Số 18 - Nhật Bản điều chỉnh chính sách đối ngoại với Liên bang Nga thập kỷ 90

02:02 22/03/2012

Nhật Bản điều chỉnh chính sách đối ngoại với Liên bang Nga thập kỷ 90

Tác giả: Hoàng Giáp - Phan Dân.

Sau khi Liên Xô tan rã, trong một hai năm đầu, chính sách của Nhật Bản đối với Nga cơ bản vẫn giống như đối với Liên Xô trước đây. Nhật Bản kiên trì phương châm gắn kinh tế với chính trị, trước hết là gắn hợp tác kinh tế với việc giải quyết vấn đề quần đảo Kurin. Tuy vậy, để phù hợp với những thay đổi của cục diện quốc tế trong thập kỷ 90, từ năm 1993 Nhật Bản nêu nguyên tắc "mở rộng cân bằng", theo đó, họ chủ trương tiếp tục tiếp xúc để giải quyết vấn đề lãnh thổ, đồng thời mở rộng hợp tác kinh tế với Liên bang Nga. Mấy năm gần đây, quan hệ Nhật - Nga tuy có được cải thiện, nhưng do cản trở của vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nên nó vẫn chưa đạt tới kết quả mang tính đột phá. Vì vậy, từ cuối năm 1996 - đầu 1997, chính phủ Nhật Bản quyết định điều chỉnh chính sách đối ngoại với Liên bang Nga một lần nữa.

Cách tiếp cận mới:

Thực tiễn quan hệ quốc tế những năm giữa thập kỷ 90 đã đưa chính phủ Nhật Bản tới nhận thức rằng, trong quan hệ với Liên bang Nga, nguyên tắc "mở rộng cân bằng" đã không còn phù hợp với tình hình mới. Bởi vì chỉ cần vấn đề lãnh thổ giữa hai nước gặp trở ngại thì toàn bộ quan hệ giữa họ cũng sẽ khó phát triển . Do vậy, Nhật Bản đưa ra một nguyên tắc mới nhằm tháo gỡ cho bước phát triển quan hệ hai nước là "tiếp xúc nhiều tầng". Nhật Bản giải thích nguyên tắc này có nghĩa là không để cho quan hệ Nhật - Nga bị ảnh hưởng quá mức vào quá trình đàm phán lãnh thổ, mà phải thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thích ứng với nhu cầu mới trong chiến lược hướng tới thế kỷ XXI của Nhật Bản. Với tư tưởng chỉ đạo đó, từ cuối 1996 chính phủ Nhật Bản quyết định đẩy mạnh quan hệ Nhật - Nga trên bảy lĩnh vực cụ thể sau : 1. Thúc đẩy hợp tác đàm phán Hiệp ước hoà bình với Nga mà trọng tâm là vấn đề giải quyết lãnh thổ phía Bắc (quần đảo Kurin); 2. Xúc tiến đối thoại chính trị cấp cao và cấp Bộ trưởng; 3. Hợp tác giúp đỡ Nga trong lĩnh vực cải cách kinh tế; 4. Tăng cường trao đổi - hợp tác với vùng Viễn Đông Nga; 5. Triển khai đối thoại, bảo đảm an ninh khu vực; 6. Tranh thủ đối thoại với Nga ở Liên Hợp quốc cũng như các diễn đàn quốc tế khác; 7. Tiến hành các hình thức hội thảo về vấn đề ổn định khu vực Đông Bắc A'.

Như vậy có thể thấy, Nhật Bản chủ trương cải thiện quan hệ toàn diện với Nga mà không nêu điều kiện tiên quyết là giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ phía Bắc. Đương nhiên, vấn đề đó vẫn tiếp tục được xếp ưu tiên hàng đầu trong 7 lĩnh vực hợp tác Nga - Nhật.

Tiền đề của những thay đổi:

Những biến động trong tình hình quốc tế, đặc biệt là ở Châu A' - Thái Bình Dương (CA-TBD) và ngay tại Nhật Bản mấy năm qua là những yếu tố tác động trực tiếp thúc đẩy Nhật Bản thay đổi chính sách đối ngoại với Liên bang Nga.

