Số 17 - Những nỗ lực của Trung Quốc phát triển chương trình hạt nhân

09:09 21/03/2012

Những nỗ lực của Trung Quốc phát triển chương trình hạt nhân

Tác giả: Nguyễn Thái - Diệu Hà.

Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu và triển khai chế tạo, cho đến nay Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc phát triển kỹ thuật hạt nhân, trở thành một trong năm cường quốc hạt nhân của thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự nước ngoài, hiện Trung Quốc có số lượng vũ khí hạt nhân gồm 284 đơn vị, trong đó có những loại hiện đại như tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, bom H (bom Hyđrô), bom nguyên tử v.v...

Nhìn lại lịch sử hiện đại của Trung Quốc có thể thấy, chỉ bốn năm sau ngày khai quốc (1/10/1949), vào năm 1953, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chương trình hạt nhân của mình. Cũng vào năm đó, Uỷ ban phụ trách năng lượng hạt nhân được thành lập (trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc) có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, thiết kế, ứng dụng năng lượng hạt nhân. Cùng với việc tìm kiếm các nguyên liệu, xây dựng một số nhà máy để làm giàu Uranium và các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân, Trung Quốc khẩn trương hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cần thiết để có thể sản xuất các loại tên lửa, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ cho các vụ thử hạt nhân. Sau 11 năm kiên trì làm việc bằng nhiệt huyết của các nhà khoa học hàng đầu và sự quan tâm đầu tư thỏa đáng của chính phủ, ngày 16/11/1964 Trung Quốc đã thực hiện vụ thử sản phẩm hạt nhân đầu tiên, mở ra một thời kỳ mới đầy triển vọng cho chương trình hạt nhân của nước này.

Đồng thời với việc đầu tư sản xuất bom hạt nhân, Trung Quốc rất quan tâm đến sản xuất các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Năm 1956, Hội đồng quốc phòng Trung Quốc thông qua nghị quyết về việc thành lập và tổ chức hoạt động của Uỷ ban công nghiệp hàng không. Vài tháng sau khi Uỷ ban này ra đời, Trung Quốc thành lập Viện nghiên cứu khoa học phụ trách thiết kế và chế tạo tên lửa. Trung ương Đảng cộng sản, Quốc vụ viện và Hội đồng quốc phòng Trung Quốc dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động của Viện. Các bộ có liên quan được đặt trong tình trạng luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của Viện. Một thời gian sau, Viện này đã phát triển thành Bộ công nghiệp chế tạo máy móc quân sự, đảm nhiệm mọi công việc có liên quan, trước hết là nghiên cứu chế tạo tên lửa chiến lược và chiến thuật.

Cũng vào năm 1956, chính phủ Trung Quốc thông qua kế hoạch 12 năm (1956 - 1967) phát triển khoa học nhằm đưa Trung Quốc trở thành nước có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến. Hướng phát triển chính của kế hoạch này bao gồm nhiều lĩnh vực, song trước hết là sử dụng năng lượng hạt nhân, nghiên cứu kỹ thuật phản lực, xây dựng ngành kỹ thuật chất bán dẫn, nghiên cứu chế tạo máy tính, các lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất bom nguyên tử và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Để thực hiện thành công kế hoạch đó, Trung Quốc một mặt huy động nguồn nhân lực - vật tư lớn từ bản thân, nhưng mặt khác do còn những khó khăn nên họ đã tranh thủ một cách tối đa sự giúp đỡ nhiều mặt của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc đó mà chủ yếu là từ Liên Xô (cũ), nhất là trong thời gian đầu, khi quan hệ giữa hai nước còn nồng ấm và còn mang nhiều tính quốc tế vô sản chân chính hơn. Nhờ các hoạt động ngoại giao khôn khéo và lợi dụng bối cảnh quốc tế (đối đầu dần tăng lên giữa hai "siêu cường" Xô - Mỹ) cũng như tình hình "tạm yên ổn" dù là ngắn ở trong nước mà phần nào Trung Quốc đạt được mục tiêu của mình.

Căn cứ vào các thỏa thuận, hiệp định đạt được trong các chuyến thăm cấp cao, Liên Xô đã giúp Trung Quốc đào tạo cán bộ, xây dựng các cơ sở kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng cơ sở như nhà máy, đường sắt, hầm mỏ, trường học, viện nghiên cứu.

