Lịch sử hình thành và phát triển

00:00 08/01/2024

Học viện Ngoại giao tiền thân là Trường Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao được thành lập ngày 17/6/1959, được đổi tên thành Học viện Quan hệ Quốc tế (1992-2007) sau khi sáp nhập vào Viện Quan hệ Quốc tế; trở thành đơn vị cấp Tổng cục và đổi tên thành Học viện Ngoại giao từ năm 2008 đến nay.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Học viện Ngoại giao là một trong những cơ sở nghiên cứu, đào tạo hàng đầu khu vực về quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại và bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại với 15 đơn vị trực thuộc với trên 300 viên chức và người lao động, trong đó có gần 20 Giáo sư, Phó Giáo sư, số lượng viên chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chiếm 60% tổng số viên chức và người lao động của Học viện.

Học viện hiện có trên 7.000 người học các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới. Năm học 2023-2024, Học viện có 08 chương trình đào tạo bậc đại học, 03 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, 02 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ trong đó 05 chương trình đào tạo đại học đã được kiểm định quốc gia. Dự kiến Học viện sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, ngành học từ nay đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội. 

Về nghiên cứu, Học viện tổ chức nghiên cứu, tổng hợp và dự báo chiến lược về tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông, quan hệ quốc tế, các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, luật pháp, văn hóa và chính sách đối ngoại của các quốc gia và vùng lãnh thổ, tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng, hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Học viện có hai đơn vị nghiên cứu là Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao thành lập năm 2008, Viện Biển Đông thành lập năm 2012.

Về công tác đào tạo-bồi dưỡng, Học viện được giao chủ trì triển khai và xây dựng 03 đề án đào tạo-bồi dưỡng lớn của Chính phủ với quy mô hàng trăm khóa học và các buổi trao đổi, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm để tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ của Bộ Ngoại giao; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về đối ngoại, hội nhập quốc tế cho các bộ, ngành, địa phương; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân và từng bước mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội.

Công tác thông tin-tư liệu cũng tiếp tục được chú trọng với việc nâng cao uy tín của Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, triển khai thư viện số, triển khai việc truy cập các nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu của Bộ Ngoại giao và Học viện. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, giảng dạy và tăng cường chuyển đổi số cũng là những mục tiêu ưu tiên của Học viện trong thời gian qua.

Về hợp tác quốc tế, Học viện là thành viên Mạng lưới các Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ASEAN (ASEAN-ISIS), Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP), Nhóm chuyên gia và các nhân vật uy tín (EEPs) ARF, Mạng lưới nghiên cứu xung đột Đông Nam Á, Hội nghiên cứu chính trị và quốc tế châu Á (APISA), Mạng lưới các viện nghiên cứu chiến lược Đông Á (NEAT), Hiệp hội các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC), Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mê Công (GCMS), Mạng lưới quốc tế các diễn đàn Pháp ngữ Senghor (RICSF)… Học viện đã ký trên 100 biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới, có cơ chế đối thoại song phương thường niên với các đối tác như Viện Nghiên cứu quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR), Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS), Viện Quan hệ quốc tế Nhật Bản (JIIA), Học viện Ngoại giao Lào (IFA), Học viện Ngoại giao Ôxtrâylia, Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu quốc phòng New Delhi…

Những thành quả trên các mặt hoạt động trong 65 năm qua đã giúp Học viện tiếp tục có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu, xác lập vị trí là một trong những cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng hàng đầu Việt Nam về quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế và ghi danh vào nhóm các trường đại học có vị thế cao của Việt Nam (xếp hạng Nhất về tiêu chuẩn chất lượng người học Trong bảng xếp hạng 100 trường đại học của Việt Nam năm 2023).

Với những thành tựu đã đạt được, Học viện Ngoại giao đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao tặng nhiều phần thưởng cao quý như:

- Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009;

- Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2019;

- Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1994;

- Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2004;

- Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1999;

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Hội nghị cao cấp Pháp ngữ lần 7).