Số 17 - Việt Nam và vấn đề gia nhập WTO

08:50 21/03/2012

Việt Nam và vấn đề gia nhập WTO

Tác giả: Ngô Duy Ngọ.

Việt Nam chính thức xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 1994, hiện nay Bị vong lục về chế độ thương mại của ta đang được lưu hành để các nước thành viên xem xét và đưa ra câu hỏi cần thiết. Nhật Bản, EU và một số các nước khác đã gửi cho Việt Nam hàng trăm câu hỏi khác nhau liên quan đến các vấn đề chính sách kinh tế, thương mại, dịch vụ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề đầu tư có liên quan đến buôn bán, môi trường...

Qua tiếp xúc và làm việc với một số nước thành viên, ngoài những nước kinh tế phát triển như Nhật Bản, EU, Mỹ, Canada, Australia, Hàn Quốc, New Zealand, còn có rất nhiều nước đang phát triển khác cũng quan tâm đến việc Việt Nam xin gia nhập WTO và sẽ tham gia vào Nhóm công tác (Working party): Â'n Độ, Cuba, Bangladesh, Sri Lanca, Indonesia, Singapore, các nước MERCOSUR (Southern Cone Common Market), Iraq. Ngay cả một số nước Châu Phi chưa có quan hệ buôn bán với Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào các cuộc đàm phán nhân nhượng về thuế quan. Nhóm công tác đã được thành lập, do ông Seung Ho, cựu Đại sứ Hàn Quốc bên cạnh Liên hợp quốc và các Tổ chức Quốc tế khác tại Geneva làm chủ tịch. Nhóm công tác ngỏ cửa cho tất cả các nước khác tham gia.

Kinh nghiệm của các nước xin gia nhập WTO cho thấy, thời gian thương lượng càng dài thì điều kiện để trở thành thành viên chính thức của tổ chức này do các nước khác đặt ra càng khắt khe, thời gian chuyển tiếp dành cho các nước đang phát triển càng ngắn (thời gian chuyển tiếp tối đa là 10 năm tính từ ngày 1/1/1995). Trường hợp Trung Quốc là một điển hình. Trung Quốc xin gia nhập trở lại WTO từ năm 1986, đã tiến hành hàng trăm cuộc đàm phán song phương. Nhóm công tác đã họp 18 lần với sự tham gia của 43 nước thành viên để xét đơn của Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho rằng họ đã đáp ứng hầu hết những điều kiện mà các nước khác đưa ra, đã tiến hành những cải cách kinh tế cho phù hợp với những nguyên tắc của WTO, ví dụ như giảm mức thuế nhập khẩu trung bình xuống còn 23%, 5000 sản phẩm nhập khẩu đã được giảm thuế trong thời gian thương lượng, loại bỏ các biện pháp phi thuế quan (NTMs) đối với hơn 100 sản phẩm và đã định ra thời gian biểu cụ thể để tiếp tục loại bỏ NTMs. Đồng thời trong kỳ họp của Nhóm công tác tháng 11/1996 tại Geneva, Trưởng đoàn Đại diện Bộ Thương mại và Hợp tác Kinh tế của Trung Quốc đã cam kết sẽ không đưa ra bất kỳ một quyết định kinh tế nào có nội dung đi ngược lại với các nguyên tắc của WTO... Nhìn chung các nước hoan nghênh những tiến bộ trong các vòng đàm phán, nhưng vẫn đòi hỏi Trung Quốc phải mở cửa hơn nữa thị trường nội địa cho các công ty nước ngoài cạnh tranh, nhất là Mỹ. Đối với Nga, tuy đã có nền kinh tế chuyển đổi, sẵn sàng chấp nhận những điều kiện áp dụng đối với các nước có nền kinh tế phát triển, nhưng cũng gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình xin gia nhập WTO. Đài Loan có nền kinh tế mở ở mức độ tương đối cao cũng bị Mỹ gây sức ép, đòi giảm thuế quan đối với hơn 800 mặt hàng, đòi mở cửa thị trường viễn thông, nông sản cho các công ty của Mỹ.

