Big Tech và “lỗ hổng” an ninh quốc gia của Mỹ

15:13 31/03/2020

Nguyễn Lan Phương

Khoa Kinh tế Quốc tế, Hội viên Galileo, Học viện Ngoại giao

 Tóm tắt Bài luận: Ganesh Sitaraman, “Too Big to Prevail: The National Security Case for Breaking Up Big Tech,” Foreign Affairs, March/April 2020.

Nguồn ảnh minh họa: https://businessmirror.com.ph

Từ tháng 9 năm 2019, Facebook, Google, phải đối mặt với 4 cuộc điều tra chống độc quyền [1]. Amazon và cả Apple cũng đang nằm trong tầm ngắm. Việc tiến hành điều tra diện rộng “Big Tech” - những tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ- đã và đang gây ra nhiều tranh cãi. Đứng trên góc độ an ninh quốc gia, trong bài nghiên cứu của mình, Ganesh Sitaraman - tác giả của cuốn sách “The Great Democracy: How to Fix Our Politics, Unrig the Economy, and Unite America” - nhận định phá vỡ thế độc quyền của Big Tech sẽ đảm bảo an ninh quốc gia, tự do dân chủ và sức cạnh tranh của Mỹ đối với các đối thủ khác trên thế giới.Lập luận trên được xây dựng trên 3 luận điểm chính. Thứ nhất, việc duy trì các tập đoàn công nghệ lớn không những không giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc, mà còn có thể giúp Trung Quốc mạnh lên. Microsoft, Apple, Google và cả Facebook đều có những kế hoạch và hành động nỗ lực để xâm nhập thị trường hàng tỷ dân này. Việc các tập đoàn của Mỹ hợp tác với các công ty có liên quan đến chính quyền của Trung Quốc gây ra lo ngại những quy trình kĩ thuật có thể bị tiết lộ cho chính phủ và quân đội Trung Quốc, phần nào hỗ trợ phổ biến “mô hình độc tài kĩ thuật số” ra khắp thế giới. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc về kinh tế sẽ tạo ra các đòn bẩy chính trị. Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng công cụ kinh tế vì mục đích chính trị, điển hình là để trả đũa Hàn Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ THAAD vào năm 2017. Về phần các tập đoàn công nghệ của Mỹ, họ đang thay đổi để không làm mếch lòng các nhà cầm quyền Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng mục đích duy nhất của tập đoàn là tối đa hóa lợi ích của cổ đông. Vì vậy, các công ty có khả năng ủng hộ các chính sách công hỗ trợ cho các lợi ích đó ngay cả khi nó đi ngược lại lợi ích quốc gia.Thứ hai, sự tồn tại của các tập đoàn lớn với thế độc quyền không nhất thiết đảm bảo nước Mỹ duy trì sự đi đầu về công nghệ. Có ý kiến cho rằng công ty có thời gian và nguồn lực để đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và sáng tạo, mặc dù tỷ lệ thành công là rất nhỏ nhưng lại là tiềm năng cho đổi mới công nghệ và từ đó mang lại lợi ích cho khả năng cạnh tranh và an ninh quốc gia. Những người này cũng đang ủng hộ cho chính sách “National Champions” (tạo lập các doanh nghiệp quốc gia tiên phong) [2]. Tác giả cho rằng chính sách trên trên thực tế kiềm chế phát triển công nghệ. Theo ông, đổi mới công nghệ bắt nguồn từ cạnh tranh chứ không phải độc quyền. Chính sách “National Champions” có thể khiến cho các công ty chậm đổi mới và “ngủ quên trên vinh quang”. Minh chứng là cuộc đua giành thế độc quyền trong ngành công nghiệp điện tử giữa Mỹ và Nhật Bản những năm 1980. Trong khi Nhật Bản đã chọn bảo vệ các nhà vô địch quốc gia của mình như NEC, Panasonic và Toshiba thì Mỹ đã kiểm tra chống độc