Sự giúp đỡ của Liên Xô trong việc đào tạo chuyên gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với kế hoạch 12 năm phát triển khoa học ở Trung Quốc. Nếu như vào năm 1949, ở Trung Quốc chỉ có 40 cơ sở nghiên cứu khoa học với 650 cán bộ khoa học thì đến năm 1962 con số tương ứng đã là 1300 và 94000. Riêng Viện hàn lâm khoa học Liên Xô đã đào tạo và cung ứng các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm cho hơn 900 cán bộ khoa học của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc. Tổng số các nhà khoa học Trung Quốc được đào tạo tại Liên Xô trong kế hoạch 12 năm khoảng 5000 người, trong đó một bộ phận không nhỏ thuộc ngành Vật lý hạt nhân. Chính điều này đã giúp cho Trung Quốc nhanh chóng đạt được những tiến bộ lớn trong việc phát triển khoa học - kỹ thuật cũng như nghiên cứu chế tạo vũ khí tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông âu còn cung cấp miễn phí cho Trung Quốc một số lượng khá lớn các tài liệu và bản thiết kế về kỹ thuật hạt nhân. Riêng Liên Xô đã cung cấp 24000 bộ tài liệu kỹ thuật, trong đó có 1400 bản thiết kế các nhà máy lớn. Theo đánh giá của giới nghiên cứu nước ngoài, nếu phải mua tất cả các tài liệu và các giấy phép này trên thị trường quốc tế thì Trung Quốc phải mất nhiều tỷ USD theo thời giá lúc đó. Ngoài ra Liên Xô còn giúp trao đổi các cuộc hội thảo khoa học, chuyển giao cho Trung Quốc một số loại trang thiết bị khoa học kỹ thuật, kinh tế theo thỏa thuận giữa hai bên, kể cả thiết bị kỹ thuật quân sự. Tuy số lượng không nhiều, những loại máy bay, tên lửa và các mẫu kỹ thuật quân sự mà Liên Xô chuyển giao cho Trung Quốc chưa phải là thế hệ hiện đại nhất, song chính điều đó đã tạo điều kiện giúp Trung Quốc có khả năng rút ngắn thời gian để nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các loại vũ khí hiện đại của mình, trong đó có tên lửa.

Tuy vậy, cũng không thể không thừa nhận những nỗ lực phi thường của lãnh đạo Đảng, Nhà nước (đứng đầu là Mao Trạch Đông, Chu ân Lai, Đặng Tiểu Bình), các nhà khoa học hàng đầu (bất kể là trong nước hay người Hoa mang quốc tịch nước khác, mà tiêu biểu là Tiền Học Sâm), cũng như toàn thể nhân dân Trung Quốc trong việc phát triển chương trình hạt nhân của mình. Phải khắc phục vô vàn khó khăn, với quyết tâm cao và ý chí phấn đấu, lòng kiên trì, sức sáng tạo lớn thế nào thì họ mới biến những điều kiện, cơ sở và sự trợ giúp của bên ngoài thành tiềm lực hạt nhân của chính mình, do chính người Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo thành công và điều khiển, sử dụng. Có thể nói, Trung Quốc là một trong số ít nước trên thế giới làm được như vậy. Vùng Tây Bắc nước này tập trung một trữ lượng lớn quặng Uranium được bắt đầu khai thác từ 1957, họ xây dựng các nhà máy làm giàu quặng và sản xuất vật liệu hạt nhân, trong đó có nhà máy Lan Châu với quy mô rất lớn. Cũng tại vùng này, Trung Quốc đã xây dựng trung tâm điều khiển các vụ thử hạt nhân cùng các bãi thử. Sau khi xây dựng xong các nhà máy sản xuất Plutonium, nhà máy làm giàu quặng Uranium và nhà máy sản xuất nguyên liệu để chế tạo bom H, vùng Tây Bắc Trung Quốc có quy mô đồng bộ của một tổ hợp công nghiệp hạt nhân: từ khai thác nguyên liệu đến sản xuất và thử các loại vũ khí hạt nhân.

Tháng 9/1958, các lò phản ứng hạt nhân thể nghiệm với gia tốc cộng hưởng khoảng 25 triệu Electro-Vôn đã xây dựng xong và bắt đầu đưa vào hoạt động. Từ kết quả này, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông lúc đó cho rằng cần phải xây dựng các tổ hợp tương tự ở mỗi tỉnh và Ban lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên khẳng định sự cần thiết phải chế tạo được bom nguyên tử. Song, với tương quan so sánh lực lượng trên thế giới lúc đó, mong muốn trên không dễ thực hiện. Ban lãnh đạo Trung Quốc đề nghị sự giúp đỡ từ phía Liên Xô (cung cấp mẫu bom nguyên tử). Lúc đầu Liên Xô đồng ý, nhưng sau đó do biết rõ ý định, và nhất là thái độ chia rẽ của Trung Quốc (thể hiện trong và sau Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân tại Mátxcơva năm 1957) nên đã rút lại cam kết này. Cần lưu ý rằng, quá trình phát triển chương trình hạt nhân của Trung Quốc đã bị kìm hãm và chững lại đáng kể (nhất là trong lĩnh vực chế tạo vũ khí, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân) dưới tác động của chính sách "đại nhảy vọt" và những bất đông ngày càng tăng trong quan hệ Xô-Trung. Việc Liên Xô rút các chuyên gia đang làm việc ở Trung Quốc đầu những năm 60 đã làm xáo trộn nhất định chương trình hạt nhân, khiến thời hạn để sản xuất được bom nguyên tử phải kéo dài.