Trước hết, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn tại khu vực CA-TBD sau chiến tranh lạnh đã dần dần đi vào thế ổn định. Tháng 4 năm 1996, Nhật - Mỹ đã ra tuyên bố bảo đảm an ninh chung. Nó định hình một cách cơ bản sự điều chỉnh chính sách quan hệ giữa hai nước. Từ cuối 1996 đến nay, Liên bang Nga và Trung Quốc đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược hướng tới thế kỷ 21. Sự định hình chiến lược này mang ý nghĩa quan trọng lâu dài đối với an ninh CA-TBD và thế giới. Mặt khác, Nga cũng đã thay đổi ý định xây dựng quan hệ "bạn bè chiến lược" với Mỹ trước đây và chuyển sang theo phương châm "quan hệ bình đẳng" với Mỹ. Đây là sự định hình quan hệ cần nhau, hợp tác với nhau sau chiến tranh lạnh, trong đó hàm ý Nga không cam chịu địa vị yếu kém trong cục diện quốc tế có xu hướng đa cực. Trong khi đó, Mỹ đang dần dần điều chỉnh lại nhận thức đối với Trung Quốc. Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, B.Clinton đã xác định rõ hơn cần phải hợp tác và đối thoại với Trung Quốc trên tầm chiến lược.

Quan hệ Trung - Nhật cũng được cải thiện hơn cùng với sự cải thiện quan hệ Trung - Mỹ. Hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm ngày khôi phục quan hệ ngoại giao, coi đây là bước chuyển biến quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Từ sau chiến tranh lạnh, quan hệ 4 nước (Mỹ - Nhật - Nga - Trung) và 6 bên (4 nước đó cộng với Nam - Bắc Triều Tiên) ở khu vực Đông Bắc A', trong đó có quan hệ Nga - Nhật, còn chưa ổn định. Cho nên, việc tìm kiếm một con đường mới tiếp cận quan hệ với Nga luôn là một sự hối thúc các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Trước bối cảnh nêu trên, tình hình Liên bang Nga và chính sách đối ngoại của họ cũng đã có những chuyển biến đáng kể. Thứ nhất, việc B. Enxin tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 7-1996. Điều này không giống với tính toán của phía Nhật Bản cho rằng, B.Enxin chưa chắc đã giành thắng lợi. Do vậy, khác với các nước phương Tây, Nhật Bản không tỏ thái độ dứt khoát ủng hộ Enxin và họ tỏ ra bị động trước kết quả tái đắc cử nhiệm kỳ hai của ông. Ngoài ra, tình hình nội bộ Nga đi vào ổn định hơn so với những năm đầu thập kỷ 90. Ngay cả trong thời gian Enxin đau ốm không thường xuyên quản lý công việc đất nước, tình hình chính trị Nga không vì thế mà rối loạn, mất ổn định. Cho đến lúc này, Nhật Bản mới cho rằng "chế độ dân chủ và cơ chế kinh tế thị trường đã bắt đầu cắm rễ ở Nga". Xuất phát từ đây, đối với Nhật Bản cần phải áp dụng một chính sách thích hợp hơn đối với Liên bang Nga. Thứ hai, ông Primakov được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Ngoại giao Nga thay A.Kôzưrev, đã bắt đầu xúc tiến những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Từ xu hướng ngả theo phương Tây trước đây đã chuyển sang chính sách đối ngoại đa phương, đặc biệt là chú trọng hơn vai trò của phương Đông. Nhật Bản được coi là một trong những trọng điểm của "chính sách ngoại giao phương Đông" của Nga. Bên cạnh đó, Nga đã có hàng loạt động thái tích cực hơn, chẳng hạn cử một vị đại sứ mới của Nga tại Nhật Bản. Ông này vốn là thứ trưởng ngoại giao phụ trách khu vực CA-TBD. Nga còn chủ động khôi phục Hội nghị hiệp thương định kỳ giữa hai nước ở cấp ngoại trưởng, mời Cục trưởng phòng vệ Nhật Bản thăm Nga; mời hạm đội Nhật Bản thăm hữu nghị các cảng Viễn Đông ; giảm bớt lực lượng quân sự trên quần đảo Kurin ; chủ động đề xuất với Nhật Bản hợp tác cùng khai thác 4 đảo thuộc quần đảo Kurin v.v...

