Học viện Ngoại giao - 65 năm vươn mình cùng dân tộc

09:20 03/12/2024

Sáng ngày 02/12, Học viện Ngoại giao đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (1959-2024) và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Tham dự buổi lễ có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Phạm Lan Dung, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Học viện Ngoại giao, Nguyên Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao; đồng chí Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao; đồng chí Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao; các thành viên của Hội đồng Học viện cùng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên, cựu sinh viên và sinh viên Học viện Ngoại giao. 

Uỷ viên TƯ. Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ủy viên dự khuyết TƯ. Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình chụp hình lưu niệm cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, cựu sinh viên Học viện Ngoại giao
(Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Ngoại giao là dịp để các thế hệ thầy, trò cùng ôn lại những kỷ niệm, nhìn lại những chặng đường phát triển của Học viện qua các thời kỳ, đồng thời tôn vinh những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động vào công tác đào tạo nói riêng và sự phát triển, vị thế của Học viện nói chung trong 65 năm qua.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn
(Ảnh: Học viện Ngoại giao)
(Ảnh: Học viện Ngoại giao)
Toàn cảnh buổi Lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Ngoại giao và Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Lễ kỷ niệm đồng thời được tổ chức để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11),  một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Tôn sư trọng đạo – uống nước nhớ nguồn”. Đây cũng là dịp đặc biệt để các thế hệ sinh viên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên của Học viện trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng. Đồng thời cũng là dịp để toàn thể giảng viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên Học viện chia sẻ, thấu hiểu để cùng đồng hành xây dựng và phát triển Học viện, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng lãnh đạo Học viện Ngoại giao TS. Phạm Lan Dung và TS. Nguyễn Hùng Sơn cắt băng khánh thành phòng truyền thống của Học viện
(Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Trong không khí hân hoan, phấn khởi kỷ niệm 65 năm thành lập và Ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng lãnh đạo Học viện Ngoại giao TS. Phạm Lan Dung và TS. Nguyễn Hùng Sơn cắt băng khánh thành phòng truyền thống của Học viện. Đây không chỉ là nơi lưu giữ lại những dấu ấn lịch sử quan trọng có giá trị quý báu của Học viện trong hành trình phát triển mà còn là biểu hiện của lòng tri ân, biết ơn chân thành của thế hệ ngày nay đối với những thành quả mà cha anh, các bậc tiền bối đã dày công gây dựng. Đó cũng là động lực, điểm tựa tinh thần vững chắc, nguồn cảm hứng cho các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của Học viện tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Học viện, đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn cho sự phát triển của Học viện nói riêng và sự phát triển của ngành Ngoại giao, của đất nước nói chung.

Phiên Toạ đàm với các thế hệ lãnh đạo Học viện Ngoại giao qua các thời kỳ có sự tham dự của một số nguyên Giám đốc Học viện: PGS. TS. Đặng Đình Quý; GS.TS. Vũ Dương Huân; PGS.TS. Dương Văn Quảng; TS. Phạm Lan Dung
(Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Tại buổi lễ, Lãnh đạo Học viện Ngoại giao qua các thời kỳ có buổi tọa đàm, cùng nhìn lại chặng đường lịch sử của Học viện, chia sẻ những kỷ niệm, sự thay đổi của học viện qua các thời kỳ, thảo luận và chỉ ra những những thách thức mà Học viện phải đối mặt trong giai đoạn tới để từ đó có chiến lược phát triển Học viện, đồng thời bày tỏ những kỳ vọng, sự tin tưởng vào thế hệ tương lai, phát triển và giữ vững bản sắc của Học viện Ngoại giao. Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành ngoại giao có những nhiệm vụ quan trọng, Học viện Ngoại giao phấn đấu trở thành hạt nhân nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế, là địa chỉ đỏ về giáo dục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối ngoại và hội nhập quốc tế cho ngành Ngoại giao và đất nước. Các cựu Lãnh đạo mong rằng tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên Học viện luôn giữ được truyền thống đoàn kết, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, hiện thực hóa sứ mệnh, tầm nhìn của Học viện.

Buổi Đối thoại với các gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu của Học viện Ngoại giao (Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Về dự buổi lễ còn có các cựu sinh viên tiêu biểu, đã trở thành những những nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại uy tín ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực; đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Các cựu sinh viên có mặt tại buổi lễ rất xúc động, bồi hồi khi gặp lại các thầy, cô sau nhiều năm rời mái trường Học viện Ngoại giao thân thương, một môi trường mà tất cả mọi người đều gắn bó và đối xử với nhau rất tình nghĩa đã tạo nên nhân cách con người Học viện Ngoại giao. Đồng chí Bùi Thanh Sơn Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản là hai trong số các gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu. Với tất cả niềm tự hào từng là sinh viên Học viện Ngoại giao, mang kiến thức đã học ở trường Ngoại giao đóng góp cho đất nước, các cựu sinh viên luôn sẵn sàng đồng hành cùng Học viện Ngoại giao và tin tưởng rằng với những gì mà Học viện đã làm trong 65 năm qua trong sự nghiệp bồi dưỡng, đào tạo, nghiên cứu thì Học viện có thể hoàn toàn vững tin bước đi trên con hội nhập của đất nước và vươn mình ra thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá “trong suốt 65 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Học viện Ngoại giao đã luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo về quan hệ quốc tế hàng đầu Việt Nam, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời cũng là nơi đào tạo được rất nhiều thế hệ cán bộ không chỉ cho Bộ Ngoại giao mà còn cho các cơ quan làm công tác đối ngoại của đất nước”

