Cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Nghiên cứu CSCAP

10:10 09/08/2010

Ngày 03 và 04/07/2010 tại Singapore, cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về “Ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở châu Á - Thái Bình Dương” đã được tổ chức dưới sự đồng chủ tọa của CSCAP Việt Nam và USCSCAP. Đến dự cuộc họp lần này có hơn 50 chuyên gia an ninh từ các nước trong khu vực, bao gồm một số thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN về Chống phổ biến hạt nhân và giải trừ quân bị tham gia với tư cách cá nhân.

Ông Nguyễn Hùng Sơn và Ông Ralph A. Cossa, đại diện CSCAP Việt Nam và USCSCAP đồng chủ tọa cuộc họp (hàng trên, thứ 2,3 từ phải sang)

Trong hai ngày làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về hai chủ đề chính là những sáng kiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị gần đây cũng như tình hình an ninh hạt nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh các nước trong khu vực đang ngày càng quan tâm đến năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng thay thế để đối phó với tình hình khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Theo đánh giá, tình hình chống phổ biến hạt nhân và giải trừ quân bị trong thời gian qua đã có một số chuyển biến đáng chú ý. Mặc dù hiện nay khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân đã suy giảm đáng kể, tỷ lệ sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới lại có chiều hướng gia tăng; điều này càng đòi hỏi việc đẩy mạnh các nỗ lực khu vực cũng như quốc tế trong vấn đề chống phổ biến hạt nhân và giải trừ quân bị. Các đại biểu cho rằng trong khi mối đe dọa hạt nhân chủ yếu đến từ tình hình căng thẳng tại Đông Bắc Á thì chính những phức tạp an ninh khu vực hiện nay cũng đòi hỏi việc duy trì vũ khí hạt nhân như một biện pháp để răn đe, ngăn ngừa xung đột leo thang. Do đó, câu hỏi đặt ra cho cộng đồng quốc tế là tìm ra một phương tiện có thể đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài nhằm thay thế vũ khí hạt nhân, trước khi nó có thể được loại bỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, an ninh hạt nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng là một trọng tâm trong chương trình nghị sự lần này của Nhóm Nghiên cứu bởi đây đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm khi các nước Đông Bắc Á đang ngày càng lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân và các nước Đông Nam Á đang ngày càng bày tỏ dấu hiệu quan tâm đến các nguồn năng lượng hạt nhân thay thế năng lượng truyền thống. Tình trạng này đòi hỏi thúc đẩy các nỗ lực hợp tác đa phương trong việc thống nhất các tiêu chuẩn an toàn khu vực trong sản xuất năng lượng hạt nhân, cũng như trong việc đảm bảo các cơ hội tiếp cận nhiên liệu hạt nhân an toàn, xử lý chất thải và nhiên liệu đã qua sử dụng, và phát triển các quy trình, cơ chế đối phó với những rủi ro có thể xảy ra. Trong bối cảnh này, cuộc họp đã ghi nhận vai trò của các cơ chế đa phương trong việc thúc đẩy ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và phát triển năng lượng hạt nhân an toàn tại khu vực, nhưng đồng thời cho rằng những nỗ lực đa phương cần được đẩy mạnh hơn nữa; đặc biệt, các diễn đàn và tổ chức đa phương khu vực, tiểu khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum - ARF), Cấp cao Đông Á (East Asia Summit - EAS), ASEAN, đàm phán 06 bên… cần cân nhắc thành lập các Khu vực không tái xử lý và làm giàu uranium và thiết lập các biện pháp thích hợp để ngăn chặn những vi phạm hoặc tiêu cực do lợi dụng các kẽ hở của NPT.

Cuối kỳ họp, các đại biểu đã cùng xem xét, đánh giá lại nội dung tài liệu Sổ tay CSCAP về Ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Nhóm Nghiên cứu biên soạn (xem tại http://www.cscap.org) và dự thảo Biên bản CSCAP về Sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn. Nhóm Nghiên cứu cũng thảo luận về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, bao gồm kế hoạch tổ chức cuộc họp lần thứ 12 vào tháng 11/12 tới đây.

* Song song với cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về “Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân hàng loạt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Chương trình Lãnh đạo trẻ do Diễn đàn Thái Bình Dương - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đã được tổ chức với sự tham gia của 13 đại biểu là các nghiên cứu sinh và chuyên viên nghiên cứu trẻ đến từ nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là chương trình thường niên nhằm tạo điều kiện cho các thanh niên trong khu vực trao đổi, tiếp thu và mở rộng nhận thức về các vấn đề an ninh khu vực, đồng thời đóng góp tiếng nói trong việc hoạch định chính sách liên quan đến các vấn đề này. Tham gia chương trình lần này, ngoài việc tham dự các phiên họp của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về “Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân hàng loạt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và được khuyến khích thể hiện ý kiến, quan điểm trong các phiên họp này, các đại biểu Lãnh đạo trẻ khu vực còn có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia an ninh hàng đầu khu vực về lĩnh vực hạt nhân. Chương trình năm nay đã tạo điều kiện cho các đại biểu Lãnh đạo trẻ có cuộc trao đổi chung với bà Choe Son Hui, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu về Hòa bình và Giải trừ Quân bị của CHDCND Triều Tiên - đến tham gia Cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về “Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân hàng loạt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - về các vấn đề an ninh khu vực.

Các đại biểu Chương trình Lãnh đạo trẻ giao lưu với Bà Choe Son Hui (hàng trước, thứ 2 từ phải sang)