Số 20 - Quan hệ văn hóa Việt Nam - Asean: một cách tiếp cận

04:12 22/03/2012

Quan hệ văn hóa Việt Nam - Asean: một cách tiếp cận

Tác giả: Lê Đình Tự.

Văn hoá, xét theo phạm trù triết học là tổng hợp những nét tiêu biểu, nổi bật, quan trọng nhất của một (hay một nhóm) quốc gia - dân tộc. Nó thường được hiểu như một nền văn minh đặc trưng cho từng dân tộc, thậm chí một khu vực hay châu lục ở một thời kỳ lịch sử nào đó. Đó là nghĩa rộng. Nhưng trong quan hệ quốc tế, với tư cách là một bộ phận trong các môn khoa học xã hội và nhân văn thì văn hoá lại được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, như là một lĩnh vực gồm các hoạt động về văn học, nghệ thuật, thông tin - báo chí, điện ảnh, xuất bản, thể thao, giáo dục - đào tạo v.v... (Ta thường nghe nói đến quan hệ giữa hai - hay nhiều nước - về kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự, ngoại giao... là vì thế). Cho dù hiểu theo nghĩa hẹp đi nữa thì với những đặc thù và "thế mạnh" vốn có, văn hoá luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ quốc tế của mỗi nước cũng như trong đời sống quốc tế đương đại nói chung, nhất là trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hoá hiện nay. Như một học giả khẳng định : "Có nhiều phương sách để thực hiện sự hội nhập, mà với phương sách nào văn hoá cũng đóng một vai trò quan trọng. ấy là vì văn hoá là bàn trực diện đến thế ứng xử trên mọi lĩnh vực, của các cộng đồng người trong môi trường tự nhiên và xã hội đặc thù của họ. Vả chăng, để có được sự hội nhập tốt đẹp mong muốn, điều tiên quyết là cần có sự hiểu biết lẫn nhau... Văn hoá có khả năng làm việc đó". (1)

Từ đó có thể thấy rằng, xem xét, nghiên cứu mối quan hệ - giao lưu văn hoá giữa các quốc gia, khu vực là việc làm cần thiết, bổ ích.

Từ cách nhìn trên, bài viết đề cập đến mối quan hệ Việt Nam - ASEAN trong lĩnh vực văn hoá với mong muốn góp phần rút ra một số bài học nhỏ mang tính chất tham khảo. Để tiện theo dõi, bài viết chia thành hai phần nhỏ, nhưng sự phân chia này chí có ý nghĩa tương đối bởi mọi vấn đề đều có mối liên hệ biện chứng và khá mật thiết với nhau.

* Những nguyên tắc hoạt động và đặc thù.

Như tất cả các lĩnh vực khác, hoạt động hợp tác văn hoá giữa các nước ASEAN đều tuân thủ mọi nguyên tắc của Hiệp hội. Trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc thống nhất trong đa dạng. Mỗi quốc gia - dân tộc trên cơ sở phát huy bản sắc văn hoá riêng và học hỏi, tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá khác và phấn đấu hợp tác để tạo dựng những nét văn hoá chung, thống nhất của cả khu vực. Hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, trong lĩnh vực văn hoá, nguyên tắc này được tán rộng, áp dụng và thể hiện một cách tích cực, rõ nét nhất. Để có nhiều công trình nghiên cứu, sách báo khẳng định về những nét tương đồng và khác biệt trong văn hoá các nước Đông Nam á (ĐNA). Tương đồng lớn nhất giữa các nước ĐNA là do dựa trên cơ sở văn minh lúa nước mà chứng cớ rõ nhất là trống đồng thuộc hệ Đông Sơn được tìm thấy ở hầu hết các quốc gia trong vùng. Ngoài ra, "ngôi nhà sàn là hình ảnh đặc trưng cho kiến trúc truyền thống trong các làng quê" và "trong khảo cổ học xuất hiện thuật ngữ truyền thống Sa Huỳnh - Kalamay để chỉ sự gần gũi đặc biệt giữa những đồ gốm Sa Huỳnh (Việt Nam) với những đồ gốm Kalamay của Philippines"(2). Tương đồng thứ hai là đều chịu ảnh hưởng - là nơi giao lưu của hai nền văn minh cổ đại lớn của thế giới : văn minh Trung Quốc và văn minh ấn Độ mà rõ nhất là đạo Phật với sự giống nhau của hệ thống chùa chiền, tập quán chay tịnh của giới tăng ni trong chùa và hình dạng của tượng Phật. Một công trình khảo sát cho thấy có sự tương đồng "trong hàng loạt pho tượng Phật giáo có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII... được tìm thấy rải rác khắp các vùng ĐNA, từ Trung Nam Bộ Việt Nam, Trung Nam Thái Lan, Nam Campuchia cho đến bán đảo Mã Lai, đảo Giava, đảo Sumatra, đảo Celébe" (3). Một số tương đồng khác được nhắc đến là đa phần người dân ĐNA dùng gạo (lúa) làm lương thực chính và dùng đũa khi ăn.

