Số 20 - Một số suy nghĩ xung quanh vấn đề lương thực Trung Quốc

03:58 22/03/2012

Một số suy nghĩ xung quanh vấn đề lương thực Trung Quốc

Tác giả: Chu Quỳnh Chi.

Đối với mọi quốc gia trên thế giới, vấn đề lương thực luôn luôn là mối quan tâm lớn trong chiến lược phát triển kinh tế. Với Trung Quốc, đây chẳng những là một vấn đề cấp bách mà còn là vấn đề then chốt của sự tồn tại và phát triển của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Trung Quốc có thể tự nuôi sống bằng lương thực nội địa, hay phải dựa vào lương thực nước ngoài? Đây là bài toán phức tạp nhất, đã vậy lại có những giải đáp trái ngược nhau.

Từ sau khi tiến hành chính sách cải cách, mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu to lớn khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong giai đoạn 1978 - 1995 (17 năm) nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng trên 10% năm. GDP tăng gấp hơn 4 lần, ngoại thương tăng trung bình là 17% năm. Nếu giữ được mức tăng trưởng như vậy thì bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những đối tác chính của nền kinh tế thế giới, và đương nhiên nó có tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới. Nhưng để có được vị trí ấy trong tương lai thì Trung Quốc phải vượt qua một số thách thức lớn. Theo các nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ít nhất, Trung Quốc vấp phải 5 vấn đề hóc búa, được gọi là 5 cuộc khủng hoảng lớn là: Dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái. Trong 5 gánh nặng này thì cuộc khủng hoảng lương thực được coi là gay cấn thứ hai sau khủng hoảng dân số và ảnh hưởng trực tiếp tới các cuộc khủng hoảng kia. Vấn đề dễ thấy vì Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, chiếm hơn 1/5 tức 22% dân số thế giới, trong đó đất canh tác chỉ chiếm 1/15 tức 7% diện tích canh tác thế giới. Tỷ lệ dân số và diện tích canh tác này cho thấy Trung Quốc rơi vào vị thế bất lợi.

Để có đủ lương thực nuôi sống một tỷ dân, rõ ràng không phải chuyện đơn giản. Thực tế chỉ có hai giải pháp: một là tăng sản lượng lương thực trong nước, hai là nhập khẩu lương thực.

Nếu nhập lương thực, trước hết Trung Quốc phải có ngoại tệ, nhưng thực tế ngoại tệ dành cho lương thực không thể chiếm tỷ trọng cao, hơn nữa thị trường lương thực thế giới cũng không đủ khả năng cung cấp một khối lượng lớn cho Trung Quốc. Trước thực tế này, trong bài phát biểu về vấn đề nông nghiệp và phát triển công tác nông thôn nhân chuyến đi khảo sát tại Hà Nam, ông Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định rằng chỉ có Trung Quốc mới có thể tự giải quyết vấn đề lương thực của mình bằng cách tự sản xuất. ông nhấn mạnh rằng phải luôn luôn nắm chắc sản xuất nông nghiệp, đó là sản xuất lương thực. Vấn đề ăn của 1,2 tỷ dân chỉ có thể dựa vào mình để giải quyết và chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để tự giải quyết.

Để chứng minh cho luận điểm này, người ta xem xét thực trạng tình hình sản xuất lương thực Trung Quốc theo chiều hướng tích cực. Dưới đây là những con số thống kê cho thấy mối tương quan giữa vấn đề dân số và lương thực của Trung Quốc.

- Từ sau khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1949, sản lượng lương thực Trung Quốc chỉ đạt khoảng 100 triệu tấn (bao gồm: gạo, lúa mì, ngô, đậu tương, các loại củ). Khi đó dân số Trung Quốc mới có 420 triệu người.

- Năm 1957, sau khi hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, sản lượng lương thực là: 200 triệu tấn, dân số là 540 triệu người.

- Hai thập kỷ sau, vào năm 1975, sản lượng lương thực đạt 300 triệu tấn, dân số là 960 triệu người.

Tuy nhiên con số trên cũng không nói lên rằng trong giai đoạn này Trung Quốc đã cải thiện một cách đáng kể vấn đề lương thực, vì vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 (1958 - 1961) Trung Quốc đã gặp nạn đói hết sức trầm trọng cướp đi nhiều triệu sinh mạng.

