Hai bài đăng của Khoa Kinh tế Quốc tế trên tạp chí Research Policy và Area Development Policy

10:45 24/04/2019

Vừa qua, sau quá trình kiểm duyệt (peer review) gắt gao, bài nghiên cứu với chủ đề: ”Less than expected – The minor role of MNEs in upgrading domestic suppliers – the case of Vietnam” do tác giả TS. Nguyễn Thị Xuân Thu, Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao, nghiên cứu cùng GS. TS. Javier Revilla Diez, Viện nghiên cứu Nam Bán cầu, Đại học Cologne, CHLB Đức, đã được đăng trên số tháng 4/2019 của Tạp chí Research Policy, Tạp chí nhóm Q1 thuộc danh mục ISI.

Link bài viết: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0048733319300848

Nghiên cứu này tiếp cận từ góc độ nhà cung cấp để đánh giá tác động lan tỏa theo chiều dọc của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dựa trên kết quả cuộc Khảo sát doanh nghiệp Việt Nam và các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các nhà cung cấp trong nước. Phân tích tổng thể ở Việt Nam cho thấy tác động tích cực của việc trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia (MNEs) đối với sự tăng trưởng nhân tố tổng hợp (TFP) và tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, những phát hiện ở cấp độ vùng thể hiện một bức tranh khác. Trái ngược với kết quả chung của Việt Nam và khu vực năng động nhất - Đông Nam Bộ, kết quả ước lượng cho vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chỉ ra rằng không có sự khác biệt về mặt thống kê trong tăng trưởng TFP giữa các doanh nghiệp nội địa là nhà cung cấp và không phải nhà cung cấp cho các MNEs. Các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các nhà cung cấp trong nước ở khu vực ĐBSH đã phần nào chỉ ra rằng việc trở thành nhà cung cấp chỉ là một trong các cách thức để nâng cao năng suất hiệu quả kinh doanh, nhưng cách thức này không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Nghiên cứu định tính tại vùng ĐBSH cho thấy tác động của việc trở thành nhà cung cấp cho các MNEs tới việc tăng năng suất còn nhiều hạn chế do các doanh nghiệp này có năng lực công nghệ và khả năng hấp thụ yếu.

Bên cạnh đó, bài viết của TS. Nguyễn Thị Xuân Thu hợp tác với Viện nghiên cứu Nam Bán cầu, ĐH Cologne về : ““Strategic Coupling”, skills and regional development in a transition economy: What can we learn from Vietnam?” cũng đã được duyệt đăng trên số tháng 5/2019 của tạp chí: Area Development and Policies, tạp chí thuộc danh mục Scopus. Bài viết đề cập đến việc phát triển kinh tế vùng dựa trên khu vực tư nhân cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế do sự thiếu hụt lao động có kĩ năng. Mặc dù các doanh nghiệp Đức và Nhật Bản đã chủ động và tích cực thiết lập cơ chế hợp tác đào tạo nghề cho các lao động Việt Nam, tính lan tỏa về năng suất, công nghệ, tri thức và kĩ năng sang các doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế.

Link bài viết: https://doi.org/10.1080/23792949.2019.1608838

Ngoài 2 bài kể trên, Khoa Kinh tế Quốc tế hiện đang có 2 bài phối hợp với các nhà nghiên cứu trong nước đang trong quá trình xét duyệt đăng trên các Tạp chí danh tiếng. Trong đó, bài viết: “A mathematical model on the relationship between productivity, corruption, and relocation cost of firms” gửi tạp chí: Annals of Operation Research, tạp chí nhóm Q1 thuộc danh mục ISI, và bài viết: Can FDIs foster the spatial TFP convergence in a transition economy? An empirical approach from Vietnam”gửi tạp chí: Bulletin of Economic Research, tạp chí nhóm Q3 thuộc danh mục ISI.

GS. Javier Revilla Diez và Viện nghiên cứu Nam Bán cầu đã có quá trình hợp tác nghiên cứu lâu năm với Khoa KTQT và Học viện Ngoại giao. Giáo sư Diez cũng là Giáo sư hướng dẫn Luận án Tiến sỹ của 2 Giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế là PGS. TS. Đặng Hoàng Linh và TS. Nguyễn Thị Xuân Thu.

Cùng chuyên mục