Hội thảo quốc tế “Hai mươi năm hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tại Hà Nội (1997-2017) : Hồi ức và triển vọng”

04:40 19/01/2018

Nhân dịp kỉ niệm 20 năm Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tại Hà Nội (14-16/11/1997), Bộ Ngoại giao, Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương (CECOFAP) trực thuộc Học viện Ngoại giao, phối hợp với Văn phòng Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương và Văn phòng Tổ chức Đại học Pháp ngữ châu Á-Thái Bình Dương đồng tổ chức hội thảo "Hai mươi năm Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tại Hà Nội : Hồi ức và triển vọng"vào ngày 16/11/2017 tại Nhà khách Chính phủ. Tham dự Hội thảo có nhiều đại biểu đến từ các Bộ, Ngành và các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức trong một ngày và tập trung vào hai nội dung chính: (i) Gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhân chứng đã tham gia vào việc tổ chức Hội nghị cấp cao VII cũng như những nỗ lực của họ vì sự nghiệp Pháp ngữ trong suốt 20 năm qua ; (ii) Trao đổi về những cơ hội và thách thức đối với Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như đưa ra những khuyến nghị để phát triển Pháp ngữ tại khu vực này.

Trong diễn văn chào mừng, thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc đã nêu cao tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị cấp cao VII Hà Nội, vai trò của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ trên thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng với tư cách là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Trong buổi sáng, phần 1 "Những kí ức của Hội nghị cấp cao VII Hà Nội" được chủ trì bởi Đại sứ Dương Văn Quảng (Học viện Ngoại giao) và Giáo sư Pierre JOURNOUD (ĐH Paul Valéry Montpellier 3) với các tham luận của ĐS Nguyễn Thiệp, ông Follain MONCEF, ông Régis MARTIN, ĐS Tôn Nữ Thị Ninh, GS Nguyễn Ngọc Trân và bà Bùi Trân Phượng.

Đối với ĐS Ninh và GS Trân, Hội nghị cấp cao VII thể hiện sự thành công của chủ nghĩa đa phương trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam cũng như việc đưa Việt Nam trở lại cộng đồng quốc tế. ĐS Quảng đã kết luận là sự kiện này đã mở đường cho Việt Nam đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng khác như Hội nghị cấp cao ASEAN, ASEM, APEC… Đối với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Hội nghị cấp cao VII đánh một dấu mốc quan trọng với việc lập ra vị trí Tổng thư kí, thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng cường hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Quang Chiến, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Rumani nhận định rằng Pháp ngữ đã trải qua một giai đoạn khó khăn dù có sự phát triển rực rỡ trong thập niên 1990, nhất là sau 1997. Sự thoái trào của Pháp ngữ trong khu vực là do thiếu một chiến lược phát triển nhất quán, do Tổ chức Pháp ngữ đã dành sự chú ý cho các khu vực khác. Tuy nhiên, các diễn giả đều thống nhất cho rằng Pháp ngữ vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong khu vực.

Các diễn giả cũng như những người tham dự hội thảo đều cảm thấy tiếc vì Pháp ngữ đã chưa thực sự hiện diện mạnh mẽ tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Nếu một Hội nghị cấp cao nữa được tổ chức tại khu vực trong thời gian tới rất có thể sẽ thổi một luồng gió mới cho Pháp ngữ cũng như việc dạy và học tiếng Pháp trong khu vực. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cũng như Văn phòng Pháp ngữ châu Á-Thái Bình Dương.

Buổi chiều, phần hai "Thực trạng và triển vọng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương" do ĐS Tôn Nữ Thị Ninh và ĐS Ma-rốc tại Việt Nam Azzeddine FARHANE chủ trì với các tham luận của GS Pierre JOURNOUD, GS Philippe LE PRESTRE, GS David BEL, ĐS Azzeddine FARHANE và bà Tạ Thu Trang.

Nói về thực trạng, các báo cáo đều cho rằng Pháp ngữ và tiếng Pháp đã giảm vai trò ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Thách thức rất lớn hiện nay là vai trò áp đảo của tiếng Anh do các trao đổi kinh tế, thương mại cũng như các ngôn ngữ khác trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc do gần gũi về địa lý, trao đổi văn hóa, kinh tế.

Các tham luận cũng cho thấy ba quốc gia châu Á-Thái Bình Dương là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm đến tiếng Pháp hơn. GS JOURNOUD nhấn mạnh rằng số người học tiếng Pháp tại ba quốc gia này lần đầu tiên đã vượt qua con số người học ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. GS Bel cho biết ba quốc gia nói trên rất mong muốn thông qua Tổ chức Pháp ngữ thâm nhập vào châu Phi. Pháp ngữ có thể đóng vai trò cầu nối không chỉ giữa Pháp, các cường quốc châu Á và châu Phi mà còn giữa các quốc gia châu Á với nhau thông qua việc phối hợp các chính sách song phương và đa phương như Pháp ngữ đã làm với hợp tác ba bên (Việt Nam-Maroc-OIF). OIF cũng có thể làm cầu nối giữa các quốc gia châu Á và các quốc gia Pháp ngữ châu Đại Dương như Vanuatu và Nouvelle-Calédonie.

Nói về triển vọng, GS Le-Prestre chỉ ra Pháp ngữ có hai lợi thế để có thể xây dựng mô hình quản trị phức hợp: cầu nối giữa các khu vực và các nền văn hóa thông qua một ngôn ngữ chung; hệ thống các mạng lưới liên chính phủ và xuyên quốc gia mà việc xây dựng và quản trị dựa trên mô hình phức hợp. Muốn vậy, Pháp ngữ phải vượt qua cái bóng trong quá khứ của chính mình: một Tổ chức quốc tế Pháp ngữ thụ động để trở thành một Tổ chức quốc tế Pháp ngữ chủ động, một không gian hợp tác đa phương nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy các giá trị chung.

Trong phần trao đổi, một sinh viên năm cuối của Học viện Ngoại giao đã hỏi các diễn giả về tương lai của Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực kinh tế năng động và cơ hội tổ chức một Hội nghị cấp cao nữa ở khu vực này cũng như cơ hội được làm việc tại các cơ quan thực thi của Tổ chức Pháp ngữ đối với các sinh viên Việt Nam nói tiếng Pháp.

Kết luận hội thảo, ĐS Tôn Nữ Thị Ninh nhắc lại rằng Pháp ngữ đã, vẫn luôn hiện diện và đóng vai trò quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương dù có sự suy giảm nhất định. Pháp ngữ và tiếng Pháp có thể đóng vai trò cầu nối giữa các khu vực trên thế giới nhất là giữa châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương. Muốn vậy, phải tạo ra động lực mới cho khu vực, trước hết là tổ chức một hội nghị cấp cao nữa tại khu vực này./.

Compte rendu Colloque 20 ans du  VIIe Sommet PDF

Cùng chuyên mục