Chung kết cuộc thi “Tiếng Trung trong cuộc sống” - “汉俱达人秀 – Hán ngữ IDOL 2011”

03:34 14/03/2011

Tràn ngập màu sắc, tràn ngập âm thanh, tràn ngập cảm xúc…đó là đêm chung kết cuộc thi “Tiếng Trung trong cuộc sống” mang tên “汉俱达人秀 – Hán ngữ IDOL 2011” do Khoa Tiếng Trung Quốc cùng với CLB Tiếng Trung và Đoàn Thanh niên HVNG phối hợp tổ chức, diễn ra tối hôm 4/3 vừa qua.
Với mong muốn tạo ra một nơi giao lưu thú vị để cùng cười cùng vui trong những ngày đầu học kỳ mới, đồng thời khơi dậy tinh thần sáng tạo cũng như niềm yêu thích Hán ngữ cho tất cả các sinh viên, Khoa Tiếng Trung Quốc - HVNG đã khởi động cuộc thi biểu diễn kịch “Tiếng Trung trong cuộc sống”. Vòng chung kết của cuộc thi có tên gọi “汉俱达人秀 – Hán ngữ IDOL 2011”. Sau một tuần phát động, toàn thể khoa Tiếng Trung (từ năm thứ nhất đến năm thứ tư) đã có 9 đội với 9 tiết mục đăng ký dự thi. Vòng sơ khảo diễn ra hôm 26/2 chọn ra 7 tiết mục để tham gia tranh tài trong đêm chung kết. Các tiết mục này được Ban Tổ chức hỗ trợ một phần kinh phí để chuẩn bị cho phần dự thi xếp hạng của mình.

01
 
Ảnh 1: Tập thể thầy cô và sinh viên Khoa Tiếng Trung

Ngay từ 6 giờ tối, các đội đều đã hoàn tất việc hóa trang, phục trang, có đội còn tranh thủ “ôn” lại tiết mục của mình trước khi bước vào đêm diễn. 7 giờ 15 phút, Phòng Khánh tiết trở nên đông hẳn với rất nhiều sinh viên đến từ các khoa khác nhau trong Học viện, các trường bạn và cả rất nhiều lưu học sinh Trung Quốc đang theo học ở các trường tại Hà Nội. Đây là chương trình đầu tiên do CLB tổ chức có số lượng lưu học sinh Trung Quốc đến xem đông như vậy. Cuộc thi cũng rất vinh dự chào đón sự có mặt của cô Đỗ Tư Hiền, Bí thư Đoàn trường, Phó Trưởng phòng CTCT&QLHSSV với tư cách giám khảo cuộc thi và cả các vị phụ huynh học sinh đến tham gia cổ vũ cho các tiết mục dự thi.

02

Ảnh 2: Phụ huynh học sinh phát biểu và tặng hoa cô giáo Trưởng khoa Tiếng Trung

Đúng 7 giờ 30, tiết mục múa “Đàn tỳ bà dưới trăng” của các nữ sinh viên lớp H36 đã mở màn đêm thi. Sau đó là phần dự thi đầu tiên đến từ các sinh viên lớp H35 với tiết mục “Giai nhân án” - một câu chuyện hư cấu hài hước với 2 nhân vật vật chính là Bao Công và Đác Kỷ, tiết mục đã không làm mọi người thất vọng khi không ngớt những tiếng cười vang lên, báo hiệu một đêm thi hấp dẫn. Tiếp sau đó là phần dự thi của các sinh viên H37 với tiểu phẩm “Kén vợ cho vua” - tiết mục lấy cảm hứng từ những câu chuyện “tuyển chọn mỹ nữ” của các vị hoàng đế cùng với việc xây dựng hình tượng nhân vật bà mối “Hồng nương”, tiết mục đã tiếp tục đem đến cho khán giả những giây phút thực sự hứng khởi. Tiết mục thứ ba - “Người mù sờ voi” lại mang dáng dấp của câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam “Thầy bói xem voi”. Tuy không có nhiều tình tiết gây cười nhưng phần dự thi đã mang đến một thông điệp ý nghĩa, đồng thời chứng tỏ trình độ khẩu ngữ khá tốt của các sinh viên năm nhất.
Phần biểu diễn tiếp theo trong đêm thi là tiết mục “Quà gì” - một tiết mục của các sinh viên I37 được nhiều người trông đợi. “Quà gì” là câu chuyện về anh chàng Tiểu Tiểu đang phân vân không biết nên tặng gì cho cô người yêu Đại Đại nhân ngày 8/3. Không ít những tràng pháo tay đã vang lên để tán dương sự diễn xuất tuyệt vời của dàn “diễn viên ngôi sao” và những tình huống vô cùng hài hước, sáng tạo của họ. Hai tiết mục tiếp theo cùng chung một mô-típ “mẹ ghẻ - con chồng” nhưng đã được các đội làm mới bằng những câu chuyện khác nhau. “Chuyện nàng Lọ Lem” của các sinh viên H35 xây dựng dựa trên kết cấu chuyện cổ tích cùng tên của nước ngoài nhưng sáng tạo thêm nhiều tình tiết lấy từ chuyện “Tấm Cám” của Việt Nam. Trong khi đó - “Tấm Cám thời @” của các sinh viên H36 lại được thay đổi khá sáng tạo để phù hợp với tính chất “hiện đại” khi mà Tấm có thể sử dụng được cả Facebook! Cả hai tiết mục đều rất thành công ở các vai phản diện mà đặc biệt là vai cô em của Lọ Lem đã khiến không ít khán giả trầm trồ khen ngợi. Tiết mục cuối cùng tham gia dự thi là: “Giải cứu mùa xuân” của các sinh viên I37. Dù ra sân khấu sau cùng nhưng với sự thể hiện xuất sắc của những diễn viên không chuyên, tiết mục cũng đã nhận được khá nhiều tràng vỗ tay cổ vũ của người xem.