Nếu nhìn tổng thể cả giai đoạn dài thì có thể khẳng định rằng Trung Quốc giữ được xu thế tăng trưởng trong sản xuất lương thực. Riêng giai đoạn 1978 - 1984, trong vòng 6 năm, sản lượng lương thực đã tăng từ 300 lên 400 triệu tấn. Sau đó tỷ lệ tăng lương thực bị chậm lại, đạt 465 triệu tấn vào năm 1995. Bình quân lương thực cho một đầu người là 380kg gấp gần 2 lần so với năm 1949. Những số liệu này cho thấy tỷ lệ tăng lương thực lớn hơn tỷ lệ tăng dân số. Cụ thể là từ năm 1949 đến 1996 dân số Trung Quốc tăng gần 3 lần trong khi đó sản lượng lương thực tăng khoảng 5 lần.

Vấn đề lương thực Trung Quốc trong thế kỷ 21

Bước vào thập kỷ 90, khi sản lượng lương thực Trung Quốc đạt gần được 450 triệu tấn (1990), mức tăng trưởng lương thực Trung Quốc có xu hướng chững lại.

Theo thống kê của Trung Quốc thì sản lượng lương thực được ghi nhận như sau:

1990: 446,2 triệu tấn

1991: 435,3 triệu tấn

1992: 442,7 triệu tấn

1993: 456,0 triệu tấn

1994: 445,0 triệu tấn

1995: 465,0 triệu tấn

1996: 480,0 triệu tấn

Tình hình trên đã làm nảy sinh nhiều dự đoán khác nhau về tương lai lương thực Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể phân làm hai loại ý kiến trái ngược:

1. Loại ý kiến bi quan: Những người đồng tình với quan điểm này cho rằng Trung Quốc không thể tránh khỏi tình trạng đối mặt với vấn đề thiếu lương thực trầm trọng, và sẽ trở thành nước nhập khẩu lương thực chính của thế giới. Đại diện cho quan điểm này là ông Lester Brown, Viện trưởng Viện nghiên cứu World Watch. ông cho rằng chỉ với sự gia tăng dân số 13 triệu người/năm thì đến năm 2050 có 1,6 tỷ người, Trung Quốc sẽ thiếu 216 triệu tấn lương thực, lớn hơn cả con số trao đổi lương thực của thế giới năm 1994 (năm 1994 thế giới xuất khẩu 219 triệu tấn lương thực) đấy là chưa tính tới nhu cầu lương thực tăng do thu nhập bình quân đầu người tăng !

Nguyên nhân chính làm hạn chế mức tăng sản lượng lương thực là do diện tích canh tác ngày một giảm như dùng quĩ đất vào các mục tiêu phi lương thực, ví dụ: mở mang thành phố, xây dựng khu công nghiệp. Mặt khác chỉ số gối vụ đã cao không thể tăng được nữa, diện tích tưới tiêu ngày càng giảm, khả năng dùng phân hoá học để tăng sản đã tới giới hạn v.v... Đây là những vấn đề nan giải mà Trung Quốc khó có thể vượt qua.

2. Loại ý kiến lạc quan: Các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể tự nuôi sống mình.

Người ta dự tính đến năm 2000, mức tiêu thụ lương thực bình quân đầu người đạt trên 400 kg, dân số ít nhất là 1 tỷ 3, lương thực cần 520 triệu tấn. Cho đến năm 1996, Trung Quốc đạt sản lượng lương thực là 480 triệu tấn. Việc thu hẹp khoảng cánh 40 triệu tấn trong ba năm tới có thể thực hiện được.

Tháng 10/1996 Văn phòng báo chí Quốc Vụ viện nước CHND Trung Hoa tuyên bố cuốn sách trắng "Vấn đề lương thực của Trung Quốc", con số nêu ra như sau:

- Năm 2000, dân số 1,3 tỷ, bình quân lương thực 385 kg/người, cần 500 triệu tấn lương thực.

- Năm 2020, dân số 1,4 tỷ, bình quân lương thực 390 kg/người, cần 550 triệu tấn lương thực.

