Người gác đền cho hòa bình thế giới

09:35 25/02/2013

Ông là U Thant, nhà ngoại giao Myanmar, Tổng thư kí thứ ba của Liên hợp quốc và là người châu Á đầu tiên đảm nhiệm cương vị đầy vinh dự này. Với nỗ lực phi thường của mình, U Thant đã góp phần níu giữ những cơ hội cuối cùng trong giờ khắc mong manh nhất của hòa bình thế giới và sự tồn vong nhân loại.

U Thant (1909-1974)

Vị Tổng thư kí người châu Á đầu tiên tại Liên hợp quốc

Năm 1961, sau khi Tổng thư kí Liên hợp quốc (TTK LHQ) Dag Hammarskjöld qua đời, nhận được sự đồng thuận của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an, U Thant chính thức đảm nhiệm vai trò TTK LHQ và giữ cương vị này cho đến năm 1971. Trong suốt 10 năm, ông đã cùng LHQ trải qua thời kỳ căng thẳng nhất trong quan hệ quốc tế hiện đại với hàng loạt những sự kiện, xung đột ảnh hưởng lớn tới an ninh – chính trị thế giới.

Trong hơn hai nhiệm kỳ của mình, ông cũng chứng kiến sự gia nhập của hàng loạt các quốc gia Á, Phi vào LHQ. Ông kịch liệt lên án chế độ apacthai tại Nam Phi, thành lập nên các dự án như Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Đại học LHQ, Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển…

Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của U Thant trong vai trò TTK LHQ phải kể tới nỗ lực của ông khi làm trung gian đàm phán, giúp hóa giải ngòi nổ của thảm họa hạt nhân trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cu-ba lịch sử năm 1962.

Giữa lằn ranh hủy diệt

Ngày 16/10/1962, Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy nhận được thông tin Liên Xô đang lắp đặt các tên lửa hạt nhân tại Cu-ba. Sáu ngày sau đó, nước Mỹ tuyên bố thiết lập một “vùng cách ly hàng hải” cô lập quốc đảo Ca-ri-bê, đẩy thế giới đến sát bờ vực chiến tranh hạt nhân hơn bao giờ hết.

U Thant cùng các nhà đàm phán LHQ

U Thant đã gửi đi những thông điệp, những lời kêu gọi, sắp đặt các đề xuất, duy trì đảm bảo cho các cam kết. Đồng thời ông đề ra công thức thương lượng “tên lửa đổi lấy không xâm chiếm” then chốt, hình thành nên bản thỏa thuận cuối cùng của Mỹ và Liên Xô. Sử dụng phương pháp ngoại giao con thoi, ông đã đến Cu-ba để trấn an Chủ tịch Castro; đồng thời tác động lên suy nghĩ, vị thế đàm phán, quan điểm sử dụng vũ lực, khuynh hướng nhượng bộ của cả hai bên. Ông kiên định thực thi chức năng của một trung gian hòa giải, xử lý thông tin từ các bên, truyền thông điệp, kín đáo “giữ thể diện” cho các nước lớn, củng cố lòng tin của các nhà đàm phán và cộng đồng quốc tế.

U Thant – người gác đền cho hòa bình thế giới

Tổng thống Kenedy từng phát biểu: “U Thant đã làm cho cả thế giới này phải mang ơn ông sâu sắc.” Từ chỗ vốn chỉ là sự thay thế tạm thời cho sự ra đi đột ngột của TTK Dag Hammarskjöld cho đến hết nhiệm kỳ, nhưng với những nỗ lực và đóng góp phi thường của mình, U Thant đã được tín nhiệm và tái đắc cử thêm hai nhiệm kỳ TTK vào các năm 1962 và 1966 với sự đồng thuận tuyệt đối. Ngày 07/01/1963, trong một bức thư đề tên chung của trưởng đoàn đại diện Liên Xô và Hoa Kỳ gửi tới U Thant, hai nhà ngoại giao này đã bày tỏ sự cảm kích về những nỗ lực của ngài trong việc hỗ trợ hai chính phủ đẩy lùi một thảm họa nghiêm trọng de dọa tới hòa bình thế giới.

Phó thủ tưởng Liên Xô Anastas Mikoyan và U Thant

Tổng thống Mỹ J.F. Kenedy và U Thant gần 1 năm sau vụ khủng hoảng

Nhân cách và tấm lòng một phật tử

Là một phật tử mộ đạo, ông dành cả cuộc đời cho những nỗ lực hòa giải, hòa bình và yêu thương. Ông kiên trì những nguyên tắc của đạo Phật để tách bạch và tập trung xử lý từng vấn đề quốc tế phức tạp vốn đầy nghịch lý. Tên của U Thant được đặt cho một hòn đảo nhỏ trên dòng sông chảy phía trước trụ sở LHQ. Một giải thưởng quốc tế mang tên ông cũng đã được thành lập: Giải thưởng Hòa bình U Thant nhằm vinh danh những nỗ lực hàn gắn và củng cố hòa bình thế giới. U Thant xứng đáng là niềm tự hào của người dân Myanmar, của cộng đồng Đông Nam Á cũng như nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

-Gió-

Cùng chuyên mục