Số 19 - Những con hổ trong Asean từ sau suy thoái kinh tế năm 1996

02:38 22/03/2012

Những con hổ trong Asean từ sau suy thoái kinh tế năm 1996

Tác giả: Lưu Quý Tân.

Những thành tích của ASEAN trong thời gian qua rất đáng phấn khởi nếu ta so với cả khu vực châu A' hơn 30 năm trước đây, tức là trước khi thành lập khối ASEAN . Tháng 5 vừa qua, ông Lý Quang Diệu đã phát biểu với hãng Asahi News Service của Nhật Bản : "Năm 1960, không có một nước nào ở Đông A' được xếp trong số 20 nước dẫn đầu thế giới về GDP. Thế mà đến năm 1996, đã có Nhật Bản, Hongkong và Singapore đặt chân vào bức biểu đồ này".

Còn theo tờ tin Kiplinger Washington Letter, đến năm 2020, trong 5 nước đứng đầu về kinh tế thế giới, sẽ có 4 nước ở châu A' : Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và Â'n Độ. Cũng theo bản tin này, đến lúc ấy, ai biết được số lượng thành viên của nhóm gọi là G7 sẽ lên đến bao nhiêu ? Và những nước nào hiện nay trong nhóm sẽ có những cường quốc kinh tế khác thay thế chỗ đứng của họ ?

Nhưng đến năm 1996, cả vùng Đông Nam A'(ĐNA) kinh qua một cuộc suy thoái làm người ta đã nghĩ rằng có thể sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng lâu dài. Các nước ASEAN cũng không ngoại lệ. GDP tụt xuống còn ở mức trung bình chỉ trên 6%. Tỉ lệ này đối với các nước phát triển có thể là con số quan trọng, nhưng đối với các nước ASEAN, rõ ràng là một tụt giảm rất đáng quan tâm. Đã có người nói rằng "hổ không còn là hổ, mà là mèo".

Theo các nhà phân tích, sự suy thoái đó có nhiều nguyên nhân. Trước tiên là hiện tượng hoảng loạn trên thị trường điện tử năm ngoái. Giá các sản phẩm bán dẫn đã sụt đến 70%. Các hợp đồng buôn bán của Singapore và Malaysia bị thiệt hại nặng nề. Nhưng đáng chú ý hơn là việc đồng yên của Nhật Bản giảm giá 50% vào mùa hè năm 1995. Nếu trước đó, một đồng yên mạnh đã thúc đẩy các công ty Nhật Bản nhanh chóng thiết lập việc sản xuất của họ ở hải ngoại thì sau khi bị giảm giá, đồng yên yếu đi đã làm trễ nải việc đầu tư của Nhật Bản vào các nước ASEAN. Mặt khác, các đồng yên của ASEAN đều gắn chặt chẽ với đồng đô la Mỹ thông qua những cơ chế quản lý hoặc những luật lệ của các giới chức tài chính trong vùng. Đối phó với việc đồng yên tụt giá, đồng đô la phải nâng giá, kéo theo là sự nâng giá đồng tiền của các con hổ ASEAN so với đồng yên. Và hệ quả của hiện tượng này là tính cạnh tranh về xuất khẩu ở ĐNA nói chung và ở các nước ASEAN nói riêng cũng giảm đi.

Một lý do nữa là, trong khi hiện tượng suy thoái lan rộng đến các Ngân hàng Trung ương và các tổ chức tiền tệ ở khu vực, thì chính các tổ chức này lại góp phần tạo ra cơ hội cho suy thoái đi sâu thêm vào những chính sách tiền tệ quá gò bó, quá chặt chẽ, không ngoài mục đích giảm áp lực của nạn lạm phát đang lên đến đỉnh cao nhất của năm 1995.

*

Dần dần, từ cuối 1996 đến nay, người ta lại thấy có sự phục hồi nổi lên, do các con hổ ở khu vực đã nắm bắt được thực tế và biết cách điều chỉnh lại mục tiêu của họ, để đẩy xuất khẩu hàng hoá tăng lên.

Nhìn chung , sức nặng kinh tế của các nước châu A' vẫn còn là đáng kể. Theo ông Bernard Eschweiler, người phụ trách bộ phận nghiên cứu kinh tế châu A' - Thái Bình Dương (CA-TBD) của công ty J.P. Morgan, tình hình cải thiện trong cán cân mậu dịch ở các nước ASEAN đều có nhiều tiến bộ, chỉ có sự khác nhau là mức độ cải thiện ở nước này nhiều hơn, ở nước kia nhanh hơn mà thôi.

