Số 18 - Châu Á trong thế kỷ XXI

01:55 22/03/2012

Châu Á trong thế kỷ XXI

Tác giả: Nguyễn Mạnh Cầm.

(Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm tại cuộc hội thảo "Châu A' trong thế kỷ 21", từ 28-9/4/1997)

Thưa quý vị,

Thưa các bạn,

Trước hết thay mặt lãnh đạo Nhà nước và Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin gửi đến quý vị và các bạn có mặt hôm nay lời chào thân ái nhất. Chủ đề chính của cuộc hội thảo này là "Châu A' trong thế kỷ 21". Đây là một đề tài rất thú vị và quan trọng. Những ý kiến chúng ta trao đổi tại cuộc hội thảo này, với sự có mặt của nhiều học giả hàng đầu ở Đông Nam A' và một số nước ngoài khu vực chắc chắn sẽ giúp làm rõ những nét lớn của sự phát triển của châu lục chúng ta trong nhiều thập kỷ tới, cũng như cơ hội và thách thức đặt ra cho chúng ta khi bước vào thế kỷ 21.

Thưa các bạn,

Nhìn lại cách đây 100 năm, khi cha ông ta chuẩn bị hành trang cho thế kỷ 20, bầu trời thế giới lúc đó hầu như là một màu xám. Các đám mây đen chiến tranh không những đang từng bước phá vỡ "sự hoà hợp châu Âu" đã tồn tại ở đó 100 năm để đưa châu lục này lao vào một cuộc đại chiến thế giới, mà đã làm bùng lên ở lục địa châu A' những cuộc chiến tranh lớn đầu tiên với sự dính líu của một số nước lớn trên lục địa này. Sự báo hiệu dó quả là ứng nghiệm. Thực tế 90 năm đầu của thế kỷ 20, đối với châu A' là 90 năm chiến tranh và xung đột với đủ các tầm cỡ và màu sắc.

Ngày nay trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, tình hình thế giới đã thay đổi một cách cơ bản có tính chất bước ngoặt. Sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học - công nghệ vào cuối thế kỷ 20 đã làm cho lực lượng sản xuất của thế giới lớn mạnh chưa từng thấy, từ đó làm thay đổi tư duy con người về chiến tranh và hoà bình, về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội cũng như về lợi ích quốc gia và quan hệ quốc tế. Tuy còn nhiều điều chưa chắc chắn và bất trắc trong thời kỳ chuyển tiếp, nhưng có thể thấy rằng hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là dòng chảy chính của thế giới trong thời đại mới.

Là một bộ phận quan trọng của thế giới, lục địa chúng ta cũng nằm trong dòng chảy đó trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới.

Với trên dưới 50 quốc gia lớn nhỏ khác nhau gấp chục lần, thậm chí gấp 100 lần, nằm trên một dải đất bao la với hàng trăm dân tộc, sắc tộc, văn hoá, tôn giáo khác nhau thì sự va chạm, xung đột là điều không thể tránh khỏi, và các cuộc va chạm, xung đột này còn kéo dài, nhưng cũng như trên toàn thế giới, khả năng bùng nổ chiến tranh lớn, nhất là chiến tranh hạt nhân huỷ diệt ở châu A' đã bị đẩy lùi. Vì lợi ích khác nhau, một số nước châu A' chưa sẵn sàng tham gia "Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện", nhưng điều đó không có nghĩa là họ chuẩn bị để gây ra chiến tranh hạt nhân.

Khác với châu Âu, nền an ninh châu A' chưa được thể chế hoá bằng các công ước về an ninh và hợp tác cho toàn châu lục, và chắc chắn cũng còn lâu mới được thể chế hoá theo kiểu này, nhưng châu A' là cái nôi của các nguyên tắc về tồn tại hoà bình như năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình và 10 nguyên tắc Bangdung, và nhất là các nguyên tắc nổi tiếng của Hiệp ước Bali về thân thiện và hợp tác (TAC) v.v... Nếu như trong 50 năm của chiến tranh lạnh, nền an ninh châu Âu được đảm bảo bằng sự cân bằng quân sự chiến lược giữa hai khối đối lập và bằng sự thoả thuận ngầm giữa hai siêu cường về việc phân chia khu vực ảnh hưởng, thì ở châu A' nền an ninh đã sớm bắt nguồn từ nguyên tắc vừa đấu tranh vừa hợp tác trong cùng tồn tại hoà bình, trước tiên là giữa các nước lớn. Phải chăng đây là khởi điểm tốt cho nền hoà bình và an ninh của châu A' trong thế kỷ tới.

