Số 19 - Asean: Hiện tại và tương lai

02:45 22/03/2012

Asean: Hiện tại và tương lai

Tác giả: Phan Doãn Nam.

Cách đây 30 năm, khi Ngoại trưởng các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore họp ở Bangkok để thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam A' (ASEAN), họ đã mơ tưởng tới một ngày nào đó Hiệp hội sẽ bao gồm tất cả các nước Đông Nam A'. Giấc mơ đó ngày nay đã trở thành hiện thực với việc Lào và Myanmar được kết nạp cùng một lúc vào ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN họp ở Kuala Lumpur tháng 7/1997. Do sự phát triển mới trong nền chính trị Campuchia nên việc kết nạp Campuchia vào ASEAN bị tạm hoãn lại vào phút chót, nhưng chắc chắn rằng việc kết nạp nước này vào ASEAN sẽ diễn ra trong một ngày không xa. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi hoàn toàn cục diện Đông Nam A' (ĐNA) từ chỗ chia thành 3 phe nhóm khác nhau trong chiến tranh lạnh (ASEAN, Đông Dương và Myanmar) thành những nước thành viên bình đẳng trong một Hiệp hội chung có uy tín nhất nhì trên thế giới. So với tất cả các khu vực khác trên thế giới từ Bắc Âu, Caribê, Mỹ Latinh, Trung Đông, Nam A'... thì đây là nơi duy nhất đã tập họp được tất cả các nước khác nhau trong khu vực, không phân biệt chế độ xã hội chính trị, trình độ phát triển kinh tế, tôn giáo, văn hoá... vào trong cùng một Hiệp hội có một mục tiêu chung là hoà bình, hợp tác và phát triển.

ASEAN-Lịch sử hình thành và phát triển:

Để thấy hết ý nghĩa lịch sử của sự kiện này cần phải nhắc lại, dù chỉ là một thoáng, con đường khó khăn và phức tạp mà ASEAN đã trải qua trong 30 năm nay trước khi đạt được đỉnh cao ngày hôm nay. Trừ Thái Lan trước chiến tranh thế giới thứ hai, các nước ĐNA đều là thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây. Thắng lợi của Liên Xô và phe Đồng minh đánh bại phát xít Đức và quân phiệt Nhật không những đã khích lệ các dân tộc thuộc địa vùng lên tự giải phóng mà còn thổi một luồng sinh khí mới về dân chủ và dân sinh vào các phong trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các quốc gia ĐNA sau khi giành được độc lập đều đi theo xu hướng này. Thái Lan tuy không phải là một thuộc địa mới được giải phóng nhưng theo trào lưu chung cũng đã thành lập được một chính quyền của những người theo chủ nghĩa dân tộc tiến bộ, đứng đầu là Thủ tướng Pridi Panomiang. Các quốc gia ĐNA mới độc lập đã sớm nhận thức được tình đoàn kết khu vực bằng việc tự giúp lẫn nhau về tinh thần và vật chất chống lại việc chủ nghĩa thực dân phương Tây quay trở lại khu vực. Quan hệ giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Indonesia đã được thành lập ngay từ những ngày đầu. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam, Indonesia đã có sáng kiến cùng với một số nước chủ chốt trong khu vực triệu tập Hội nghị Bangdung (1955) với sự tham dự của 29 nước ở hai châu lục A' - Phi. Tư tưởng chính của Bangdung là cùng tồn tại hoà bình và không liên kết.

Việc các cường quốc quay trở lại can thiệp vào ĐNA đã làm cho khu vực này một lần nữa bị phân cực. Tuy nhiên, trong số 10 nước ĐNA lúc bấy giờ chỉ có 2 nước tham gia Hiệp ước SEATO do Mỹ lập ra (1954). Tình hình ĐNA càng xấu đi với việc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào Việt Nam và các nước Đông Dương khác. Cuộc xâm lược và can thiệp vũ trang của Mỹ vào Việt Nam đã diễn ra đồng thời với các vụ xung đột và đối đầu giữa một số nước trong khu vực qua các vấn đề do lịch sử để lại, chủ yếu là di sản của chính sách chia để trị của chủ nghĩa thực dân (như đối đầu giữa Indonesia với Liên bang Malaysia, giữa Malaysia với Philippines v.v...).