Từ cuối năm 1996, các đơn đặt hàng về bán dẫn điện tử từ Mỹ đã tới tấp trở lại và trong số các nước ĐNA, Singapore là nước được lợi nhất. Ngành công nghiệp chế tạo của Singapore cũng phát triển mạnh. Kinh tế Singapore tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 6,5% so với 6,2% của 1996. Lạm phát khoảng 1,8% so với 1,4% năm 1996 và 1,7% năm 1995.

Philippines lại có nhiều vốn từ ngoài vào nhiều hơn khả năng hấp thụ. Mặc dù có những cải thiện trong tỉ lệ lạm phát, vốn từ ngoài vào quá nhiều, đã làm cho nhập khẩu phải tăng lên, nhưng sự thâm hụt trong xuất khẩu cũng chỉ mới ở mức dưới 3% của GDP năm 1996. GDP của Philippines 6 tháng đầu năm nay tăng 6,6% so với 5,5% của 1996. Ngành xây dựng cơ bản và phát triển hạ tầng cơ sở được đẩy mạnh. Công nghiệp chế biến cũng tiếp tục phát triển.

Cũng theo thông báo của J.P. Morgan, Malaysia đã giảm được mức thâm hụt thanh toán xuống còn 6,7% của mức GDP năm 1996. Nền kinh tế của Malaysia được đánh giá là phát triển tốt đẹp trong 6 tháng đầu năm 1997. GDP tăng 8,2% so với 8,1% của năm 1996. Lạm phát ở mức thấp, khoảng 3,6%. Thâm hụt tài khoản vãng lai giảm, lãi suất cho vay giảm, đầu tư tăng nhanh.

Indonesia có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn 1996 khoảng 0,3% tức là 7,8% trong nửa đầu năm 1997. Nông nghiệp bội thu, ngành chế biến lương thực thực phẩm tiếp tục được đẩy mạnh. Nhưng năng suất vẫn là một động lực chính trong thúc đẩy phát triển kinh tế của Indonesia.

Tháng 3 vừa qua, ở Indonesia, đã có một hội nghị cấp cao Châu A' về kinh doanh (Asian Business Summit) do 6 Phòng Thương mại và Công nghiệp ASEAN tổ chức để bàn những biện pháp nhằm đưa khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ vào hợp tác kinh tế. 600 đại biểu thuộc giới kinh doanh đã đến dự. Hội nghị này đã làm nổi bật khả năng tiềm tàng của một thị trường rộng lớn bao gồm hơn 400 triệu người mà tất cả các nước thành viên đều đạt mức tăng trưởng 7 - 8% năm. Các nhà đầu tư đều đánh giá tốt sự lành mạnh của các nền kinh tế trong vùng, và nhất trí cho rằng có ba yếu tố này, đó là : tiếp thu công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư ngoài đổ vào và tỉ lệ lãi cho vay thấp.

*

Một hiện tượng nổi bật nữa trong thời gian qua là tinh thần đoàn kết, nhất trí, hợp tác giữa các nước ASEAN ngày càng phát triển. Bên cạnh sự tiến triển về kinh tế, người ta thấy tình đoàn kết và hợp tác giữa các nước ASEAN ngày càng củng cố và mở rộng, làm thành hạt nhân phát triển của ASEAN.

Tại cuộc hội thảo về chủ đề: "Toàn cầu hoá và Mậu dịch tự do: ảnh hưởng đến các nước ASEAN" được tổ chức ở Kuala Lumpur cuối tháng 4 vừa qua, bà Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia Rafidal Aziz đã phát biểu: "ASEAN là một nhóm nước, cần phải phối hợp hành động chống lại những mưu toan làm tan rã sức mạnh tập thể, hoặc làm xói mòn lập trường thống nhất của các nước thành viên trong hành động chung về mậu dịch và đầu tư". Bà nhấn mạnh : "Tất cả các nước thành viên ASEAN kiên trì lập trường chung là thực hiện chính sách mậu dịch của khu vực để ngăn chặn mọi áp đặt của những luật và lệ hòng làm suy yếu nền kinh tế của ASEAN".

