đã vạch ra được đường hướng hợp tác giữa ASEAN với các bên đối thoại.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu như vậy, các đại biểu cho rằng ở một chừng mực nào đó, thế mạnh của ASEAN đã giảm sút. Chiến tranh lạnh kết thúc làm giảm tầm quan trọng của ASEAN trong những ưu tiên chiến lược của phương Tây. Cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi tính toán làm ăn tại khu vực, một minh chứng rõ nét là dòng FDI vào ASEAN (trừ Singapore) năm 1999 đã giảm 21% so với năm 1998. ASEAN cũng không duy trì được lợi thế tương đối trong cạnh tranh với các khu vực khác như Mercosur, Trung Âu,... Thị phần của ASEAN trên thị trường Mỹ ngày càng thu hẹp trước sự cạnh tranh của Trung Quốc và Mêhicô. Trong thời đại công nghệ thông tin, ASEAN gặp bất lợi khi đa số các nước thành viên thiếu trang thiết bị, kỹ năng, cũng như môi trường pháp lý và chính sách hoàn chỉnh để phát triển và sử dụng công nghệ thông tin vào những mục tiêu phát triển chung. Ngoài ra, nạn cháy rừng, cải cách kinh tế chậm chạp, những vấn đề bất ổn trong từng quốc gia như cuộc khủng hoảng con tin ở Philippines, bạo loạn ở Indonesia, cũng góp phần làm suy giảm thế mạnh của ASEAN.

Trước thực trạng trên, các đại biểu đề xuất một số hướng phát triển cho ASEAN trong những năm tới: I) Tiếp tục cam kết hướng tới thực hiện chủ nghĩa khu vực, tăng cường hợp tác trong nội bộ ASEAN; II) Các nước thành viên dựa vào nhau để phát triển; III) Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa hai nhóm thành viên cũ và mới; IV) Cải thiện hình ảnh ASEAN, xây dựng ASEAN thành một điểm hẹn của du lịch, đầu tư, thương mại và trở thành một "diễn viên" tầm cỡ khu vực; V) Tăng cường khả năng thể chế hóa"....

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng các đại biểu đều nhất trí rằng cần phải có một cái nhìn nghiêm túc và sát thực về Hiệp hội, để từ đó xác định những biện pháp trước mắt cần thực hiện đối với từng nước thành viên và cả ASEAN với tư cách là một thể thống nhất, trong đó nỗ lực của từng quốc gia vẫn được nhấn mạnh. Những biện pháp đó bao gồm: 1) Khẳng định lại cam kết hợp tác của các nước thành viên, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển, trong đó chú trọng vai trò của khu vực tư nhân; 2) Đưa Hội nghị Cấp cao trở thành cơ chế lãnh đạo, đề ra những quyết định và thực hiện những hành động cần thiết; 3) Đẩy mạnh các chương trình hội nhập kinh tế trong ASEAN, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác lớn, tranh thủ sự giúp đỡ của bên ngoài; 4) Coi trọng giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về ASEAN, đặc biệt trong giới trẻ ở các nước thành viên, phát triển ngoại giao nhân dân ASEAN; 5) Các nước thành viên cũ khuyến khích và giúp đỡ các nước thành viên mới tham gia vào chương trình hợp tác chung của Hiệp hội, bằng cách đó đưa Hiệp hội tiếp tục phát triển song song với việc thu hẹp khoảng cách giữa hai nhóm nước; 6) Tham khảo kinh nghiệm của EU tận dụng lợi thế của tổ chức khu vực trong quan hệ với các đối tác lớn, đặc biệt là Mỹ, và để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa.

Tuy có một số ý kiến coi những mục tiêu và kế hoạch đề ra trong Tầm nhìn 2020 và Chương trình Hành động Hà Nội là quá cao, không sát với thực tế, song hầu hết các đại biểu đều công nhận hai văn kiện này chính là cơ sở cho các nước ASEAN hành động chung vì sự phát triển chung. Để thực hiện thành công những mục tiêu chung, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của chính phủ, quốc hội các nước, đồng thời coi trọng sự tham gia của khu vực tư nhân, giới kinh doanh, nhân dân, và đặc biệt của các học giả thông qua những hoạt động kênh II.

2. Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN + 3:

Về bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa khu vực Đông A':

Các đại biểu cho rằng trong những năm gần đây, ý thức về khu vực Đông A' ngày càng tăng lên, xuất phát từ một số yếu tố:

- Nhu cầu hợp tác tiểu khu vực Đông A' tăng lên do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong khu vực và hoạt động kém hiệu quả của các tổ chức khu vực và quốc tế như ARF, APEC, IMF, mà cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính 1997 là một minh chứng rõ nét;

- Sự không rõ ràng trong cam kết của Mỹ đối với khu vực khiến các quốc gia Đông A' lo ngại rằng Mỹ hoặc sẽ phớt lờ hoặc sẽ hành động đơn phương để giải quyết các vấn đề khu vực;

- Cơ cấu hợp tác ASEM và A' - Âu đưa các quốc gia Đông A' xích lại gần nhau để có chung tiếng nói trong quan hệ với các nhóm khu vực bên ngoài;

- Các lực lượng thị trường và các mối quan hệ kinh tế ngày càng gia tăng liên kết các nước ASEAN và ba nước Đông Bắc A' lại với nhau;

- Tiềm năng hợp tác và tầm quan trọng của việc phối hợp hành động giữa các nước nhằm giải quyết những vấn đề chung xuất hiện ngày càng nhiều và chia sẻ nguồn lực tự nhiên, con người, và công nghệ thông tin;

- Sự tương đồng về vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử giúp cho các nước Đông A' có thể thống nhất trong đa dạng;

- Các nước khu vực nhìn nhận hợp tác khu vực như một cách thức chống lại những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.

Tuy vậy, trong bối cảnh khu vực Đông A' cũng chứa đựng những nhân tố cản trở các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hợp tác với nhau. Trong số đó có thể kể đến sự đa dạng về nhiều mặt giữa các nước thành viên, chủ nghĩa dân tộc có chiều hướng lớn mạnh trong từng nước, tầm quan trọng của Mỹ trong khu vực khiến các nước tiếp tục phải dựa vào hoặc tranh thủ quan hệ với Mỹ, những ngờ vực và bất đồng trong quan hệ Nhật - Trung.

Bối cảnh như trên đã quyết định hình thức và chương trình hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Về hình thức hợp tác, các đại biểu cho rằng:

- Đông A' nên là một nhóm hợp tác mở và linh hoạt, là liên hiệp giữa các nước có ý thức sẵn sàng hợp tác (Coalitions of the Willing) để giải quyết những vấn đề chung, không nên là một khối khép kín. Theo đó, các nước thành viên sẽ thảo luận và (nếu có thể) thoả thuận về một quan điểm chung trước khi đưa ra các diễn đàn lớn hơn.

- Hợp tác Đông A' cần được tiến hành theo các lĩnh vực khác nhau, không theo khuôn khổ hợp tác chính trị cứng nhắc. Theo các đại biểu, hợp tác chuyên ngành chính là cách thức để khu vực Đông A' có thể đối phó với các vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.

- Vai trò lãnh đạo nhóm hợp tác Đông A' có thể tuỳ thuộc vào từng vấn đề và lĩnh vực hợp tác.

Nhằm tiến tới xây dựng một cộng đồng Đông A' trong đó các nước hợp tác hiệu quả với nhau, các đại biểu đều nhất trí rằng các nước Đông A' cần đưa ra được những sáng kiến thiết thực và hợp lý nhằm thu hút tất cả 13 nước tham gia, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, nâng cao khả năng đạt được sự đồng thuận trong đa dạng về quan điểm và văn hóa; từ đó tiến tới xây dựng Tầm nhìn 2020 cho ASEAN + 3 với những mục tiêu sát thực.

