Số 16 - Vài nét về tình hình Trung Quốc năm 1996

02:55 21/03/2012

Vài nét về tình hình Trung Quốc năm 1996

Tác giả: Nguyễn Thu Hương.

Theo nhận định của nhiều học giả nước ngoài, năm 1996 là năm chứa đựng nhiều thời cơ và thách thức đối với Trung Quốc cả về kinh tế, an ninh, chính trị, xã hội và ngoại giao. Sự thành bại của năm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 9 (1996-2000) của Trung Quốc và tác động trực tiếp đến đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 15 sắp tới. Nhưng những kết quả đạt được của nửa cuối năm 1995 đã đặt nền tảng cho Trung Quốc bước vào năm 1996 với nhiều thuận lợi. Chính vì vậy, năm 1996 Trung Quốc đã có bước phát triển tương đối tốt cả về kinh tế lẫn chính trị, tuy còn nhiều khó khăn vẫn chưa khắc phục được.

Hiện tượng một nền kinh tế quá nóng đã được kiểm soát. Kinh tế Trung Quốc phát triển tương đối tốt do đã có xử lý đúng đắn quan hệ giữa cải cách, phát triển và ổn định. Thông qua những biện pháp tăng cường và cải thiện hơn nữa điều tiết vĩ mô, Trung Quốc đã đạt được hiệu quả rõ rệt về mặt khống chế lạm phát tạm thời. Nếu như năm 1994 tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc là 25,2% thì năm 1995 xuống còn 14,8% và trong 8 tháng đầu năm 1996 mức lạm phát đã được khống chế ở mức 7%.

Mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã ổn định, trước kia có thời gian tăng quá nhanh, trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm xuống còn 9,5%. Như vậy, lần đầu tiên kể từ năm 1991, Trung Quốc đã giảm được tỷ lệ lạm phát và tỷ lên tăng GNP xuống còn 1 con số, đạt được mục tiêu kinh tế do Đại hội 14 đề ra và đã hạ cánh "mềm".

Thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay của Trung Quốc đã đạt khoảng 37,5 tỷ USD, đứng đầu Châu á; dự trữ ngoại tệ đạt 2975,6 tỷ nhân dân tệ, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu tăng GNP lên 4 lần vào năm 2000 cũng đã đạt được sớm hơn dự kiến trong năm ngoái. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định, khoảng 13 - 14%, trong đó mức tăng của công nghiệp quốc doanh giảm, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhanh, công nghiệp nhẹ phát triển bình thường, công nghiệp nặng tăng 13,1%, so với năm 1995 mức tăng nâng cao hơn 1,6%. Nông nghiệp tuy bị thiên tai nhưng lương thực vẫn đạt mức kỷ lục 480 triệu tấn; kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng đạt 290 tỷ USD.

Hiện nay Trung Quốc đang tiến hành một số biện pháp có hiệu quả để giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn và điều chỉnh sự mất cân đối giữa nội địa và duyên hải.