- Năm 2050, dân số 1,6 tỷ, bình quân lương thực 400 kg/người, cần 640 triệu tấn lương thực.

Trong khi đó năm 1996, Trung Quốc đạt sản lượng 480 triệu tấn lương thực (tăng 15 triệu tấn so với năm 1995. Nếu lấy mức độ thấp chỉ cần bình quân mỗi năm tăng trên 5 triệu tấn lương thực thì việc thực hiện chỉ số này nằm trong tầm tay của nền nông nghiệp Trung Quốc.

Để đánh giá một cách khách quan, ta nên xem xét toàn diện, những điều kiện thuận lợi và khó khăn trong vấn đề lương thực của Trung Quốc.

1. Những khó khăn và bất lợi:

1.1. Diện tích đất canh tác giảm:

Theo con số thống kê chính thức thì từ năm 1949 đến 1992 diện tích canh tác của toàn Trung Quốc giảm 2,57%.

Như trên đã nêu, do quá trình phát triển đô thị, quá trình công nghiệp hoá, diện tích đất canh tác bị thu hẹp lại. Đặc biệt từ sau năm 1978, do triển khai chính sách mở cửa, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, các địa phương rầm rộ đi vào công nghiệp hương trấn, lợi nhuận thu được trên mảnh đất công nghiệp cao hơn mảnh đất nông nghiệp trồng cây lương thực, vì vậy người ta không ngần ngại bỏ ruộng đất để xây dựng nhà máy, đường sá, cầu cống, các khu chế xuất, khu công nghiệp kỹ thuật cao, khu vui chơi, giải trí cho đô thị.

Mặt khác dân số tăng, nhưng diện tích canh tác đã không tăng lại bị giảm đi nên bình quân diện tích tính theo đầu người ngày một giảm. Năm 1945 bình quân 0,18 ha/người, đến năm 1992 chỉ còn 0,048 ha/người. Con số này sẽ còn tiếp tục giảm đi khi dân số tiếp tục sinh sản, nhưng đất lại không sinh sản.

Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng có ảnh hưởng đáng kể đến đất canh tác, ngày nay cơ cấu thực phẩm đã thay đổi, nhu cầu về rau quả tăng lên, giá trị hoa mầu cao hơn giá trị lương thực, nên người nông dân đã tự động bỏ lúa, ngô để trồng hoa mầu. Năm 1976 Trung Quốc có 2,7 triệu ha rau quả nhưng đến năm 1994, diện tích rau quả lên tới 8,3 triệu ha, gần gấp 3 lần. Chiều hướng này sẽ tiếp tục phát triển.

1.2. Sản lượng lương thực không tăng nhanh như trước.

Giai đoạn 1950 - 1978, Trung Quốc tiến hành quảng canh, mở rộng diện tích canh tác bằng biện pháp thuỷ lợi. Khi đó thuỷ lợi đã góp phần làm cho sản lượng lương thực tăng đáng kể. Nhưng thuỷ lợi không phải là khả năng vô tận vì đất có hạn mà nước cũng có hạn. Đến nay vấn đề thuỷ lợi cũng gặp trở ngại lớn, do dân số tăng, công nghiệp phát triển nên nước dùng cho công nghiệp và sinh hoạt ngày càng lớn, khiến cho nước sinh hoạt và công nghiệp đã chiếm đoạt cả nước dùng cho sản xuất lương thực. Thêm vào đó, hệ thống thuỷ lợi xây dựng trước đây nay đã xuống cấp, 60% cơ sở thuỷ lợi đã lạc hậu trong đó 30% cần sửa chữa gấp. Có thể nói biện pháp thuỷ lợi nay không còn hiệu quả là bao trong việc nâng cao sản lượng lương thực, ngược lại có thể kéo sản lượng lương thực tụt xuống nếu không được củng cố.

- Giai đoạn 1978 đến nay: người ta phải thừa nhận rằng do có chính sách khoán trong nông nghiệp, lực lượng sản xuất được giải phóng, người nông dân được gắn quyền lợi của mình vào năng suất lương thực, nên họ đã dồn sức cho canh tác.

