Hài hòa hóa luật thương mại quốc tế đối với luật hợp đồng và thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp trọng tài tại Đức
Vào ngày 9/9, Khoa Luật quốc tế Học viện Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Hài hoà hoá Luật thương mại quốc tế: Chuyên đề về Luật hợp đồng và thực tiễn trọng tài thương mại tại Đức". Sự kiện có sự tham gia góp mặt của hai chuyên gia nổi tiếng về luật thương mại quốc tế: Giáo sư Tiến sĩ Manfred Wandt và Giáo sư Tiến sĩ Hanns-Christian Salger.
Giáo sư Tiến sĩ Manfred Wandt là một chuyên gia về Luật dân sự, Luật thương mại và bảo hiểm, Tư pháp quốc tế và Luật so sánh. Ông cũng là Viện trưởng của Viện Luật bảo hiểm (IVersR) và phục vụ trong ban điều hành của Viện Luật và Tài chính (ILF) và Trung tâm quốc tế về quy định bảo hiểm (ICIR)
Trong khi đó, Giáo sư Tiến sĩ Hanns-Christian Salger là một chuyên gia về giải quyết tranh chấp, đại diện cho khách hàng tại tòa án và trọng tài trên toàn thế giới với 35 năm kinh nghiệm tại Đức và New York. Ông đã hoạt động với tư cách là trọng tài viên theo nhiều quy tắc khác nhau (DIS, ICC, LCIA, AAA) đồng thời ông cũng đảm nhiệm vị trí nhân chứng chuyên gia về Luật Dân sự CHLB Đức trước các toà án CHLB Đức và các toà án thương mại quốc tế.
Bài phát biểu khai mạc được trình bày bởi Thầy Trần Hữu Duy Minh, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế. Thầy Minh nhấn mạnh trọng tâm đào tạo của Khoa Luật quốc tế của DAV là công pháp quốc tế, nhằm tuyển những cán bộ có chuyên môn về công pháp quốc tế. Nhưng đồng thời thầy cũng nhận thức rõ những cơ hội việc làm lớn dành cho các sinh viên quan tâm đến thực tiễn của ngành luật trong các doanh nghiệp tư nhân. Bài giảng này theo thầy mô tả chính là một cơ hội có giá trị đối với sinh viên muốn xây dựng sự nghiệp trong luật thương mại quốc tế.
Trong phiên đầu tiên có tên Hài hòa hóa Luật thương mại quốc tế thông qua luật mềm: Các nguyên tắc của Luật hợp đồng tái bảo hiểm hướng đến về hài hòa hóa pháp lý toàn cầu, Giáo sư Tiến sĩ Manfred Wandt đã giải thích khái niệm tái bảo hiểm, sử dụng các ví dụ về các hợp đồng bảo hiểm cá nhân và nhấn mạnh đến nhu cầu về luật mềm dựa trên các thông lệ chung để giảm thiểu rủi ro cho các công ty bảo hiểm. Bài thuyết trình của ông đã cung cấp cho sinh viên những hiểu biết có giá trị Về phương thức hài hoà hoá pháp luật trong lĩnh vực như hợp đồng tái bảo hiểm chẳng hạn như các nguyên tắc tái bảo hiểm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho thương mại quốc tế. Trong phiên hỏi đáp Giáo sư Tiến sĩ Manfred Wandt và các giảng viên của Khoa Luật quốc tế đã thảo luận về tác động của dự án pháp lý PRICL (Link Văn bản PRICL) đối với tương lai của hệ thống luật bảo hiểm quốc tế và trong các thương vụ yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Phiên họp thứ hai, Trọng tài thương mại quốc tế - Thực tiễn tại Đức do Giáo sư Tiến sĩ Hanns-Christian Salger trình bày. Ông giới thiệu về sự phát triển lịch sử của trọng tài như một cơ chế giải quyết tranh chấp quan trọng trong luật thương mại quốc tế. Giáo sư Salger nhấn mạnh vai trò quan trọng của tư pháp quốc tế trong trọng tài, đặc biệt chú trọng đến tính linh hoạt mà nó mang lại cho các bên liên quan. Ông cũng thảo luận về sự khác biệt về thủ tục giữa trọng tài trong hệ thống luật Dân luật và Thông luật.
Để giải quyết những khó khăn và thách thức trong hệ thống trọng tài thương mại quốc tế hiện nay, Giáo sư Salger đã nhấn mạnh đến các nhu cầu về những biện pháp tăng cường sức hấp dẫn của nó, chẳng hạn như đảm bảo tính đa dạng và cung cấp nhiều lựa chọn trong trọng tài. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng trọng tài viên phải có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết và quyết đoán để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của trọng tài quốc tế. Ông cũng trả lời các câu hỏi của sinh viên và giảng viên Khoa Luật quốc tế về vai trò quan trọng của luật trong nước và tư pháp quốc tế trong trọng tài.
Buổi tọa đàm kết thúc với bài phát biểu bế mạc của Thầy Trần Hữu Duy Minh, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế. Ông bày tỏ sự trân trọng đối với những góc nhìn mới mẻ mà bài thuyết trình mang lại và nhất mạnh rằng bài thuyết trình đã mở ra những kiến thức mới cho những người tham dự, đặc biệt là những người quan tâm đến sự nghiệp trong lĩnh vực trọng tài quốc tế.