Giới thiệu chung về hoạt động Hợp tác Quốc tế

22:41 26/09/2021

Hợp tác quốc tế là một trong những mặt mạnh của Học viện. Gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước và được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Học viện luôn quan tâm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và uy tín quốc tế trong công tác đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Việc mở rộng các quan hệ đối ngoại của Học viện cũng đã mở thêm cánh cửa hợp tác nghiên cứu với bên ngoài thông qua việc cùng tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học quốc tế, trao đổi nghiên cứu và học giả, các dự án nghiên cứu ra sách chung như “Tầm nhìn ASEAN 2020”. Vị thế của Học viện đã từng bước nâng cao trong mạng lưới nghiên cứu chiến lược quốc tế của khu vực ASEAN và rộng lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương. Cho đến nay, Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 80 viện nghiên cứu và trường đại học nước ngoài và nhiều Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.

Học viện đã cử nhiều cán bộ, giảng viên đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, bồi dưỡng, trao đổi khoa học, tham dự hội thảo quốc tế ở nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, Học viện cũng đã đón các đoàn quốc tế đến trao đổi học thuật, nghiên cứu thực tiễn, tham dự hội thảo. Hằng năm, Học viện tiếp đón và làm việc với trên 40 đoàn khách quốc tế và cử trên 60 đoàn đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế. Từ năm 1994, Học viện đã trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ASEAN (ASEAN - ISIS), thiết lập quan hệ nghiên cứu và học thuật với các viện nghiên cứu quốc tế của nhiều nước khác nhau ở châu Á, châu Âu và châu Bắc Mỹ. Học viện cũng là thành viên Hội đồng Hợp tác An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) và Hội Nghiên cứu chính trị và quốc tế châu Á (APISA). Năm 2000, Học viện tham gia Mạng lưới nghiên cứu xung đột Đông Nam Á với vị trí là Điều phối viên mạng lưới nghiên cứu xung đột của Việt Nam. Từ năm 2004 đến 2008, cùng với những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của Học viện, hoạt động hợp tác quốc tế cũng có những bước phát triển cả về quy mô và nội dung, tạo nên sự chuyển biến cả về bề rộng lẫn chiều sâu, qua đó đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự phát triển toàn diện của Học viện.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, vấn đề an ninh phi truyền thống được đặc biệt quan tâm không chỉ trên phạm vi thế giới. Học viện đã nhanh chóng tiếp cận các vấn đề trên thông qua việc hợp tác với Trung tâm nghiên cứu an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APCSS) để đào tạo cán bộ, giảng viên về lĩnh vực trên. Học viện đã tổ chức khoá đào tạo về Hội đồng Bảo an thường trực của Liên Hợp Quốc cho các Bộ, ngành liên quan.

Từ trước đến nay, Học viện luôn đóng vai trò chủ yếu trong các hoạt động ngoại giao kênh II, tham gia hội thảo quốc tế về các vấn đề Biển Đông, NEAT, NEAS, các vấn đề và mô hình phát triển ở châu Á, các khuôn khổ hợp tác châu Á, An ninh năng lượng… Học viện cũng tổ chức các tọa đàm quốc tế trong nước với các viện nghiên cứu đối tác nước ngoài như Đối thoại song phương với Viện nghiên cứu đương đại Trung Quốc, Đối thoại Kênh II Việt Nam - Niu Dilân, JIIA (Nhật Bản), IFANS (Hàn Quốc), SIIS (Thượng Hải, Trung Quốc), IIR (Đài Loan), Học viện Ngoại giao Nga, Vê-nê-zu-ê-la. Tọa đàm Căm-pu-chia và các nước láng giềng, Hội thảo về Tương lai Quan hệ Việt - Mỹ, Hội thảo về “Quan hệ Đông Nam Á - châu Âu dưới góc độ chính trị và an ninh: Giữa Chủ nghĩa song phương, Chủ nghĩa đa phương và Chủ nghĩa liên khu vực”… và tham gia các hoạt động Kênh II ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á, và châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh những thành tích trong hợp tác nghiên cứu, Học viện Ngoại giao đạt được nhiều thành tích về hợp tác giáo dục. Cho đến nay, Học viện đã đào tạo và bồi dưỡng nhiều thế hệ sinh viên cho hai nước bạn láng giềng gần gũi là Lào và Căm-pu-chia. Hiện nay, nhiều người trong số họ đang giữ các vị trí quan trọng trong Bộ Ngoại giao hay trong bộ máy chính quyền của nước bạn. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống của nước ta với các nước láng giềng. Không chỉ dừng ở việc đào tạo cho hai nước bạn láng giềng, Học viện Ngoại giao còn đào tạo sinh viên cho các nước Nga, Mông cổ, Ru-ma-ni-a, U-crai-na về các chuyên ngành Kinh tế, Quan hệ quốc tế và Luật quốc tế.

