Bùi Thị Tuyết: Trưởng thành và tự tin

03:05 26/04/2012

Thái độ học tập nghiêm túc và có nhiều thành công trong học tập, luôn chủ động, hết mình, năng động và chuyên nghiệp trong công việc. Đó là những nhận xét mà rất nhiều sinh viên dành cho Bùi Thị Tuyết, sinh viên của khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao khóa 35. Ngày hôm qua, tôi đã có một cuộc nói chuyện ngắn với chị và có những chia sẻ thú vị.

PV: Luôn nổi bật với thành tích học tập rất đáng ngưỡng mộ, tinh thần học tập rất cao, vậy chị có bí quyết nào để luôn có thái độ tích cực trong học tập và học tập một cách hiệu quả?

Mình nghĩ là không có bí quyết gì đặc biệt, điều quan trọng là có quyết tâm và một phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Để có được quyết tâm cần phải xác định mục tiêu rõ ràng cho tương lai và phấn đấu cho mục tiêu ấy.

Về phương pháp học, mình thấy có 3 điểm quan trọng. Một là, bạn nên phân loại các môn học theo tầm quan trọng, lợi ích thực tế mà nó có thể mang lại cho bản thân, tránh việc học dàn trải, đồng thời bạn sẽ có nhiều thời gian để dành cho những niềm đam mê khác của mình hoặc các công tác xã hội ngoài việc học tập.

Hai là, các mối quan hệ tốt có đóng góp rất quan trọng cho việc học tập. Mình quen biết nhiều anh chị khóa trên và cả các bạn ở các khoa khác nữa, những mối quan hệ như thế giúp chúng ta học hỏi được những kinh nghiệm vô cùng quý báu. Vì vậy hãy tận dụng bất kì “cơ hội vàng” nào để kết bạn và có những mối quan hệ tốt nhé.

Ba là, quá trình nghe giảng trên lớp rất quan trọng. Chỉ cần tinh ý một chút, khi nghe giảng các bạn có thể thấy các thầy cô muốn chúng ta chú trọng phần nào, yêu cầu của mỗi thầy cô cũng khác nhau và điều đó thể hiện trong phần giảng bài của họ, nhất là các câu hỏi mở rộng cần sự tư duy, các bạn nên ghi chép cẩn thận phần giải đáp của các thầy cô bởi vì thế nào chúng cũng sẽ cần thiết cho bài thi cuối cùng. Như vậy là cũng ngồi nghe giảng như tất cả mọi người nhưng một chút tập trung và tỉnh táo sẽ giúp bạn tiếp thu hiệu quả hơn đấy!

PV: Không chỉ nổi bật với thành tích học tập, chị còn có khả năng tiếng Anh được so sánh “như một người bản xứ”. Chị đã làm thế nào để không sợ phải học môn này và học tốt?

Ồ, có người so sánh tiếng Anh của mình như của người bản xứ sao? Nếu vậy là có dành cho mình chút ưu ái rồi, vì ở khoa khác thì mình không biết chứ ở khoa chính trị có nhiều cao thủ tiếng Anh lắm, và các bạn ý còn giỏi hơn mình nhiều. (cười)

Theo mình, ngôn ngữ là thứ cần được tiếp thu tự nhiên chứ không thể gò bó, giống như là nước mưa thấm dần vào đất vậy, vì thế cần có thời gian và sự chăm chỉ, bền bỉ. Bạn có thể học tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi bằng cách xem phim, nghe nhạc, đọc báo Tiếng Anh trên thư viện...đặc biệt là khi có cơ hội được nói, hãy nói thật nhiều, đừng sợ sai. Có ai là giỏi ngay từ đầu đâu cơ chứ, vì vậy bạn hãy cố gắng thể hiện mình càng nhiều càng tốt, có như vậy mới biết mình còn yếu ở điểm nào để sửa chữa và hoàn thiện mình hơn. Mình thừa nhận là bản thân mình có chút năng khiếu với môn này nên mình tiếp thu rất nhanh và nhớ rất lâu, nhưng nó chỉ đóng vai trò nhỏ thôi, quan trọng là nỗ lực và lòng kiên trì. Bạn cũng không nên mặc cảm khi nghĩ mình không có điều kiện tốt để học Tiếng Anh thì làm sao mà giỏi bằng bạn nọ, bạn kia, mà hãy luôn nghĩ rằng cơ hội là như nhau cho tất cả mọi người, nếu mình không bằng người ta thì chỉ đơn giản là mình chưa cố gắng.

PV: Với khả năng và thành tích của mình, chắc hẳn chị luôn nhận được rất nhiều kỳ vọng từ gia đình và bạn bè. Vậy, trong trường hợp điểm số không được cao và không làm chị vừa ý, chị cảm thấy thế nào?

Điểm số là kết quả của những cố gắng của chúng ta, bỏ ra bao nhiêu thì nhận được bấy nhiêu, cho nên nếu có khi điểm số không được cao thì bản thân mình thấy cũng là do mình thôi, không thể trách móc ai hay cay cú, đau khổ được (cười). Vấn đề là nếu như mình đã bỏ công sức và đầu tư rất nhiều tâm huyết mà kết quả lại không như mong đợi thì phải xem lại đấy, mình sẽ tìm hiểu nguyên nhân tại sao (bằng cách hỏi thầy cô chẳng hạn) rồi rút kinh nghiệm cho những lần sau. Nếu nói “với mình chuyện điểm giả không quan trọng” thì là nói dối, song mình nghĩ bài học từ những sai lầm đã mắc phải còn có ý nghĩa hơn rất nhiều.

