Sinh viên CT37 và hình thức thi mô phỏng

01:33 31/05/2013

Chiều ngày 16/5/2013, tại phòng Truyền thống Học viện Ngoại giao, Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao đã tổ chức buổi thi giữa kỳ môn Nghiên cứu ASEAN trong Chuyên sâu Khu vực học cho sinh viên CT37 và Liên thông 01 theo hình thức mô phỏng một cuộc họp liên Bộ về Xây dựng Đề án tuyên truyền Cộng đồng ASEAN đến năm 2015.

Toàn cảnh buổi thi mô phỏng môn Nghiên cứu ASEAN của sinh viên CT37

Đến với cuộc họp mô phỏng này, sinh viên đóng vai trò là quan chức đến từ các Bộ ngành khác nhau như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, một nhóm sinh viên đóng vai Đoàn Chủ tịch nhằm điều hành cuộc họp. Nội dung cuộc họp được chia thành hai phiên: Ở phiên họp thứ nhất, sau khi Đoàn Chủ tịch giới thiệu khái quát về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (từ năm 2003 đến 2015), từng Bộ rà soát những thành tựu mà Bộ mình đã đạt được trên con đường hướng tới việc thành lập Cộng đồng ASEAN và cả những tồn tại, khó khăn; từ đó đề xuấtcác đề án tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp người dân Việt Nam về ASEAN trong tiến trình thành lập Cộng đồng đến năm 2015. Phiên họp thứ hai mở ra buổi chất vấn chéo và tranh luận sôi nổi giữa các Bộ về tính khả thi của các Đề án tuyên truyền đã được các Bộ đề ra.

Đến dự buổi mô phỏng có sự hiện diện và những lời góp ý chân thành từ phía các giảng viên trong Học viện như Thạc sỹ Nguyễn Phú Tân Hương - giảng viên trực tiếp giảng dạy môn Nghiên cứu ASEAN, Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải - Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, cô Nguyễn Phương Ly - giảng viên khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, cô Nguyễn Thị Thìn - Trưởng phòng Đào tạovà cô Hoàng Mai Hương - Phó trưởng phòng Đào tạo.

Thầy Đỗ Sơn Hải, Cô Nguyễn Thị Thìn và cô Hoàng Mai Hương (từ trái qua phải)

Cô Nguyễn Phương Ly và cô Nguyễn Phú Tân Hương (từ trái qua phải)

Thông qua việc Xây dựng Đề án tuyên truyền Cộng đồng ASEAN đến năm 2015, buổi họp mô phỏng đã thể hiện tính chất thực hành rất cao, đòi hỏi sinh viên không chỉ nắm vững các kiến thức liên quan đến vai trò của Việt Nam trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN mà còn phải có khả năng thuyết trình, làm việc nhóm, khả năng phản biện nhanh và thuyết phục.

Như vậy, qua các hình thức thi thực tế như trên, sinh viên vừa trau dồi được kiến thức một cách hiệu quả và dễ nhớ, vừa vận dụng và rèn luyện được các kỹ năng mềm đã được học ở môn Đàm phán Quốc tế. Mong rằng, trong thời gian tới, các Khoa sẽ phối hợp cùng Phòng Đào tạo và sinh viên để tổ chức thêm nhiều buổi thi theo hình thức mô phỏng hơn nữa.

Cùng chuyên mục