Sinh viên Ngoại giao đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

09:58 28/03/2013

Ngày 26/03/2013, tại hội trường A, Ban Chấp hành Đoàn Học viện Ngoại giao đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với toàn thể đại diện sinh viên Học viện các khóa 36, 37, 38 và 39.

Sinh viên Ngoại giao đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992

Đến dự với cuộc họp, có sự hiện diện của cô Đoàn Thị Phương Dung, Phó Bí thư trường trực Đảng ủy Học viện; cô Phạm Lan Dung, Trưởng Khoa Luật Quốc tế; cô Đỗ Tư Hiền, Phó Phòng CTCT & QLSV, Bí thư Đoàn Học viện Ngoại giao.

Đại diện sinh viên tham gia cuộc họp là lớp trưởng, bí thư các khóa trong toàn Học viện. Tất cả đều đồng tình cho rằng Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi cho phù hợp với trình độ phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và xã hội của đất nước ta sau 20 năm vươn lên cùng những biến cố lịch sử và đã đạt được những thành tựu to lớn. Thống nhất với quan điểm trên, cuộc họp đã diễn ra nhanh chóng, khẩn trương và nghiêm chỉnh trong sự đồng thuận của toàn thể sinh viên Học viện.

Tại cuộc họp, đã có nhiều ý kiến phát biểu góp ý về các nội dung như: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền công dân…. Bên cạnh đó, những ý kiến về việc bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển đảo cũng được đưa ra bàn bạc và thảo luận. Các ý kiến đóng góp cho dự thảo đã tập trung vào những vấn đề nóng, có tính thời sự trong đời sống và gắn chặt với quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Những chủ đề như: “Có nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Việt Nam?” hay “Có nên bãi bỏ luật tử hình ở Việt Nam?” cũng vẫn là những chủ đề gây được nhiều sự quan tâm chú ý.

Ý kiến được tổng hợp từ các tập thể lớp về sửa đổi Hiến pháp tuy chưa nhiều do sự hạn chế về thời gian, tuy nhiên tất cả những yêu cầu sửa đổi đưa ra đều là những ý kiến có chất lượng, được tìm tòi và chọn lọc tỉ mỉ.

Về cơ bản, sinh viên tham gia cuộc họp đều bày tỏ sự nhất trí với dự thảo sửa đổi, bổ sung mà Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định, bên cạnh đó vẫn đóng góp ý kiến cụ thể về các chương, điều trong dự thảo.

Bạn Phượng Nghi, sinh viên Khoa Luật Quốc tế K39 cho biết: “Hiến pháp có thể vẫn còn là vấn đề rất xa lạ với sinh viên nói chung, tuy nhiên thông qua những buổi họp bàn về sửa đổi Hiến pháp như thế này, các bạn trẻ đã phần nào được làm quen với những văn bản mang tính chất chính trị, đồng thời tự trang bị cho mình bài học về quyền cũng như nghĩa vụ thiêng liêng đối với việc tham gia đóng góp, xây dựng những văn kiện mang tính quốc gia. Hơn ai hết, sinh viên Ngoại giao càng cần có những điều này”.

Kết thúc cuộc họp, cô Phạm Lan Dung nhấn mạnh việc triển khai tiếp nhận ý kiến sửa đổi đã được Ban chấp hành Đoàn Học viện phổ biến rộng rãi qua công tác tổ chức tuyên truyền trên website, dán poster hay được thông báo cụ thể về cho bí thư từng chi đoàn. Sau cuộc họp ngày 26/03, Ban chấp hành Đoàn Học viện Ngoại giao sẽ hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp đóng góp ý kiến của các chi đoàn và gửi về Ban chấp hành Trung ương Đoàn đúng thời hạn quy định.

Thư ChuBa

Cùng chuyên mục