Tiến sĩ Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao được bầu làm Chủ tịch Hội Luật Quốc tế châu Á
Ngày 25/11, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao TS. Phạm Lan Dung đã được bầu làm Chủ tịch Hội Luật Quốc tế châu Á (AsianSIL). Trên cương vị mới, TS. Phạm Lan Dung đã có lá thư chào mừng đầu tiên sau khi nhậm chức.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung đã vinh dự trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên giữ vị trí Chủ tịch thứ tám của Hội Luật Quốc tế giai đoạn 2023 - 2025. Với mong muốn gìn giữ và phát triển hệ thống luật pháp quốc tế, trong nhiệm kỳ sắp tới, TS. Phạm Lan Dung đã kêu gọi và hy vọng các học giả trong khu vực và trên toàn thế giới sẽ cùng nhau chung tay nâng cao nhận thức và thúc đẩy tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế qua các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa.
Toàn văn lá thư chào mừng của TS. Phạm Lan Dung trên cương vị Chủ tịch Hội Luật Quốc tế châu Á (AsianSIL):
Xin nồng nhiệt chào mừng tất cả các bạn đến với trang web chính thức của Hội Luật quốc tế châu Á (AsianSIL).
Tôi rất vinh dự được bầu làm Chủ tịch thứ tám của AsianSIL. Tôi hết sức trân trọng nỗ lực của những người tiền nhiệm đã thúc đẩy tầm nhìn và sứ mệnh của AsianSIL kể từ năm 2007 đến nay.
Thế giới đang biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt, trên các khía cạnh từ chiến lược, kinh tế, xã hội đến công nghệ. Khu vực của chúng ta cũng vậy.
Do đó, vai trò của luật pháp quốc tế trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng toàn cầu cũng như điều chỉnh hành vi của các bên và hình thành một trật tự thế giới ổn định có lợi cho tăng trưởng và phát triển ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Chúng ta may mắn được sống ở một trong những khu vực tăng trưởng năng động nhất trên thế giới nhưng cũng không kém phần phức tạp.
Để nắm bắt được cơ hội từ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và tiến bộ nhanh chóng về công nghệ trong khi có thể kiểm soát được các thách thức địa chiến lược, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo môi trường an ninh và ổn định.
Thông qua việc chung tay đề cao luật pháp quốc tế, chúng ta có thể duy trì trật tự trong bối cảnh phức tạp và tăng cường hợp tác ứng phó với những bất trắc.
Tôi vui mừng nhận thấy, Hội Luật quốc tế Châu Á của chúng ta đang phát triển theo đúng định hướng đề ra. Chúng ta đã tổ chức thành công hai Hội nghị định kỳ hai năm một lần, một Hội nghị giữa kỳ và nhiều hội thảo, khóa đào tạo chuyên đề được AsianSIL tổ chức hoặc bảo trợ.
Tạp chí học thuật hàng đầu của chúng ta, Tạp chí Luật Quốc tế châu Á, tiếp tục nhận được những đóng góp giá trị từ các học giả nổi tiếng ở châu Á và trên thế giới.
Để đảm bảo rằng, sứ mệnh mà chúng ta đang theo đuổi được tiếp tục truyền lại cho các thế hệ tương lai, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và hỗ trợ các luật gia trẻ.
Với quyết tâm đó, tôi hy vọng rằng, các học giả ở châu Á và trên khắp thế giới sẽ tiếp tục chung tay với các thành viên của AsianSIL trong việc hiện thực hóa nhiệm vụ cao cả về nâng cao nhận thức và tôn trọng luật pháp quốc tế thành các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa.
Tôi rất mong được gặp bạn tại Hội nghị giữa kỳ ở Kazakhstan vào giữa năm 2024 sắp tới. Tôi cũng rất vui mừng được chào đón các bạn đến với Hội nghị thường kỳ hai năm một lần sẽ diễn ra vào năm 2025 tại Hà Nội - Thành phố hòa bình và mảnh đất Rồng bay.
Cuối cùng, tôi hết sức mong muốn các học giả, những người hành nghề luật và sinh viên theo học ngành luật quốc tế ở khu vực và trên thế giới, những người có cùng định hướng với AsianSIL, sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động của chúng tôi và trở thành thành viên của Hội Luật quốc tế Châu Á".
Xin trân trọng cảm ơn!
Trân trọng,
Tiến sĩ Phạm Lan Dung
Chủ tịch Hiệp hội Luật Quốc tế Châu Á
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Hiệp hội Luật quốc tế Việt Nam.