Ngay trong những năm đầu đổi mới, được sự tài trợ của các đối tác quốc tế, Học viện thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp về thư ký đối ngoại, xây dựng dự án xin tài trợ cũng như về ngoại ngữ, giao tiếp… Năm 1999 và 2000, được sự giúp đỡ của Quỹ Ford, Học viện đã phối hợp với trường Đại học Columbia xây dựng Chương trình đào tạo Cao học Quan hệ Quốc tế và đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ, chuẩn bị về mặt nhân lực cho việc mở chương trình Cao học Quan hệ Quốc tế vào năm 2001. Tiếp theo đó, Học viện đã mở nhiều lớp tập huấn và đào tạo về ngoại giao đa phương trong nhiều năm với sự tài trợ của UNDP và Chính phủ Pháp nhằm đáp ứng một phần nhân lực cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Năm 2007, trước khi Việt Nam được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Học viện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương (APCSS) tổ chức khóa huấn luyện về Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và về các hoạt động Gìn giữ Hòa bình trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc năm 2009.

Cần phải nhấn mạnh rằng Học viện đã trực tiếp góp phần bằng nhiều hình thức khác nhau vào những thành công đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong những năm đổi mới như đón các đoàn cấp cao, tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế như Hội nghị cấp cao lần thứ 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, ASEM, APEC hay SEA GAMES 22. Cụ thể, Học viện thường xuyên được giao nhiệm vụ mở những lớp đào tạo, bồi dưỡng nhiều đối tượng cán bộ khác nhau về các chuyên môn như lễ tân, thư ký, phiên dịch, tháp tùng, cảnh vệ… phục vụ các hoạt động đối ngoại lớn của Việt Nam. Đặc biệt, Học viện đã tổ chức tốt lớp Biên - Phiên dịch gồm 25 học viên và 02 lớp thư ký hội nghị quốc tế gồm 50 người phục vụ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 năm 1997 và được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng khen. Bên cạnh đó, hàng nghìn lượt sinh viên của Học viện đã được huy động phục vụ các hội nghị quốc tế kể trên và nhiều sinh viên được đánh giá là biết vận dụng kiến thức đã học vào công tác thực tế kể cả về ngoại ngữ lẫn nghiệp vụ.

Phát huy vai trò của một trung tâm đào tạo cán bộ biên phiên dịch, Học viện đã hợp tác với các trung tâm biên phiên dịch của Pháp, Bỉ đào tạo hàng trăm cán bộ có trình độ biên phiên dịch giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp cho các bộ ngành, các trường đại học của nước ta được các cơ sở sử dụng cũng như các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Từ năm 1995 đến nay, 14 khoá Biên phiên dịch hội nghị quốc tế Việt - Pháp đã được đào tạo tại Học viện với tổng số hơn 300 phiên dịch và biên dịch, trong số đó có nhiều người hiện đang công tác tại Bộ Ngoại giao, một số Bộ, ngành, sở Ngoại vụ.

Năm 2004, Học viện tham gia Liên minh đào tạo về quan hệ quốc tế do Quỹ Ford (Mỹ) tài trợ với tư cách là điều phối viên. Thành viên của Liên minh gồm Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Dự án đã góp phần cụ thể hoá chương trình khung về Quan hệ quốc tế (QHQT), chuẩn hoá nội dung giảng dạy chuyên ngành QHQT ở Việt Nam, và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng dạy QHQT ở Học viện cũng như bổ sung tài liệu mới cho nguồn dữ liệu phục vụ giảng dạy QHQT tại Học viện. Dự án góp phần củng cố vị trí của Học viện như một đơn vị hàng đầu về nghiên cứu và giảng dạy quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Hơn thế nữa, Học viện cũng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo của nước ngoài, tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Ford, Quỹ châu Á tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm giảng dạy sau đại học của các nước tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện. Học viện cũng thực hiện các chương trình trao đổi, giao lưu hằng năm với sinh viên các trường đại học trong nước và ngoài nước đến từ các nước như Mỹ, Pháp, Nhật.