Phỏng vấn Hoa khôi Ứng xử Ngụy Hải An – sau cuộc thi Imiss Thăng Long

06:59 11/10/2010

Các bạn sinh viên Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao K36 – Học viện Ngoại giao, có lẽ không ai không biết đến Ngụy Hải An - một Khóa trưởng đáng yêu, ưa nhìn, có vóc người nhỏ nhắn nhưng rất năng động, tự tin. Và vào ngày 25/09/2010 vừa rồi, trong đêm chung kết cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Hà Nội (hay còn được biết đến với tên gọi “Imiss Thăng Long”), cái tên Ngụy Hải An đã được xướng lên khi Ban tổ chức công bố giải thưởng “Hoa khôi Ứng xử”. Nhóm bút đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Hải An sau đêm chung kết này.

Nhận giải Hoa khôi Ứng xử

PV: Xin chào bạn Hải An! Rất vui được gặp bạn trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay! Được biết vừa rồi bạn đã tham gia cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Hà Nội, vậy bạn có thể giới thiệu qua về chương trình này được không?

Hải An: Hoa khôi Sinh viên Hà Nội là cuộc thi để tôn vinh sắc đẹp, trí tuệ và tài năng của sinh viên, tìm ra những đại diện xuất sắc nhất cho thành phố. Năm nay, bên cạnh các phần thi truyền thống (như ứng xử, hùng biện, tài năng, biểu diễn trang phục…), cuộc thi, với khẩu hiệu “Hội tụ vẻ đẹp ngàn năm”, còn có các hoạt động bên lề khác, hướng tới Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

PV: Vậy thì tại sao bạn lại quyết định tham gia cuộc thi này?

Hải An: Mình chưa tham gia bất kì một cuộc thi sắc đẹp nào. Vì thế mình thấy đây có thể là một trải nghiệm thú vị, đồng thời cũng là cơ hội để khẳng định bản thân mình, xem mình có thể làm được những gì. Còn kết quả với mình cũng không quan trọng lắm.

PV: Tham gia cuộc thi này, bạn phải trải qua rất nhiều vòng thi đúng không? Bạn có thể chia sẻ về quá trình chuẩn bị cũng như quá trình thi của mình?

Hải An: Cuộc thi kéo dài trong vòng 4 tháng. Mình đã phải chuẩn bị cho từng vòng một. Vòng đầu tiên, mình phải trải qua hai phần là thi viết và phỏng vấn. Phần thi viết gồm một bài trắc nghiệm kiến thức chung và một bài luận. Mình viết về cảm nhận của mình trong thời khắc 1000 năm Hà Nội. Còn sang phần phỏng vấn, mình được bốc thăm để chọn đề tài. Nhìn chung, phần này mình tự đánh giá là không xuất sắc lắm.

PV: Vậy còn vòng thứ hai thì sao?

Hải An: Vòng thi thứ hai là hùng biện và tài năng. Phần thi hùng biện khó hơn nên Ban giám khảo cho một số chủ đề để thí sinh chọn. Trong 10 chủ đề được cho, mình chọn chủ đề “Văn hóa giao thông”. Sau 3 phút hùng biện, ban giám khảo có đặt các câu hỏi để xem thí sinh có thực sự hiểu về vấn đề mình cần nói hay không. Sang phần tài năng, mỗi thí sinh có 5 phút để thể hiện phần thi. Mình đã chọn một bài nhảy hiện đại. Sau đó, ban giám khảo đã chọn ra 20 người xuất sắc nhất cho đêm chung kết. Mình đứng thứ 4 trong số 20 người này.

PV: Chuẩn bị cho đêm chung kết chắc hẳn sẽ vất vả hơn đúng không?

Hải An: Đúng rồi! Vòng chung kết có hai đêm: đêm tài năng và đêm chung kết chính, gồm thi trình diễn áo dài, trình diễn áo dạ hội. Sau hai màn này, Ban giám khảo sẽ tính tổng điểm của hai đêm, chọn ra 5 người điểm cao nhất để thi ứng xử. Trước đêm tài năng, mình đã chuẩn bị rất kĩ càng, chọn một bài nhảy mới với sự giúp đỡ của hai người bạn.

