Số 20 - Một số nét về chủ nghĩa khu vực mở

03:53 22/03/2012

Một số nét về chủ nghĩa khu vực mở

Tác giả: Nguyễn Đình Luân.

Chủ nghĩa khu vực lần đầu tiên được thực hiện trên thực tế ở châu Âu vào cuối những năm 50 với sự ra đời của EEC (1958). Sự ra đời của EEC vừa là một tất yếu khách quan chung, vừa là kết quả phát triển điển hình của Châu Âu. Điển hình ở sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội, ở phong trào khai sáng và phục hưng văn hoá, ở các lý thuyết xã hội về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa xã hội - dân chủ... ở phương diện nào đó, có thể nói, châu Âu là nơi thử nghiệm các bước ngoặt của lịch sử nhân loại và đồng thời là nơi cung cấp cho các châu lục khác những kinh nghiệm quí báu về an ninh, hợp tác và phát triển, trong đó có chủ nghĩa khu vực.

Tiến trình khu vực hoá ở Tây Âu được hình thành và phát triển trên cơ sở gần gũi các lợi ích về an ninh và kinh tế, các giá trị chung về văn hoá, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền của các nước thành viên. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh EEC đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ đầu những năm 70, Tây Âu cùng với Nhật Bản đã trở thành hai trung tâm kinh tế thế giới cạnh tranh với Mỹ. Chủ nghĩa khu vực đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu quyền lực quốc tế, vì nó thúc đẩy tiến trình phi tập trung hoá quyền lực kinh tế thế giới và điều này, một cách tất yếu, sẽ dẫn tới phi tập trung hoá quyền lực chính trị quốc tế.

Sau chiến tranh lạnh, do những biến đổi cơ bản trong cấu trúc của hệ thống quan hệ quốc tế, chủ nghĩa khu vực đã có những bước phát triển mới về qui mô và hình thức.

Sự sụp đổ của Liên Xô cùng với mô hình kinh tế tập trung, hành chính, mệnh lệnh đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế thị trường trở thành một xu thế phổ quát trên toàn cầu. Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị Trường đại học tổng hợp Harvard gọi đó là quá trình thị trường hoá (marketization)(1) .

Ngay từ giữa thế kỷ XIX, trong tác phẩm nổi tiếng : "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", C.Mác và Ph. ăngghen đã khẳng định : "Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới... Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung, tự cấp ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc" (2).

Vào thời của Mác và trải qua nhiều năm cho đến giữa thế kỷ XX, thị trường thế giới chủ yếu vẫn dựa trên cái cốt vật chất là nền đại công nghiệp. Thời kỳ chiến tranh lạnh (1947 - 1991) do một loạt nguyên nhân chủ quan và khách quan, kinh tế thị trường về căn bản chỉ phát triển ở hệ thống tư bản chủ nghĩa. Cốt vật chất đã thay đổi một cách cơ bản, từ đại công nghiệp sang hậu công nghiệp. Những công nghệ mới mà trước hết là công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi. Bắt đầu từ giữa thế kỷ XX đến nay thị trường thế giới cũng có những thay đổi hết sức quan trọng cả bề rộng lẫn bề sâu. Tính tự phát của kinh tế thị trường trên qui mô toàn cầu giảm dần. Sau cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 - 1933, người ta bắt buộc và cần phải chú ý đến vấn đề quản lý kinh tế, thương mại ở tầm vĩ mô, không chỉ ở phạm vi quốc gia mà cả ở thị trường khu vực và thế giới. Tự do hoá thương mại, đầu tư không có nghĩa là bất chấp mọi luật lệ, qui tắc. Từ GATT đến WTO là quá trình tự giác hoá, thể chế hoá và quản lý hoá các quan hệ thương mại quốc tế.

Sự thay đổi cơ bản trong cấu trúc của hệ thống thương mại quốc tế và quá trình quốc tế hoá sản xuất tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của từng khu vực với tư cách là những tiểu hệ thống. Những biến đổi của cấu trúc lớn làm thay đổi hành vi của các cấu trúc nhỏ, đến các yếu tố cấu thành của đại hệ thống. Chủ nghĩa khu vực mở là một trong những đặc trưng mới của quá trình khu vực hoá mà hiện thân đầu tiên của nó là APEC. Thực ra đây là một tổ chức hợp tác kinh tế liên khu vực ra đời từ 1989, nhưng chỉ được đẩy mạnh trong mấy năm gần đây. Tính chất "mở" của tổ chức này được qui định bởi dấu hiệu địa lý độc đáo : "Thái Bình Dương" - một nét đặc thù khác biệt so với các tổ chức hợp tác kinh tế ở các lục địa khác như EU, NAFTA, AFTA, MECOSUR, SAARC, ECO v.v... ở đây muốn đề cập đến tính chất mở của chủ nghĩa khu vực ở một phương diện khác. Đó là :