Năm 1967 đã đánh dấu một bước chuyển mới trong khu vực. Các cuộc tranh chấp và đối đầu giữa một số nước trong khu vực chấm dứt. Tuy chiến tranh Việt Nam đang ở đỉnh cao nhưng một số nhà lãnh đạo chủ chốt ở Mỹ điều hành cuộc chiến tranh đã nhận thấy sai lầm và đi đến kết luận là Mỹ không thể thắng. Một số chính khách khác của Mỹ bắt đầu nói đến "thời kỳ sau Việt Nam". Trước đó, Tổng thống De Gaulle của Pháp đến Phnom Pênh và tuyên bố về một ĐNA trung lập. Thời gian này tại Trung Quốc, người láng giềng trực tiếp và vĩ đại của ĐNA, cách mạng văn hoá đang diễn ra ác liệt dưới khẩu hiệu : "Thiên hạ đại loạn".

Tình hình đó đã làm cho một số nhà lãnh đạo các nước ĐNA, chủ yếu là Indonesia và Malaysia thấy cần phải có một hình thức nào đó để đoàn kết các nước ĐNA lại với nhau trên tinh thần tự cường khu vực nhằm mục đích lâu dài bảo đảm sự nghiệp hoà bình và phát triển của khu vực không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là những tư tưởng khởi đầu đưa đến việc thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam A' (ASEAN) tháng 8/1967.

Tuy nhiên từ ngày thành lập cho đến khi chiến tranh lạnh chấm dứt, hoạt động của ASEAN không mấy thành công dù cho là về mặt kinh tế, xã hội và văn hoá. Lý do chính là sự can thiệp của nước ngoài đã phân liệt các nước ĐNA thành 2 khối đối lập không những về hệ tư tưởng mà cả về mặt chính trị an ninh. ASEAN mang nặng tư tưởng chống cộng. Indonesia vốn là một nước trung lập, không liên kết, có chính sách ngoại giao tích cực nhưng sau sự kiện 1965 cũng chuyển sang thân Mỹ và chống cộng. Mặt khác, trong ASEAN lại có 2 nước tham gia SEATO và đã từng đưa quân cùng với Mỹ tham chiến chống lại nhân dân Việt Nam. Hình ảnh ASEAN lúc này bị méo mó phản bội lại những mục tiêu cao cả mà những nước sáng lập Hiệp hội đề ra. Do đó Myanmar đã từ chối tham gia ASEAN mặc dù đã 2 lần được mời. Trong bối cảnh đó, các nước Đông Dương, nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ không có cách nào khác mà phải nhìn ASEAN với con mắt nghi kỵ sâu sắc. Tình hình này chỉ chấm dứt sau khi chiến tranh lạnh kết thúc tạo điều kiện cho một giải pháp hoà bình về vấn đề Campuchia trên nguyên tắc tôn trọng nền độc lập và trung lập của Campuchia không có sự can thiệp của nước ngoài. Việc giải quyết vấn đề Campuchia đã làm tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước ĐNA, đặc biệt là giữa các nước ASEAN và Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh cho một ĐNA hoà bình, hợp tác và phát triển. Và đó cũng là mẫu số chung cho việc đoàn kết tất cả 10 nước ĐNA trong một hiệp hội chung như ngày nay.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ASEAN ngày nay là một thắng lợi của tất cả các dân tộc ở ĐNA, biến giấc mơ của những nhà sáng lập ra nó cách đây 30 năm thành hiện thực. ASEAN cũng là một sự phát triển tất yếu của xu thế khu vực hoá, toàn cầu hoá đang chi phối mọi mặt của đời sống quốc tế ngày nay. Một số người e ngại việc kết nạp 3 thành viên mới là quá vội vã, nhất là đối với Myanmar đang bị Mỹ và một số nước phương Tây chỉ trích và cấm vận vì vấn đề nhân quyền. Theo họ việc làm này của ASEAN có thể khiến cho uy tín của tổ chức này bị sút giảm và sẽ có những hậu quả không hay trong quan hệ với các nước phương Tây. Cần phải thừa nhận rằng việc kết nạp Myanmar là một quyết định khó khăn. Không những Mỹ và các nước phương Tây mà một số báo chí, chính khách và học giả ở một số nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Philippines cũng phê phán quyết định này. Nhưng điều này lại càng làm nổi lên tính chất đúng đắn của quyết định vì nó cho thấy ASEAN đã làm đúng tôn chỉ mục đích và điều lệ của mình. Nó nói lên tính chất độc lập, tự chủ của ASEAN và không chịu bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài, dù là từ hướng nào. Tuy nhiên không có nước phương Tây nào vì thế mà không tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các hoạt động sau đó trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Thực tế vấn đề Myanmar có gây ra cho ASEAN một số khó khăn, nhưng không phải vì thế mà làm giảm ảnh hưởng và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế và khu vực. ASEAN ngày nay là một thực thể chính trị ở CA-TBD mà không một nước nào, dù lớn hay nhỏ trên thế giới, có thể bỏ qua nếu họ muốn tiếp tục duy trì và bảo vệ lợi ích của họ ở khu vực này.