Theo các đại biểu, chương trình nghị sự về hợp tác ASEAN + 3 cần tập trung vào một số trọng tâm sau:

- Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt trong phát triển nguồn nhân lực, nhằm tạo cơ sở vật chất cho sự hợp tác trong các lĩnh vực khác;

- Tăng cường sự tham gia của nhân dân và sự giao lưu giữa nhân dân các nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm hình thành ý thức của nhân dân Đông A' về một bản sắc chung, một nền hoà bình và ổn định chung (các đại biểu Thái Lan đặc biệt nhấn mạnh điểm này). Để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về tầm quan trọng của khu vực và hợp tác khu vực , các đại biểu nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục giữa các nước ASEAN + 3, tăng thêm các chương trình trao đổi học thuật, các hoạt động văn hóa chung...

- Đề ra các dự án hợp tác cụ thể, có khả năng thu được kết quả thực tế, không nên đẩy quá nhanh tiến trình hợp tác bằng những kế hoạch lớn, nhiều tham vọng, trong đó phát huy vai trò của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ;

- Tăng cường trao đổi ý kiến giữa các viện nghiên cứu chiến lược, tổ chức các diễn đàn, hội thảo giữa các học giả và quan chức chính phủ, từ đó nêu kiến nghị lên chính phủ các nước. Các đại biểu cho rằng chính phủ và quốc hội các nước vẫn là những cơ quan chủ chốt có tác động quyết định đối với tiến trình hợp tác ASEAN + 3.

Về những hệ lụy của tiến trình hợp tác ASEAN + 3 đối với khu vực và thế giới:

Đa số các đại biểu đều chia sẻ ý kiến cho rằng ASEAN + 3 không phải là một cơ chế thay thế cho các cơ chế hợp tác khu vực đang tồn tại như APEC và ARF, sáng kiến của ASEAN + 3 về Quỹ tiền tệ châu A' (AMF) cũng không nhằm thay thế Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Hợp tác ASEAN + 3 có thể coi là một bước đệm cho các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc hội nhập tốt hơn vào khu vực và thế giới, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Vì vậy, trong khi đẩy mạnh hợp tác Đông A', các nước khu vực vẫn cần tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác, làm cho các nước, các khu vực khác hiểu rõ mục tiêu hợp tác, tránh những hiểu lầm và nghi kỵ từ phía các đối tác bên ngoài.

Nhận xét chung:

Nhìn chung, Hội thảo diễn ra trong bầu không khí trao đổi thẳng thắn và cởi mở. Mặc dù các ý kiến nêu ra khác nhau xuất phát từ những cách tiếp cận không giống nhau, song các đại biểu đều nhất trí về một điểm rằng hợp tác ASEAN + 3 là cần thiết và có tầm quan trọng rất lớn đối với các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay. Sự hợp tác này xuất phát từ nhu cầu hợp tác chung và phục vụ lợi ích chung. Quá trình xây dựng cộng đồng Đông A' có thể được xem là quá trình liên kết Đông Nam A' với Đông Bắc A', đồng thời liên kết các nước Đông Bắc A' lại với nhau theo con đường Đông Nam A' đã đi, và đó cũng sẽ là biểu hiện cho sự thành công của hợp tác Đông A'. Các đại biểu đều thống nhất quan điểm cho rằng muốn xây dựng Đông A' thịnh vượng và phát triển thì trước tiên ASEAN phải mạnh, và hiện nay chính là lúc các nước ASEAN cần xem xét lại quá trình phát triển của ASEAN để có thể đề ra được những bước đi thích hợp trong giai đoạn tới, nhằm đưa ASEAN trở thành một tổ chức khu vực thành công và một cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa các nước Đông Nam A'.

Đây là cuộc họp kênh II đầu tiên giữa các nước ASEAN + 3 được tổ chức theo sáng kiến của Brunei. Các đại biểu đều cho rằng các cuộc họp như vậy là bổ ích và mong muốn có thêm nhiều cuộc họp kênh II của ASEAN + 3 cùng với các cuộc họp kênh II ASEAN. Các đại biểu đề xuất việc viết báo cáo về các cuộc họp này, gửi lên các chính phủ để tham mưu cho chính phủ các nước trong việc hoạch định chính sách thúc đẩy hợp tác ASEAN và ASEAN+ 3./.

Cùng chuyên mục