Quá khứ, Hiện tại và Ứng xử của Trung Quốc ở Biển Đông

09:02 01/06/2020

Tô Thị Khánh Linh

Sinh viên khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao

Thành viên của CLB Galileo

Galileo Society xin trân trọng giới thiệu bài tóm tắt tác phẩm của Orville Schell, To forget or Remember? China’s struggle with its past, The Washington Quarterly, vol.39(3), 2016, pp. 143-157.Thật khó để chúng ta phỏng đoán tương lai một quốc gia qua lịch sử của nó. Tuy nhiên, cách quốc gia ghi nhớ lịch sử lại là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới vận mệnh của nó. Trung Quốc, một cường quốc đang trỗi dậy không nằm ngoài quy luật trên. Bài nghiên cứu “Quên hay Nhớ: Trung Quốc vật lộn với Quá khứ” đăng trên Tạp chí The Washington Quarterly của Orville năm 2016 cho thấy Trung Quốc ngày nay đang xây dựng câu chuyện quốc gia (national narrative) theo hướng giáo điều hơn là những câu chuyện lịch sử khách quan. Bản tự sự của Trung Quốc đầy rẫy những thiếu sót, thiên kiến và cả những điều sai sự thật, và điều đó đang ảnh hưởng đến tương lai của nước này.Tác giả bắt đầu bài nghiên cứu với việc đề cập tới “Văn kiện số 9” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một tài liệu được xếp loại tối mật, mới chỉ được tiết lộ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức. Tài liệu đó cho rằng việc xét lại lịch sử chính là nhằm chối bỏ thành tựu cách mạng, là hành động mang tính hủy hoại quá khứ nhằm chối bỏ tính chính danh của đảng cầm quyền. Vì vậy, giải pháp đưa ra là “kiểm duyệt” tất cả những quan điểm trái ngược với đường lối hay có mục đích làm tổn hại tính chính danh của các nhà lãnh đạo. Sự kiểm duyệt, cấm đoán gắt gao là nhằm tạo ra hình ảnh một quốc gia thống nhất, nhưng ảnh hưởng tiêu cực tới cách các quan chức và các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận lịch sử, từ đó tác động xấu tới sự phát triển trong tương lai. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo lựa chọn quên đi nhiều câu chuyện “không hay” của quá khứ, từ đó xây dựng nhận thức không đúng về một Trung Quốc hòa hiếu.Orville Schell so sánh  Trung Quốc với nước Đức trong việc đối diện  lịch sử. Karl Jasper có một loạt bài giảng về “Tội lỗi của nước Đức”, cho thấy người Đức sau Thế chiến thứ 2 đối diện với những sai lầm của một dân tộc. Mỗi một người đều chịu trách nhiệm cho từng tội ác đã được thực hiện trong quá khứ, tất cả chỉ vì chủ nghĩa dân tộc mù quáng. Tuy nhiên, Trung Quốc là một câu chuyện hoàn toàn trái ngược và các nhà lãnh đạo không hề muốn nghĩ tới những sai lầm trong quá khứ từ góc độ một quốc gia. Phải chăng Trung Quốc là một câu chuyện hy hữu với sự phát triển kinh tế thần kì chỉ dựa trên những đặc tính điển hình của quốc gia này, nằm ngoài hoàn toàn những quy luật được cho là phổ quát. Trong các phát ngôn ngoại giao, Trung Quốc luôn kêu gọi Nhật Bản phải đối mặt với những tội ác gây ra với họ. Tuy nhiên, logic này dường như không áp dụng cho chính Trung Quốc.Điều đáng nói,  Trung Quốc luôn tự nhìn nhận như một nạn nhân của quá khứ bị xâm lược, và những vấn đề của Trung Quốc ngày nay đều do “các thế lực ngoại bang” gây ra. Cách nhìn nhận này tạo ra hạn chế trong tương tác với phần còn lại của thế giới và đặc biệt, hạn chế quá trình thay đổi của Trung Quốc. Một sự thay đổi trong bản tự sự quốc gia là cần thiết, lồng ghép trong đó không chỉ quá khứ đau thương mà còn cả những sai lầm trong đường lối và ứng xử với bên ngoài. Từ cách nghĩ này, Trung Quốc vẫn bám víu vào quá khứ bị đàn áp, bị bao vây cấm vận bởi các cường quốc đối thủ như Mỹ và dùng nó để biện minh cho những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông khi gia tăng tranh chấp với phần lớn các nước khối ASEAN. Mọi hành động từ bên ngoài, ngay cả phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Hay trong vụ tranh chấp ở Biển Đông của Philipines và Trung Quốc cũng bị coi là hành động nhằm cản trở sự phát triển của Trung Quốc.Những cảnh báo về phản ứng của Trung Quốc trong tương lai vẫn là các xu hướng thiếu thiện chí, thậm chí thù địch. Orville Schell kết thúc bài phân tích với dự báo về sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia bởi thị trường toàn cầu. Một khi Trung Quốc tiếp tục ứng xử với những tranh chấp lãnh thổ như là “để trả thù lịch sử”, các hành động của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chính sự phát triển kinh tế thần kì của chính họ, phá vỡ hòa bình và ổn định ở châu Á và làm rung chuyển trật tự thế giới.Bài viết của Orville Schell đã đưa ra những lập luận đáng chú ý về ảnh hưởng của lịch sử  bị bóp méo đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt nhấn mạnh cách hành xử của quốc gia này trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Tác giả sử dụng lăng kính lịch sử để giải thích cho các động thái và xu hướng hành xử bá quyền của Trung Quốc đối với châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng, đóng góp quan trọng giúp giải mã tư duy chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tác giả cảnh báo chính sách đối ngoại xây dựng trên nhận thức lịch sử sai lệch sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế và chính trị nghiêm trọng. Đây chính là một viễn cảnh để giới nghiên cứu cùng chiêm nghiệm, và đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.

Cùng chuyên mục