Thông thường, tiếp sau kỳ họp của nhóm công tác là các cuộc đàm phán song phương với từng nước. Đây là quá trình hết sức khó khăn và phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức, vì vậy cần có sự chuẩn bị kỹ và chu đáo. Phải dành ưu tiên cho một số ngành kinh tế quan trọng, xác định rõ ngành nào cần được bảo vệ trước những đòi hỏi giảm thuế quan của các nước khác, mức giảm thuế nhập khẩu là bao nhiêu thì có thể chấp nhận, và sẽ áp dụng công thức nào để tính được tương đối cụ thể mức giảm thuế quan nhằm cân bằng sự "được - mất" trong thương lượng. Trên thực tế các nước thành viên đưa ra nhiều cách tính khác nhau, mỗi cách tính đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

Một số chuyên gia đưa ra công thức "50% đơn vị tương đương"(1), trong đó sử dụng hai yếu tố cơ bản : tỷ lệ giảm thuế quan tính bằng phần trăm đối với khối lượng hàng hóa nhập khẩu và giá trị khối lượng hàng nhập khẩu đó tính bằng ngoại tệ mạnh. Công thức này cho biết ngay được mức thuế mà chúng ta phải nhân nhượng thông qua đơn vị "tương đương" để từ đó đưa ra những đòi hỏi về quyền được hưởng những ưu đãi đối với các mặt hàng mà phía Việt Nam quan tâm trong đàm phán. Cách tính trên thường áp dụng để thảo luận từng mặt hàng, từng sản phẩm cụ thể và rất phức tạp, bởi vì ngay như Việt Nam, hiện đang tiến hành phân loại hàng hóa trên cơ sở danh mục của Hội đồng Hải quan Thế giới sử dụng mã 8 chữ số, mà đã có tới hơn 3.500 mặt hàng (2). Đối với các nước kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU, số lượng danh mục mặt hàng sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Tất nhiên chúng ta chưa phải thương lượng về tất cả các mặt hàng hiện có trên thị trường thế giới, nhưng qua số liệu trên có thể thấy quá trình đàm phán thật sự là khó khăn và phức tạp. Để cho vấn đề đơn giản hơn, chuyên gia một số nước đề nghị sử dụng công thức giảm thuế quan một cách đồng đều đối với tất cả các mặt hàng hoặc nhiều mặt hàng cơ bản. Tương tự như công thức "50% đơn vị tương đương", hai yếu tố chính là tỷ lệ giảm thuế quan theo phần trăm và giá trị đối với khối lượng hàng nhập khẩu vẫn được sử dụng. Tuy vậy, theo nguyên tắc có đi có lại trong thương mại quốc tế, biện pháp này ít có hiệu quả, vì các nước, trong bất kỳ trường hợp nào, vẫn phải tính đến khối lượng hàng nhập khẩu của họ và phải cân nhắc kỹ nhóm hàng nào là cần thiết, nhóm hàng nào ít cần thiết hơn trước khi có quyết định nhập khẩu. Cũng với mục đích giảm thuế quan đồng đều, một số chuyên gia khác đưa ra công thức T1 = a.To, trong đó T1 là mức thuế sau khi đã cắt giảm, To là mức thuế ban đầu, hệ số a là một hằng số nằm trong khoảng từ 0 đến 1.

Công thức giảm thuế quan đồng đều cũng có những chỗ bất hợp lý, bởi các nước thường quan tâm đến những mặt hàng chủ lực, nhưng lại phải chịu mức thuế nhập khẩu cao, trong khi đó nếu giảm theo cùng một tỷ lệ thì hiệu quả không đáng kể. Để khắc phục tình trạng trên một công thức khác được đưa ra, theo đó hàng hóa chịu mức thuế cao phải giảm nhiều, mặt hàng với mức thuế nhập khẩu thấp sẽ giảm ít. Công thức này được thể hiện dưới dạng sau: T1 = a.To + b, trong đó T1 là mức thuế sau khi giảm, To là mức thuế ban đầu, hệ số b là cố định được tính bằng phần trăm, nhưng hệ số a và b cần được thương lượng giữa các nước thành viên. Như vậy lại cần phải có thời gian để đạt được sự nhất trí về hai hệ số a, b nói trên. Thực tế phương án đưa ra thì nhiều, thời gian lại có hạn, cuối cùng Thụy Sĩ đưa ra công thức Z = Ax/A + x(3), tuy chưa phải là hoàn hảo, nhưng được đa số các nước chấp nhận, ở đây Z là mức thuế sau khi cắt giảm, A là hệ số 14, hoặc 16, x là mức thuế ban đầu.

Những công thức trên đã được thảo luận giữa các nước thành viên của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), nay là WTO. Việt Nam là nước đang phát triển sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn các phương pháp tính toán khi phải tiến hành thương lượng với các nước thành viên WTO, đó là những nước có vị trí và vai trò chủ yếu trong thương mại Thế giới, đã có những cam kết về giảm thuế quan rất chi tiết đối với hàng ngàn mặt hàng khác nhau mà Việt Nam có thể được hưởng theo nguyên tắc Tối huệ quốc MFN, (Điều I GATT 94)(4), với điều kiện là Việt Nam cũng phải đưa ra những cam kết giảm thuế quan được các nước thành viên khác chấp nhận.