ASEAN-Những thách thức:

Những khó khăn của ASEAN khi hướng vào thế kỷ 21 nằm ở chỗ khác. Có lẽ trong nhiều năm tới, ít nhất là cho đến năm cuối thế kỷ, tình hình chính trị không ổn định của một số nước ĐNA, đặc biệt là Myanmar và Campuchia vẫn là trở ngại hàng đầu để ASEAN phát huy uy tín của mình trên trường quốc tế và CA-TBD với tư cách là một thực thể chính trị thống nhất. Vì những khó khăn nội bộ, một số nước chưa có điều kiện đóng góp tích cực vào sự hội nhập chung của khu vực. Bản thân ASEAN với tư cách là một Hiệp hội cũng sẽ mất rất nhiều thời giờ đóng vai trò hoà giải cho những xung đột nội bộ của một số nước thành viên. Trong tình hình đó, tất nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để đi đến một sự nhất trí của tất cả các nước trong việc xử lý bất cứ vấn đề gì dù là trong khu vực hay trên quốc tế. Đó là nói trong trường hợp các mâu thuẫn giữa các phe phái trong một số nước được giải quyết một cách hoà bình trên tinh thần hoà giải dân tộc. Trong trường hợp nội chiến lại tái diễn ở một số nước nào đó thì tình hình còn tệ hại hơn. Mặt khác, xuất phát từ cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ mà một số phần tử dân tộc cực đoan có thể tìm cách chĩa mũi nhọn sang các nước láng giềng. Việc một số Việt kiều ở Campuchia tiếp tục bị bọn Khơme theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan giết hại là một ví dụ. Không có một cơ quan nào của ASEAN có thể ngăn chặn được việc này. Có thể đây là nguy cơ lớn nhất đối với ASEAN.

