Số 16 - Thế kỷ 20 và thế giới phương Tây

03:06 21/03/2012

Thế kỷ 20 và thế giới phương Tây

Tác giả: Phan Huyền Trân

Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Châu Âu, phương Tây đã vội vã ca khúc khải hoàn. R.Nixon tuyên bố đó là "một chiến thắng mà không cần phải đánh". G. Bush tuyên bố hùng hồn về một "trật tự thế giới mới" một cực do Mỹ lãnh đạo. Một số học giả Mỹ thì phát biểu với một giọng có tính chất hiền triết hơn như F.Fukuzama về "sự kết thúc của lịch sử" với nghĩa là "sự tiến triển của tư tưởng loài người" đã đến tuyệt đỉnh (theo học thuyết của Hegel xem việc xuất hiện các "nhà nước tự do dân chủ", kết quả của cách mạng Pháp và Mỹ như là "sự kết thúc của lịch sử").

Tuy nhiên, hơn 6 năm trôi qua kể từ ngày bức tường Berlin sụp đổ, người ta vẫn chưa xác định được thế giới phương Tây trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21 là đang thăng hoa hay đang trên đường xuống dốc. Trật tự thế giới một cực như G. Bush mong muốn rõ ràng chỉ là huyền thoại. Một hệ thống quốc tế mới vẫn còn trong quá trình định hình.

Khó khăn trong việc đánh giá vị thế của thế giới phương Tây sau chiến tranh lạnh là do sự đánh giá phiến diện, chỉ nhìn từng mặt riêng lẻ của hiện tượng. Do đó có người chỉ thấy mặt tích cực là chính, một số người khác lại chỉ thấy mặt tiêu cực.

Nếu đánh giá một cách khách quan thì cần phải thừa nhận rằng các nước phương Tây đang rất mạnh, hầu như trên tất cả các lĩnh vực quân sự, kinh tế, khoa học công nghệ. Đồng thời người ta cũng nhận thấy rằng xã hội phương Tây đầy rẫy mâu thuẫn: kinh tế phát triển trì trệ, thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách lớn, xã hội đang tan rã vì đầy rẫy tệ nạn và tội ác. Sau chiến tranh lạnh, người ta tưởng rằng thế giới phương Tây sẽ đoàn kết hơn và suy tôn Mỹ làm lãnh tụ độc nhất, nhưng trái lại xu hướng ly tâm về chính trị lại càng mạnh, cạnh tranh kinh tế lại càng gay gắt. Không phải mọi nước đều làm răm rắp theo lệnh của Mỹ. Thái độ của đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991) và đối với đạo luật Helms-Burton trong việc tăng bao vây cấm vận Cuba làm cho Mỹ rất đau đầu. Các nhà lãnh đạo thấy cần kíp tạo ra một "kẻ thù mới" thay thế cho Liên Xô trong chiến tranh lạnh, để tập họp đồng minh. Trong vấn đề này họ đã chọn Trung Quốc khi đưa ra hình ảnh một nước Trung Quốc sau vài ba thập kỷ nữa mà quả thực ai nghe cũng phải rợn tóc gáy : 1 tỷ rưỡi dân, kinh tế lớn nhất thế giới, quân sự may ra chỉ đứng sau Mỹ v.v...

Giáo sư Sanuel Huntington thuộc trường Đại học Ha-vớt (Mỹ) thì nói có bài bản hơn. Năm 1993, giáo sư cho đăng trên tạp chí Foreign Affairs bài báo nhan đề "sự sụp đổ giữa các nền văn minh". Bài báo này đã gây ra một cuộc tranh luận lớn nhất ở Mỹ trong vòng 40 năm nay kể từ bài báo của George Kennan viết vào những năm 40 của thế kỷ này về chính sách đối với Liên Xô. Ba năm sau giáo sư Huntington đã phát triển bài báo của ông thành một quyển sách dày 368 trang với nhan đề "sự đụng độ của các nền văn minh và việc làm lại trật tự thế giới". Ông ta viết rằng: "do sự khuyến khích của hiện đại hóa, nền chính trị toàn cầu đang được định hình lại dọc theo các tuyến văn hóa. Nhân dân và các nước có nền văn hóa tương tự đang xích lại gần nhau. Nhân dân và các nước có nền văn hóa khác nhau đang tách khỏi nhau. Sự liên kết do ý thức hệ và quan hệ của các siêu cường đang nhường chỗ cho sự liên kết bằng văn hóa và nền văn minh. Biên giới chính trị đang ngày càng được vẽ lại cho phù hợp với biên giới văn hóa : chủng tộc, tôn giáo và nền văn minh. Các cộng đồng văn hóa đang thay thế cho các khối chiến tranh lạnh và các tuyến xung đột giữa các nền văn minh đang trở thành các tuyến trung tâm của xung đột trong nền chính trị toàn cầu". Cũng trong quyển sách này, ông ta nói rõ rằng "nền văn minh Trung Quốc" và "đạo Hồi" sẽ cấu kết với nhau để chống lại nền văn minh phương Tây.