Cho đến nay danh mục những cam kết về giảm thuế quan của các nước thành viên WTO đã lên tới 25.000 trang. Như vậy không còn cách nào khác là phải tìm hiểu để biết được những cam kết cụ thể đối với những hàng hóa của từng nước tham gia thương lượng mà chúng ta quan tâm - điều này hoàn toàn không đơn giản - sau đó phải tính như thế nào để định ra mức giảm thuế quan đối với từng mặt hàng xuất khẩu vào thị trường của nước ta.

Tính toán cân nhắc để định ra mức giảm thuế quan là cả một vấn đề phức tạp, bởi khi tiến hành thương lượng không nên chỉ tính đến sự "được-mất" trong thời gian hiện tại mà cần phải tính cho tương lai 5 năm, 10 năm hoặc xa hơn trên cơ sở phát triển kinh tế của đất nước, không nên chỉ tính sự "được - mất" đối với một sản phẩm, thậm chí một ngành nào đó mà cần phải tính toán trên cơ sở tổng thể của nền kinh tế. Mặt khác cần tận dụng tối đa điều khoản "Father Clause", và những ưu đãi dành cho các nước đang phát triển đã được ghi nhận trong các Hiệp định về WTO.

Trong lĩnh vực giảm thuế quan, chúng ta có thể tính được những cái "được - mất" thông qua con số cụ thể, nhưng trong lĩnh vực phi quan thuế, thương mại dịch vụ, các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại (TRIMs), quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến buôn bán (TRIPs), vấn đề môi trường và thương mại... việc tính toán sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì mỗi hoạt động kinh tế trong lĩnh vực này thường chỉ cho biết kết quả sau một thời gian nhất định nào đó. Do vậy cần hết sức thận trọng khi tham gia thương lượng về các vấn đề nêu trên. Mặt khác phải chú ý tới những vấn đề tưởng chừng như không quan trọng, hoặc chưa được phát triển trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (như vận tải biển, vận tải hàng không, dịch vụ chuyên ngành, mua sắm của chính phủ, vấn đề thương mại và môi trường, di chuyển sức lao động...) bởi các nước phát triển có nhiều kinh nghiệm trong thương lượng, nhìn vấn đề xa hơn, nên thường đưa ra những đòi hỏi hoặc yêu cầu rất cao ngay cả đối với những sản phẩm mà họ chưa tiến hành trao đổi buôn bán với chúng ta, nhằm đặt cơ sở cho hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Trước mắt, Việt Nam cần chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên của Nhóm công tác sẽ được tiến hành vào nửa đầu năm 1997 và trả lời các câu hỏi do các nước thành viên đưa ra liên quan đến các vấn đề kinh tế và các vấn đề thuộc phạm vi Hiệp định WTO. Ví dụ về nông nghiệp, mặc dù chúng ta không trợ cấp trực tiếp cho người sản xuất, nhưng có các loại trợ cấp khác hay không (điều XVI) ? Việc xuất khẩu gạo tập trung vào một số công ty nhà nước, những doanh nghiệp này được hưởng những ưu đãi, những ưu đãi đó là gì ? Hoạt động của các công ty trên như thế nào ? Hiện nay chính phủ định giá xuất khẩu gạo, thành lập Quỹ ổn định giá, thực tế có phù hợp với điều III và nguyên tắc cạnh tranh hay không ? Về hàng dệt, Việt Nam bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa, mức thuế đối với hàng dệt từ 20% đến 30%(5), nhưng Việt Nam có định duy trì quyền được bảo vệ trong thời kỳ chuyển tiếp (giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng của Hiệp định đa sợi MFA sang Hiệp định hàng dệt và may mặc ATC sẽ được bắt đầu vào năm 2005) hay không ? Hiện tại Việt Nam không tham gia MFA và chưa là thành viên WTO, nhưng sẽ phải thực hiện ATC một khi chính thức tham gia WTO. Trong lĩnh vực thuế quan, cần xác định mức thuế trung bình, thuế MFN, liệu có sự khác nhau giữa Special Consumption tax và Special Excise tax ?, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ thuốc lá trong nước nhưng lại cấm nhập khẩu mặt hàng này như vậy không phù hợp với điều III của GATT 1994. Việt Nam đang tiến hành cải cách thuế, luật thuế mới có đảm bảo sự bình đẳng giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu (điều III) ? Về chính sách công nghiệp, khu vực nhà nước chiếm 52,8% GDP(6), trong đó các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Trong Bị vong lục cho thấy tuy Việt Nam không trợ cấp cho sản xuất công nghiệp, nhưng những doanh nghiệp này được hưởng những ưu đãi về giá nguyên liệu, ưu đãi về tín dụng... Rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa hai vấn đề trên, bởi trợ cấp không chỉ nên hiểu là bù giá cho người sản xuất từ ngân sách nhà nước, mà nên hiểu rộng hơn. Về vấn đề tiêu chuẩn hóa, hay Hiệp định về hàng rào kỹ thuật (TBT), Việt Nam đã chuẩn bị để tham gia hiệp định trên khi trở thành thành viên WTO ? Phần dịch vụ trong Bị vong lục chưa được cụ thể rõ ràng, ví dụ như sở hữu của nước ngoài trong dịch vụ bưu điện, tài chính, viễn thông, mở cửa thị trường dịch vụ có bị hạn chế hay không và dự định ở mức nào ? Ngành nào Việt Nam sẽ tiến hành tự do hóa ?