Chùm ảnh: Các tiết mục biểu diễn trong cuộc thi

03

Ảnh 3: Tiết mục múa - Đàn tỳ bà dưới trăng

04

Ảnh 4: Tiết mục - Giai nhân án

05

Ảnh 5: Tiết mục - Kén vợ cho vua

06

Ảnh 6: Tiết mục - Người mù sờ voi

07

Ảnh 7: Tiết mục - Quà gì

08

Ảnh 8: Tiết mục - Chuyện nàng Lọ Lem

09

Ảnh 9: Tiết mục - Tấm Cám thời @

10

Ảnh 10: Tiết mục - Giải cứu mùa xuân

11

Ảnh 11: Tiết mục văn nghệ của 2 sinh viên K37

12

Ảnh 12: Vai diễn ấn tượng: "Cô em gái của Lọ Lem" do bạn Thu Hiền, H35 thể hiện

Tất cả các tiết mục trong chương trình đều có phần hỗ trợ trình chiếu phụ đề bằng powerpoint với cả hai ngôn ngữ Việt Trung nên cũng đã giúp cho những khán giả không biết tiếng Trung cảm thấy khá hứng thú và đa số đã ở lại với chương trình đến phút chót. Một điều thú vị nữa đó là ngoài giải thưởng của Ban giám khảo dành cho 3 đội xếp hạng cao nhất, chương trình còn trao thêm một giải “Diễn viên được yêu thích nhất” do khán giả quyết định thông qua hệ thống bình chọn bằng phiếu. Và điều bất ngờ nhất là hệ thống bình chọn này đã “cháy phiếu” ngay từ những phút đầu khi chương trình vừa diễn ra.

Trong thời gian chờ đợi ban thư ký tổng hợp điểm từ các giám khảo, khán giả được thưởng thức các tiết mục văn nghệ do sinh viên trong khoa thể hiện cũng như cùng xem clip ghi lại cảnh hậu trường trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi từ khi đăng ký cho đến trước đêm chung kết và clip phỏng vấn một số thầy cô và sinh viên nói về cuộc thi do Ban Truyền thông CLB Tiếng Trung thực hiện.
Kết quả chung cuộc, với những tình huống sáng tạo, hài hước và sự thể hiện quá xuất sắc của các “diễn viên”, tiết mục “Quà gì” của các sinh viên I37 giành giải nhất; giải nhì thuộc về tiết mục “Giải cứu mùa xuân” ; tiết mục “Người mù sờ voi” giành giải ba. Giải “Diễn viên được yêu thích nhất”, không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, đã thuộc về bạn Trần Triệu Thu Hiền, H35 với vai diễn “cá tính” - cô em gái của Lọ Lem trong tiết mục “Chuyện nàng Lọ Lem”.

Chùm ảnh: Lễ trao giải

13
Ảnh 13: Giải Nhất - Tiết mục : "Quà gì"

14

Ảnh 14: Giải Nhì - Tiết mục: “Giải cứu mùa xuân”

15

Ảnh 15: Giải Ba - Tiết mục: “Người mù sờ voi”

16

Ảnh 16: Giải Diễn viên được yêu thích nhất - Bạn Trần Triệu Thu Hiền, H35

Cuộc thi đã khép lại thành công với dư âm của những tiếng cười giòn giã, những ánh mắt bừng sáng niềm hân hoan. Đó là sự khích lệ lớn lao và cũng là động lực mạnh mẽ để Khoa Tiếng Trung tiếp tục với những kế hoạch sắp tới của mình, xứng đáng là khoa đi đầu trong hoạt động ngoại khóa của Học viện.

Bài & ảnh: Đồng Anh - Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục