Số 17 - Đôi nét về địa - chính trị ở châu Á sau chiến tranh lạnh

08:45 21/03/2012

Đôi nét về địa - chính trị ở châu Á sau chiến tranh lạnh

Tác giả: Nguyễn Đình Luân.

1. Sau chiến tranh lạnh tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều tập trung vào khôi phục và phát triển kinh tế. Kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong quan hệ quốc tế. Xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đang tác động ngày một mạnh mẽ trên khắp các châu lục. Đó là một phương diện, một nội dung rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. "Bàn tay vô hình" của thị trường chỉ có thể tự do vươn ra toàn cầu trong những điều kiện chính trị xác định. Chính trị có tính độc lập tương đối, tác động mạnh mẽ lên quá trình phát triển kinh tế cả trong phạm vi quốc gia, phạm vi khu vực lẫn toàn cầu. Quan hệ kinh tế quốc tế chỉ có thể phát triển thuận lợi trong một trật tự chính trị quốc tế tương đối ổn định. Do đó không thể không chú ý đầy đủ đến yếu tố địa-chính trị trong quan hệ quốc tế.

2. Trong suốt hơn 500 năm qua, nhân tố địa-chính trị chi phối mạnh mẽ quan hệ quốc tế.

Alfred Thayer Malon (1840-1914) và MacKinder (1861-1947) là những người sáng lập ra học thuyết về địa-chính trị. Cả hai ông tập trung phân tích mối quan hệ địa-chính trị giữa các "cường quốc lục địa" với các "cường quốc đại dương". Anh đã chinh phục thế giới chủ yếu bằng sức mạnh hải quân. Còn trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhân tố địa - chính trị cũng đó vai trò vô cùng quan trọng, nhờ nó mà cả Mỹ lẫn Liên Xô cũ có thể triển khai lực lượng quân sự trên phạm vi toàn cầu.

Trong bài "Tranh luận về địa - chính trị : ưu thế tiếp tục của địa lý" (1) , giáo sư chính trị quốc tế người Anh - Colin Gray đã phân tích làm sáng tỏ tầm quan trọng của địa - chính trị và mối quan hệ của cường quyền chính trị với bối cảnh địa lý thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Đồng thời ông cũng đề cập đến sự cần thiết phải tiếp tục phân tích địa - chính trị có tính xây dựng đối với thế kỷ XXI.

3. Thế kỷ XX đã chứng kiến 3 cuộc chiến tranh lớn: hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc chiến tranh lạnh kéo dài từ 1947 đến năm 1991.

Từ năm 1991 đến nay các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột khu vực vẫn tiếp tục diễn ra ở các mức độ, phạm vi khác nhau. Mặc dù hòa bình đã ở trong tầm tay nhân loại nhưng vẫn chưa phải là hòa bình bền vững hoàn toàn. Các cuộc chiến tranh và xung đột khu vực có những nguyên nhân riêng của chúng, trong đó nguyên nhân về tranh chấp lãnh thổ có tầm quan trọng đặc biệt.

Ngày nay xu thế khu vực hóa nền kinh tế ngày càng gia tăng và nó làm cho các đường biên giới trở nên "mềm đi", tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hóa, đầu tư, dịch vụ. EU là một điển hình. Quá trình hội nhập, liên kết khu vực ở đây tuy còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng không thể đảo ngược. Xu thế này đang được phổ biến hóa, tuy nhiên theo một nghĩa nhất định nó vẫn là cái đặc thù có một không hai trong lịch sử nhân loại bởi vì địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của Tây Âu vốn là cái đặc thù, khác biệt, không lặp lại ở nơi nào khác. Một trong những nét nổi bật của EU là các quốc gia thành viên của nó trước khi trở thành bộ phận của một hệ thống đều là những quốc gia có nhà nước pháp quyền với văn hóa chính trị tương đối đồng đều, có đường biên giới, phân minh, rõ ràng và có nền kinh tế công nghiệp hiện đại.