Tuy nhiên, điều được người ta nói nhiều về châu A' trong thế kỷ 21 là vấn đề phát triển kinh tế. Ngay từ đầu thế kỷ, Theodore Roosevelt đã tiên đoán thế kỷ 21 sẽ là "Thế kỷ châu A' - Thái Bình Dương". Trong vài chục năm lại đây, do sự phát triển thần kỳ của Nhật, của các nước NICs và một số nước châu A' khác, lời tiên đoán này được người ta nhắc lại như thể là một điều chắc chắn sẽ tới. Điều này cho thấy rằng người ta hầu hết rất lạc quan về tiền đồ kinh tế của châu A'. Sự lạc quan đó có cơ sở không những từ tính năng động và tốc độ phát triển cao của nền kinh tế châu A' - Thái Bình Dương mà còn từ sự ổn định tương đối về chính trị của châu lục này sau chiến tranh lạnh nhất là ở Đông A'. Quá trình nhất thể hoá về kinh tế và trên một mức độ nhất định sự hợp tác về chính trị đã diễn ra nhanh chóng và có hiệu quả trên nhiều khu vực của châu A'. Trên bình diện bên khu vực chúng ta có APEC đang thu hút ngày càng đông thành viên và đang từng bước thể chế hoá qua các cuộc hội nghị thượng đỉnh hàng năm cũng như các hội nghị chuyên đề ở cấp bộ trưởng và chuyên viên. Ơ cấp khu vực chúng ta có Hội đồng họp tại vùng Vịnh ở Tây Nam A', SAARC ở Nam A' và nhất là ASEAN và AFTA ở Đông Nam A'. Rõ ràng sự liên kết khu vực này là một nhân tố làm cho sự phát triển của châu á có tính tương đối bền vững và làm cho châu A' - Thái Bình Dương ngày nay là một trong 3 trung tâm kinh tế - thương mại lớn nhất trong thế kỷ tới. Cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào phủ định điều này. Có chăng là ở chỗ liệu châu A' - Thái Bình Dương có thể nổi lên thành trung tâm kinh tế thương mại chi phối các châu lục khác hay không dù chỉ là về mặt kinh tế. Trong thế giới ngày nay, khi nền sản xuất thế giới đang được toàn cầu hoá, tính phụ thuộc lẫn nhau không những giữa các nước mà giữa các châu lục ngày càng lớn, thì việc một châu lục nổi lên và trở thành trung tâm chi phối sự phát triển của các châu lục khác là điều ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề then chốt khi nhìn về tương lai của châu A'. Vấn đề chính là cần nghiên cứu xem trong thế kỷ 21 nền kinh tế châu A' còn giữ được tốc độ phát triển cao, đều khắp và tính năng động như hiện nay hay không. Tất cả các công trình nghiên cứu của các tổ chức quốc tế lớn như WB, IMF, OECD và của các học giả hàng đầu thế giới đều khẳng định xu thế này của châu A' gắn liền với Thái Bình Dương. Có khác nhau chăng chỉ là vấn đề tốc độ tăng trưởng chậm hơn hay nhanh hơn mà thôi. Sự khẳng định này là có cơ sở. Nếu châu A' và Thái Bình Dương kết hợp với nhau (và chắc chắn là như vậy dù muốn hay không) thì trong thế kỷ 21 hầu như tất cả các nền kinh tế lớn (trừ châu Âu) đều tập trung ở khu vực này: Trung Quốc, Â'n Độ, Nhật, Mỹ, Nga, Indonesia v.v... Chỉ riêng 3 nền kinh tế - thương mại của Trung Quốc, Mỹ, Nhật hợp lại cũng đã làm cho cán cân kinh tế - thương mại thế giới nghiêng hẳn về châu A' - Thái Bình Dương.

Nền hoà bình, tình trạng tương đối ổn định và sự năng động của kinh tế - thương mại đã tạo ra những thuận lợi rất cơ bản cho tất cả các dân tộc châu A', khi bước vào thế kỷ 21. Tất nhiên mọi sự vật đều có hai mặt. Bên cạnh những mặt thuận lợi rất cơ bản đó, châu A' bước vào thế kỷ 21 còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn.