Sự điều chỉnh chính sách đối với Nga của Nhật Bản còn vì những nguyên nhân trong nội bộ nước Nhật thôi thúc. Sau 3 năm 3 tháng, đảng Dân chủ Tự do trở lại cầm quyền nhưng họ vẫn rơi vào tình trạng không chiếm được đa số trong quốc hội, buộc đảng này phải liên hiệp rộng rãi với các đảng phái khác vào mùa thu năm 1996 nhằm mục đích nắm được quyền lãnh đạo. Do vậy, đảng Dân chủ Tự do buộc phải thay đổi đường lối đối nội lẫn đối ngoại. Rõ ràng là, nếu phá vỡ được tảng băng trong quan hệ lạnh giá với Nga sẽ tạo ra đột phá khẩu quan trọng trong đường lối đối ngoại, tạo nên cục diện mới rất thuận lợi cho Nhật. Đồng thời, điều đó thể hiện sắc thái mới gây ấn tượng sâu sắc cho đảng Dân chủ Tự do. Mặt khác, thông qua việc cải thiện quan hệ chính trị giữa hai nước, Nhật Bản có thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu và hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thổi luồng sinh khí mới, cải thiện bầu không khí kinh tế đang vốn ảm đạm của Nhật Bản.

Điều chỉnh và ẩn số:

Trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản với Nga sau khi điều chỉnh có thể thấy rõ những đặc điểm sau : Một là, trong chính sách mới của Nhật với Nga nổi bật 2 yếu tố: chính trị và an ninh. Điều này hoàn toàn khác với chính sách của Nhật trước đây là chú trọng hợp tác với Nga trên lĩnh vực kinh tế mà chủ yếu là khai thác nguồn tài nguyên và năng lượng vùng Viễn Đông. Hai là, trong 7 lĩnh vực cụ thể mà Nhật Bản chủ trương hợp tác với Nga thì ít nhất cũng có đến 5 lĩnh vực thuần tuý thuộc về an ninh - chính trị. Tuy vậy, vấn đề lãnh thổ vẫn được Nhật Bản xếp vào hàng đầu trong quan hệ song phương Nhật - Nga. Rõ ràng là Nhật Bản nhấn mạnh đến việc hợp tác với Nga chứ không quá chú trọng đến vấn đề kiềm chế Nga bằng mọi cách như trước đây. Hai điểm mới trên đây phản ánh sâu sắc tư duy chiến lược lâu dài hướng tới thế kỷ 21 của Nhật Bản.

Trên những nét mới đó, Nhật Bản tìm kiếm sự ủng hộ để phát huy tác dụng của một nước nhằm phục vụ mục tiêu trở thành cường quốc chính trị. Để tìm kiếm sự ủng hộ cho việc trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và phát huy tác dụng thực sự trong vai trò cường quốc chính trị trong tương lai, Nhật Bản không thể bỏ qua việc đối thoại và trên mức độ nhất định là sự hợp tác với Nga. Hiện nay, Nhật Bản đang chú trọng xây dựng quan hệ đối thoại và hợp tác như vậy. Đây chính là cơ hội có lợi cho Nhật Bản. Trước hết có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay thực lực của Nga tương đối giảm sút. Nga lại đang xúc tiến thực thi chính sách "ngoại giao sang phương Đông".