Sự phát triển không đồng đều làm cho châu A' và các châu lục khác trên thế giới không thể có được những điểm thuận lợi trên như Tây Âu. Những tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia nông nghiệp, hay tiền công nghiệp không thể giải quyết một sớm một chiều. Quá trình công nghiệp hóa hiện nay mặc dù có thể rút ngắn thời gian rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn vấp phải những giới hạn nhất định. Hai thập kỷ qua nền kinh tế Trung Quốc phát triển tương đối ngoạn mục, nhưng Trung Quốc cũng chỉ dự kiến đạt mức phát triển kinh tế ngang các nước tư bản trung bình vào giữa thế kỷ sau. Cơ hội để trở thành "rồng" như bốn "con rồng" châu A' trong vài thập kỷ vừa quá chắc chắn sẽ không lặp lại. Cạnh tranh kinh tế trên toàn cầu ngày một gay gắt, quyết liệt hơn và với chu kỳ thay đổi công nghệ sản xuất ngày càng rút ngắn, nguy cơ tụt hậu của các nước đang phát triển ngày càng lớn. Tất cả những điều này làm cho quá trình công nghiệp hóa ở châu A' khó có thể diễn ra nhanh chóng đồng đều. Từ đó kéo theo hai hậu quả: một là, quá trình hình thành Nhà nước pháp quyền diễn biến chậm chạp do sự phát triển chậm của văn hóa chính trị của xã hội công dân; hai là, sức ỳ cố hữu nặng nề của tư duy chính trị nông nghiệp. Bành trướng đất đai, lãnh thổ là một đặc trưng cơ bản của loại hình tư duy này. Đây là một phương diện cần xem xét khi nghiên cứu tác động tiếp tục của yếu tố địa - chính trị ở châu A'.

Phương diện thứ hai là tính qui luật của cuộc đấu tranh giành quyền lực trên sân khấu chính trị quốc tế. Để trở thành một cường quốc thế giới cần phải có cả sức mạnh kinh tế lẫn sức mạnh quân sự. Thiếu một trong hai yếu tố đó quốc gia vẫn chỉ là "người khổng lồ một chân" như hình ảnh của Nhật và Nga hiện nay. Thời gian gần đây người ta thường nói tới một cuộc chiến tranh mới: chiến tranh thông tin (2) , nhưng thông tin cũng có những giới hạn của nó. Nó rất quan trọng, nhưng chỉ có riêng nó thì không đủ để có thể bắn rơi máy bay, đánh chìm tàu ngầm, phá hủy cầu cống và hủy diệt các tập đoàn cứ điểm của đối phương. Thông tin có thể truyền đi bất cứ nơi nào trên trái đất, nhưng điều đó không thể xóa nhòa sự khác biệt giữa lục địa, biển và không gian. Kế hoạch tác chiến và sự thành, bại của trận đánh vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố địa lý cùng với sự hiện diện và hoạt động của các chiến binh trên chiến trường. Như vậy, để phát huy được sức mạnh quân sự của quốc gia cần phải chú ý tới hai yếu tố quan trọng: lực lượng hải quân và các vị trí chiến lược quan trọng.

Trong lịch sử, tuy ở mức độ khác nhau, cả Nhật và Trung Quốc đều đã từng bị phương Tây chinh phục bằng sức mạnh hải quân. Suốt trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cả Mỹ và Liên Xô cũ đều dùng lực lượng hải quân mạnh để kiềm chế nhau ở châu A' - một địa bàn chiến lược quan trọng. Mặc dù môi trường chiến lược ở châu A' sau chiến tranh lạnh đã có nhiều thay đổi nhưng sức mạnh hải quân vẫn giữ tầm quan trọng đặc biệt đối với các quốc gia ven biển nói chung và các quốc gia có tham vọng trở thành cường quốc nói riêng.