- Thách thức lớn nhất đối với châu A' vẫn là về mặt an ninh. Ngày nay vấn đề an ninh không bó hẹp trong phạm vi quân sự mà nó bao trùm nhiều mặt, nhất là an ninh kinh tế. Vì xét cho cùng thì sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu trong thời kỳ 89-90, sự mất ổn định và đang có nguy cơ sụp đổ của một số nước trên thế giới là bắt nguồn từ sự thiếu an ninh kinh tế. Điều này không có nghĩa xem thường vấn đề an ninh quân sự, nhất là ở châu A' cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều điểm nóng và nhiều nguồn có thể gây ra xung đột. Các điểm xung đột và mâu thuẫn ở châu lục này rất phức tạp và có nguồn gốc lâu đời, ví dụ các xung đột ở Trung Đông và Nam A'. Mặc dù đã có những dấu hiệu khả quan trong việc giải quyết cuộc xung đột A-rập, Israel, nhưng tình hình không chắc chắn và tính không lường trước được vẫn chiếm ưu thế. Chúng ta rất vui mừng và hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa Â'n Độ và Pakistan, nhưng mặt khác cũng thấy rằng các cuộc xung đột và mâu thuẫn ở khu vực này không thể giải quyết một sớm một chiều. Ơ Đông A', mặc dù tình hình an ninh và ổn định hiện nay là khả quan nhất, nhưng ở đây cũng đang tồn tại những điểm xung đột tiềm tàng và khá phức tạp vì có liên quan đến nhiều nước lớn trong và ngoài châu lục, như vấn đề bán đảo Triều Tiên, khu vực eo biển Đài Loan và nhất là khu vực Biển Đông.

Tính chất không chắc chắn của nền an ninh quân sự là một trong những nguyên nhân làm tiếp tục quá trình tăng chi phí quốc phòng ở lục địa này sau khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Nếu so với các châu lục khác thì châu A' là nơi tiêu thụ vũ khí nhiều nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.

Tuy vậy, nguy cơ mất an ninh kinh tế là trực tiếp và nghiêm trọng nhất. Nó bắt nguồn từ tình trạng phát triển không đồng đều của châu lục. Sự phân hoá giàu nghèo ở đây quá lớn. Nếu châu Âu về cơ bản là lục địa giàu chia đều, châu Phi là nghèo chia đều thì châu A' và Mỹ La Tinh là hai lục địa có sự chênh lệch giàu nghèo lớn nhất. Trên phạm vi toàn châu lục và quá trình liên kết kinh tế của nó, nguy cơ mất an ninh còn xuất phát từ khả năng hệ thống mậu dịch toàn cầu đa phương bị suy yếu, xu thế phát triển của chủ nghĩa khu vực đóng và khả năng châu A' - Thái Bình Dương bị chia cắt thành những khu vực tự do thương mại đối lập nhau. Đây là những thách thức mà đã được đề cập đến trong Hội nghị bộ trưởng APEC tháng 11/1993 tại Seattle.

- Một vấn đề lớn khác liên quan đến hoà bình và phát triển của châu A' trong thế kỷ 21 là quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật và Nga hiện chưa ổn định. Có thể nói chừng nào quan hệ giữa các nước này chưa ổn định thì khó có thể nói đến một nền hoà bình lâu dài và ổn định vững chắc ở châu A' - Thái Bình Dương. Điều may mắn là hiện nay tất cả các nước lớn đều muốn có hoà bình ổn định để đảm bảo lợi ích của họ ở phần đất này của thế giới.

Thưa các bạn,

Những cơ hội và thách thức đối với nền an ninh và phát triển cho cả một châu lục trong thời gian một thế kỷ chắc chắn còn nhiều điều mới phát sinh trong quá trình này mà hiện nay chúng ta chưa nhìn thấy trước được. Những điều nêu ở trên đây cũng chưa phải là toàn bộ những thuận lợi và khó khăn mà chúng ta hình dung được cho nhiều thập kỷ trước mắt. Tuy nhiên, đó là những vấn đề nổi cộm nhất mà hiện nay trong khi hoạch định chính sách cho thế kỷ 21, các nước ít nhiều đều phải tính đến.