Những luận điểm trên của giáo sư Huntington còn phải bàn cãi nhiều. Tuy nhiên, ý kiến của ông về thế và lực của các nước phương Tây vào cuối thế kỷ 20 là có thể chấp nhận được và nó cũng phù hợp với thực tế. Chỉ cần làm một sự so sánh sức mạnh và quyền lực của các nước phương Tây đầu thế kỷ và cuối thế kỷ 20 thì ta có ngay sự thật.

Nhìn lại 400 năm phát triển của các nước tư bản phương Tây thì có thể nói, thế kỷ 20 là thế kỷ xấu nhất đối với họ : họ đã chém giết nhau trong hai cuộc đại chiến. Cuộc chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918) thực chất là một cuộc nội chiến trong thế giới phương Tây. 40 triệu người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này, tức là lớn hơn số người thiệt mạng trong tất cả các cuộc chiến tranh trong 200 năm trước đó. Cuộc chiến tranh thế giới thứ II cho đến tháng 6/1941 cũng là một cuộc nội chiến giữa các nước phương Tây. Trong thế kỷ 20 họ đã mất toàn bộ hệ thống thuộc địa mà họ đã ngự trị hàng trăm năm trước đó. Trong gần 2/3 thế kỷ này, các nước tư bản phát triển phương Tây luôn luôn phải đối phó với "thách thức của chủ nghĩa xã hội", để rồi từ sau chiến tranh thế giới thứ II, họ đành phải chia thế giới ra làm đôi và chấp nhận trật tự thế giới 2 cực. Đành rằng cuối cùng Liên Xô và các nước XHCN Châu Âu đã sụp đổ, các nước tư bản phương Tây tự cho mình là người chiến thắng, nhưng để đạt được "chiến thắng" này, họ đã phải trả giá rất đắt. Nếu trước đây hàng trăm năm "mặt trời đã không bao giờ lặn trên đế quốc Anh", thì trong thế kỷ 20 sự thăng hoa của đế quốc Mỹ với chức danh là "sen đầm quốc tế" chỉ vẻn vẹn có 20 năm (1945-1965), khi Mỹ bắt đầu sa lầy vào chiến tranh xâm lược Việt Nam. Về mặt kinh tế, thế kỷ 20 cũng là thế kỷ đầy biến động và khủng hoảng đối với các nước phương Tây. Cuộc đại suy thoái 1933-1939 đã dẫn đến chiến tranh thế giới thứ II. Sau chiến tranh, kinh tế các nước phương Tây có thời kỳ phục hồi và phát triển mạnh, nhưng sau đó lại lâm vào hết cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Khủng hoảng năng lượng, tài chính, lạm phát, thất nghiệp hợp lực với nhau hoặc kế tiếp nhau hoành hành.

Để có một bức tranh cụ thể hơn, ta có thể căn cứ vào các công trình nghiên cứu của phương Tây như của World Bank, Liên Hợp Quốc, Bách khoa toàn thư Britanica v.v...

Các công trình nghiên cứu này cho ta các số liệu sau đây.

- Về lãnh thổ và dân số : Năm 1490 các nước phương Tây kiểm soát một triệu rưởi dặm vuông trên thế giới và con số đó lên đến 25,5 triệu dặm vuông vào năm 1920 tức là gần bằng nửa diện tích quả đất (52,5 triệu dặm vuông). Đến năm 1993, phương Tây chỉ còn lại một nửa, tức là còn 12,7 triệu dặm vuông. Sau khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào 1/7/1997, thì Anh không còn thuộc địa nào (trừ một số vùng lãnh thổ tranh chấp như Malvinas (tức là Falkland) với Argentina v.v...). Năm 1900, người phương Tây chiếm khoảng 30% dân số thế giới, trong đó dân thuộc địa chiếm 48% theo số liệu năm 1920. Nhưng theo dự báo của World Bank (World Development Report 1990) thì hiện nay người phương Tây chỉ chiếm 13% nhân loại và đến năm 2025 chỉ còn 10%. Về mặt dân số, một số cường quốc phương Tây hiện nay sẽ trở thành những "nước nhỏ" với tỷ lệ người già cao hơn tỷ lệ thanh niên, lực lượng lao động do đó bị giảm sút nghiêm trọng trong lúc số người "ăn theo" ngày càng tăng.

- Về kinh tế : Nếu năm 1928 sản lượng sản phẩm chế tạo của các nước phương Tây chiếm 84,2% tổng sản phẩm hàng công nghiệp chế tạo thế giới. Năm 1980 tỷ lệ ấy chỉ còn 57,8%, tức là tương đương sản lượng 120 năm trước đó. Năm 1950, tổng sản phẩm của phương Tây chiếm 64% tổng sản phẩm thế giới. Theo các công trình nghiên cứu trên thì đến năm 2013 tỷ lệ này chỉ còn 30%. Theo tờ Economist của Anh và một số tài liệu khác (Foreign Affairs) năm 1991, trong số 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới, có 4 nền kinh tế không phải là phương Tây, (Nhật (2), Trung Quốc (3), Nga (6) và Â'n Độ (7)). Năm 1992, trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, có 5 nền kinh tế không phải thuộc các nước phương Tây, và đến năm 2020, trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới các nước phương Tây chỉ có 3. Cũng theo dự báo trên thì tuy hiện nay phương Tây vẫn giữ ưu thế về khoa học công nghệ, nhưng với đà phát triển hiện nay thì đến giữa thế kỷ 21, độc quyền đó sẽ mất và cũng chấm dứt luôn ưu thế tuyệt đối của phương Tây đối với nền kinh tế thế giới trong 200 năm qua.