Tuần báo Nikkei Weekly (Nhật Bản) cho biết, tờ báo này vừa mới tổ chức cuộc hội nghị hằng năm lần thứ ba vào đầu tháng 5 vừa qua tại khách sạn Imperial về đề tài : "Tương lai của châu A'". Những người dự hội nghị đã phát biểu theo chiều hướng hoan nghênh sự đoàn kết hợp tác giữa các nước châu A' với nhau. ông Noordin Sopiee, Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Malaysia đã đề cập đến việc muốn "xúc tiến an ninh trong khu vực, giữa các nước với nhau cần có một tinh thần hợp đồng".

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines L. Siazon đưa ra ý kiến thành lập một tổ chức Đông A' theo kiểu Euratom (Tổ chức Nguyên tử châu Âu) để bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Nguyễn Mạnh Cầm cũng đến dự và cho rằng Việt Nam vào ASEAN không chỉ thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam mà còn tăng sức mạnh cho cả khối ASEAN nói chung và xúc tiến việc mở rộng tổ chức ra toàn thể các nước Đông Nam A'.

Xu thế hợp tác giữa các nước ASEAN ngày càng được đẩy mạnh. Trên mặt báo, người ta được biết đã có những mặt hợp tác đang được thảo luận trao đổi qua lại như việc cấp thị thực, việc xây dựng đường ống khí đốt xuyên ASEAN, đường xe lửa liên lục địa, phối hợp dẫn độ tội phạm.

Nhưng mới đây nhất, qua việc ASEAN kết nạp hai thành viên mới, Lào và Myanmar, dư luận chung lúc đầu mặc dù có những tiếng nói không đồng tình, thậm chí có những âm mưu cản trở, đến nay đều thừa nhận đây là một bước mới trong việc củng cố sức mạnh vì lợi ích của ASEAN nói chung, và của mỗi nước thành viên nói riêng. Về điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm cũng đã phát biểu với Thông tấn xã Việt Nam: "Mở rộng ASEAN là phù hợp với xu thế liên kết khu vực đang gia tăng mạnh mẽ trên thế giới, làm cho vị trí và uy tín của ASEAN càng được nâng cao hơn với tư cách là một tổ chức khu vực thành công nhất trong thế giới đang phát triển".

Một học giả Nhật Bản, Shinyasu Hoshino đưa ra sáng kiến thành lập một "Hành lang châu A'" lấy ASEAN làm nòng cốt nhằm tăng cường đoàn kết nhất trí, đấy mạnh hợp tác phát triển. Hành lang này nối liền các trung tâm tăng trưởng khu vực châu A', từ Jakarta qua Singapore, sang Kuala Lumpur, Bangkok, Hà Nội, Hongkong, Manila, Đài Bắc, Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh, Đại Liên, Phú San, Seoul, Bình Nhưỡng, rồi đến Okinawa, Kyushu, Hokkaido. Hành lang châu A' này sẽ tạo ra sức bật cho cộng đồng châu A' trong thế kỷ tới.

*

Đó là tình hình nửa đầu năm 1997. Bước sang nửa cuối của 1997, cả thế giới đều sửng sốt về một thử thách mới nảy sinh ở khu vực ĐNA : biến động về tài chính ở khu vực, chủ yếu ở các con hổ ASEAN.

Đầu tháng 7/1997, thị trường tiền tệ ĐNA bỗng nhiên trở nên nóng bỏng với việc Thái Lan tuyên bố "thả nổi" đồng baht. Đó là vì Thái Lan đã lâm vào một cơn tiến thoái lưỡng nan sau khi đồng baht liên tiếp tụt giá so với đồng đô la Mỹ. Các nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút khỏi các ngân hàng Thái Lan hàng trăm triệu USD vì cho rằng Thái Lan đang có nhiều "triệu chứng Mexico". Hàng loạt công ty xây dựng không còn khả năng thanh toán vì bị tụt giảm đơn đặt xây dựng nhà cao tầng, khách sạn... Thực ra, tin đồn về việc hạ giá đồng tiền trong khu vực đã có từ tháng 4/1997, khi các nhà phân tích bỗng nhận thấy chính phủ Singapore có sự thay đổi trong chính sách ngoại hối.