Về mặt kinh tế - xã hội, điều đó được phản ánh qua chiến lược cải cách mở cửa và hội nhập của hầu như tất cả các nước trong châu lục. Sự cố gắng vươn lên của mỗi dân tộc là điều có tính chất quyết định. Tuy nhiên, sự hỗ trợ bên ngoài là rất quan trọng. Về mặt này, ở châu A" đã hình thành nhiều cơ chế liên kết và hợp tác trên nhiều quy mô và trên nhiều kênh, chính thức và không chính thức. Những cơ chế liên kết này như AFTA ở Đông Nam A', SAARC ở Nam A', APEC ở châu A' - Thái Bình Dương vừa hình thành cùng với các cơ chế toàn cầu như WB, IMF, WTO, cũng như các diễn đàn không chính thức như PECC, SPF, các cuộc hội thảo thường kỳ của giới khoa học trong và ngoài khu vực v.v... đã phát huy tác dụng tích cực trong việc đẩy mạnh sự hợp tác vì phát triển của các nước trong khu vực. Vấn đề đặt ra là cần mở rộng các tổ chức này để bao gồm toàn bộ các nước có lợi ích liên quan và hoàn thiện cơ chế, trong đó có những "cơ chế mềm", nhất là về chuyển giao công nghệ, vốn và về quan thuế, nhằm giúp giảm bớt khó khăn cho các nền kinh tế nghèo hơn trong quá trình hợp tác và hội nhập.

Về an ninh quân sự, việc đòi hỏi có ngay một cơ chế an ninh tập thể cho châu A' là quá vội vã và không thực tế. Trong thời kỳ chuyển tiếp hiện nay, những sáng kiến của ASEAN về nền ngoại giao phòng ngừa, về các biện pháp xây dựng lòng tin, về đàm phán hoà bình để giải quyết các vấn đề tranh chấp đã đóng góp tích cực cho việc duy trì nền hoà bình và ổn định ở châu A' cần có một cơ chế an ninh tập thể. Châu Âu mất 20 năm mới đi đến định ước Helsinki về nền an ninh và hợp tác châu Âu. Do châu A' khác với châu Âu cả về đặc điểm, địa lý dân cư, văn hoá tôn giáo lẫn bối cảnh quốc tế, cho nên cơ chế an ninh tập thể ở châu A' không thể rập khuôn theo châu Âu. Tình hình châu A' hiện nay thuận lợi hơn khi Liên Xô đưa ra sáng kiến về nền an ninh tập thể ở châu Âu. Chúng ta đã có ARF, mặc dù đó mới chỉ là một diễn đàn. Tuy chưa có một tuyên ngôn chung nào nhưng các nước châu A' và cả những nước lớn ngoài khu vực có lợi ích ở châu A' trên thực tế đều chấp nhận các nguyên tắc về cùng tồn tại hoà bình. Do đó, chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng các nước có lợi ích an ninh ở châu A' sẽ sớm đi đến thống nhất với nhau về các nguyên tắc chỉ đạo (guiding principles) trong quan hệ quốc tế ở châu A'. Có thể bắt đầu bằng các tuyên bố chung song phương giữa các nước ASEAN với từng bạn đối thoại của mình. Đó sẽ là một đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng một cơ chế an ninh tập thể ở châu A'.

