Đối thoại thường niên với Quỹ Châu Á New Zealand (ANZF) lần thứ 13

16:37 13/04/2022

Sáng ngày 13/4/2022, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Châu Á New Zealand (ANZF) tổ chức Đối thoại thường niên lần thứ 13. Đối thoại có sự tham dự của Q. Giám đốc Học viện Ngoại giao TS. Phạm Lan Dung, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung, các cán bộ nghiên cứu, giảng viên Học viện Ngoại giao, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, đại biện lâm thời New Zealand tại Hà Nội. Tại đầu cầu Wellington có sự tham dự của các Lãnh đạo Quỹ ANZF, đại diện Bộ Ngoại giao New Zealand, các giáo sư, chuyên gia đến từ một số trường đại học lớn của New Zealand.

Giám đốc Phạm Lan Dung phát biểu tại Đối thoại
Phát biểu khai mạc Đối thoại, TS. Phạm Lan Dung, Q. Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định Đối thoại thường niên với Quỹ ANZF là một trong những cơ chế trao đổi có hiệu quả cao, đóng vai trò cầu nối giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Việt Nam và New Zealand. Đối thoại diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, nổi bật nhất là xu hướng cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh tới an ninh quốc tế và làm chậm quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch. Châu Á – Thái Bình Dương cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ về an ninh do các tranh chấp lãnh thổ, vấn đề nguồn nước Mê Công, Myanmar và các thách thức phi truyền thống. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác giữa các nước nhỏ và tầm trung như Việt Nam và New Zealand có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định tại khu vực.

Về phía New Zealand, ông Simon Murdoch, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand đánh giá cao nỗ lực của Học viện Ngoại giao và Quỹ ANZF trong việc duy trì trao đổi thực chất về các vấn đề quốc tế nổi bật. Ông Simon Murdoch cho rằng hai bên cần đánh giá sâu về tác động của những diễn biến trong tình hình thế giới đối với khu vực và mỗi nước, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung, khủng hoảng Ukraine và các thách thức an ninh khác.

Toàn cảnh Đối thoại tại đầu cầu Hà Nội

Trong phiên 1 với chủ đề “Ứng xử với các nước lớn trong giai đoạn bất ổn, cạnh tranh và xung đột”, các đại biểu đã thảo luận về những nét mới trong chính sách và quan hệ giữa các cường quốc dưới tác động của khủng hoảng Ukraine. Các học giả New Zealand đã phân tích cuộc khủng hoảng và quan hệ nước lớn từ nhiều góc độ địa chính trị, an ninh, kinh tế và tư tưởng. Đa số ý kiến cho rằng trong bối cảnh bất ổn hiện nay, các nước vừa và nhỏ cần gia tăng hợp tác, xúc tiến đối thoại và xây dựng lòng tin để duy trì vai trò trung tâm tăng trưởng toàn cầu của châu Á - Thái Bình Dương.

Tại phiên 2, các đại biểu đã thảo luận về triển vọng và cơ hội hợp tác Việt Nam – New Zealand trong giai đoạn hiện nay. Hai bên đều khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc triển khai thực chất Kế hoạch hành động Đối tác chiến lược nhằm hiện thực hóa các mục tiêu mà Lãnh đạo hai nước đã đề ra. Các chuyên gia đã nêu lên những cơ hội cho hợp tác song phương và đưa ra một số khuyến nghị về những lĩnh vực ưu tiên. Trong thời gian tới, hai bên cần quan tâm thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, xúc tiến thương mại và đầu tư trên cơ sở các hiệp định đã ký kết.

Toàn cảnh Đối thoại tại đầu cầu Wellington

Đối thoại DAV – ANZF là một trong những cơ chế đối thoại kênh 1,5 thường xuyên và hiệu quả nhất của Học viện Ngoại giao. Ngoài cơ chế song phương nói trên, DAV và ANZF đều tham gia tích cực tại một số cơ chế đa phương khác của khu vực như Đối thoại ASEAN – Úc – New Zealand, Hội đồng hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP)./. 

Bích Ngọc

Cùng chuyên mục