Nhiều khác biệt đã và sẽ tồn tại trong văn hoá các nước khu vực ĐNA là về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ. Đa sắc tộc là điều dễ hiểu bởi đây là khu vực gồm cả lục địa và hải đảo mà dân cư được hình thành trên cơ sở các tộc người bản địa và người từ khu vực, quốc gia khác di cư tới. Trong từng nước cũng như cả khu vực đều có nhiều tôn giáo khác nhau: Phật giáo, ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo... Ngay trong Phật giáo cũng có sự khác nhau : cũng là công trình thờ Phật nhưng chùa chiển ở Việt Nam, Lào, Thái Lan khác với ở Campuchia, Myanmar; những Bayon không giống với Borobudur hay chùa Pagan. Tuy cùng là công trình ấn Độ giáo nhưng Angkor Vat (Campuchia) không giống với đền Mỹ Sơn (Việt Nam)... ở đây khi nói đến những nét tương đồng và khác biệt, ta cần nhấn mạnh đây tuy là điều tất yếu nhưng cũng là đặc thù rất quan trọng của lĩnh vực văn hoá trong quan hệ quốc tế so với các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, quân sự... Thiết nghĩ, điều này rất quan trọng khi nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế nếu ta muốn có được sự đánh giá chính xác, khách quan, công bằng về bất cứ mối quan hệ quốc tế nào.

Tiếp đến, xin nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong quan hệ quốc tế, dù chỉ trên lĩnh vực văn hoá nhưng cũng phải hết sức chú ý nguyên tắc này, vì đây là lĩnh vực khá nhạy cảm, nếu không khéo léo sẽ dễ động đến lòng tự trọng dân tộc. Trong thực tế lịch sử và hiện tại đã từng có nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu xuất phát từ mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo. Có những quốc gia - dân tộc cứ muốn đem truyền bá, thậm chí áp đặt mô hình văn hoá, lối sống của mình cho các nước, dân tộc khác với suy nghĩ là giúp đỡ, là "khai phá văn minh" nhưng thực ra là vi phạm nguyên tắc này trong quan hệ quốc tế nên không khỏi gặp phản ứng và dễ thất bại. Ngoài ra, nguyên tắc nhất trí (conssensuse) cũng có ý nghĩa quan trọng trong các mối quan hệ dù chỉ trong lĩnh vực văn hoá. Với nguyên tắc này, mọi quyết định, nghị quyết, đề án của ASEAN đều được các thành viên nhất trí thông qua thì mới có hiệu lực thi hành.

Trên trường quốc tế, trong nhiều tình thế khó khăn, phức tạp để tháo gỡ ách tắc, "khai thông" một mối quan hệ nào đó người ta thường bắt đầu từ các cuộc trao đổi, tiếp xúc, giao lưu văn hoá hay thể thao. Để giúp "khởi động lại" mối quan hệ bị nguội lạnh, thường người ta cử các đoàn nghệ thuật qua biểu diễn hay đoàn vận động viên đi thi đấu giao hữu. Bởi lẽ ấy là cầu nối "từ trái tim đến với trái tim" để giúp tăng cường sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau giữa các dân tộc, đưa họ xích lại gần nhau hơn hoặc vượt qua sự ngăn cách, trở ngại nào đó. Tiếp đến là đặc thù tuân theo các quy luật vận động, phát triển của văn hoá như sự thay thế, đào thải, kế thừa, phát huy và có chu kỳ tích luỹ - phát triển khá dài so với các lĩnh vực khác, đồng thời văn hoá phụ thuộc và tác động trở lại kinh tế, chính trị v.v...