 Dịu dàng trong trang phục áo dài     Lộng lẫy với trang phục dạ hội 

     

PV: Mình được biết rằng bạn đã đạt giải Hoa khôi Ứng xử, vậy bạn có thể nói kĩ hơn phần thi này?

Hải An: Sau khi lọt vào vòng 5 người, từng thí sinh sẽ lên bốc thăm câu hỏi cho mình. Câu mình chọn được là: “Theo bạn người phụ nữ thế kỷ 21 cần phải làm gì để vừa giữ được nét truyền thống mà vẫn hiện đại?”. Mình đã trả lời rằng, để đạt được điều ấy, phụ nữ cần trau dồi “tứ đức”, nhưng trong từng cái “đức” một, mình có thêm vào đó những góc nhìn mới, hiện đại, chứ không chỉ là “tứ đức” như quan niệm xưa.

PV: Mục đích của cuộc thi là để tìm ra Hoa khôi sinh viên đại diện cho Hà Nội. Vậy bạn có thể chia sẻ quan niệm của mình về một gương mặt đại diện cho Thủ đô?

Hải An: Trước hết, đó phải là một gương mặt ưa nhìn, không cần phải đẹp hoàn hảo. Tiêu chí cao hơn là sự thông minh, ăn nói sắc sảo. Bên cạnh đó, bạn sinh viên đó cần có phẩm chất tốt. Và nếu là đại diện cho Hà Nội thì bạn đó cần phải có vẻ đẹp riêng của Hà Nội: giản dị, không cầu kì nhưng mang nét gì đó sang trọng, dịu dàng, toát ra sự thanh lịch và cả sự tự tin của một nữ sinh hiện đại.

PV: Bạn đánh giá mình có những gì trong những điều trên?

Hải An: Mình thấy mình cũng không có đủ những điều kiện này. Chính vì thế nên được lọt vào vòng 5 người và đạt giải ứng xử là điều rất bất ngờ với mình.

PV: Không chỉ là Hoa khôi Ứng xử năm nay, bạn còn là một Khóa trưởng nữa. Công việc của Khóa trưởng có vất vả không? Khó khăn lớn nhất là gì?

Hải An: Làm Khóa trưởng cũng vất vả nhưng mình không chỉ làm một mình. Công việc thường được chia ra thành nhiều phần, có những người phụ trách riêng từng phần đó. Làm vậy công việc sẽ được hoàn thành hiệu quả và nhanh chóng hơn rất nhiều.

PV: Tham gia nhiều hoạt động xã hội rồi còn làm cả Khóa trưởng nữa, bạn làm thế nào để đảm bảo cho việc học?

Hải An: Dù tham gia nhiều nhưng mình vẫn luôn đảm bảo thời gian cho việc học. Học tập ở trường cũng không quá vất vả nhưng quan trọng là biết cách đầu tư thời gian đúng lúc, quá trình nào cần nhiều công sức hơn. Học dàn trải hết sẽ không hiệu quả đâu.

PV: Trước khi chia tay, bạn có điều gì muốn nhắn nhủ với các bạn khóa K37 mới vào trường?

Hải An: Mình cũng mới là sinh viên năm 2 thôi, vẫn còn phải học rất nhiều. Mình mong các em K37 mới vào trường hãy tự tin lên, trung học có thể chưa thể hiện thế mạnh nhưng vào đại học rồi thì các em hãy phát huy hết tiềm năng của mình, tích cực tham gia các hoạt động mà mình cảm thấy phù hợp chứ đừng ôm đồm quá. Hãy tận dụng thời gian hiệu quả, hy vọng các em sẽ có những năm học tập tại Học viện thật đáng nhớ.

Cảm ơn và chúc bạn thành công!

Cùng chuyên mục