Xét dưới góc độ quan hệ tay ba Nhật - Mỹ - Nga thì quan hệ Nhật - Mỹ đã được tăng cường hơn, còn quan hệ Mỹ - Nga đang ở trong trạng thái "tương đối lạnh nhạt". Vì vậy, thúc đẩy quan hệ Nhật - Nga, Nhật Bản đang ở thế có lợi hơn. Xem xét dưới góc độ quan hệ tay ba Nhật - Trung - Nga, cho dù Nga và Trung Quốc có tốc độ xích lại gần nhau nhanh chóng, nhưng mục tiêu của Nga là thúc đẩy ngoại giao phương Đông nhằm tìm kiếm "áp lực" đối với vấn đề mở rộng NATO sang phía Đông. Vì vậy, xây dựng và phát triển đối thoại chính trị với Nga không những phù hợp với nhu cầu của Nga mà trên mức độ nhất định còn có tác dụng kiềm chế bớt bước phát triển của quan hệ chiến lược Nga - Trung. Đó cũng là lý do khiến Nhật Bản chú trọng không chỉ mục tiêu kinh tế như trước đây mà cả lĩnh vực an ninh - chính trị trong quan hệ với Liên bang Nga.

Trong việc thúc đẩy hợp tác đối thoại xây dựng an ninh Đông Bắc A' và CA-TBD, Nhật Bản nỗ lực tìm kiếm địa vị có lợi cho mình. Nhật Bản cho rằng, ở Đông Bắc A' và CA-TBD sau chiến tranh lạnh, tình hình an ninh chính trị vẫn còn phức tạp như vấn đề Kurin, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, quần đảo Trường Sa v.v... đồng thời ở Đông A' còn có thể xuất hiện chạy đua vũ trang. Con đường tốt nhất để giải quyết những vấn đề đó là dựa vào cơ chế đối thoại an ninh - chính trị nhiều bên có tính khu vực. Đặc biệt ở Đông Bắc A', Nhật Bản coi việc thiết lập một cơ chế diễn đàn an ninh khu vực theo kiểu ARF ở Đông Nam A' là điều cần thiết và cấp bách. Còn nếu dần dần cơ chế hoá Hội nghị 4 bên (Mỹ, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc) để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên như đề nghị chung của Mỹ và Hàn Quốc thì sẽ gây bị động đối với Nhật Bản. Tuy bề ngoài Nhật Bản ủng hộ Hội nghị 4 bên, nhưng thực chất họ rất muốn có sự tham dự của mình ở đây. Nga cũng đề nghị cần có Hội nghị 4 + 2 (Nga, Nhật) nhằm khôi phục ảnh hưởng của họ ở bán đảo Triều Tiên. Sự tương đồng này giữa Nga và Nhật Bản đã tạo ra khả năng hiện thực cho việc Nhật Bản tìm kiếm sự hợp tác của Nga.

Ngoài ra, Trung Quốc sau nhiều năm cải cách - mở cửa thành công, thực lực kinh tế đã mạnh lên bên cạnh "sự khổng lồ" về chính trị của họ. Nhật Bản ngày càng coi Trung Quốc là đối thủ của mình trong thế kỷ tới. Cho nên, đồng thời với việc duy trì và phát triển quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản cũng tìm mọi cách kiềm chế quốc gia láng giếng khổng lồ này thông qua quan hệ tác động với các nước lớn ở CA-TBD, trong đó có Nga.

