Mạng lưới và Quyền lực: Suy ngẫm lại luận điểm của Chủ nghĩa Tự do

16:22 22/04/2020

Tóm tắt tác phẩm: Henry Farrel và Abraham Newman, Weaponized Interdependence: How global economy networks shape state coercion, International Security, Vol.44, No.1, 2019, pp.42-79

Nguồn ảnh: CGTN

Trong bài báo “Sự phụ thuộc lẫn nhau bị lợi dụng: Cách mạng lưới kinh tế toàn cầu cưỡng bức các quốc gia” [Weaponized Interdependence: How global economy networks shape state coercion] đăng trên Tạp chí An ninh quốc tế [International Security], năm 2019, Henry Farrel và Abraham Newman chứng minh rằng mạng lưới toàn cầu không làm cho các quốc gia bình đẳng hơn, mà còn “cấu trúc hóa” bất cân bằng quyền lực. Trên cơ sở đó, hai tác giả cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau hiện nay đang mang lại nhiều lợi thế cho các nước lớn, điển hình là Mỹ.Đê chứng minh cho nhận định trên, Farrel và Newman xem xét lại hai định đề cơ bản của chủ nghĩa tự do. Thứ nhất, nếu những người theo chủ nghĩa tự do lập luận rằng toàn cầu hóa tạo ra một mạng lưới phi tập trung hóa, qua đó thúc đẩy hợp tác,  hai tác giả lại cho rằng các mạng lưới được cấu tạo bởi hai yếu tổ: “nút” (nodes), tương đương với chủ thể hoặc vị trí cụ thể trong mạng lưới, và “kết nối” (ties), hay là những liên kết giữa các nút, có nhiệm vụ truyền tải thông tin, nguồn lực hoặc các hình thức ảnh hưởng khác. Mạng lưới càng mở rộng, sự tập trung vào một số nút nhất định càng gia tăng; những nút mới sẽ có xu hướng gắn với những nút trung tâm đã có nhiều liên kết hơn là những nút có ít kết nối. Những nút trung tâm này thường là các quốc gia với nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ. Vì vậy, liên kết mạng không tạo nên hệ thống phi tập trung hóa như nhận định của những người theo chủ nghĩa tự do.Thứ hai, hai tác giả phản bác ý kiến của chủ nghĩa tự do cho rằng các mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau phức tạp sẽ kiềm chế các quốc gia áp dụng biện pháp cưỡng bức,  hoặc chí ít làm giảm hiệu quả của các biện pháp đó. Thay vào đó, sự phát triển không cân đối giữa các nút tạo nên sự chênh lệch đáng kể trong sức ảnh hưởng. Các nước phát triển, với vai trò là các nút trung tâm, có khả năng tạo ảnh hưởng lớn hơn đối với các nước khác trong mạng lưới. Trong những cấu trúc đã được thiết lập như vậy, các chủ thể kinh tế sẽ khó có thể thay đổi hay thay thế chúng.Trên cở sở đó, Farrel và Newman giải thích cách thức quyền lực được sinh ra và thực thi ở trong mạng lưới qua hai cơ chế: hiệu ứng “nhà tròn” (panopticons) và hiệu ứng “điểm nghẽn” (chokepoint). Hiệu ứng nhà tròn nhấn mạnh lợi thế của các cường quốc (hay các nút trung tâm) trong thu thập thông tin quan trọng về đối thủ (hay bên thứ ba mà đối thủ phụ thuộc vào) từ dòng chảy thông tin thay vì theo dõi trực tiếp. Cùng với sự phát triển của công nghệ, hiệu ứng này ngày càng trở nên phức tạp, giúp các quốc gia trung tâm có lợi thế về mặt thông tin trong việc tập hợp dữ liệu. Trong khi đó, hiệu ứng điểm nghẽn nhấn mạnh khả năng một trung tâm cắt đứt kết nối (ngắt mạch) để hạn chế hoặc xử phạt các bên thứ ba (các nước khác hoặc các chủ thể tư nhân). Theo đó, khi một quốc gia có thể ở vị trí quyền lực để “ngắt” sự kết nối của quốc gia khác vào một mạng lưới, quốc gia sở hữu quyền kiểm soát hay quyền lực cưỡng chế đáng kể.Hiệu ứng “nhà tròn” và “điểm nghẽn” được thực tế hóa trong kết cấu của hệ thống tài chính SWIFT và hệ thống internet toàn cầu. Được thành lập vào năm 1973, SWIFT sử dụng một nền tảng thông tin độc quyền được tiêu chuẩn hóa để tạo điều kiện cho việc thực hiện các giao dịch tài chính. Do SWIFT là trung tâm của hệ thống chuyển tiền toàn cầu, nó thu thập dữ liệu về hầu hết các giao dịch trên thế giới. Vai trò