Mô phỏng tọa đàm "Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hình thành cộng đồng ASEAN cuối năm 2015"

02:55 12/06/2015

Sáng ngày 03/6/2015, tại Phòng Truyền thống - Học viện Ngoại giao, sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế CT39 và hệ Liên thông LT03 đã tổ chức cuộc họp mô phỏng Tọa đàm “Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hình thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015” nằm trong khuôn khổ môn học Nghiên cứu ASEAN, thuộc chuyên sâu Khu vực học. Ban Cố vấn cho buổi Tọa đàm gồm: NCS. Nguyễn Phú Tân Hương - Phó Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, phụ trách môn Nghiên cứu ASEAN và ThS. Nguyễn Sơn Ngọc - Trưởng Phòng Nghiên cứu tổng hợp - Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, người đã 6 năm công tác tại Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia.

1. Anh Simulation (edit)

Ban Cố vấn cùng sinh viên CT39 và LT03 tại cuộc họp mô phỏng

Tại buổi mô phỏng, một nhóm sinh viên đóng vai trò Ban Thư ký ASEAN, chủ trì buổi tọa đàm; các nhóm còn lại đóng vai trò các Bộ, ngành đại diện cho 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, bao gồm: Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao - đại diện Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN; Bộ Công thương - đại diện cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông - đại diện cho Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN và các nhóm lợi ích gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhóm Công nhân - Nông dân, nhóm người nước ngoài ở Việt Nam và nhóm các học giả. Để chuẩn bị cho buổi mô phỏng này, các sinh viên phải trang bị kiến thức rất vững về ASEAN và quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cùng những nỗ lực đóng góp của Việt Nam trong ASEAN. Ngoài ra, sinh viên cũng cần có các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, phản biện và bảo vệ quan điểm của nhóm… đã được học từ môn Giao tiếp và đàm phán quốc tế, kỹ năng tổ chức sự kiện và công tác lễ tân.

2 Anh Simulation (edit)

Ban Thư ký ASEAN đóng vai trò Chủ tọa trong buổi Tọa đàm chụp ảnh cùng Ban Cố vấn.

Buổi tọa đàm chia làm 2 phiên: Tại phiên thứ nhất, sau khi Ban Thư ký ASEAN trình bày khái quát về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và những đóng góp của Ban Thư ký trong quá trình này, các đoàn đại biểu lần lượt báo cáo những đóng góp của mình vào quá trình xây dựng Cộng đồng từ 2003, đặt ra những cơ hội và thách thức cho Bộ/nhóm mình khi Cộng đồng ASEAN được thành lập cuối 2015, từ đó, đề xuất nhiều giải pháp để vượt qua thách thức và cách tiến hành cụ thể. Nhìn chung, các bài thuyết trình đều được chuẩn bị cẩn thận, trau chuốt cả về nội dung lẫn hình thức trình bày, thể hiện đúng quan điểm của các Bộ, ban, ngành và các nhóm lợi ích liên quan. Phiên 2 dành thời gian để các nhóm chất vấn, trao đổi và thảo luận. Không khí dần trở nên sôi nổi với phần phản biện và giải đáp thắc mắc của các đoàn đại biểu. Những ý kiến, quan điểm nêu ra đều được Ban Thư ký ASEAN ghi nhận và đưa vào biên bản tổng hợp. Cuối buổi họp mô phỏng, sinh viên được lắng nghe những nhận xét và chia sẻ của các thành viên Ban Cố vấn, những người có kiến thức sâu về ASEAN và kinh nghiệm làm việc thực tiễn.

3. Anh Simulation (edit)

Ban Cố vấn nhận xét và góp ý cho phần thuyết trình và thảo luận của từng nhóm.

Có thể nói, hình thức bài tập mô phỏng dành cho sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Quan hệ Quốc tế là rất phù hợp, thiết thực và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của sinh viên. Thông qua đây, sinh viên không chỉ có điều kiện để trau dồi thêm những kiến thức về ASEAN nói chung và những nỗ lực đóng góp của Việt Nam trong quá trình hội nhập ASEAN nói riêng, mà còn hiểu được cơ chế làm việc phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành trong nước và áp dụng những kỹ năng mềm đã được học từ các môn học khác. Đó là những hành trang vô cùng cần thiết cho sinh viên sau 4 năm học tại Học viện Ngoại giao, có thể phần nào đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng của xã hội.

Nguyễn Phú Tân Hương và Lê Hải Yến.

 

Cùng chuyên mục