Nhìn tổng thể mà nói cứ 10 năm nền kinh tế Trung Quốc lại tăng gấp đôi. Theo dự báo của một số nhà nghiên cứu, trong 5 năm tới Trung Quốc sẽ giữ nhịp độ phát triển kinh tế cao, tổng sản lượng quốc dân sẽ tăng 8,7% hàng năm và mức lạm phát sẽ từ 8 - 9%. Có nhiều khả năng đến năm 2010 trở đi Trung Quốc sẽ có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới. Tuy nhiên điều này có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Điều tồn tại đáng lo ngại nhất hiện nay về mặt kinh tế là Trung Quốc vẫn đứng trước một mâu thuẫn lớn chưa khắc phục được giữa một bên là cứu các xí nghiệp quốc hữu làm ăn thua lỗ, giải quyết nạn thất nghiệp ồ ạt với một bên là cải cách hệ thống tài chính, chống lạm phát. Hiện nay diện thua lỗ mở rộng tới hơn 70%, mức thua lỗ đã vượt quá mức có lời, nếu hạch toán riêng các xí nghiệp công nghiệp quốc hữu thì mức tăng trưởng là âm. Nhiều xí nghiệp không có tiền trả lương, trả nợ ngân hàng và nợ lẫn nhau (khoảng 700 tỷ nhân dân tệ). Hàng loạt xí nghiệp, nhất là ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc phải đóng cửa, công nhân phải nghỉ việc và nhận lương tối thiểu (trong 2 năm 1995 - 1996 đã có khoảng 10 - 14 triệu công nhân phải nghỉ việc). Cơ cấu kinh tế mất cân đối, tình trạng xây dựng trùng lắp, hàng tồn đọng tăng nhiều, hiệu quả kinh tế giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải chịu sức ép của chính phủ trao tín dụng cho các công ty này. Hậu quả là hệ thống tài chính vẫn chưa được điều hành theo nguyên tắc thị trường, làm ăn kém hiệu quả do các công ty không trả được nợ. Việc ngân hàng cứ tiếp tục bù lỗ sẽ làm thất thoát tiền của của Nhà nước, vì thế thành tích giảm lạm phát trong năm 1996 vãn còn rất mong manh, chưa có gì làm cho người ta tin rằng nó sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai. Gần đây chính phủ Trung Quốc đã có phương hướng cải cách ngân hàng theo cơ chế thị trường, mạnh dạn cho phá sản các xí nghiệp làm ăn thua lỗ... nhưng liệu sự phá sản xủa các xí nghiệp quốc doanh có diễn ra xuôn xẻ không ? Hàng loạt người thất nghiệp sẽ tác động thế nào tới an ninh, trật tự xã hội vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Nhìn chung, kinh tế Trung Quốc trong năm 1996 đã đạt được một số thành tích đáng kể, tốt hơn 1995 nhưng những vấn đề tồn tại chưa giải quyết được vẫn có nguy cơ phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế làm cho kinh tế của Trung Quốc dễ bị tổn thương.

*

Tám tháng đầu năm 1996, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế đã tăng 80% so với năm 1995. Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng và tội phạm nhưng tình trạng tham nhũng vẫn phát trỉen theo chiều hướng ngày càng tăng tới mức phổ biến, công khai, rộng khắp và có nhiều án lớn. Từ tháng 1 năm 1995 đến tháng 7 năm 1996, Trung Quốc đã xử lý 2625 trường hợp cán bộ cấp ban, phòng trở lên về tội hối lộ, trong đó có 239 trường hợp là cán bộ cấp vụ trở lên.

Tình trạng chia rẽ và hoạt động khủng bố ở Tân Cương diễn ra nghiêm trọng hơn những năm trước. Cho đến tháng 3 năm 1996, ở đây đã diễn ra 47 vụ đánh phá đường sắt làm cho giao thông đường sắt ở khu vực Urumsi đến Kurle bị tê liệt một thời gian. Phong trào ly khai nổi lên kéo theo 10 triệu người tham gia. Chính quyền đã bắt giữ gần 100 người và đóng cửa gần 20 trường đạo trong chiến dịch chống người Hồi giáo ly khai đòi tự trị cho vùng Tân Cương.

Hội nghị Trung ương hợp tại Bắc Đới Hà vừa qua chưa giải quyết được hết các vấn đề như trong chương trình nghị sự đã dự kiến. Có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình chính trị Trung Quốc tương đối ổn định hơn 1995. Giang Trạch Dân đã củng cố được quyền lực mặc dù còn có những thế lực bất đồng chính kiến khác như Đặng Lực Quần, Hồ Khởi Lập...

Thách thức hiện nay của Trung Quốc là: những hậu quả khôn lường đối với an ninh xã hội do nạn thất nghiệp ồ ạt của các xí nghiệp quốc doanh phải đóng cửa. Việc thu hồi Hồng Kông và địa vị quốc tế hóa, dân chủ hóa Đài Loan có thể gây tác động đối với phong trào đòi cải cách thể chế chính trị và dân chủ ở lục địa.