Khách quan mà nói, theo quy luật cạnh tranh với đối thủ mạnh hơn, các quốc gia có tầm vóc và có khả năng trở thành cường quốc ở châu A' đều phải chú ý tập trung phát triển, hiện đại hóa lực lượng hải quân cho tương xứng với so sánh lực lượng giữa các quốc gia ở châu A' với nhau cũng như so với lực lượng hải quân của Mỹ ở khu vực. Lôgic này đã và đang được triển khai trên thực tế ở cả Đông Bắc A', Nam A' và Đông Nam A'. Công thức "tăng cường khả năng bảo vệ an ninh cho nước này đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mất an ninh đối với nước kia" xem ra vẫn chưa lỗi thời cả ở ven bờ Â'n Độ Dương lẫn Thái Bình Dương và đặc biệt là ở khu vực biển Đông.

4. Trong khu vực biển Đông, quần đảo Trường Sa là một vị trí địa lý có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt cả về phương diện an ninh - quốc phòng lẫn phương diện kinh tế.

Đường hàng hải nối liền khu vực Trung Đông giàu tài nguyên dầu mỏ với khu vực phát triển kinh tế năng động Đông A' đi qua đây. Ai khống chế được Trường Sa sẽ khống chế được con đường hàng hải này và cả một vùng địa lý rộng lớn xung quanh bao gồm cả Đông Nam A'. Đó là chưa nói đến tiềm năng to lớn về dầu khí, tài nguyên biển và cá ở quần đảo này. Cả hai nhân tố địa - chính trị và địa - kinh tế hợp lại làm cho quá trình giải quyết tranh chấp ở khu vực này càng thêm phức tạp. Tính phổ biến của sự tùy thuộc lẫn nhau đòi hỏi phải có những cơ chế và giải pháp đa phương được kết hợp với đàm phán song phương. Đó là một nhu cầu khách quan, hợp lý, nhưng thực hiện nó thật không đơn giản. Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng của mình và được thực hiện trong những khoảng thời gian dài ngắn với những chính sách và biện pháp rất khác nhau. Không nắm chắc được chiến lược của đối phương thì rất dễ bị động, manh mún trong việc xử lý, đối phó. Trong gần 50 năm qua, yếu tố địa - chính trị luôn được tính toán kỹ lưỡng trong quan hệ quốc tế ở châu A' và trong vài thập kỷ tới sẽ vẫn như vậy. Một khi đã tính tới yếu tố này thì không thể bỏ qua bài toán cổ điển về cân bằng sức mạnh với nhiều cách giải rất khác nhau tùy theo những hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau.

5. Tháng 4/1996 Nhật và Mỹ nâng cấp hiệp ước an ninh, còn Trung Quốc với Nga cũng đã ký tuyên bố chung xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ XXI.

Â'n Độ đã từ chối không cùng các cường quốc hạt nhân hàng đầu khác ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT). Những sự kiện này tự nó nói lên tầm quan trọng của yếu tố địa - chính trị sau chiến tranh lạnh. Một điều đáng chú ý là trong suốt mấy chục năm Trung Quốc và Liên Xô cũ là hai nước cùng hệ tư tưởng song không thể hòa giải được với nhau. Nhưng vừa qua Trung Quốc và Nga tuy khác hệ tư tưởng, vẫn nhanh chóng hòa giải, giải quyết được 99% bất đồng về biên giới. Như vậy, ở đây, trong những trường hợp cụ thể, hệ tư tưởng chưa hẳn đã là mẫu số chung cho sự hợp tác hay liên minh trong quan hệ quốc tế. Để khỏi bị mắc lừa, cần phải nhận ra những lợi ích tiềm ẩn đằng sau những lời tuyên bố chính trị mỹ miều. Lôgíc của tuyên bố và lôgíc của hành động không phải lúc nào cũng thống nhất, cũng là sự phản ánh của nhau. Nếu như thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, thì phải xuất phát từ lôgíc của hành động trong một thời gian dài để nhận thức cho được bản chất chính sách và lợi ích chiến lược của mỗi quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Nước lớn có cách hành động của nước lớn để tồn tại và phát triển, nước nhỏ phải có cách hành động của mình. Địa - chính trị cũng là một yếu tố quan trọng mà các "con rồng" châu A' đã khôn khéo tận dụng phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong những thập kỷ qua. Sau chiến tranh lạnh tình hình có thay đổi, nhưng không phải tiềm năng sử dụng yếu tố địa - chính trị đã hết. Inđônêsia đã hợp tác an ninh với U'c. Đó là một phương thức phù hợp với Inđônêsia nhưng chưa chắc đã phù hợp với các nước khác.