- Do nhịp độ phát triển nhanh của quá trình "thị trường hoá" mà toàn cầu hoá chỉ là một trong những phương diện cơ bản của nó, xu thế mở rộng số lượng thành viên của các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực được đẩy mạnh. Các tổ chức kinh tế khu vực không còn đóng kín với số lượng thành viên ban đầu. Ngày 1/1/1994 EU và EFTA cùng nhau thành lập EEA (European Economic Area). Với 17 thành viên, EEA là thị trường liên kết kinh tế lớn nhất thế giới. EEA sẽ mở rộng sang Đông Âu. Tháng 9/1994, 34 nước châu Mỹ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ở Miami và quyết định thành lập FTAA (Free Trade Area of the Americas). Như vậy trong tương lai NAFTA sẽ được mở rộng ra toàn châu Mỹ. APEC và AFTA cũng được mở rộng.

"Thị trường hoá" toàn cầu làm cho quá trình cạnh tranh thêm gay gắt: cạnh tranh giữa các nước với nhau và cạnh tranh giữa các khu vực. Địa - kinh tế trở thành một nhân tố hết sức quan trọng. Khái niệm "các lãnh thổ kinh tế tự nhiên" (natural economic territories) có thể mở rộng giới hạn từ "tam giác tăng trưởng kinh tế" sang "khu vực tăng trưởng kinh tế". Sự gia tăng tính tuỳ thuộc lẫn nhau và sự chuyển đổi cơ bản từ trò chơi "tống số bằng không" (zero-sum game) sang trò chơi "cùng nhau giành phần thắng" (win - win game) đã và đang đẩy mạnh quá trình mở rộng số thành viên của các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực. Đó là một phương diện quan trọng. Còn một tác nhân khác nữa cũng cần phải đề cập đến là khía cạnh an ninh sau chiến tranh lạnh. Tham gia vào các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực cũng là một nhân tố quan trọng phục vụ cho bảo vệ an ninh quốc gia vì nó tạo ra một thế đứng mới cho quốc gia trong quan hệ quốc tế.

- Tính chất mở của chủ nghĩa khu vực còn thể hiện ở việc mở rộng hợp tác giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển. Có thể thấy rõ điều này trong cơ cấu thành viên hiện tại và tương lai của tất cả các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực. Khi NAFTA mới ra đời, nhiều ý kiến cho rằng tổ chức này khó có thể thành công vì có sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển giữa Mêxicô với Mỹ và Canada. Thực tế những năm qua đã chứng tỏ đâu là chân lý. Trong quá trình hội nhập khu vực, các nước có trình độ phát triển thấp hơn đương nhiên sẽ gặp khó khăn hơn, nhưng nếu biết cách vượt qua thì sẽ tạo được một sự phát triển nhảy vọt, rút ngắn được nhiều hơn thời gian dành cho công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước so với các nước đi trước. Hội nhập kinh tế khu vực là một phương thức phát triển "rút gọn" và "đẩy mạnh" đối với các nước đang phát triển hiện nay. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là thời cơ lớn.

Như vậy có thể thấy mâu thuẫn Bắc - Nam, mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển với các nước đang phát triển đang có những hình thức biểu hiện mới và do đó, đòi hỏi phải có những phương pháp giải quyết kiểu mới. Đấu tranh là nhằm để hợp tác tốt hơn và phát triển tốt hơn. Đấu tranh để cùng phát triển đang trở thành một đòi hỏi bức xúc đối với cả hai phía, hai nhóm nước.

- Tính chất mở của chủ nghĩa khu vực cũng còn được thể hiện rõ ở việc không phân biệt sự khác nhau về hệ tư tưởng chính trị trong quá trình hợp tác, hội nhập phát triển kinh tế - một điều từng là cấm kỵ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Chưa bao giờ tư tưởng của Lênin về cùng tồn tại hoà bình giữa các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau được thể hiện sinh động trong đời sống hiện thực như hiện nay. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 và Trung Quốc cũng như Việt Nam sẽ gia nhập WTO trong tương lai là những minh chứng rõ ràng cho điều đó. Hiện thực sinh động mới đang đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để lĩnh hội và phát triển những tư tưởng của Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước chậm phát triển, trong đó có tư tưởng về chủ nghĩa tư bản nhà nước. Không có sự hợp tác kinh tế với các nước tư bản phát triển thì khó có thể công nghiệp hoá và hiện đại hoá được đất nước.