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
phát biểu tại Lễ Kỷ niệm (Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Bề dày lịch sử và cống hiến của Học viện Ngoại giao những thập kỷ qua đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện ở những phần thưởng và danh hiệu cao quý mà Học viện được trao tặng, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009 và gần đây nhất là Huân chương độc lập Hạng nhất năm 2019.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao thành công của Học viện trong việc đẩy mạnh tự chủ, bắt kịp xu thế tự chủ đại học và đổi mới giáo dục. “Có thể nói quyết định đi đến tự chủ đại học và đổi mới toàn diện công tác giáo dục của Học viện là một quyết định dũng cảm và đúng đắn của cả phía Học viện và của Bộ”, “công tác nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu biển Đông, đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, thông tin tư liệu, xây dựng đơn vị của Học viện được chú trọng” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng phát biểu tại buổi lễ.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, với cả thời cơ, vận hội và thách thức, khó khăn. Giai đoạn phát triển mới của đất nước - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đặt ra yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, nhưng cũng rất vẻ vang đối với công tác đối ngoại. Để hiện thực hoá tầm nhìn, mục tiêu chiến lược phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Học viện phải nêu cao truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo hội nhập và quán triệt thực hiện tốt 5 nhiệm vụ:

Thứ nhất, không ngừng đổi mới sáng tạo, khơi dậy và khai thác tốt mọi lợi thế, tiềm năng, phát huy bản sắc để đóng góp toàn diện, thiết thực cho công tác đối ngoại của Bộ Ngoại giao và đất nước trong giai đoạn chiến lược từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045. Trước mắt, Học viện cần tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển giai đoạn 2019 - 2029, bám sát trọng tâm công tác của Bộ, có tổng kết, đánh giá và bổ sung kịp thời phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới. Chủ động xây dựng lộ trình cụ thể, khả thi để nâng tầm vóc, uy tín quốc tế, quyết tâm vươn lên nhóm các cơ sở đào tạo, nghiên cứu dẫn đầu khu vực vào năm 2030.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với yêu cầu của đất nước, của ngành trong bối cảnh mới, nâng tầm hội nhập quốc tế thông qua kiểm định chất lượng, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa học và hành; tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, phát huy tự chủ, dám nghĩ, dám làm, đưa ra các sáng kiến, ý tưởng hay để đưa Học viện tiếp tục phát triển mang tính đột phá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thứ ba, phát huy vai trò tiên phong trong nắm chắc chiều hướng vận động của cục diện thế giới, khu vực và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước để thường xuyên nâng tầm chất lượng nghiên cứu, dự báo, tham mưu; triển khai mạnh mẽ ngoại giao kênh 1.5 và kênh 2; đẩy mạnh tham mưu, tư vấn cho Bộ trong hoạch định và triển khai đường lối, chính sách đối ngoại. Chú trọng, đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu lịch sử và truyền thống ngoại giao, lan toả những trang sử vẻ vang, nhất là hướng tới dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Ngành (năm 2025), đồng thời tích cực đóng góp xây dựng nền tảng lý luận về đối ngoại của Đảng, trong đó có nội hàm về Đối ngoại trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thứ tư, không ngừng hoàn thiện tư duy, phương pháp, kỹ năng, mạnh dạn ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị chất lượng đào tạo, nghiên cứu, thông tin tư liệu, tiệm cận trình độ tiên tiến của khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đổi mới cách thức quản lý, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trình độ cao; hiện đại hoá cơ sở vật chất tương xứng với quy mô đào tạo, sớm hoàn thành Cơ sở 2 tại 120 Trần Quốc Hoàn.

Thứ năm, hết sức coi trọng công tác xây dựng tập thể Cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, chăm lo tốt cho đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công tác tổ chức cán bộ là tiền đề then chốt để xây dựng Học viện Ngoại giao trở thành hạt nhân nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế, là địa chỉ đỏ về giáo dục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối ngoại và hội nhập quốc tế cho ngành Ngoại giao và đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm lần này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao đóng góp của đồng chí Phạm Lan Dung trên cương vị người đứng đầu đã chèo lái Học viện trong giai đoạn có nhiều biến chuyển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho sự đổi mới và phát triển của Học viện, đặc biệt kể từ khi Học viện tự chủ từ năm 2021 đến nay. Đề nghị đồng chí Nguyễn Hùng Sơn cùng với tập thể lãnh đạo, các thầy cô, cán bộ nghiên cứu, viên chức, người lao động tiếp tục phát huy thành tích của Học viện trong thời gian tới.

Thay mặt toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của Học viện Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới đồng chí Bùi Thanh Sơn; đồng chí Lê Hải Bình; các đồng chí Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên, học viên Học viện Ngoại giao đã đến dự và chia sẻ niềm vui lớn tại buổi Lễ và kính chúc tất cả các đồng chí sẽ tiếp tục đồng hành để làm nên những trang sử vẻ vang mới của Học viện Ngoại giao trong thời gian tới.

Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn
phát biểu tri ân tại Lễ Kỷ niệm
(Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Với những thành tích đã đạt được, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn tin tưởng rằng tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên của Học viện sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bề dày truyền thống và thành tích trong 65 năm qua, tiếp tục làm tốt sứ mệnh giáo dục và đào tạo, hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên gửi gắm, giao phó. Trong đó, có việc tiếp thu lĩnh hội chỉ đạo về tầm nhìn và chiến lược phát triển Học viện của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, phấn đấu để Học viện tiếp tục nâng cao truyền thống “Đoàn kết - Bản lĩnh - Trí tuệ - Sáng tạo - Hội nhập”, nỗ lực “vươn mình” để nâng tầm vóc, uy tín quốc tế, đặt nhiệm vụ quyết tâm vươn lên nhóm các cơ sở đào tạo, nghiên cứu dẫn đầu khu vực vào năm 2030./.

Ngô Hương

Cùng chuyên mục