Tháng 7-1961, tại Hội nghị Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc đọc báo cáo về hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học tự nhiên. Vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất lúc đó là có nên tiếp tục nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử và các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay không khi mà nền kinh tế đang gặp phải những khó khăn chồng chất. Sau đó ít lâu, Ban lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận đã phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm, song vẫn khẳng định chương trình hạt nhân, đề ra kế hoạch sản xuất được bom nguyên tử trong thời gian ngắn nhất. Tháng 8/1962, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc ra nghị quyết thành lập một uỷ ban đặc biệt do Chu ân Lai làm chủ tịch để xúc tiến kế hoạch này. Sau đó, Trung Quốc đã huy động 900 nhà máy, các cơ quan nghiên cứu khoa học và các trường đại học, 26 bộ và uỷ ban có liên quan, 20 tỉnh và đặc khu tham gia kế hoạch. Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc được tiến hành vào 13 giờ ngày 16/11/1964. Nhiều nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản vẫn còn chưa tin việc Trung Quốc sản xuất được vũ khí hạt nhân. Sau đó, Mỹ chính thức xác nhận Trung Quốc đã thành công trong việc thử vũ khí hạt nhân. Và mãi đến 22 giờ cùng ngày, một thông báo chính thức về vụ thử vũ khí hạt nhân được công bố trên hệ thống phát thanh của Trung Quốc. Tiếp theo đó, Trung Quốc tiến hành thử bom nguyên tử đầu tiên. Giữa vụ nổ thử hạt nhân đầu tiên đến việc thử bom nguyên tử của Trung Quốc kéo dài 7 tháng và đến khi sản xuất các đầu đạn hạt nhân do tên lửa đẩy là 2 năm.

Trong năm 1966, Trung Quốc cho nổ thử 3 quả bom nguyên tử và theo đánh giá của Uỷ ban năng lượng hạt nhân của Mỹ thì sức công phá của nó là 300 kilôtôn. Cũng theo Uỷ ban này, với phương pháp và kỹ thuật hiện có, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thực tế sản xuất loại bom nguyên tử 10 mêgatôn. Sau khi thử thành công bom nguyên tử, Trung Quốc tập trung sức lực để sản xuất bom H. Đến cuối năm 1966, Trung Quốc đã chế tạo thành công loại bom này và 6 tháng sau đó một quả bom H có sức công phá 3 mêgaton được thử trong khí quyển. Với việc chế tạo thành công bom H, Trung Quốc đã vượt trước thời hạn lời huấn thị của Mao Trạch Đông đưa ra năm 1958 rằng 10 năm sau đó nước này phải sản xuất được bom nguyên tử và bom H. Các chuyên gia hạt nhân nước ngoài đều thừa nhận rằng từ việc sản xuất được bom nguyên tử vươn tới sản xuất được bom H là một thành tựu phi thường, là bước phát triển về chất.

Trở thành một trong 5 cường quốc hạt nhân của thế giới, Trung Quốc luôn khẳng định lập trường không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên để tấn công đối phương, rằng, mục tiêu sản xuất loại vũ khí đó là nhằm phá thế độc quyền của một nhóm nhỏ các nước, đồng thời sử dụng chúng làm công cụ bảo vệ an ninh đất nước.

Qua phân tích quan điểm của Ban lãnh đạo Trung Quốc đối với vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề xây dựng lực lượng hạt nhân, có thể thấy chiến lược hạt nhân hiện nay của họ một cách khái quát. Trước hết, chiến lược đó được xác định trên cơ sở hai nhiệm vụ chủ yếu sau: 1) Trong điều kiện hoà bình, bằng lực lượng hạt nhân hiện có, Trung Quốc sẽ kiềm chế các đối thủ hạt nhân khác không gây ra chiến tranh chống Trung Quốc. 2) Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Trung Quốc với lực lượng hạt nhân của mình sẽ kiềm chế đối phương không thể biến cuộc chiến tranh bằng vũ khí thông thường thành chiến tranh hạt nhân.