quyền với IBM. Kết quả là cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ sau đó đã tạo ra không gian cho một loạt các công ty phần cứng và phần mềm khác như Apple, Lotus và Microsoft phát triển. Từ đó có thể thấy cạnh tranh đã dẫn đến sự đổi mới và tạo ra một số công ty tiên tiến nhất của thời đại. Một điểm yếu nữa của mô hình “National Champions” là những công ty khi được bảo hộ theo mô hình này sẽ có động cơ để che dấu những đột phá công nghệ của thể gây suy yếu thị trường của họ, ví dụ như trường hợp của phòng thí nghiệm Bell và đế chế viễn thông AT&T. Ngoài ra, đầu tư công vào R&D sẽ trở thành một động lực thúc đẩy phát triển rất lớn. Phạm vi nghiên cứu rộng hơn và không chỉ đơn thuần mang mục đích thương mại. Theo quan điểm của các nhà kinh tế Jonathan Gruber và Simon Johnson, đầu tư công có thể khắc phục những mất cân bằng địa lý và thúc đẩy phát triển kinh tế ở các thành phố hạng trung trên khắp nước Mỹ.Thứ ba, việc các tập đoàn công nghệ khổng lồ cung cấp các dịch vụ cho chính phủ và quốc phòng có thể trở thành mối đe dọa với an ninh quốc gia. Đã xảy ra trường hợp một nhà thầu quốc phòng thừa nhận gian lận trong một vụ kiện về cung cấp vũ khí không đảm bảo nhưng vẫn tiếp tục nhận được các hợp đồng của chính phủ. Khả năng này có thể xảy ra với các tập đoàn công nghệ. Khi an ninh quốc gia quá phụ thuộc vào công nghệ, Lầu Năm góc sẽ bị lệ thuộc vào Big Tech. Trên cơ sở đó, Ganesh Sitaraman ủng hộ các đề xuất để phá vỡ thế độc quyền và quản lý các công ty công nghệ lớn và cho rằng đảm bảo môi trường cạnh tranh và tang đầu tư công vào R & D là con đường tốt nhất để tiến tới đổi mới.Bài luận ngắn của Ganesh Sitaraman quả thực hết sức thú vị, chỉ ra nhiều khía cạnh khác nhau của mối quan hệ giữa Big Tech và bộ máy an ninh quốc gia của Mỹ. Nhìn vào nền chính trị Mỹ, có thể thấy dấu hiệu “gió đã đảo chiều” trong mối quan hệ giữa Thung lũng Silicon và Washington D.C. Trong nhiều năm, các chính trị gia Dân chủ coi các giám đốc điều hành và các ông chủ tại Thung lũng Silicon là những đồng minh, những nhà tài trợ trung thành. Tuy nhiên, mối quan hệ này trở nên tồi tệ sau một loạt các vụ bê bối công nghệ liên quan đến sự can thiệp bầu cử của nước ngoài, truyền bá thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch trên phương tiện truyền thông xã hội, và đặc biệt là quyền riêng tư dữ liệu. Không quá ngạc nhiên, trong chiến dịch tranh cử 2020, nhiều ứng cử viên Dân chủ cho rằng cần phá vỡ Big Tech [3].Mặc dù vậy, với luật chống độc quyền hiện hành của Mỹ, trong đó chủ yếu vào đánh giá ảnh hưởng của các công ty đến giá cả sản phẩm cho người tiêu dùng, việc phá vỡ Big Tech có thành công. Nếu chính phủ thua kiện một trong những công ty công nghệ lớn sẽ tiền lệ xấu cho việc thực thi chống độc quyền trong tương lai. Vì vậy, lập luận của Ganesh Sitaraman dù là hợp lý, nhưng không dễ thực thi. Trong tương lai, chính phủ Mỹ cần thông qua những đạo luật mới để phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ, toàn diện Big Tech và hoạt động của các nền tảng kỹ thuật số. Đây là một thách thức chính trị không dễ vượt qua vì những chính sách mới sẽ phải đối mặt với sự vận động hành lang mạnh mẽ từ những công ty công nghệ đã có quá nhiều quyền lực. Chú thích:   

Cùng chuyên mục