Cải thiện quan hệ Nhật - Nga sẽ tạo điều kiện mở rộng và phát triển hợp tác kinh tế. Điều dễ nhận thấy là kinh tế Nhật Bản tiến vào thế kỷ 21 sẽ còn có những cơ hội và động lực mới thông qua việc tiếp tục thúc đẩy sự hình thành "Vòng cung kinh tế biển Nhật Bản", "vòng cung kinh tế Đông Bắc A'", thúc đẩy tiến trình hợp tác khai thác vùng Viễn Đông Nga với nguồn tài nguyên giàu có mà Nhật Bản hằng ao ước. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đòi hỏi phải có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và tích cực của Nga. Nhật Bản cần phải thông qua con đường đối thoại chính trị với Nga để củng cố lòng tin. Mặt khác, Nhật Bản cũng phải ủng hộ tiến trình dân chủ hoá và xây dựng cơ chế kinh tế thị trường của Nga. Từ đó, tạo được điều kiện và khả năng mới cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Việc Nhật Bản thay đổi chính sách đối ngoại với Nga là biểu hiện tích cực trong quan hệ song phương. Vì vậy, điều đó cũng đã được phía Nga hoan nghênh. Trong năm 1997 này rất có thể quan hệ 2 nước sẽ ấm lên. Tuy vậy, những nét mới trong chính sách của Nhật Bản với Nga được triển khai thuận lợi đến mức nào, vẫn còn là nhân tố ẩn số ở phía trước bởi vẫn còn nhiều yếu tố bất trắc khó lường hết được. Đó là tình trạng ổn định chính trị ở Nga và những thay đổi nhân sự luôn làm cho người ta lo ngại. Tiếp theo, việc NATO kiên trì chủ trương mở rộng sang phía đông rất có thể sẽ gây ảnh hương đến khuynh hướng và trào lưu chính trị ngay trong lòng nước Nga làm cho chủ nghĩa dân tộc tăng lên, gây ra những bất lợi cho quan hệ Nga - Nhật. Hơn nữa, lịch sử quan hệ hai nước, trong tâm trạng không tin cậy dường như là "thâm căn cố đế". Chính tính nhạy cảm của những vấn đề đó tác động đến quan hệ song phương. Điều dễ nhận thấy là năm 1996 Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto đã có kế hoạch đi dự lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ hai của B.Enxin, nhân đó để xúc tiến cuộc gặp gỡ cấp cao với hai nước. Nhưng ngày đó lại trùng với ngày mà trước đây Liên Xô tuyên bố xoá bỏ Hiệp ước trung lập Xô - Nhật, tuyên chiến với Nhật (ngày 9-8-1945). Vì vậy, phía Nhật Bản đã huỷ bỏ chuyến viếng thăm này. Mặt khác, Nhật Bản cũng tỏ thái độ nghi ngờ việc Nga thi hành chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa nước lớn. Thêm vào đó, phải kể đến tính phức tạp của vấn đề lãnh thổ giữa hai nước. Cho dù Nhật Bản đã thay đổi cách nhìn nhận vấn đề này, ưu tiên hơn đến kinh tế và phía Nga cũng đã tỏ ra khá linh hoạt, nhưng dẫu sao thì cả hai phía đều chưa có được nhượng bộ quan trọng nào. Vấn đề Kurin chưa được giải quyết thì quan hệ Nga - Nhật chưa thể có được những cải thiện căn bản. Đặc biệt là tiến trình đàm phán về lãnh thổ không đạt được tiến bộ mà thực tế là "gác lại" vấn đề này. Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 6-1997 vừa qua, phó thủ tướng thứ nhất Nga Nhemxốp cũng đề cập việc "gác lại" vấn đề nan giải này để tập trung vào vấn đề kinh tế. Vậy là rất có khả năng xảy ra tranh luận giữa các lực lượng chính trị khác nhau ở cả hai nước về vấn đề lãnh thổ. Đây là nhân tố kìm hãm khả năng thực hiện chính sách đối ngoại mới được điều chỉnh của Nhật Bản với Nga.

Dự báo, trong thời gian ngắn khó có thể hy vọng có được những tiến bộ mang tính đột phá trong quan hệ Nhật - Nga còn ẩn chứa không ít điều bất trắc hiện nay./.

Tài liệu tham khảo :

1. Titarenco.M : Nước Nga và Đông A', NXB. Phabula, M.1995.

2. Kitabitze.E : Viện trợ của Nhật Bản cho cải cách kinh tế Nga. Tạp chí "Những vấn đề Viễn Đông" (Nga) No 2-1996.

3. Matiash.B : Về vị trí và vai trò của Nga ở Châu A' - Thái Bình Dương. Tạp chí Mỹ : "Kinh tế, chính trị, tư tưởng". No 9-1996.

4. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Tạp chí "Nghiên cứu quốc tế" (Trung Quốc). 2-1997.

5. Gelbras.V : Chiến lược phương Đông của Nga. Tạp chí "A' - Phi ngày nay" (Nga), số 6-1996.

6. Abazov.R : Chính sách của Nga ở CA-TBD. Sự thay thế hình thái ; Tạp chí "Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế" (Nga), No 6-1996.

7. Spanđarian V.B : Đầu tư của Mỹ vào Nga. Tạp chí Mỹ : "Kinh tế, chính trị, tư tưởng", No 2-1997./.

Cùng chuyên mục