*

Cùng với việc xây dựng lực lượng triển khai nhanh theo kiểu lính thủy đánh bộ Mỹ, tiến hành các cuộc tập trận trên đất liền quy mô lớn, chuyển trọng tâm của quân đội từ phòng thủ sang kết hợp giữa phòng thủ và tiến công, Trung Quốc còn tích cực mua sắm vũ khí, tăng cường tiềm lực quân sự của mình. Có thể nói hiện nay Trung Quốc có một trong những lực lượng quân sự lớn nhất thế giới với 207 dàn tên lửa, 160 tàu phóng lô, 4500 máy bay chiến đấu. Trung Quốc hiện có hạm đội tàu ngầm lớn thứ ba thế giới và cũng đã tăng gấp đôi số tàu chiến nổi lên tới 59 chiếc từ năm 1991. Trung Quốc đã xây dựng được một lực lượng hạt nhân tự vệ tinh nhuệ, có hiệu quả. Ngân sách quốc phòng tăng liên tục ở mức hai con số trong bảy năm liền. Theo các nguồn tin nước ngoài, ước tính chi phí quân sự thực tế của Trung Quốc từ 30 - 63 tỷ USD, thậm chí còn cao hơn thế và chiếm khoảng 3,5% sản phẩm kinh tế quốc dân. Mặt hạn chế của quốc phòng Trung Quốc hiện nay là vũ khí còn lạc hậu.

*

Một đặc điểm nổi bật của quan hệ Trung - Mỹ từ khi Clinton lên cầm quyền là thăng trầm, không ổn định. Năm 1996 cũng vậy, nó không nằm ngoài các quy luật chung đó. Có thể nói từ 6/1995, sau quyết định của Tổng thống Mỹ Clinton cho phép Lý Đăng Huy di thăm không chính thức Mỹ cho đến Tháng 3/1996 khi Trung Quốc tập trận gây ở eo biển Đài Loan và Mỹ đưa tàu sân bay đến eo biển thì quan hệ Trung Quốc - Mỹ tụt xuống ở mức thấp nhất. Ngoài ván đề Đài Loan, giữa Trung - Mỹ còn tồn tại nhiều mâu thuẫn khác :

Vấn đề cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, nhân quyền, thương mại, quyền sở hữu tri thức, Trung Quốc bảo hộ mậu dịch, Trung Quốc xin gia nhập WTO...

Tại cuộc họp các Uỷ ban về vấn đề thương mại, Mỹ xác định Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm đối với nền kinh tế Mỹ và cả hai bên đều đe dọa trừng phạt lẫn nhau. Nhưng đến phút chót, chiến tranh thương mại lẫn đụng đầu quân sự ở eo biển vẫn không xảy ra.

Với những tín hiệu hòa dịu của cả Trung Quốc và Mỹ, 6 tháng cuối năm 1996, quan hệ Trung Quốc - Mỹ đã có những chuyển biến tích cực :

- Đối với vấn đề Đài Loan :

+ Trung Quốc làm yên lòng Mỹ bằng cách đảm bảo diễn tập an toàn ở eo biển Đài Loan.

+ Trung Quốc cùng các cường quốc hạt nhân khác đã ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

+ Mỹ ra tuyên bố vẫn tôn trọng "một nước Trung Hoa", không ủng hộ Đài Loan độc lập và gia nhập Liên Hợp Quốc. ủng hộ duy trì hòa bình và đối thoại giữa hai bờ.

- Vấn đề thương mại : 2 bên đã tiến hành giải quyết mâu thuẫn trong thương mại.

+ Trung Quốc đã quyết định từ ngày 1/4 cắt giảm 1/3 thuế nhập cảng đối với 5000 mặt hàng nhằm hỗ trợ cho việc Trung Quốc gia nhập WTO. Cụ thể mức thuế nhập cảng của Trung Quốc từ gần 36% nay được cắt giảm xuống còn 23% và đây là mức cắt giảm lớn nhất, quan trọng nhất từ trước đến nay.

+ Chính quyền Clinton đang ngỏ ý với Bắc Kinh rằng Mỹ chuẩn bị chấm dứt việc cản trở Trung Quốc gia nhập WTO và các nhà vạch chính sách Mỹ chủ động bầy tỏ phải dành cho Bắc Kinh tối huệ quốc vô điều kiện.

- Quan hệ chính trị, ngoại giao : Mở màn là chuyến thăm Trung Quốc của Lake, cố vấn an ninh của Tổng thống, đánh dấu quan hệ Trung - Mỹ đang ấm lên. Tuy hai bên không có ký kết gì cụ thể nhưng nó được mô tả là một phần của "một cuộc đối thoại chiến lược" nhằm hàn gắn những đổ vỡ, làm lành và xoa dịu với Trung Quốc. Sau chuyến thăm này hai bên sẽ trao đổi một loạt các chuyến thăm khác như ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham sẽ gặp ngoại trưởng Christopher, Bộ trưởng kinh tế và buôn bán đối ngoại Ngô Phi, Bộ trưởng quốc phòng Trì Hạo Điền, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch nhà nước sẽ sang thăm Mỹ. Tổng thống Clinton sẽ đi thăm Trung Quốc vào năm 1997. Chủ tịch nhà nước Giang Trạch Dân cũng đi thăm Mỹ.

Nguyên nhân dẫn đến quan hệ Trung - Mỹ không ổn định là do Mỹ - Trung có những lợi ích chung rất lớn và có thể nói là lớn hơn cả bất đồng :

Về mặt lợi ích kinh tế mà nói, Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong số 10 thị trường lớn mới của Mỹ nên Mỹ cũng muốn tranh giành. Mỹ có nền kinh tế mạnh, khoa học kỹ thuật tiên tiến, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc và có vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế nên Trung Quốc cũng cần tranh thủ. Quan hệ kinh tế hai bên có tính chất bổ sung, hỗ trợ nhau hơn là cạnh tranh nên cả hai đều cần nhau hơn.

Về lợi ích an ninh, cả hai đều muốn duy trì hòa bình ổn định để tập trung phát triển kinh tế trong nước. Mỹ muốn tiếp xúc với Trung Quốc để giải quyết các điểm nóng ở khu vực Châu á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy quan hệ Trung Mỹ là sự đan xen giữa hợp tác và đấu tranh lẫn nhau. Những lợi ích chung là cơ sở tránh cho quan hệ Trung - Mỹ không đổ vỡ. Điểm mới đáng lưu ý trong việc cải thiện quan hệ Trung - Mỹ 6 tháng cuối năm 1996 là có sự chuyển biến trong nhận thức của Mỹ về Trung Quốc. Mỹ từ chỗ coi sự phát triển, lớn mạnh của Trung Quốc là mối đe dọa đã chuyển sang nhận thức coi sự phát triển của Trung Quốc là phù hợp với lợi ích của Mỹ. Nếu Mỹ phát triển quan hệ tốt với Trung Quốc thì có cơ hội làm ăn kinh tế với Trung Quốc và duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Christopher về 3 nguyên tắc chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc tháng 6/1996 vừa qua :

1. Trung Quốc phát triển trở thành một quốc gia ổn định, mở cửa và thành công là phù hợp với lợi ích của Mỹ.

2. ủng hộ một cách toàn diện và tích cực việc Trung Quốc tham gia vào các công việc quốc tế.