Giai đoạn này sản lượng lương thực tăng trưởng nhanh còn nhờ việc sử dụng phân hoá học và giống lúa mới. Nhưng tới nay tác dụng phân hoá học đã bão hoà, không thể đẩy năng suất lên được nữa. Trung Quốc là nước dùng phân hoá học nhiều nhất thế giới, năm 1994 đạt tới 29,2 triệu tấn, trong khi đó Mỹ sử dụng có 18,5 triệu tấn. Trung Quốc vẫn phải nhập hàng chục triệu tấn phân hoá học tiêu dùng lượng ngoại tệ không nhỏ.

Cùng với những vấn đề trên, Trung Quốc còn gặp hàng loạt các yếu tố khác cản trở khả năng nâng cao sản lượng lương thực như đất bị xói mòn, bạc mầu, kiềm hoá, đặc biệt là vấn đề lãng phí lương thực từ khâu thu hoạch sản xuất tới sinh hoạt. Về vấn đề này các nước tiên tiến cho phép hao hụt khoảng 5% nhưng hiện nay ở Trung Quốc lãng phí tới 10%.

2. Những biện pháp khắc phục:

Trung Quốc hơn ai hết thấy được những khó khăn bất lợi trong sản xuất lương thực, nhưng họ không bi quan, mà từng bước tìm ra các giải pháp hữu hiệu cho từng vấn đề và định liệu các khả năng giải quyết đồng bộ.

2.1. về diện tích canh tác: Chính phủ Trung Quốc cho rằng việc duy trì diện tích canh tác ở mức trên dưới 100 triệu ha như hiện nay là thực hiện được, việc mở mang đô thị và công nghiệp sẽ được bù lại bằng khai khẩn đất hoang. Hiện nay Trung Quốc có hơn 30 triệu ha đất nông nghiệp bỏ hoang. Trong đó có khoảng hơn 10 triệu ha có thể khai hoang trồng cây lương thực, thực phẩm, họ trông vào vùng núi đồi phía Nam, vùng thảo nguyên phía Bắc và rừng núi phía Tây. Trung Quốc có nguồn thảo nguyên, bờ biển, sông ngòi, núi non phong phú. Theo thống kê, trong 17,47 triệu ha diện tích mặt nước. Trong đất liền có thể sử dụng 6,75 triệu ha nuôi thả thuỷ sản, nhưng hiện nay mới sử dụng có 15%. Diện tích mặt biển để nuôi thuỷ sản khoảng 2,6 triệu ha, nhưng mới khai thác được 28%. Thảo nguyên có 390 triệu ha, có thể khai thác được 320 ha, đứng thứ 3 thế giới. Từ các khu vực thảo nguyên này người ta có thể biến cải thành những đồng cỏ nhân tạo, mở rộng công nghiệp chăn nuôi gia súc, nâng cao sản phẩm từ gia súc.

Còn lại là núi đồi chiếm 70% diện tích đất nước, khu vực này là điều kiện thích hợp để phát triển thực phẩm từ cây thân gỗ.

2.2. Lấy khoa học kỹ thuật chấn hưng nông nghiệp.

Biện pháp tích cực để chấn hưng nông nghiệp bao gồm các khâu kỹ thuật canh tác như cải tạo chân ruộng xấu thành chân ruộng tốt gieo cấy giống lúa lai năng suất cao, chống sâu, rầy v.v...Ơ Trung Quốc ruộng cao sản đạt 7,5 tấn/ha, ruộng thấp và trung sản là 3 tấn/ha.

Hiện nay Trung Quốc còn chưa khai thác hết ruộng cao sản, diện tích ruộng thấp sản có thể nâng lên thành ruộng cao sản vẫn chưa được cải tạo nhiều, các địa phương còn có điều kiện mở rộng diện tích ruộng cao sản.

Trung Quốc đã nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất nông nghiệp, thực tế khoa học kỹ thuật đã cống hiến được 35% tổng sản lượng. Trong khi đó các nước tiên tiến trên thế giới đạt tới 60% sản lượng và cao hơn nữa. Bởi vậy Trung Quốc đã xác định cho mình "chiến lược khoa học kỹ thuật chấn hưng nông nghiệp", Nhà nước tập trung đầu tư, tạo điều kiện để thu nhỏ khoảng cách này với thế giới. Đến năm 2000 dần dần nâng cao hiệu quả của khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp ở mức 50%, vào năm 2030 tiếp cận mức độ của các nước tiên tiến.