Thưa các bạn,

Cuộc hội thảo lần này diễn ra trong lúc chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày ra đời của ASEAN. Vị thế và uy tín của ASEAN ngày nay trên quốc tế chứng tỏ những người sáng lập ra tổ chức này đã có một tầm nhìn xa trông rộng. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang ở điểm cao nhất (1967), họ đã tiên đoán được rằng các thế lực xâm lược và can thiệp bên ngoài nhất định sẽ thất bại, thời kỳ "sau Việt Nam" đang tới, xu thế hoà bình, hữu nghị hợp tác và phát triển sẽ là nội dung chính của quan hệ quốc tế ở Đông Nam A' trong "thời kỳ sau Việt Nam". Tuy nhiên, những mục tiêu cao cả đó của ASEAN chỉ trở thành hiện thực sau khi chiến tranh lạnh được chấm dứt, quan hệ giữa 6 nước ASEAN và phần còn lại của Đông Nam A', đặc biệt là đối với Việt Nam đã nhanh chóng được cải thiện ngay trong quá trình tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia. Điều này cho thấy các nước Đông Nam A' tuy còn nhiều điểm khác nhau nhưng đều có mục đích chung là bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của mỗi dân tộc và xây dựng Đông Nam A' thành một khu vực hoà bình ổn định, hợp tác và phát triển. Không thấy được mẫu số chung đó thì người ta cũng không hiểu được tại sao ngay khi đối đầu trong vấn đề Campuchia, đối thoại giữa Việt Nam - Đông Dương với ASEAN chưa bao giờ bị cắt đứt và vì sao lại có sự xích lại gần nhau quá nhanh chóng giữa ASEAN và Việt Nam cũng như với phần còn lại của Đông Nam A' như ngày nay. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN cũng như việc mở rộng ASEAN-7 thành ASEAN-10 sắp tới sẽ biến Đông Nam A' thành một khối thịnh vượng nhất, một điều chưa từng có từ trước tới nay và sẽ là một diễn biến quan trọng cho hoà bình, ổn định và phát triển ở một khu vực có tiềm năng và tốc độ phát triển cao nhất thế giới. ASEAN hiện nay là tổ chức khu vực duy nhất trên thế giới có quan hệ đối thoại với tất cả các nước lớn và với hầu hết các châu lục khác.

Trong chiến tranh lạnh, Đông Nam A' là nơi lợi ích của các nước lớn chồng chéo lên nhau làm cho khu vực trở thành nơi chiến tranh, xung đột và đối đầu dữ dội nhất. Tình hình đó đã ảnh hưởng đến nền hoà bình và ổn định trên toàn thế giới, nhất là châu A' - Thái Bình Dương. Bước sang thế kỷ 21, một Đông Nam A' hoà bình, ổn định và phát triển chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến đời sống quốc tế ở châu A'. Vấn đề lớn nhất hiện nay ở Đông Nam A' làm cho mọi người chưa an tâm là việc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhất là chung quanh quần đảo Trường Sa (Spratly). Đây không đơn thuần là mối đe doạ đối với nền hoà bình ở khu vực, mà nó chủ yếu liên quan đến nền an ninh kinh tế của khu vực và các nước có liên quan. Do đó, trong lúc chờ đợi một giải pháp chung, chúng tôi tin rằng nếu tất cả các bên có liên quan biết tự kiềm chế vì lợi ích chung và tôn trọng những nguyên tắc đã được ASEAN đề ra tại Hội nghị Manila (1992), thì các cuộc tranh chấp ở đây là có thể kiểm soát được. Bất cứ một sự bùng nổ nào ở đây cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực không những đối với nền hoà bình ổn định ở Đông Nam A', mà còn tác hại đối với sự phát triển kinh tế của toàn khu vực và tất cả các nước có liên quan. Đây là một vấn đề đòi hỏi không những các nhà vạch chính sách mà cả các học giả, các chuyên viên nghiên cứu quan hệ quốc tế, đặc biệt ở Đông Nam A' cần suy nghĩ và đưa ra các đề nghị giải pháp.

So với các nước láng giềng trong ASEAN, Việt Nam là một trong các nước có nền kinh tế yếu kém nhất. Chúng tôi cố gắng thu hẹp khoảng cách đó bằng việc thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm trong vòng vài ba thập kỷ có thể đưa Việt Nam về cơ bản trở thành một nước công nghiệp góp phần vào sự thịnh vượng chung của khu vực, và đẩy nhanh quá trình hội nhập ở Đông Nam A'. Do đó, hơn bao giờ hết nhân dân Việt Nam cần hoà bình và ổn định để phát triển. Đó là xuất phát điểm của đường lối ngoại giao "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển".

Trong đường lối ngoại giao chung đó, ưu tiên hàng đầu của ngoại giao Việt Nam là củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng. Đó cũng chính là chính sách ngoại giao truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn xem trọng lợi ích chính đáng của các nước ở khu vực này và hoan nghênh những đóng góp xây dựng của các nước lớn cho nền hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam A'. Đường lối đối ngoại đúng đắn đó của Việt Nam đã được thực hiện thành công trong hơn 10 năm qua và nó sẽ được tiếp tục trong tương lai vào thế kỷ 21.

Xin chúc cuộc Hội thảo thành công và xin cảm ơn các bạn đã chú ý theo dõi./.

Cùng chuyên mục