- Về sức mạnh quân sự : Không ai phủ nhận rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ là siêu cường quân sự duy nhất còn lại. Sức mạnh quân sự của Mỹ cộng với các nước phương Tây khác trong NATO vẫn còn mạnh nhất thế giới. Nhưng sự suy giảm đồng thời cũng đang diễn ra. Ngân sách phòng thủ của NATO đã giảm từ 539,6 tỷ USD năm 1985 xuống còn 485 tỷ năm 1993. Theo kế hoạch của Bush và Clinton, chi tiêu quân sự của Mỹ sẽ giảm 35%, từ 342,3 tỷ USD (theo giá đôla 1994) năm 1990 xuống còn 222,3 tỷ năm 1998. Lục quân sẽ giảm từ 2,1 triệu người xuống còn 1,4 triệu. Nhiều chương trình mua bán vũ khí bị cắt giảm (vì thâm hụt ngân sách). Từ 1985 đến 1995, việc mua sắm vũ khí hàng năm được cắt giảm như sau : tàu chiến từ 29 chiếc xuống còn 6, máy bay từ 943 chiếc cuống còn 127, xe tăng từ 720 chiếc xuống 0, tên lửa chiến lược từ 48 xuống còn 18. Anh, Pháp, Đức cũng có sự cắt giảm tương tự. Trong chiến tranh lạnh, chiến lược quân sự của Mỹ là sẵn sàng cùng một lúc có thể đối phó với một cuộc chiến tranh rưỡi. Tức là một cuộc chiến tranh tổng lực với Liên Xô và một cuộc chiến tranh cục bộ. Sau chiến tranh lạnh, Mỹ chỉ sẵn sàng đối phó cùng một lúc với 2 cuộc chiến tranh cục bộ ở vịnh Persique và Đông Bắc A'. Tuy nhiên, nhiều nhà chiến lược quân sự ở Mỹ và phương Tây tỏ ý nghi ngờ liệu Mỹ có làm được điều đó hay không. Chỉ đối phó với Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ đã phải huy động 75% tổng số máy bay chiến thuật đang hoạt động, 42% số tăng hiện đại, 46% tàu sân bay, 37% lục quân và 46% lính thủy đánh bộ, đó là chưa kể sự đóng góp tài chính của đồng minh. Trong lúc lực lượng quân sự của Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đang suy giảm, thì lực lượng quân sự của các nước không phải là phương Tây đang ngày một tăng lên.

- Về quyền lực trong điều hành công việc thế giới : Năm 1919 Wilson (tổng thống Mỹ) Loyd George (Thủ tướng Anh) và Clemenceau (Thủ tướng Pháp) ngồi ở Versaille mà có thể định đoạt số phận của thế giới : nước nào được phép tồn tại, nước nào không, nước nào phải bị chia cắt và nước nào phải sát nhập vào nước khác. Họ đã chỉ định ai được quyền thống trị vùng đất nào của thế giới, còn ai thì phải nhả thuộc địa ra. Họ cũng đã quyết định cả việc cùng tập thể can thiệp vào nước Nga Xô Viết và bắt Trung Quốc phải chấp nhận các yêu sách của họ. Còn ngày nay 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) hàng năm hết ngồi chỗ này lại ngồi chỗ khác mà vẫn không giải quyết nổi những tranh chấp trong nội bộ của họ, chứ đừng nói gì đến công việc thế giới.

Bức tranh trên chính do các học giả phương Tây vẽ ra. Căn cứ vào các nghiên cứu dự báo khoa học để thấy rằng, mặc dù hiện nay, dường như thế giới phương Tây đang tiếp tục thăng hoa, nhưng nếu so sánh với thế giới phương Tây cách đây từ 70 đến 100 năm thì ta thấy thực tế không phải như vậy. Thế giới phương Tây tuy còn giàu và mạnh, nhưng đang trên đà đi xuống. Sự đi xuống này là có thật, nó diễn ra từ từ và cũng theo đường xoáy trôn ốc, nghĩa là có những lúc nó lại vòng lên để rồi lại đi xuống. Do đó sự đi xuống này không phải sẽ diễn ra trong một vài thập kỷ mà phải mất nhiều thế kỷ như quá trình đi lên của nó. Từ đó chúng ta sẽ không thấy có gì mâu thuẫn nếu như trong nhiều thập kỷ tới các nước phương Tây vẫn còn tiếp tục dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội loài người, nhất là về sức mạnh kinh tế và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ sự phát triển của các nước phương Tây trong thế kỷ 20, chúng ta có cơ sở để dự báo rằng trong thế kỷ 21, thế và lực của các nước phương Tây sẽ tiếp tục suy giảm ./.

Cùng chuyên mục