Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên Học viện Ngoại giao

07:34 25/10/2012

Trong chuyến thăm ngắn tại Hà Nội, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã có buổi nói chuyện với giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao vào ngày 15/10/2012.

Đây là lần đầu tiên ông Tony Blair có mặt tại Việt Nam. Trong suốt buổi nói chuyện, ông Tony Blair đã vui vẻ trả lời các vấn đề mà thầy trò Học viện Ngoại giao quan tâm như vấn đề khủng hoảng kinh tế ở châu Âu hiện nay, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, sự chuyển dịch của cán cân quyền lực từ Tây sang Đông và vai trò của Mỹ ở châu Á.

Ông Tony Blair nói chuyện với giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao

Về khủng hoảng kinh tế Châu Âu, ông Tony Blair cho rằng Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khi thành lập và hậu quả không chỉ giới hạn ở kinh tế mà còn lan ra chính trị. EU phải đưa ra những quyết định quan trọng để ổn định đồng tiền chung và cải cách sâu sắc, về y tế, hệ thống lương hưu, thị trường lao động, ngân hàng. Đây cũng là bài học cho quá trình phát triển của ASEAN. EU có những tương đồng địa lý, có sự thân cận về văn hoá, nên dễ hoà đồng trong một chỉnh thể thống nhất, tuy nhiên trình độ phát triển của các quốc gia lại khác nhau, nên trong thời kỳ khủng hoảng, rắc rối lớn lên gấp nhiều lần. ASEAN cần nhìn vào tấm gương này, phát triển theo từng bước thận trọng, đừng chạy quá nhanh.

Về sự vươn lên của Trung Quốc và vai trò của Mỹ ở Châu Á, ông cho rằng Trung Quốc đang vươn lên vững mạnh, sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng với đó là quyền lực chính trị ngày càng lớn. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải tìm ra cách đúng đắn để hợp tác với Trung Quốc, đảm bảo rằng Trung Quốc đóng góp đúng vai trò, vị thế của mình trong trật tự an ninh và trật tự kinh tế toàn cầu, thực hiện theo đúng phương thức bảo đảm hoà bình, bền vững. Mỹ cũng đang rất để tâm đến Châu Á – Thái Bình Dương vì những lý do rất rõ ràng: Khu vực này ngày càng lớn mạnh về tiềm lực kinh tế, chính trị trên chính trường toàn cầu. Vấn đề đặt ra là liệu cả Mỹ và Trung Quốc có thể phát huy ảnh hưởng mà không gây nên xung đột, điều này còn phụ thuộc vào quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Về sự chuyển dịch cán cân quyền lực thế giới đang ngả dần từ Tây sang Đông, ông Tony Blair cho rằng phương Tây không có cách nào khác là cùng tồn tại và chia sẻ quyền lực trong hoà bình với phương Đông. Để kết nối Đông Tây, có 3 cấp độ liên kết: đối thoại chính trị cấp cao, tăng cường quan hệ kinh tế, kết nối quan hệ văn hoá giữa nhân dân các nước. Ông cũng lạc quan tin rằng tương lai “Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia quan trọng nhất trên thế giới”. Đó cũng là lý do vì sao trong những năm gần đây, nước Anh chọn Việt Nam là quốc gia ưu tiên tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông cũng đề cập tới vai trò hoà giải trong mâu thuẫn Trung Đông giữa Israel & Palestine, một khu vực địa chính trị trọng điểm nằm giữa Đông - Tây, bày tỏ tin tưởng rằng sứ mệnh hoà giải sẽ đem lại hoà bình, tránh bạo lực lan rộng.

Bên cạnh những vấn đề toàn cầu, ông Tony Blair cũng không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm để trở thành một nhà chính trị và một nhà lãnh đạo giỏi tới các nhà ngoại giao tương lai.

Theo ông, những người làm chính trị tốt, trước hết cần phải giao tiếp, cần phải yêu thích việc sống giữa cộng đồng để hiểu con người quan tâm tới gì và cần những gì. Ông nhấn mạnh rằng, trong thế giới này, việc “hiểu người khác là điều rất quan trọng”. Vì vậy, hãy quan tâm tới con người trước khi làm chính trị. Có như vậy thì mới có thể trở thành một chính trị gia thành công.

Chia sẻ về kinh nghiệm để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, ông Tony Blair cho rằng đầu tiên cần phải là người muốn dẫn dắt. Cho dù ở cấp độ nào thì người lãnh đạo phải là người sẵn sàng đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm, đồng thời cũng là người sẵn sàng chấp nhận những chỉ trích về những quyết định của mình. Quyết định của lãnh đạo có thể không theo số đông nhưng phải làm những gì mình cho là đúng. Lãnh đạo là điều có thể học được và ông đã mất rất nhiều thời gian để học được điều đó.

Ông Tony Blair với sinh viên Học viện Ngoại giao

Trong lần đầu tới Việt Nam, một thông điệp mà ông gửi tới các các nhà ngoại giao tương lai: “Thế giới ngày càng kết nối, và có nhiều cơ hội để mọi người hợp tác cùng nhau, vượt qua những rào cản và biên giới hơn bao giờ hết. Vì vậy, thế hệ các bạn quan sát thế giới thế nào là cực kỳ quan trọng với tương lai của chúng ta. Và tôi nghĩ thế giới hôm nay thuộc về những người có trí tuệ tìm tòi và rộng mở, kết nối những quốc gia, những nền văn hoá, làm chủ những thay đổi. Có người lại thấy sợ những thay đổi này, nhưng tương lai thuộc về những người có niềm tin, lạc quan vào tương lai phát triển của thế giới”.

Một số hình ảnh của ông Tony Blair tại Học viện Ngoại giao:

Ông Tony Blair trong sự chào đón nồng nhiệt của sinh viên Ngoại giao

Một nhà diễn thuyết giỏi

Ông Tony Blair trả lời phỏng vấn báo chí

(Sử dụng một số ảnh tư liệu của Vietnamnet và Dân trí)

Cùng chuyên mục