Phiên họp giả định Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc K37

08:32 19/12/2013

Sáng 03/12/2013, tại phòng Truyền thống Học viện Ngoại giao, Khoa Luật quốc tế đã tổ chức buổi mô phỏng Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề vũ khí hoá học tại Syriana nhằm giúp sinh viên khoa Chính trị quốc tế có cơ hội được tiếp cận với môn Luật Tổ chức quốc tế một cách thực tế và sinh động nhất. Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của các thầy cô khoa Luật quốc tế, buổi họp giả định đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Toàn cảnh phiên họp giả định Hội đồng Bảo an LHQ ngày 03/12/2013

Đến với buổi học này, sinh viên đóng vai trò là các đại diện đến từ các nước ủy viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 nước ủy viên không thường trực bao gồm: Argentina, Australia, Azerbaijan, Guatemala, Luxembourge, Morroco, Việt Nam, Hàn Quốc, Rwanda, và Togo. Ngoài ra, một nhóm sinh viên đóng vai Chủ tọa và Ban Thư ký điều hành cuộc họp. Diễn biến phiên họp xoay quanh các chủ đề chính là liệu vấn đề vũ khí hóa học tại Syriana có đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế không, chính phủ hay phe nổi dậy của Syriana phải chịu trách nhiệm về vụ nổ bom được cho là có sử dụng vũ khí hóa học và Hội đồng Bảo an sẽ áp dụng các biện pháp nào trong tình huống này.

Các nước thành viên của Hội đồng Bảo an trong giây phút chờ đợi một dự thảo nghị quyết về vấn đề Syriana

Phiên họp giả định Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đem đến trải nghiệm thú vị cho sinh viên khoa Chính trị K37. Tuy không phải là sinh viên chuyên ngành luật nhưng sinh viên khoa Chính trị quốc tế đã làm rất tốt công việc của những nhà ngoại giao tài ba với vốn hiểu biết về luật pháp quốc tế cũng như nghệ thuật đàm phán khéo léo. Phiên họp đã giúp sinh viên khoa Chính trị quốc tế nói riêng và sinh viên Học viện Ngoại giao nói chung phần nào thấu hiểu sự vất vả của những nhà ngoại giao với những cuộc đấu trí căng thẳng trên bàn đàm phán. Từ đó, sinh viên khoa Chính trị quốc tế, đặc biệt là sinh viên khóa CT37 sắp tốt nghiệp đã có cái nhìn nghiêm túc hơn về bản thân, về nghề ngoại giao và về vốn kiến thức cần phải tích lũy trước khi ra trường.

Cùng chuyên mục