Mô Hình Liên Hợp Quốc tại Học viện Ngoại giao: Cơ hội cho các nhà ngoại giao trẻ

03:21 20/08/2014

Kiến thức cho các ngành liên quan đến quan hệ quốc tế là rất rộng lớn. Liệu sự hiểu biết của sinh viên DAV đã đủ cho công cuộc cạnh tranh với quy mô Toàn cầu trong Thế giới ngày càng phẳng như hiện nay? Hãy thử trả lời cho câu hỏi đó thông qua một hoạt động có quy mô toàn cầu với hơn 600 cuộc thi khắp các châu lục mỗi năm – Model United Nations.

MUN là gì?

Mô hình Liên Hợp Quốc (Model United Nations – MUN) là phiên họp giả định các cuộc thảo luận tại Liên Hợp Quốc. Các sinh viên tham gia sẽ đóng vai trò các nhà ngoại giao đại diện cho một quốc gia, đưa ra những phát biểu dựa trên lập trường quốc gia – dân tộc về các vấn đề toàn cầu được đưa ra trong chương trình nghị sự của hội nghị. Nguyên tắc chính trong cuộc họp là đạt được sự đồng thuận của số đông các đại biểu đồng thời phải đảm bảo được lợi ích riêng của mỗi quốc gia.

CLB Mô hình Liên Hợp Quốc DAV (DAV MUN CLUB) ra đời ra sao?

Việc thành lập mô hình Liên Hợp Quốc tại Học viện Ngoại giao được TS. Nguyễn Thị Cát Ngọc lên ý tưởng từ năm 2012 và được triển khai trong một nhóm sinh viên khoa Chính trị Quốc tế dưới sự quan tâm hỗ trợ của các giảng viên trong Học viện. Sau hơn 1 năm đào tạo dưới mái trường Ngoại giao, 5 thành viên của CLB DAV MUN đã đại diện cho sinh viên Việt Nam lần đầu tiên tham gia và đạt giải thưởng về “tuyên bố lập trường” (position paper) tại Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc Phân viện HongKong (Pan-Asia) tháng 4/2014. Có thể nói, CLB DAV MUN, nơi mang đậm tính chuyên nghiệp và học thuật, sẽ giúp sinh viên Học viện rèn luyện và phát huy được lợi thế về lĩnh vực chính trị quốc tế và ngoại giao.

Trải nghiệm khi tham gia HKMUN

Ban tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả: Chỉ với hơn 20 thành viên, HKMUNC đã thực hiện chương trình quy mô quốc tế trong 04 ngày với lịch trình họp và hoạt động hợp lý, liên tục từ 9h - 21h30. Các đội tham gia hết mình và nắm bắt được cuộc đấu: Các đội hầu hết có kinh nghiệm ở các hoạt động MUN quốc tế hoặc câu lạc bộ MUN của các trường. Khối lượng công việc: Với 3 tiếng cho mỗi phiên họp, các bạn phải phát biểu, đàm phán liên tục để giữ vững lợi ích của quốc gia mình đại diện không bị gạt ra trong những bản Dự thảo Nghị quyết của các nước khác. Sau 6 tiếng đồng hồ họp bàn căng thẳng, các hoạt động bên lề hội nghị sẽ là nơi để các đoàn giao lưu, vận động cho việc ký kết và đưa ra Nghị quyết mà các bên cùng đồng thuận. Sau khoảng 21h30, các đoàn làm việc (có thể là online hoặc gặp mặt trực tiếp) tùy theo khối lượng công việc. Rõ ràng, đây thực sự là nơi để các sinh viên Ngoại giao – đặc biệt là Khoa Chính trị QT và Luật QT có thể vận dụng và phát huy những kiến thức mà mình đã được đào tạo.

Bài học rút ra sau cuộc thi

Yếu tố quan trọng nhất cho cuộc thi là sự chuẩn bị: Tùy theo khả năng của bạn và mức độ phức tạp của vấn đề cần chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung định nói và định đàm phán. Chuẩn bị tốt công việc, lường trước các tình huống chính là yếu tố mấu chốt cho sự thành công. Yếu tố tiếp theo là tác phong ngoại giao: ứng biến linh hoạt, bình tĩnh tự tin,vận dụng kỹ năng đàm phán, phản biện, tập hợp lực lượng, làm việc nhóm... Tuy rằng quá trình diễn ra các phiên họp sẽ không có nhiều biến cố tuy nhiên mỗi quy trình họp ở mỗi cuộc thi lại không thực sự nhất quán. Chính lúc này, cần phải phát huy sự linh hoạt trong tư duy, vận dụng những kiến thức được đào tạo tại mái trường Ngoại giao để thu hẹp khoảng cách và lấy lại thế cân bằng trong bàn đàm phán. Các yếu tố khác như kinh nghiệm, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng diễn thuyết trước đám đông... cũng rất cần thiết trong hoạt động MUN cũng như đáp ứng công việc sau này.

Phạm Minh Tuấn

 

Cùng chuyên mục