Cùng nước bạn đón Tết

09:02 25/02/2013

Cứ mỗi độ xuân về, trên khắp mọi nơi, người người hòa mình vào không khí rạo rực tưng bừng của ngày hội đón Tết. Mỗi một quốc gia, mỗi một nền văn hóa có một cách “chào xuân” khác biệt, đặc trưng cho bản sắc của dân tộc mình. Trong số này, chúng ta hãy cùng NGT tìm hiểu về phong tục tập quán đón Tết thú vị của một số nước châu Á quanh ta nhé.

Tết Bun Pi May của nước bạn Lào (13-15/4 dương lịch)

Bun Pi May là Tết theo Phật lịch của Lào, có ý nghĩa mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật và ấm no hạnh phúc cho con người.

Người Lào có thói quen làm nước thơm vào ngày Tết. Đó là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Sau khi dùng nước thơm tưới lên tượng Phật, họ thường hứng lại và mang về nhà xức lên người để lấy phước. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những điều xấu xa, bệnh tật, đem lại cuộc sống lâu bền, sạch sẽ và mạnh khỏe.

Lễ hội té nước Lào

Hoa muồng (còn gọi là bọ cạp vàng hay hoa hoàng hậu) và hoa Chăm-pa được coi là những loài hoa mang lại sự may mắn. Khách đến chơi nhà vào ngày Tết thường được gia chủ cài hoa Chăm-pa trên ngực áo và buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ - biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe.

Ngoài ra trong mùa Tết, người Lào còn có lễ hội rước nữ chúa xuân. Cứ trước mỗi mùa lễ hội, người ta lại tổ chức 1 cuộc thi hoa hậu để chọn ra 7 cô gái đẹp người, đẹp nết nhất tham gia vào lễ hội. Trong lễ rước, nữ chúa xuân một tay cầm gươm, 1 tay cầm vòng lửa cùng 6 người em ngồi trên một chiếc xe được trang hoàng lộng lẫy; có đoàn người múa hát tưng bừng theo sau; dân chúng 2 bên đường tươi cười té nước mát cho đoàn hội để cầu chúc may mắn.

Lễ rước nữ chúa xuân

Lạp (có nghĩa là “Lộc”) là món ăn cổ truyền trong ngày Tết của người Lào, được làm từ thịt gà hoặc thịt bò tươi trộn với gia vị, dùng chung với xôi nóng. Người Lào (đặc biệt là các doanh nhân) rất chú trọng vào chất lượng của món lạp vì theo họ, nếu món lạp không ngon sẽ mang đến 1 năm xui xẻo

Tết Tsagaan Sar (Tết tháng trắng) của người Mông Cổ

Là một mảnh đất còn khá bí ẩn với thế giới, nơi có những thảo nguyên trải dài mênh mông và con người chủ yếu là dân du mục, Mông Cổ cũng quy tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc và thú vị, đặc biệt là trong phong tục đón Tết cổ truyền. Người Mông Cổ quan niệm màu trắng là màu của hạnh phúc và sức khỏe. Vì vậy, họ gọi tháng đầu tiên của năm là “tháng trắng”_với ý niệm cầu mong sự khởi đầu tinh khiết và sạch sẽ.

Trong đêm giao thừa (Bituun), mọi người sẽ ăn thật no bởi họ cho rằng như vậy cả năm mới sẽ không bị đói. Người Mông Cổ còn có tục rửa sạch chén bát bằng sữa ngựa trước đêm giao thừa để xua đi những điều không tốt của năm cũ và cầu mong một năm thật an khang thịnh vượng. Giống như Việt Nam, người Mông Cổ có tục xuất hành đầu năm (gọi là lễ muruu gargakh). Họ tin rằng nếu xuất hành đúng hướng thì sẽ gặp may mắn cả năm

Xuất hành đầu năm

Vào ngày Tết, người Mông Cổ thường ăn các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (dạng như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, thịt ngựa, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa, cơm ăn cùng với sữa đông hoặc nho khô.

Món ăn ngày Tết của người Mông Cổ

Cùng đón Tết Oshogatsu với người Nhật

Nhật Bản bắt đầu chuyển sang đón Tết theo lịch dương từ năm Minh Trị thứ 3 (tức năm 1873). Tuy nhiên người dân đất nước mặt trời mọc vẫn giữ nguyên một số phong tục đón năm mới truyền thống điển hình.

Đúng 0h đêm giao thừa, các ngôi chùa trên khắp đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với mong muốn xua đuổi 108 con quỷ sứ, đem lại sự bình yên cho năm mới. Ngoài những phong tục giống với các nước Á Đông khác như đi chùa đầu năm, chúc Tết họ hàng làng xóm thì ở Nhật còn có một phong tục rất hay nữa là gửi thiếp chúc mừng đến những người họ yêu quý. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, những hình thức gửi lời chúc qua email hay mạng xã hội đã dần dần thay thế phong tục tặng thiếp truyền thống.

Nếu như ở Việt Nam có bánh chưng ngày Tết thì canh bánh giày ozoni cũng là một món không thể thiếu trong hầu hết các gia đình ở Nhật Bản. Có thể nói không có một công thức cụ thể nào cho món Ozoni bởi mỗi gia đình có một cách chế biến riêng. Tuy vậy ozoni sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu đi mochi, một thứ gia vị được mệnh danh là linh hồn của món ăn này. Ngoài ra, người Nhật còn có rất nhiều món ăn ngày Tết khác như bánh dầy Omochi, hộp thức ăn Osechi-ryori (với đa dạng các loại đồ ăn của Nhật).

Canh Ozoni

Bánh giày Omochi

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi khác. Phong tục tập quán, bản sắc dân tộc luôn là một lĩnh vực thú vị nếu ta đi sâu tìm hiểu. Bởi càng tìm hiểu, ta lại càng thấy hay; đồng thời thêm yêu quý và trân trọng văn hóa nước mình.

Không khí rạo rực, vui tươi của năm Quý Tỵ đang tràn ngập khắp các nẻo đường đất nước. Một mùa xuân mới, mùa hi vọng mới lại bắt đầu trên dải đất hình chữ S thân yêu. Chúc các độc giả của NGT05 sẽ có một năm mới tràn đầy niềm tin và hạnh phúc, một năm mới với nhiều thành công mới./.

Vân Huyền (St)

Ảnh: Internet

Cùng chuyên mục