6. Giữa địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - văn hóa có mối quan hệ tác động qua lại.

Biển không đơn thuần là vùng cấm địa chỉ dành cho những tàu chiến, tuần dương hạm hoạt động. Kinh tế đại dương có tiềm năng rất lớn và du lịch biển cũng là một hình thức giao lưu văn hóa. Như vậy có thể khai thác sử dụng yếu tố địa - chính trị bằng các phương thức địa - kinh tế và địa - văn hóa. Cách thức này không có gì là mới vì nó đã có trong hiện thực. Hình mẫu đầu tiên là Cộng đồng than - thép châu Âu do Pháp khởi xướng xây dựng nhằm ràng buộc CHLB Đức. Từ Cộng đồng than thép châu Âu đến EU ngày nay là cả một quá trình lịch sử lâu dài đầy thử thách và trở ngại, nhưng thành công thì không thể phủ nhận. Mô hình này là một gợi ý cho châu A'. Lịch sử không lặp lại, nhưng lịch sử có thể chỉ ra những bài học quý làm tiền đề cho sự vận dụng sáng tạo.

Trong bối cảnh mới, xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi do các nước vừa và nhỏ tham gia một cách chủ động, tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế dưới các hình thức khác nhau. Giờ đây thành công hay thất bại hoàn toàn phụ thuộc vào nhân tố chủ quan, vào chiến lược phát triển mà trong đó có chiến lược biển của quốc gia. Một chiến lược tổng hợp bao gồm không chỉ an ninh - quốc phòng mà cả kinh tế, văn hóa - xã hội. Sự phụ thuộc qua lại về lợi ích sẽ bắt các quốc gia phải lên tiếng như trường hợp Tây Âu phản đối Mỹ trừng phạt Cu Ba bằng đạo luật Helms-Burton. Địa - kinh tế đang trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc ngăn chặn các sức ép địa - chính trị.

Sự phát triển các mối giao lưu kinh tế còn thúc đẩy những nhân tố tích cực khác. Cùng với sự hình thành một nền kinh tế thị trường văn minh là sự tiến triển của văn hóa chính trị đối thoại - hòa bình. Chủ nghĩa đa phương đã phát triển rất sớm ở châu Âu, và giờ đây cũng đang nảy nở ở châu A'. Ngày xưa ba phát minh về la bàn, thuốc súng và giấy của châu A' đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa châu Âu, thì giờ đây chủ nghĩa đa phương, khu vực hóa kinh tế và công nghệ cao của châu Âu hy vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho châu A' quật khởi trên con đường hợp tác, hòa bình và phát triển. ASEAN từ ý tưởng đã trở thành hiện thực. Sự phát triển tiếp tục của ASEAN cùng với APEC là môi trường thuận lợi do chủ nghĩa đa phương và văn hóa đối thoại chính trị - hòa bình đơm hoa, kết trái ở châu A'./.

Tài liệu tham khảo:

1. Colin S. Gray:" A Debat on Geopolitics: the continued primacy of Geogrạphy", orbis, Spring 1996, vol. 40, no2,p. 247-259.

2. Alvin and Hudi Toffler:"Chiến tranh và chống chiến tranh - sự sống còn của loài người ở buổi bình minh của thế kỷ 21", NXB CTQG, H., 1995.

Cùng chuyên mục