- Chủ nghĩa khu vực mở không giới hạn ở sự liên kết và hợp tác kinh tế trong nội bộ mỗi khu vực. Như trên đã nói, do tính độc đáo riêng biệt mà APEC bao quát cả một khu vực địa lý rộng lớn liên quan đến cả Đông á và Bắc Mỹ. Điều cần nói ở đây là xu thế mở rộng hợp tác kinh tế khu vực này với các khu vực khác. EU đang đẩy mạnh liên kết kinh tế với châu á và châu Mỹ. "Thị trường hoá" toàn cầu đòi hỏi như vậy. Cùng với tăng cường khu vực hoá là tăng cường hợp tác liên khu vực. Đây là những cấp độ, phương diện, hình thức của quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới.

- Tính chất mở của chủ nghĩa khu vực còn biểu hiện ở chỗ: mỗi nước cùng một lúc có thể tham gia các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực khác nhau và có thể cùng đẩy mạnh hợp tác kinh tế đa phương và song phương với tất cả các đối tác trên toàn cầu. Mỹ và Canada vừa là thành viên của NAFTA, vừa là thành viên của APEC. Một số nước của ASEAN cũng vừa là thành viên của AFTA, vừa là thành viên của APEC.

Khả năng có thể cùng một lúc tham gia các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực khác nhau là thời cơ và cũng là thách thức với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bởi vì sức mạnh tổng hợp quốc gia có phần hạn chế, nên điều đặt ra cấp bách cho nhiều nước đang phát triển là các ưu tiên và thứ tự ưu tiên trong chiến lược hội nhập khu vực kết hợp với việc đẩy mạnh hệ kinh tế song phương. Thực tế phát triển kinh tế của Trung Quốc từ 1978 đến nay cho thấy, Trung Quốc hết sức chú trọng đến hợp tác kinh tế với các nước tư bản phát triển hàng đầu như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp v.v... Năm 1985 Trung Quốc và Mỹ cân bằng về thương mại. Nhưng từ 1986 trở đi Trung Quốc bắt đầu xuất siêu sang Mỹ. Tới 1995, con số đó đã lên tới gần 40 tỷ USD (3) . Có thể nói Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng của sự thần kỳ kinh tế của Nhật Bản và của các con rồng châu A' là tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ. Đây là một nét đáng chú ý đối với nhiều nước đang phát triển hiện nay ở châu A'.

Tính chất mở của chủ nghĩa khu vực đòi hỏi phải có tư duy kinh tế mở năng động và sáng tạo. Cùng một lúc mỗi chủ thể kinh tế phải vừa đẩy mạnh các quan hệ kinh tế song phương và đa phương ở các cấp độ khác nhau : "tam giác tăng trưởng kinh tế", khu vực, toàn cầu (WTO). Một kiểu tư duy mới đang được nhiều học giả bàn đến. Đó là trong bối cảnh "thị trường hoá" toàn cầu, khu vực hoá và toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới có thể và cần phải : suy nghĩ mang tính địa phương, nhưng hành động mang tính toàn cầu (4) . Thực chất đây là sự phản ánh một mặt quan trọng của mối quan hệ biện chứng giữa "thị trường hoá", toàn cầu hoá và khu vực hoá. Bất kỳ một hoạt động kinh tế cụ thể nào đều được thực hiện trong một không gian, một vị trí đặc thù, đồng thời nó cũng là kết quả tác động của các yếu tố "thị trường hoá" và toàn cầu hoá. Hành động trên phạm vi toàn cầu là một nhu cầu bức xúc đối với tất cả các quốc gia hiện nay không kể đó là quốc gia lớn hay nhỏ./.

Tài liệu trích dẫn:

1. Foreign Policy, Summer 1997, p.36.

2. C. Mác- Ph. Ăngghen.-Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. NXB Sự thật, 1986, tr. 47.

3. Washington Quartely.-Spring 1997, p.206.

4. Annals APPSS.-May 1997, vol. 551, p. 28./.

Cùng chuyên mục