3. Khi giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc, Mỹ cần vận dụng phương pháp tiếp xúc và đối thoại.

*

Cũng như quan hệ Trung - Mỹ, quan hệ Trung - Nhật là sự đan xen giữa hợp tác và đấu tranh. Xuất phát từ lợi ích phụ thuộc lẫn nhau, Nhật - Trung cũng rất chú trọng hợp tác hai bên. Tuy nhiên, do những vấn đề tôn trọng trong lịch sử và do Trung Quốc, Nhật Bản đều trờ thành cường quốc hùng mạnh nên quan hệ hai bên gần mà không thân, vừa hợp tác vừa kiềm chế lẫn nhau. Nhật Bản rất lo ngại trước sự phát triển nhanh mạnh của Trung Quốc về kinh tế, quân sự. Chính sách của Nhật Bản trong thời gian qua là im lặng trong khi các nước khác lên án Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, từ giữa năm 1995 trở đi đã có dấu hiệu cho thấy Nhật Bản theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc. Sau vụ thử hạt nhân của Trung Quốc, Nhật Bản đã cắt giảm mạnh khoản viện trợ lớn dành cho nước này (từ 78 triệu xuống còn 5 triệu USD). Tháng 4 năm 1996, Nhật Bản đã nâng cấp Hiệp ước an ninh với Mỹ, tháng 8 năm 1996 đưa tàu chiến đến bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Senkaku. Sự kiện đảo Senkaku phản ánh đường lối của một thiểu số theo chủ nghĩa dân tộc đối phó lại sự thách thức của Trung Quốc nhưng quan điểm chung của Nhật là tránh hành động quân sự trực tiếp, hướng quan hệ Trung - Nhật vào sự hợp tác hơn là bao vây. Mới đây nhất, Nhật lại quyết định nối lại khoản viện trợ không hoàn lại bị cắt bỏ khi Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân. Còn Trung Quốc vẫn giữ thái độ kiềm chế.

Quan hệ Trung - Nga phát triển ổn định và nhất là sau khi quan hệ Trung - Mỹ xấu đi thì quan hệ hai nước có phần nồng ấm lên.

- Hợp tác kinh tế thương mại: tổng kim ngạch buôn bán năm 1996 giữa hai nước là 6 tỷ $, khoảng bằng 1/10 của Mỹ. Tuy nhiên các chuyên gia không hề bi quan, đang tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, tìm kiếm con đường có hiệu quả để thúc đẩy buôn bán và hợp tác khoa học kỹ thuật.

- Hợp tác về quân sự: trung Quốc đã trở thành đối tượng xuất khẩu vũ khí chủ yếu của Nga và quan hệ quân sự hai nước không ngừng tăng lên. Hai Bên đã có các hoạt động mua bán và chuyển giao công nghệ vũ khí. Nga vừa mới đây đã bán cho Trung Quốc 24 máy bay chiến đấu Sukhoi 27. Trung Quốc đặt mua của Nga 4 chiếc tàu ngầm tấn công và trong thời gian tới sẽ mua của Nga 20 chiếc tàu ngầm. Hai bên thỏa thuận chương trình bán máy bay chiến đấu SU 27 trị giá 2,5 tỷ USD. Nổi bật là Trung Quốc ký với Nga và 3 nước Trung á "Hiệp ước về các biện pháp quân sự" nhằm xác định một vùng phi quân sự rộng 200km chạy dài theo đường biên giới 8000km. Với hiệp ước này, Trung Quốc đã ổn định được biên giới phía Bắc để tập trung xuống phía Nam.

- Chính trị : các nhà lãnh đạo 2 nước Trung - Nga đều nhấn mạnh rằng 2 nước không tồn tại vấn đề bất đồng chính trị. Phía Nga luôn giữ lập trường "một nước Trung Quốc", phản đối việc Đài Loan gia nhập Liên Hiệp Quốc. Còn phía Trung Quốc cho rằng một nước Nga ổn định, kinh tế phát triển là phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, có lợi cho xây dựng bạn bè chiến lược 2 nước, cân bằng sức mạnh với Mỹ và Nhật Bản.

- Trong các vấn đề quốc tế lớn, 2 nước có lập trường thống nhất và gần gũi.

Nguyên nhân của sự nồng ấm quan hệ Trung Nga là do 2 nước có những điểm đồng về lợi ích :

+ Về kinh tế : Nga có lợi ích duy trì nền công nghiệp sản xuất vũ khí thông qua xuất khẩu vũ khí. Còn Trung Quốc lại cầm mua vũ khí của Nga để đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội.