Ông Jake Vander Kamp, chiến lược gia về đầu tư của ABN-Hoare Govett Asia nói: "Đây là một bằng chứng cho thấy Singapore đang suy tính một sự thay đổi về tiền tệ, nhằm khắc phục yếu kém trong mậu dịch". Nhưng một số nhà quan sát khác lại cho rằng hành động của Singapore lần này làm nảy ra nghi vấn về việc có thể tranh nhau hạ giá đồng tiền trong vùng. Theo họ, các nước Malaysia, Indonesia, và Philippines, mặc dù bên ngoài có vẻ ngược lại, nhưng thực ra bên trong, ở mức độ khác nhau, đang theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển ở Thái Lan và Singapore.

Thật vậy, theo công ty tư vấn tài chính Anh P.E.A, việc Thái Lan thả nổi đồng baht không chỉ tác động mạnh đến kinh tế Thái Lan, mà ảnh hưởng đến toàn khu vực. Hãy nói riêng về Thái Lan, việc đồng baht thả nổi từ 2/7/1997 đã làm hàng loạt công ty tài chính, xi măng, xây dựng, điện tử, lắp ráp ô tô... chao đảo. Bộ Tài chính công bố một kế hoạch ổn định tình hình kinh tế gồm 7 điểm, nhưng vẫn không ngăn được đồng baht tiếp tục tụt giá. Theo các nhà kinh tế, tình hình trên đòi hỏi Thái Lan cần phải vay từ bên ngoài ít nhất là 20 tỉ USD. IMF đưa ra một đề nghị cả gói, bao gồm việc cho vay và kèm theo một chương trình khẩn cấp yêu cầu Thái Lan phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu của Nhà nước, tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), bãi bỏ các khoản phụ cấp đỡ đầu cho những công ty yếu kém (đình chỉ hoạt động của 42 công ty trong tổng số 91 công ty tài chính của cả nước).

Theo tin tức gần đây, ngày 11/8 vừa qua, ở Tokyo đã có một cuộc họp của nhiều nước châu A' và tổ chức tài chính khu vực và thế giới để bàn những biện pháp giúp đỡ Thái Lan ổn định cuộc khủng hoảng tài chính và phục hồi kinh tế. Cuộc họp này đã quyết định cho Thái Lan vay 16 tỉ USD, trong đó Nhật Bản và IMF cho vay 8 tỉ USD. Nhưng các cơ quan tiền tệ Thái Lan vẫn chưa cho 16 tỉ là đủ, còn đang tiếp tục đề nghị các ngân hàng Nhật Bản tiếp tục giúp đỡ, vì đây là vấn đề tạo dựng lòng tin cho ngành tài chính Thái Lan.

Đối với khu vực, ngay khi Thái Lan vừa thông báo thả nổi đồng baht, các Ngân hàng Trung ương Malaysia tung ra bán đô la Mỹ, Indonesia tăng lãi suất cho vay từ 8% lên 12%. Thị trường tài chính Philippines đang êm ả, bỗng có hiện tượng đồng Peso sụt giá gần 12%. Ngày 11/7, Philippines phá giá đồng tiền, hầu hết các công ty ngừng vay tiền, nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán. Các công ty Philippines lo lắng trước khoản vay nợ của nước ngoài lên đến 41 tỉ USD.

Về phần Indonesia, các nhà phân tích cũng cho là có khả năng Indonesia trở thành "nạn nhân tiếp theo" vì đồng rupiah đã tụt giá đến 5,5% so với đồng USD. Đến ngày 14/8 vừa qua, Indonesia cũng đã phải tuyên bố thả nổi đồng rupiah, thêm một tín hiệu mới về cuộc khủng hoảng tiền tệ ở ĐNA. Còn đồng ringgit của Malaysia cũng đã phải chịu nhiều áp lực nặng nề, và đến ngày 12/8 đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ 42 tháng qua so với đồng đô la Mỹ.

*

Nhiều nhà quan sát đều nhất trí nhận định rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ nói trên là điều tất nhiên phải xảy ra sau một thời gian dài có nền kinh tế tăng trưởng cao, vay nợ nước ngoài quá nhiều, và dành đầu tư vào các khu vực có hiệu quả thấp. Người ta được biết, tờ báo Anh "The Economist" đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo việc này : "ở các nước ĐNA, đã xuất hiện hiện tượng không tương xứng giữa dự trữ ngoại tệ và nợ ngắn hạn, thâm hụt cán cân thanh toán đầu tư cao hơn tiêu dùng, không xác định có được bao nhiêu chương trình đầu tư thực sự có hiệu quả kinh tế...