Thực tế hoạt động của WTO đã vượt ra ngoài khái niệm thương mại thuần tuý. Nếu trước vòng đàm phán Urugoay các nước chỉ tập trung vào vấn đề buôn bán hàng hóa, thì từ sau 1986, các vấn đề mới như buôn bán dịch vụ (GATS), TRIMs, TRIPs, môi trường và thương mại, phương pháp chế biến và sản xuất hàng hóa... được đặc biệt chú ý, vì vậy khó có một cơ quan nào, ngay cả Cơ quan phụ trách thương mại có khả năng bao quát toàn bộ vấn đề của WTO. Cần có hoặc một uỷ ban trực thuộc chính phủ (như trường hợp của Đài Loan) hoặc một trong số các Bộ, với đội ngũ cán bộ chuyên sâu, hiểu biết nhiều vấn đề liên quan, phụ trách chung để phối hợp các hoạt động trong các cuộc đàm phán, thực hiện các cam kết và bảo vệ lợi ích của ta trước và sau khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Hiện nay trong số 128 nước thành viên, chỉ một số nước có Cơ quan Đại diện Thường trực bên cạnh WTO, còn phần lớn vẫn nằm trong Cơ quan Đại diện Thường trực bên cạnh Liên Hợp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác tại Geneva, nhưng họ tập trung nhiều thời gian, lực lượng cán bộ cho các vấn đề của Tổ chức Thương mại Thế giới và các vấn đề kinh tế khác trong khuôn khổ những Tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc. Ví dụ trong các nước ASEAN, Thái Lan có số cán bộ phụ trách các vấn đề WTO nhiều hơn số cán bộ phụ trách các vấn đề còn lại, Malaisia, Philippines, Singapore, Indonesia đặc biệt chú ý tới lĩnh vực kinh tế. Trong các buổi giao ban hàng tuần, hàng tháng, hàng quí của các nước ASEAN, 2/3 thời gian dành để thảo luận việc phối hợp hoạt động và lập trường cho các hoạt động trong khuôn khổ thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới.

Việt Nam hiện đang trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, có rất nhiều việc phải làm: từ chuẩn bị cho các kỳ họp của Nhóm công tác, đến các cuộc thương lượng song phương về giảm thuế quan và loại bỏ các biện pháp phi thuế quan trong tất cả các lĩnh vực thương mại. Các kỳ họp, các cuộc thương lượng song phương này thường kéo dài và phức tạp, do vậy cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trong và ngoài nước, đặc biệt Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Geneva cần chú ý nhiều tới lĩnh vực kinh tế, tăng cường thêm cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực trên để có thể giải quyết nhiều vấn đề tại chỗ mà không cần thiết phải chuyển các vấn đề đó về trong nước. Thời gian tới có thêm nhiều cán bộ của các ngành khác tham gia vào quá trình đàm phán, trách nhiệm của Cơ quan Đại diện, với tư cách là người phát ngôn trong các kỳ họp, sẽ nặng nề hơn, vì vậy nhất thiết phải biết phối hợp và chỉ đạo công việc đồng thời với phát hiện, nắm bắt vấn đề, chỉ như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình đàm phán sắp tới và bảo vệ lợi ích của đất nước sau khi là thành viên của WTO.

Tài liệu tham khảo:

1. TC.BN/4/Rev.3, Sept. 1995;

2. WT/ACC/VNM/2;

3. Uruguay Round 1994;

4. Gatt 1994;

5. WT/ACC/VNM/2.

6. WT/ACC/VNM/2/.

Cùng chuyên mục