Khó khăn lớn thứ hai liên quan đến bản thân một trong những mục đích chủ yếu của ASEAN là hội nhập kinh tế. Như mọi người đều biết trình độ phát triển của các nước ĐNA rất không đồng đều, dù muốn hay không thì vẫn nẩy sinh tình trạng phân hoá tự nhiên thành 2 nhóm nước nghèo và giàu. Tuy các nước giàu trong ASEAN đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ các nước nghèo hơn sớm vươn lên để thu hẹp khoảng cách, nhưng khó khăn lớn nhất là ngay bản thân các nước giàu trong ASEAN cũng là những nước đang cần vốn đầu tư của nước ngoài chứ chưa phải là những nước đi đầu tư. Dù cho sự giúp đỡ của các nước giàu hơn đối với các nước nghèo trong ASEAN có mang động cơ trong sáng, lành mạnh, nhưng nền kinh tế thị trường vốn có những quy luật riêng của nó. Muốn hay không thì các nước nghèo hơn cũng trở thành nơi tiêu thụ những sản phẩm giá rẻ nhưng kém phẩm chất của các nước ASEAN có trình độ phát triển hơn. Muốn vươn lên, các nước nghèo trong ASEAN không có cách nào khác là phải đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt ngay từ những nước anh em của mình. Việc thực hiện khu vực mậu dịch tự do (AFTA) cho toàn ĐNA chắc chắn còn phải kéo dài cho đến cuối thập kỷ thứ I của thế kỷ 21. Và thực hiện AFTA là bước thấp nhất của hội nhập khu vực. Cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra gần đây ở Thái Lan và một số nước ASEAN khác nói lên một thách thức nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển phải dựa vào vốn đầu tư nước ngoài và nền kinh tế hướng vào xuất khẩu. Việc giữ tỷ lệ phát triển cao luôn luôn kèm theo nguy cơ làm cho nền kinh tế quá nóng cũng như việc duy trì một cách giả tạo quá lâu sự ổn định của đồng tiền của mình so với các ngoại tệ sớm muộn cũng đều dẫn đến sự đổ vỡ tiền tệ và tài chính.

Vấn đề khó khăn lớn thứ 3 là vấn đề an ninh. Không nói đến vấn đề an ninh nội bộ của từng nước thì bức tranh an ninh ở ĐNA vốn đã rất phức tạp. Một là, giữa các nước ĐNA với nhau còn tồn tại nhiều tranh chấp về lãnh thổ, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, văn hoá v.v... Các mâu thuẫn này không lớn nhưng việc giải quyết chúng không đơn giản. Hai là, 4 trong 10 nước ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông là khu vực có ý nghĩa chiến lược không những đối với ASEAN mà còn đối với nhiều nước lớn và khu vực CA-TBD. Tuy ASEAN đã đưa ra những nguyên tắc chung nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông (Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Manila tháng 7/1992) nhưng khi xảy ra sự việc cụ thể thì không phải nước nào cũng có phản ứng hoặc phản ứng như nhau, do đó tạo ra sự không nhất trí trong Hiệp hội mà bên ngoài có thể lợi dụng. Ba là, tuy các thành viên của một Hiệp hội có mục đích tôn chỉ chung, song vì truyền thống lịch sử hoặc lợi ích địa - chính trị, từng nước ASEAN có chính sách an ninh riêng, một số nước có quan hệ an ninh với một số nước ngoài khu vực tạo điều kiện cho sự can thiệp quân sự của nước ngoài mỗi khi xảy ra khủng hoảng liên quan đến an ninh của các nước ASEAN đó.

Trong bối cảnh hiện nay ARF là diễn đàn tốt nhất, phù hợp nhất cho cuộc đối thoại về an ninh giữa các nước ĐNA và các đối tác của mình. Tuy nhiên không nên gạt bỏ hoàn toàn khả năng tìm ra những cơ chế để giữ gìn hoà bình khu vực.