PV: Ngoài ra, em còn được biết bên cạnh việc học chị cũng đang đi làm thêm. Chị có thể cho mọi người biết về công việc của chị không ạ? Công việc này có liên quan nhiều đến những gì chị được học tại Học viện?

Mình đi làm thêm từ rất sớm (năm thứ 2), lúc đầu mình làm nhân viên bán thời gian của văn phòng đào tạo ở Tập đoàn giáo dục kĩ năng và ngôn ngữ AAC, nhưng từ đầu năm nay vì cần phải dành nhiều thời gian hơn cho năm cuối nên mình đi dạy tiếng Anh ở 2 trung tâm thôi.

Các công việc này về lý thuyết thì không liên quan đến chuyên ngành của mình, nhưng trên thực tế lại dựa vào những gì mình học được ở trường đấy, như khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, khả năng ăn nói, giảng giải, thu xếp công việc và đặc biệt là cư xử khéo léo để có những mối quan hệ tốt. Học ngoại giao thì nhiều thứ cao sang, to tát lắm, nhưng chung quy lại đó chính là học cách cư xử trong cuộc sống thôi mà.

PV: Việc sinh viên vừa đi học và vừa đi làm lại không được nhiều người ủng hộ, ý kiến của chị? Sinh viên sẽ mất gì và có được gì khi đi làm?

Đúng là nếu bạn không chịu được áp lực và biết thu xếp thời gian thì vừa học vừa làm thêm sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến học tập – vốn là nhiệm vụ chính của chúng ta, đó là lý do mà nhiều người không ủng hộ việc này. Ngay như bố mẹ mình cũng không thích mình đi làm thêm mà chỉ muốn mình tập trung cho việc học thôi. Nhưng bạn thử nghĩ mà xem, ngày nay các bạn trẻ rất năng động, bằng tuổi chúng ta họ đã làm được rất nhiều việc, mình thấy nếu chỉ học từ sách vở không thôi thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và thiếu hụt những kĩ năng sống cần thiết khác. Để tránh điều đó mình chọn cách đi làm thêm.

Việc được gì hay mất gì khi đi làm thêm đều phụ thuộc vào bản thân chúng ta thôi. Đương nhiên đang ở tuổi ăn tuổi chơi nên đi làm thêm bạn sẽ phải trả giá bằng việc có ít thời gian để chơi bời hơn, tuy nhiên những cái lợi đạt được thì vô khối nhé. Thu nhập có thể giúp bạn tự lập về tài chính; những lợi ích của việc học hỏi được từ công việc: cách sử dụng các thiết bị văn phòng, cách tạo dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, kĩ năng xử lý các sự cố, kĩ năng thuyết trình, v.v...mà không sách vở nào có thể dạy chúng ta được; chuẩn bị tinh thần cho công việc tương lai sau này. Tuy nhiên, bạn không cần phải đi làm thêm mà có thể học thêm một môn mà mình yêu thích, dành thời gian cho niềm đam mê của mình, tham gia chương trình xã hội, từ thiện...tất cả đều có ích và rất đáng trân trọng.

Bùi Thị Tuyết (ngoài cùng bên trái)

PV: Sắp tới chị sẽ hoàn thành chương trình học tại Học viện và tốt nghiệp. Vậy, 4 năm học tập tại Học viện đã cho chị những điều gì quý giá nhất về học tập cũng như cuộc sống, tình bạn?

Khi mình chọn thi vào Học viện Ngoại giao là tự mình quyết định chứ bố mẹ không hề biết hay tác động gì, và đến ngày hôm nay thì mình có thể tự hào mà nói rằng lựa chọn đó của mình là đúng đắn. Ngôi trường này đã nhào nặn nên mình của ngày hôm nay, trưởng thành và tự tin.

Bạn thấy đấy, Học viện Ngoại giao là một trong những ngôi trường lý tưởng để chúng ta trau dồi bản lĩnh và kiến thức để trở thành những người trẻ có ích cho đất nước. Có thể sau này mình không tham gia làm công tác ngoại giao nhưng chỉ với tư cách một công dân bình thường, dù ở bất kì công việc nào thì những gì mình học được ở đây cũng có thể giúp mình làm tốt mọi công việc, biết cách cư xử khéo léo và tạo dựng những mối quan hệ tốt với người xung quanh.

PV: Là một sinh viên năm cuối, đàn chị của các sinh viên khóa dưới trong Học viện, chị có điều gì muốn nhắn gửi tới các bạn không ạ?

Có lẽ những gì mình nói từ đầu đến giờ là những lời chân thành và tâm huyết nhất mà mình muốn gửi đến các bạn, hi vọng chúng sẽ có ích để các bạn tham khảo trong quá trình học tập tại HVNG.

Nếu còn một điều nào nữa mà mình muốn gửi tới các bạn, thì mình chỉ muốn nhắn nhủ điều này thôi (mà mình cũng từng nói ở trên rồi). Mỗi người sinh ra trong một điều kiện khác nhau nhưng cơ hội giành “quyền bình đẳng” cho mỗi người là như nhau, vì vậy hãy luôn cố gắng để giành được nó và sống, học tập hết mình nhé!

Cảm ơn chị đã bớt chút thời gian cho chuyên mục!

 

Cùng chuyên mục