+ Về chính trị : Cả Nga và Trung Quốc đều có mâu thuẫn với Mỹ nên có nhu cầu xích lại gần nhau, gửi thông điệp răn đe Mỹ.

Bản thân Trung Quốc có nhu cầu ổn định biên giới phía Bắc, tránh những khó khăn Trung Quốc phải đối phó khi triển khai chiến lược toàn cầu.

Triển vọng quan hệ Trung - Nga nồng ấm nhưng không tới mức liên minh với nhau vì cả hai đều cần phương Tây để tiếp cận các nguồn tài chính IMF, WB, và WTO hơn là cần nhau.

Về quan hệ Trung Quốc với Đông Nam á : Sau khi quan hệ Trung - Mỹ có những khủng hoảng nghiêm trọng xoay quanh vấn đề Đài Loan, Trung Quốc tỏ thái độ mềm dẻo hơn đối với các nước Đông Nam á, thể hiện bằng một loạt các cuộc viếng thăm các nước Đông Nam á của Phó Chủ tịch quân uỷ Trung ương Trương Vạn Niên, Phó Thủ tướng Chu Dung Cơ... Trung Quốc giữ thái độ kiềm chế khi Indonesia tập trận, tuyên bố lấy luật quốc tế và luật biển năm 1982 làm cơ sở giải quyết tranh chấp, chấp nhận đàm phán đa phương không chính thức về tranh chấp quần đảo Trường Sa, trở thành bên đối thoại trực tiếp của ARF, tham gia các hoạt động của ủy Ban sông Mekong, từ bỏ lập trường bất hợp tác trước đây.

Tuy nhiên, dư luận chung vẫn còn lo ngại về an ninh khu vực do việc Trung Quốc tiếp tục tăng chi phí quốc phòng, ra tuyên bố về đường cơ sở lãnh thổ, tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan, viện trợ quân sự cho Thái Lan, CPC, trang bị lại quân đội cho Mianma, chuyển giao công nghệ và bán vũ khí cho Pakistan, ký hiệp ước quân sự với Nga...

Tóm lại : Nhìn vào quan hệ đối ngoại của Trung Quốc trong năm qua ở khu vực Châu á - Thái Bình Dương ta thấy dường như xuất hiện những tập hợp lực lượng mới về phía Mỹ và Trung Quốc làm cho bầu không khí an ninh khu vực nóng lên. Phải chăng đang hình thành những cặp liên minh Mỹ - Nhật, Trung - Nga để chống nhau ? Thực tế cho thấy Trung - Nga không thể liên minh chống Mỹ, Nhật, Phương Tây vì cả 2 đều cần phương Tây hơn cần nhau trong quá trình phát triển kinh tế. Còn tam giác Mỹ - Trung - Nhật đều có điểm chung là mong muốn hợp tác với nhau nhưng mặt khác cả 3 đều tồn tại mâu thuẫn, ví dụ Trung Mỹ mâu thuẫn về vấn đề Đài Loan, thương mại, nhân quyền. .. Mỹ - Nhật mâu thuẫn về mậu dịch, Trung - Nhật mâu thuẫn về vấn đề Điếu Ngư... Vì thế khó có khả năng các cặp quan hệ này liên minh với nhau để chống lại cặp kia. Trên hết cả là tất cả các nước đều có lợi ích duy trì hòa bình ổn định để phát triển kinh tế, phục vụ cho lợi ích chiến lược của mỗi nước nên chiều hướng quan hệ Trung Quốc với các nước trong khu vực chủ yếu vẫn là vừa hợp tác, vừa đấu tranh, lấy ổn định làm trọng... Những động thái căng thẳng lên trong khu vực thực chất là nhằm cân bằng sức mạnh và có tính răn đe nhau. Điểm chung lớn nhất hiện nay giữa các nước trong khu vực vẫn là lôi kéo Trung Quốc hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế hơn là bao vây, cô lập Trung Quốc.

Danh mục tài liệu tham khảo :

1. Các bản tin hàng ngày và tham khảo đặc biệt của TTX.

2. Bản tin A của BNG.

Cùng chuyên mục