Cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay: Xu hướng, nguyên nhân, tác động và giải pháp

02:09 01/01/2016

Cuộc chiến giá dầu luôn là đề tài quan tâm của giới đầu tư cũng như các nước trên thế giới. Cơn sốt khan hiếm dầu hay tình trạng dư thừa dầu đã trở thành nỗi lo thấp thỏm cho nền kinh tế thế giới. Hơn 40 năm qua, kể từ khi cuộc khủng hoảng giá dầu xảy ra vào năm 1973 cho đến nay, giá dầu luôn trong tình trạng biến động, lúc được đẩy lên tới đỉnh điểm với giá cao ngất ngưởng, lúc lại giảm mạnh liên tục, gần như chạm đáy. Thực trạng bất ổn đó đặt ra hàng loạt các vấn đề: Thế giới đã phải trải qua các cuộc khủng hoảng dầu đó như thế nào? Nguyên nhân do dâu mà dẫn tới khủng hoảng? Việc tăng, giảm giá dầu đã tác động đến tình hình kinh tế, chính trị của các nước ra sao? Và để đối phó với tình trạng đó các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã có những giải pháp nào?... Tất cả các vấn đề này sẽ được giải đáp một cách cụ thể, rõ ràng trong cuốn sách Cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay: Xu hướng, nguyên nhân, tác động và giải pháp của tác giả PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.

Cuốn sách được chia thành ba chương khắc họa rõ nét diễn biến thực trạng tình hình dầu khí toàn thế giới từ năm 1973 đến nay; đồng thời phân tích nguyên nhân và hậu quả của cuộc khủng hoảng giá dầu giảm hiện nay, xu hướng tình hình dầu khí đến năm 2020. Mặt khác, tác giả cũng đã khái quát khá đầy đủ bức tranh cung - cầu về dầu khí của Việt Nam cũng như tác động của cuộc khủng hoảng giá dầu giảm hiện nay đối với Việt Nam, đặc biệt đã đề xuất được một số giải pháp thực tiễn cũng như các khuyến nghị chính sách cụ thể nhằm giúp Việt Nam đối phó chủ động và hiệu quả với những diễn biến khó lường của giá dầu.

Chiếm vị trí quan trọng trong đời sống và sản xuất, do vậy được mệnh danh là "vàng đen" nên dù tăng hay giảm thì giá dầu luôn là yếu tố nhạy cảm nhất với xung đột chính trị và suy thoái kinh tế, đồng thời cũng là nhân tố hàng đầu để định hình cục diện thế giới. Trở lại lịch sử, chúng ta không hề ngạc nhiên khi thấy rằng những thay đổi quan trọng của kinh tế và chính trị thế giới trong vòng gần nửa thế kỷ qua đều gắn liền với sự thăng trầm của thị trường dầu khí. Thế giới từng nhớ tới cơn chấn động trên thị trường dầu lửa đẩy giá dầu tăng cao vào năm 1973 do tình hình biến động ở Trung Đông, hay "cơn sốt" giá dầu vào năm 1979 do cuộc cách mạng ở Iran. Ngay sau đó, sang năm 1980 giá dầu sụt giảm kỷ lục kéo dài nửa thập kỷ do các nước công nghiệp phát triển chưa khôi phục được nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1973-1979. Hay cuộc chiến tranh vùng Vịnh giữa Irắc và liên quân của hơn 30 quốc gia do Mỹ đứng đầu để giải phóng Côoét đã gây ra cơn sốt giá dầu đẩy giá dầu tăng cao vào những năm 1990, tiếp đến cơn bão vùng vịnh Mêhicô (2005), tình hình bất ổn ở Nigiêria,... đã dẫn đến cuộc khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng vào năm 2007-2008. Năm 2011 cũng được coi là năm đầy biến động của thị trường dầu mỏ, khi giá dầu đạt ngưỡng cao kỷ lục nguyên nhân do sản lượng cung - cầu dầu trên thị trường chênh lệch quá lớn. Cho đến nay (tính từ năm 2014) thì giá dầu đã giảm mạnh. Vậy ngoài những nguyên nhân do bất ổn từ chính trị, còn những nguyên nhân nào khác làm cho giá dầu tăng, giảm, biến động khôn lường như vậy không? Bằng những phân tích, cùng những lập luận chặt chẽ, tác giả cuốn sách đã chỉ ra được những nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng giá dầu, đó là: nguyên nhân kinh tế, nguyên nhân từ chính các nước sản xuất dầu mỏ, nguyên nhân liên quan đến cung - cầu, liên quan đến việc sản xuất thêm được những nguồn năng lượng khác thay thế được dầu mỏ,... Nhưng dù là nguyên nhân gì thì một khi giá dầu có sự thay đổi lên xuống đều sẽ có tác động nhất định đến nền kinh tế, chính trị của các nước. Để giúp bạn đọc có thể hình dung và hiểu hơn về những tác động cụ thể này, tác giả đã dựa vào số liệu, đi sâu phân tích, chứng minh cụ thể những tác động đó đối với các nước, trong đó tác giả cũng chỉ rõ những được, mất của ngành dầu khí Việt Nam khi giá dầu thế giới có xu hướng giảm.

Thực tế cho thấy, bất kỳ cuộc khủng hoảng dầu khí nào cũng đều gây ra những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế của mỗi quốc gia nói riêng, đặc biệt là các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ. Từ đó khẳng định một điều, khi khủng hoảng giá dầu tăng, các nước sản xuất và xuất khẩu dầu được hưởng lợi nhiều, còn các nước nhập khẩu rơi vào tình trạng sản xuất đình đốn, suy thoái, cán cân thương mại thâm hụt nặng; trong khi đó khủng hoảng giá dầu giảm lại làm cho các nền kinh tế vốn phụ thuộc và phải nhập khẩu dầu khí lại có cơ hội phát triển. Trước những hiện trạng đó, tác giả cho rằng cần có những giải pháp cụ thể mang lại hiệu quả và có tính khả thi nhất. Nhiều giải pháp đã được đề cập trong nội dung cuốn sách, nhưng giải pháp được nói đến nhiều là giải pháp ngoại giao dầu khí. Tuy nhiên trong tình hình thế giới với nhiều biến động như hiện nay, giải pháp này liệu có mang lại hiệu quả thực sự không? Liệu giá dầu sẽ xuống thấp đến mức nào và sẽ kéo dài trong bao lâu? Đứng từ nhiều góc độ, tổng hợp các ý kiến trái chiều của các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư quốc tế, tác giả đã tổng phân tích, lập luận, dự báo về những khả năng tăng, giảm của giá dầu cùng những biến động xoay quanh vấn đề giá dầu có thể xảy ra trong tương lai. Trên cơ sở đó, đưa ra những gợi mở quan trọng giúp Việt Nam có những biện pháp kịp thời, chủ động đối phó với tình trạng khủng hoảng giá dầu ở hiện tại và trong tương lai.

Với cách sử dụng thông tin, số liệu rất cập nhật và có hệ thống, nguồn trích dẫn các tài liệu chuyên ngành trong nước và nước ngoài rất phong phú, cuốn sách giúp bạn đọc có thể hình dung một cách khái quát nhất bức tranh toàn cảnh về dầu khí trên thị trường thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đây là tài liệu tham khảo có giá trị thực tiễn cao, giúp các nhà hoạch định chính sách nắm được xu hướng tình hình dầu khí hiện nay, để từ đó có những giải pháp mang tính chiến lược góp phần ổn định tình hình đất nước trong bối cảnh giá dầu liên tục biến động.

Xuân Linh (gt)

Cùng chuyên mục