Tóm lại, có thể thấy rằng quá trình hình thành ASEAN - 10 trong 30 năm qua là một thắng lợi lớn của những tư tưởng hoà bình, tự cường dân tộc, kết hợp với tự cường khu vực, của những tư tưởng hợp tác và phát triển. Nó không phải là thắng lợi của riêng một nước nào hay một nhóm nước nào trong khu vực. ASEAN có vị thế quốc tế như ngày nay là vì nó đi đúng xu thế của thời đại. Có thể nói nếu không có sự chấm dứt của chiến tranh lạnh thì cũng không thể có một ĐNA như ngày nay. Tuy nhiên, trong lúc chúng ta hân hoan đón chào sự ra đời của một ĐNA hoà bình thống nhất trong đa dạng, cũng cần thấy rằng trước mắt còn nhiều việc phải làm. Việc củng cố tình đoàn kết nhất trí của ASEAN-10 còn khó hơn là việc hình thành nó. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thắng lợi của ASEAN như ngày nay là việc tổ chức này luôn luôn bám sát tôn chỉ mục đích và các nguyên tắc của mình, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là tôn trọng nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước thành viên, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ một nước thành viên nào, dưới bất cứ hình thức nào. Gần đây trong một số cuộc hội thảo do ASEAN - ISIS tổ chức và qua sự kiện Campuchia, có ý kiến của một số học giả và chính khách cho rằng : "Mặc dù có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, nhưng luôn luôn có một ngoại lệ, và với Myanmar thì làm như thế là đúng, là cách làm đúng, cách làm của ASEAN". Tất nhiên đây chỉ là ý kiến có tính chất cá nhân nhưng nó cũng nói lên một xu hướng xoá bỏ nguyên tắc không can thiệp. Nếu ý kiến này được chấp nhận thì nó sẽ phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN. Ngoại trưởng Indonesia đã hành động rất đúng khi ông bác bỏ việc yêu cầu Indonesia can thiệp vào cuộc tranh chấp nội bộ giữa các phe phái ở Campuchia hiện nay dù với tư cách là đồng Chủ tịch của Hội nghị Paris về vấn đề Campuchia và ASEAN chỉ hành động theo yêu cầu của những người cầm quyền Campuchia. Trên tinh thần anh em trong cùng một Hiệp hội khu vực, các nước thành viên ASEAN có thể đóng vai trò tư vấn nếu được tất cả các bên xung đột ở một nước thành viên khác yêu cầu, làm trái đi thì lợi sẽ bất cập hại.

Nguyên tắc lớn thứ hai để giữ cho ASEAN-10 tồn tại và phát triển là sự bình đẳng giữa các thành viên. Không thể có vấn đề nước lớn nước nhỏ trong một Hiệp hội dù là dưới hình thức nước đàn anh, nước đàn em. Tình anh em ở đây chỉ đúng khi các nước giàu hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn giúp đỡ các nước nghèo hơn, nhỏ hơn để sớm hội nhập vào khu vực. Hiện đã có ý kiến nên đưa một ngôn ngữ nào đó được nhiều người ở ĐNA sử dụng làm ngôn ngữ chính thức của ASEAN song song với tiếng Anh. Đây là vấn đề rất phức tạp không những nó đụng chạm đến lòng tự trọng của các dân tộc khác mà nó sẽ làm phức tạp hoá quá trình làm việc của ASEAN nhất là khâu văn kiện. Đã là ngôn ngữ chính thức thì văn bản bằng ngôn ngữ này cũng có giá trị pháp lý như văn bản tiếng Anh. Do đó muốn hay không muốn tất cả các nước ASEAN đều phải có chuyên gia giỏi ngôn ngữ chính thức thứ hai của ASEAN thì mới kiểm tra được tính chính xác của văn bản bằng ngôn ngữ này.

Các hoạt động của ASEAN, nhất là về mặt đối ngoại cần xuất phát từ nguyên lý "thống nhất trong đa dạng". ASEAN cần thống nhất với nhau trong những vấn đề cần sự nhất trí, còn những vấn đề nào không cần sự nhất trí thì mỗi nước có thể phát biểu ý kiến riêng của mình trên cơ sở của sự đa dạng về quan hệ và lợi ích.

Trong quá trình đi lên của mình, ASEAN cần dựa vào thực tế của khu vực mình là chính, đồng thời nghiên cứu tham khảo những kinh nghiệm của EU, NAFTA v.v... để học hỏi những điều hay và tránh những vấp váp không đáng có./.

Cùng chuyên mục