của SWIFT càng đươc chú ý hơn sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, khi các quốc gia, tổ chức, đặc biệt là chính phủ Mỹ, đã bắt đầu khai thác dữ liệu của SWIFT để truy tìm, hạn chế ngân sách cho khủng bố và điều tra những hành vi trái pháp luật. Dữ liệu của SWIFT là một nguồn thông tin quý giá cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nó phơi bày mạng lưới cung cấp tiền phức tạp cho các băng đảng. Bên cạnh việc sử dụng hiệu ứng nhà tròn, Mỹ và EU triệt để lợi dụng hiệu ứng điểm nghẽn của SWIFT để cấm vận Iran. Trưng bày bằng chứng việc Iran sử dụng SWIFT để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, cung cấp tiền cho các hoạt động khủng bố và các hành động đàn áp người dân, Mỹ và EU đã yêu cầu SWIFT loại bỏ các ngân hàng Iran ra khỏi hệ thống của mình. Dỡ bỏ lệnh cấm vận này là một mấu chốt quan trọng trong cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Theo đó, SWIFT trở thành một loại vũ khí để Mỹ thu thập một lượng lớn dữ liệu phục vụ cho mục tiêu an ninh cũng như loại trừ các đối thủ khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.Tương tự, hệ thống internet toàn cầu cung cấp các lợi thế về hiệu ứng nhà tròn và  hiệu ứng điểm nghẽn. Tuy nhiên, Mỹ thiên về sử dụng hiệu ứng nhà tròn hơn là hiệu ứng điểm nghẽn. Một ví dụ tiêu biểu là PRISM - hệ thống do thám do Cơ quan An ninh Mỹ khởi động năm 2007, cho phép cơ quan này thu thập thư điện tử, các đoạn phim, ảnh, cuộc gọi thoại và video, thông tin về mạng xã hội, việc đăng nhập và các dữ liệu khác mà hàng loạt hãng internet Mỹ như Facebook, Google, Microsoft, Apple, Yahoo và Skype nắm giữ. Việc chính phủ Mỹ sử dụng các công ty công nghệ như công cụ để theo dõi tuy gặp phải sự phản đối từ nhiều nước hay chính các nhân viên NSA (Edward Snowden), nhưng Mỹ sở hữu ưu thế sân nhà vượt trội để duy trì những lợi ích của mình. Hơn nữa, các đồng minh của Mỹ ở EU cũng phụ thuộc nhiều vào sự chia sẻ dữ liệu theo dõi của Mỹ cho mục đích an ninh của họ.Với các minh chứng đó, Farrel và Newman kết luận sự phụ thuộc lẫn nhau có thể được vũ khí hóa, hay nói cách khác là bị lợi dụng để phục vụ các mục tiêu an ninh, chính trị. Tuy nhiên, quyền lực mạng lưới cũng có những hạn chế nhất định. Thứ nhất, không phải bất cứ quốc gia nào cũng bị phụ thuộc trực tiếp vào mạng lưới bất đối xứng. Thứ hai, không phải mọi bộ phận của nền kinh tế đều được quốc tế hóa hay phụ thuộc hoàn toàn vào mạng lưới trao đổi. Thứ ba, những quốc gia ít hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng nhà tròn hay điểm nghẽn. Cuối cùng, bản thân các quốc gia khác, ví dụ như EU, Nga, Trung Quốc sẽ phát triển các năng lực để để đối phó với cấu trúc thông tin hiện nay. Blockchain là một ví dụ về cách thức thoát khỏi ảnh hưởng của SWIFT.Bài báo đóng góp một cách tiếp cận mới mẻ trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và an ninh trong quan hệ quốc tế. Những ý kiến của hai tác giả khuyến khích các học giả tập trung hơn vào cấu trúc quốc tế và những hình thái mới của quyền lực quốc gia được tạo ra hoặc củng cố bởi quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế. Những lập luận trong bài báo có thể được áp dụng để giải thích cho hành động của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ hay phần nào đó là Trung Quốc, trong một thế giới toàn cầu hóa và liên kết, phụ thuộc chặt chẽ về nhiều mặt như hiện nay. Không phải ngẫu nhiên, Trung Quốc, Mỹ và các nước EU bỗng đối đầu nhau gay gất về quyền tiếp cận và phát triển mạng 5G.

Phan Quỳnh Nga là Chủ nhiệm CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học Galileo Society và là sinh viên khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao Việt Nam, Học viện Ngoại giao.

Cùng chuyên mục