2.3. Giảm lãng phí lương thực:

Chu trình sản xuất từ gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, gia công, tới tiêu thụ, dự tính thất thoát ít nhất là 10% sản lượng. Mỗi một năm mất đi khoảng 45 triệu tấn lương thực. Nếu giải quyết hợp lý các khâu này có thể giảm đi 5%, tiết kiệm được 20 triệu tấn lương thực/năm. Trước đấy người ta ít để ý đến vấn đề này, nhưng nay nó đã nằm trong chương trình của nhà nước.

2.4. Chính sách khuyến nông của Chính phủ:

Có thể nói chính sách khuyến nông tích cực của Trung Quốc là nhân tố chính làm thay đổi vấn đề sản xuất lương thực, nó có tác động rõ rệt nhất từ năm 1980 đến nay. Chính sách nông nghiệp từ 1979 đến 1994 được chia làm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1979 - 1984: Trung Quốc đã bỏ hệ thống quản lý tập trung của công xã nhân dân chuyển sang hệ thống khoán đến hộ gia đình. Đồng thời chính phủ đã nâng giá thu mua lương thực làm cho sản lượng lương thực tăng một cách đáng kể (từ 304,8 triệu tấn (1979), lên 407,8 triệu tấn (năm 1984).

- Giai đoạn 1985 - 1988: Hệ thống kinh tế thị trường đã mở rộng đối với nông dân, tài nguyên, đất đai được dành nhiều cho các hoạt động kinh tế phi lương thực, ảnh hưởng đến nông nghiệp bị trì trệ (1981 là 379 triệu tấn; 1988 là 394,1 triệu tấn).

- Giai đoạn 1988 - 1993: vào năm 1988, Chính phủ tăng giá thu mua lương thực, thị trường lương thực trong nước đã hấp dẫn người nông dân. Nhờ vậy mà sản lượng lương thực tăng nhảy vọt vào năm 1990 là 446,2 triệu tấn. Nhưng do hệ thống phân phối lương thực không theo kịp nên dẫn đến dư thừa lương thực, người nông dân không hào hứng sản xuất khiến cho sản lượng lương thực bị tụt. Bởi vậy chính phủ đã phải đưa ra biện pháp tự do hoá trong lưu thông phân phối lương thực để kích thích sản xuất.

- Giai đoạn từ 1994 đến nay: Chính phủ Trung Quốc đã loại bỏ kiểu quản lý cũ đối với nông nghiệp và coi trọng nông nghiệp như mọi ngành công nghiệp khác. Từ chính sách đầu tư, thuế khoá, trợ giá lúc thiên tai tới lưu thông phân phối đều có sự điều tiết của Nhà nước trên cơ sở kinh tế thị trường.

Thực tế cho thấy, chính sách của chính phủ có tác dụng tích cực cũng như tiêu cực rất lớn đến sản xuất lương thực. Do đó muốn tìm hiểu tình hình sản xuất lương thực của Trung Quốc trong tương lai, nên xét đến chính sách nông nghiệp của Trung Quốc trong giai đoạn tới.

3. Chính sách nông nghiệp của Trung Quốc:

Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tháng 3 - 1996 Thủ tướng Lý Bằng một lần nữa khẳng định nông nghiệp là lĩnh vực hết sức quan trọng, mục tiêu đến năm 2000 sản lượng phải đạt từ 490 - 500 triệu tấn lương thực. Ông cho rằng: xem xét vấn đề lương thực không chỉ đơn thuần nhìn vào sản lượng lương thực mà còn phải chú ý đến vấn đề an ninh lương thực, chính sách xã hội và chính sách công nghiệp hoá. Cần phải thực hiện chiến lược đẩy mạnh nông nghiệp bằng cách dựa vào khoa học kỹ thuật và giáo dục, chú ý hơn nữa tới việc bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật và khoa học nông thôn, phổ cập kỹ thuât mới cho người nông dân, tiến tới hiện đại hoá, cơ giới hoá nông nghiệp. Với những ý tưởng trên, mọi người đều thấy Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn một chiến lược lương thực dài hơi trong vòng 50 năm. Có thể nói đây là chương trình tự lực tự cường về lương thực, với chương trình này Trung Quốc đã quan tâm toàn diện tới vấn đề lương thực, không chỉ có sản lượng, mà còn cả an ninh lương thực, cả vấn đề xã hội và vấn đề công nghiệp hoá nông nghiệp. Trước đây nhà lãnh đạo lão thành của Trung Quốc Trần Vân từng nhiều lần nhắc tới tầm quan trọng của lương thực: "Vô lương tắc loạn !".