Hiện nay, sau khi tin tức về việc các cơ quan tài chính và IMF cho Thái Lan vay 16 tỉ USD được công bố, đồng baht lập tức được ổn định ở mức 32 baht/1 USD. Nhưng tình hình chung cả khu vực vẫn chưa có dấu hiệu cuộc khủng hoảng đã kết thúc, và liệu đến bao giờ thì sẽ có lại sự phục hồi kinh tế. Về vấn đề này, ý kiến các nhà phân tích đang có sự chia rẽ. Một số nhà kinh tế cho rằng đây chỉ là hiện tượng "thoáng qua", là sự "cần thiết" trong tăng trưởng. Tổng thống Suharto của Indonesia đã nói ngày 16/8 vừa qua tại Hạ viện : "Việc đồng tiền Rupiah bị mất giá mạnh trong tuần này như một cơn bão, rồi sẽ qua đi, và chính phủ Indonesia vẫn sẽ duy trì các chính sách tài chính và tiền tệ mạnh cho tới khi giá đồng rupiah ổn định so với đồng đô la". Một số nhà quan sát khi nhìn qua sự tiến bộ trong nửa đầu năm 1997 đã cho rằng có cơ sở để nói đến cuối năm 1997, tất cả các con hổ ASEAN sẽ hoàn toàn ra khỏi khủng hoảng và bước vào 1998 với một tư thế mới.

Nhưng cũng có một số nhà phân tích khác lại cho rằng "điều diệu kỳ châu A'" đã cáo chung. Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài đến hết thế kỷ. Ông Vibongsar, một cựu Bộ trưởng Tài chính của Thái Lan nói tại một cuộc hội thảo : "Thái Lan đã có kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng năm 1980 trước đây ; lúc ấy, Thái Lan cũng đã vay tiền của IMF, và cũng phải hai năm sau đó, kinh tế mới phục hồi".

Tuy có ý kiến khác nhau về thời gian phục hồi, các nhà phân tích nói chung đều tỏ ra quan tâm đến một trong những yếu tố làm cho cuộc khủng hoảng lần này trong chốc lát bỗng trở nên trầm trọng : đó là yếu tố can thiệp từ bên ngoài vào.

Theo báo chí cho biết, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammed đã nói đến "một cố gắng phối hợp" của một số thế lực bên ngoài nhằm phá hoại kinh tế các nước trong khu vực. Cố gắng này được thực hiện qua tay những người giàu có, nắm hàng tỉ đô la, chỉ trong vòng vài tuần lễ có khả năng làm tiêu tan mọi thành quả kinh tế mà cả nước Malaysia phải đổ ra 30 năm mới tạo dựng được. Ngài Thủ tướng cũng đã nêu đích danh nhà tỉ phú Mỹ George Soros (gốc Hungary) là người đứng sau âm mưu phá hoại ấy với động cơ chính trị là trừng phạt các nước ASEAN đã kết nạp Myanmar. Nhiều người đã biết với tiền riêng của mình, nhà tỉ phú Soros đã điều khiển những vụ phá rối thị trường tiền tệ của khắp thế giới. Khi đồng baht sụt giá, người quản lý của ông ta, Stanley Druckenmiller đã thừa nhận quỹ của ông Soros quả có thu được một số lời.

Thủ đoạn nhằm thực hiện âm mưu khuynh đảo thị trường tiền tệ ở ĐNA, cũng theo báo chí phản ảnh, là việc buôn bán và đầu cơ đồng tiền. Họ tung đô la ra mua bán đồng baht của Thái Lan, đồng peso của Philippines, đồng rupiah của Indonesia, đồng ringgit của Malaysia và cả đồng đô la Singapore. Theo các số liệu có được, chỉ trong 2 tháng vừa qua, họ đã mua một số lượng đồng bạc ĐNA, khoảng từ 10 đến 15 tỉ USD. Vì thế Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN đã phải tung USD ra để can thiệp và giữ giá đồng tiền nước mình. (Ngân hàng Thái Lan và Malaysia đã bán ra tương đương 8 tỉ USD). Cuối cùng, trước sức ép quá lớn, các nước nói trên buộc phải phá giá đồng tiền nước họ.

Cuộc khủng hoảng tài chính của các con hổ ASEAN còn đang diễn biến phức tạp. Dư luận còn đang theo dõi chặt chẽ./.

Cùng chuyên mục