Sinh viên Ngoại giao và cơ hội vươn ra thế giới

14:54 20/10/2020

Là sinh viên Học viện Ngoại giao, mỗi người trong chúng ta đều háo hức khi được nhận thông tin về các chương trình hội thảo và hội nghị quốc tế, với những cơ hội vô cùng đa dạng về quy mô, nội dung và vai trò tham gia. Đây vừa là niềm vinh dự và tự hào sâu sắc, vừa là trách nhiệm lớn lao khi sinh viên cần phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng như thể hiện bản sắc Ngoại giao trong mỗi sự kiện.

Bên cạnh các Khoa tại Học viện, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao và Viện Biển Đông là hai cơ quan nghiên cứu hàng đầu tại Học viện, là cánh cửa kết nối sinh viên với cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những học giả nổi tiếng, những nhà lãnh đạo kiệt xuất ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Nhiều hoạt động ngoại giao kênh 2 như buổi gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper, v...v đã thu hút đông đảo sinh viên tham dự. Sinh viên cũng được tham gia nhiều buổi nói chuyện, tọa đàm, hội nghị quốc tế, tiêu biểu có thể kể đến Hội nghị Cấp cao Hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, Đối thoại Chiến lược lần thứ 2 các Cơ quan Nghiên cứu ASEAN - Hàn Quốc,...

 Trong vai trò cộng tác viên và ban tổ chức, sinh viên vinh dự được đóng góp công sức cho các sự kiện lớn của đất nước như Hội nghị Liên Nghị viện Thế giới 2015 (IPU132), các hoạt động trong năm APEC 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41),...Sinh viên Học viện Ngoại giao cũng là những người tiên phong tham gia và tổ chức các hội nghị mô phỏng chính thức như Hội nghị mô phỏng Đối thoại Á - Âu do Quỹ Á - Âu (Asia-Europe Foundation) tổ chức và Hội nghị mô phỏng ASEAN do Quỹ ASEAN (ASEAN Foundation) tổ chức.



Ảnh 1: Sinh viên Ngoại giao tham gia hỗ trợ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (ngày 11-13 tháng 09 năm 2018 tại Hà Nội, Việt Nam)

Tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế là cơ hội vô cùng quý giá đối với công tác học tập và nghiên cứu chuyên ngành của sinh viên. Sinh viên được trực tiếp lắng nghe quan điểm và phân tích từ các chuyên gia hàng đầu; tích lũy kiến thức từ thực tiễn; rèn luyện tính tích cực, chủ động khi đặt câu hỏi cho diễn giả. Các buổi hội thảo cung cấp khối lượng thông tin thực tế, đa chiều giúp sinh viên xây dựng điểm nhìn đa dạng và toàn diện hơn về các vấn đề quốc tế, qua đó áp dụng những kiến thức này vào nghiên cứu và học tập trên lớp.  Song song với tiếp cận tri thức thực tiễn, sinh viên cũng có cơ hội để áp dụng kiến thức từ các môn học kỹ năng trên giảng đường vào thực hành khi trực tiếp tham gia vào công tác lễ tân ngoại giao như chuẩn bị sự kiện, hỗ trợ hậu cần, lễ tân hội nghị,...



Ảnh 2: Sinh viên Ngoại giao tham gia Đối thoại Chiến lược lần thứ 2 các Cơ quan Nghiên cứu ASEAN-Hàn Quốc (ngày 06 tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội, Việt Nam)

Không chỉ đặc biệt có ích với sinh viên trong quá trình học tập, việc tham gia vào các hội nghị và hội thảo còn mang lại ý nghĩa lớn đối với công việc và trong cuộc sống. Sinh viên cần phải chủ động tham gia vào quá trình thảo luận cũng như tiếp thu kiến thức, qua đó cải thiện khả năng xây dựng các mối quan hệ xã hội, phát triển kỹ năng mềm và hình thành điểm nhìn đa chiều. Sinh viên cũng được rèn luyện tư duy nhạy bén trong nắm bắt xu thế của xã hội, một kỹ năng mà các nhà tuyển dụng luôn mong muốn có được từ nhân viên, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế hậu Covid khi thị trường nhân sự sẽ ngày càng có mức độ cạnh tranh cao hơn. Những kỹ năng trên cần được xây dựng từng ngày thông qua những hoạt động bổ ích bên ngoài phạm vi lớp học và đều không thể thiếu trong quá trình công tác tại bất kì ngành nghề nào hiện nay chứ không chỉ riêng ngành ngoại giao hoặc đối ngoại.



Ảnh 3: Cả ba đại biểu đến từ Việt Nam tham gia Hội nghị Mô phỏng Đối thoại Á - Âu (ngày 11-16 tháng 12 năm 2019 tại Madrid, Tây Ban Nha) đều là sinh viên/cựu sinh viên Học viện Ngoại giao

Những hội thảo, hội nghị quốc tế là một ‘đặc sản’ của sinh viên Ngoại giao, nơi sinh viên được Học viện ưu ái tạo cơ hội để giao lưu, học tập và tiếp thu kinh nghiệm từ những lãnh đạo, cán bộ và chuyên gia đầu ngành trong nước cũng như trên thế giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ rằng: “Mỗi sinh viên ngoại giao cần rèn luyện bản lĩnh vững vàng, kỷ cương và tinh thần dấn thân.” Trong một thế giới đang biến chuyển không ngừng, quá trình học tập của sinh viên không thể chỉ nằm trên sách vở mà phải có sự linh hoạt phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại, đó là học tập đi đôi với thực hành, kiến thức gắn liền với kỹ năng, dựa trên tinh thần cầu tiến và tích cực. Việc tham gia, tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế sẽ giúp sinh viên Ngoại giao nuôi dưỡng sự tự tin, tư duy độc lập cũng như niềm đam mê trong học tập và công việc, tích cực thực hiện phương châm “Năng động - Sáng tạo - Tầm nhìn” để đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bài viết: Quỳnh Nga, Khánh Linh, Hương Giang, Hồng Ngọc

Cùng chuyên mục