Trong những năm 80, Trung Quốc thông qua học thuyết quân sự "đòn giáng trả hạt nhân hạn chế" xác định xu hướng xây dựng "lực lượng hạt nhân chiến lược thể rắn". Chiến lược này được xây dựng không chỉ dựa vào nguồn lực kinh tế tài chính và khoa học của Trung Quốc mà còn xem xét, tham khảo chương trình hạt nhân của Mỹ và Nga. Vì trên thực tế các hệ thống phòng thủ của Mỹ và Nga có khả năng vô hiệu hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Hơn nữa, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các cuộc chiến tranh quy mô thế giới không có khả năng xảy ra, cho nên khoa học quân sự của Trung Quốc chuyển hướng chú ý vào việc chuẩn bị và đối phó với các cuộc chiến tranh cục bộ trong tương lai. Nhiệm vụ được đặt ra cho các nhà khoa học và các chuyên gia quân sự Trung Quốc là xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược cho kiểu chiến tranh này.

Những năm gần đây, trong quan điểm của Trung Quốc đối với các bước sử dụng vũ khí hạt nhân có một số thay đổi, trước hết là việc Trung Quốc không loại trừ khả năng sử dụng nó đầu tiên. Theo Trung Quốc thì khả năng đó chỉ có thể xảy ra trên phạm vi lãnh thổ của họ trong trường hợp Trung Quốc bị kẻ thù chiếm đóng. Và điều cần lưu ý là Trung Quốc cho rằng hành động như vậy không vi phạm nguyên tắc mà Trung Quốc đã từng tuyên bố: sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước để tấn công nước khác. Theo nhận định của các chuyên gia quân sự nước ngoài thì Trung Quốc chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên trong các trường hợp cấp bách như: sự thất bại của họ ở các mặt trận biên giới và các tập đoàn quân chính quy của họ có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn; hoặc một phần lớn lãnh thổ trong đó có các trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự quan trọng bị đối phương chiếm đóng; hoặc có nguy cơ đe dọa hiện thực đối với lực lượng hạt nhân do sự thất bại hoặc bị vô hiệu hóa các loại vũ khí thông thường. Theo tờ báo Nhật Bản "Yomiuri Shimbun", trong báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ đệ trình Quốc hội ngày 8/4/1997 thì: Trung Quốc đã dành một khoản đầu tư lớn để phát triển tên lửa đạn đạo, tên lửa tuần dương và tăng cường sức mạnh hải quân. Chiến lược quân sự của Trung Quốc thời gian tới là ra sức cải thiện thể chế tự vệ. Báo cáo (được TTXVN trích đưa lại ngày 10/4/1997) còn có thêm nhận định và dự báo:

"Trọng điểm chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là phát triển khả năng trả đũa, nhằm răn đe một cuộc tiến công hạt nhân từ những nước có vũ khí hạt nhân... Với viện trợ kỹ thuật của Nga và một số nước khác, trong 10 năm tới, Trung Quốc có thể sản xuất khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo. Đến đầu thế kỷ 21, Trung Quốc có thể sản xuất được các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn tầm bắn từ 8.000 đến 10.000 km. Trung Quốc còn lạc hậu nhiều so với âu Mỹ về khả năng thu thập thông tin qua vệ tinh, rađa độ chính xác cao, và hệ thống cảnh giới trên không".

Nhìn một cách tổng quát, lực lượng hạt nhân chiến lược được Trung Quốc xem như một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm cho Trung Quốc vai trò là một trong những trung tâm sức mạnh thế giới. Tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc là công cụ cực kỳ quan trọng đối với việc triển khai các hoạt động đối ngoại và là phương tiện hiệu quả nhất để bảo đảm an ninh quốc gia. Trung Quốc cho rằng, sự tồn tại tiềm lực hạt nhân khổng lồ của một số cường quốc vẫn còn là mối đe dọa an ninh Trung Quốc; do đó Trung Quốc không thể không tiếp tục phát triển, hoàn thiện lực lượng hạt nhân của mình.

Mặt khác, trong xu thế hiện nay, trước sự đấu tranh của nhiều nước, kể cả các cường quốc hạt nhân cũng như các nước không có vũ khí hạt nhân, sau khi đã tiến hành xong những vụ thử cuối cùng (cùng với Pháp), gần đây Trung Quốc đã chính thức ký vào Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân (9/1996). Phải chăng đây cũng là hành động "thức thời" của Trung Quốc khi mà họ đã tạm đủ lực về hạt nhân và xu thế khách quan không thể khác ?./.

Cùng chuyên mục