Nếu không có lương thực xã hội chẳng những loạn lạc mà còn không thể tồn tại và phát triển được !

Trong lịch sử nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa gần một nửa thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng đối mặt với vấn đề lương thực, họ đã rút ra nhiều bài học xương máu, cho tới nay nhìn chung đã tìm được lối ra cho vấn đề lương thực. Nhưng mọi chính sách cần được kiểm nghiệm qua thực tế. Người ta cũng hy vọng Trung Quốc tự giải quyết được vấn đề lương thực trên cơ sở sức mạnh của mình với đường lối lương thực thích hợp. Nếu Trung Quốc tự lo được lương thực cho mình thì tình hình lương thực thế giới cũng bớt căng thẳng.

*

Qua việc xem xét lại quá trình sản xuất lương thực và khả năng phát triển lương thực của Trung Quốc từ khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tới nay, chúng ta thấy được những khó khăn, thuận lợi, và các biện pháp giải quyết vấn đề thực tiễn của Trung Quốc là có hiệu quả. Từ đó có thể đồng tình với quan điểm: trong tương lai gần, với điều kiện chính trị xã hội và thiên nhiên bình thường (không có thiên tai nghiêm trọng, không có chiến tranh hoặc nội chiến...) thì Trung Quốc có thể đáp ứng được 95% lương thực của mình. Việc nhập lương thực không chiếm tỷ trọng lớn. Đương nhiên với điều kiện tỷ lệ dân số của Trung Quốc phải ổn định như hiện nay thì mới cân đối được với những nỗ lực tăng trưởng lương thực. Giải pháp của vấn đề lương thực Trung Quốc hiện nay phải triển khai theo quy luật của kinh tế thị trường có sự điều tiết tích cực của nhà nước. Tức là không thể áp đặt như kiểu tập trung công xã trước đây, cũng không thể tự phát như giai đoạn đầu mở cửa. Để sản xuất nông nghiệp hoạt động được theo qui luật kinh tế thị trường - tức là coi sản xuất nông nghiệp là sản xuất hàng hoá, thì phải gắn bó quyền lợi người nông dân với thửa ruộng của mình, nhưng vẫn phải có sự điều tiết của nhà nước. Đây là yếu tố cơ bản đảm bảo cho sự ổn định sản xuất lương thực. ổn định lương thực là cơ sở cho sự ổn định kinh tế, chính trị và xã hội.

Chính sách lương thực của Trung Quốc với các biện pháp tích cực để tự nuôi sống hơn 1 tỷ dân là bài học lớn cho nhiều nước nghiên cứu và tham khảo.

Tài liệu tham khảo:

- Cuốn sách "Ji hùi xèn kòu xiăng zhòng quó de dà mén ma" trong tập "Xing shì hù huàn", Nhà xuất bản cải cách Bắc Kinh tháng 8 năm 1996.

- Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc.

- Tài liệu của FAO chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh thế giới về lương thực tổ chức tại Rôm tháng 11 năm 1996.

- Fang Shan "The impact of 1995 floods on Mainland China's Grain Prodution". Issues & Studies - February 1996.

- George P. Brown "Arable land loss in rural China". Asian survey, vol XXXV, No.10, Oct er 1995.

Ghi chú:

Những số liệu sử dụng trong bài viết này chủ yếu trích từ cuốn sách "Ji e hùi kòu xiăng zhòng quó de dà mén ma" trong tập "Xing shì hù huàn". Nhà xuất bản cải cách Bắc Kinh tháng 8 năm 1996./.

Cùng chuyên mục