* Quá trình phát triển của mối quan hệ văn hoá Việt Nam - ASEAN

Trước hết, phải thấy rằng, mối quan hệ, giao lưu văn hoá (cũng như trên các lĩnh vực khác) giữa các dân tộc trong khu vực ĐNA nói chung và giữa Việt Nam với các nước ĐNA nói riêng đã tồn tại từ rất lâu, nhiều tài liệu khẳng định là từ hàng ngàn năm trước đây (4). Điều này cũng dễ hiểu, bởi với điều kiện địa lý gần nhau, do nhu cầu tự thân và cả tác động của khách quan mà các dân tộc ắt sớm có mối quan hệ, giao lưu trong đó văn hoá là lĩnh vực thường đi đầu. Do bề dày lịch sử nên mối quan hệ đó được đánh giá là phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng (cả tích cực lẫn tiêu cực) đến mọi mặt của đời sống xã hội và quan hệ đối ngoại mỗi nước cũng như cả khu vực. Tất nhiên cùng với tiến trình lịch sử, mối quan hệ ấy cũng có bao thăng trầm, cũng chứa đựng cả những hiện tượng sai lệch như ý đồ nô dịch nhau về văn hoá, chèn ép nhau trong phát triển hoặc sự lai căng, "nhập khẩu" một cách máy móc mà làm mai một đi bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình.

Là một quốc gia trong khu vực, có vị trí quan trọng (nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương - Indochina) với dân số đông và bề dày lịch sử truyền thống, mang nhiều nét văn hoá độc đáo của khu vực, quan hệ văn hoá giữa Việt Nam và các nước ĐNA cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Như một điều tất yếu, quan hệ giao lưu văn hoá giữa Việt Nam với các nước ĐNA đã có từ rất lâu. Càng về sau này với tác động của xu thế thời đại và nhất là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995), nó ngày càng phát triển nhanh và mạnh hơn. Nghiên cứu, phân tích mối quan hệ này trong khoảng thời gian dài như vậy đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, tuy đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về nó. Bài viết này chỉ xin đi sâu vào khoảng thời gian vài ba năm trở lại đây và nhìn nhận dưới góc độ quan hệ quốc tế hiện đại trong xu thế chung của thời đại và triển khai chính sách đối ngoại "đa dạng hoá, đa phương hoá" của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Điều dễ nhận thấy là, hợp tác Việt Nam - ASEAN trong lĩnh vực văn hoá là xuất phát từ lợi ích của cả hai phía và toàn khu vực. Bởi lẽ hợp tác trong văn hoá nói riêng và khoa học xã hội - nhân văn nói chung sẽ góp phần giải quyết những vấn đề chung của toàn khu vực cũng như của mỗi nước, đồng thời là căn cứ khoa học giúp cho việc hoạch định chính sách phát triển của cả Hiệp hội trong thời gian sắp tới. Từ lúc ban đầu chỉ có 5 thành viên, đến nay đã có 9/10 quốc gia trong khu vực ĐNA là thành viên ASEAN và Campuchia sẽ gia nhập Hiệp hội trong tương lai gần, biến ý tưởng ASEAN-10 của các nhà sáng lập dần trở thành hiện thực. Trong bối cảnh đó, quan hệ văn hoá Việt Nam - ASEAN chắc chắn sẽ trở nên phong phú, rộng mở hơm nhưng cũng định hình một mô hình phát triển thích hợp. Đó là mô hình trong đó các bản sắc văn hoá độc đáo của mỗi dân tộc phải được bảo lưu, được nuôi dưỡng để trở nên ngày càng rực rỡ hơn, nổi bật hơn trong quá trình hội nhập.

Quan hệ hợp tác về văn hoá giữa Việt Nam và ASEAN chính thức được "khởi động" từ 22/7/1992, khi Việt Nam tham gia Hiệp ước Bali (còn gọi là Hiệp ước hợp tác và thân thiện) và trở thành quan sát viên của ASEAN. Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 26 ở Singapore (1993) Việt Nam được mời tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cùng các chương trình và dự án hợp tác trên 5 lĩnh vực: khoa học - công nghệ, môi trường, y tế, văn hoá - thông tin, du lịch. Trong thời gian từ 1993 đến 27/7/1995 (trước khi được kết nạp làm thành viên thứ 7 của Hiệp hội) mới chỉ là quan sát viên nhưng Việt Nam đã tích cực chuẩn bị và trực tiếp tham gia vào các hoạt động của Uỷ ban chuyên ngành về văn hoá - thông tin (ASEAN - COCI). Trên cơ sở các mối giao lưu, quan hệ văn hoá vốn có từ trước, nay mở rộng và dần đi vào chuyên sâu. Từ sau ngày 28/7/1995, đến nay mối quan hệ hợp tác văn hoá Việt Nam - ASEAN ngày càng được đẩy mạnh, từ bộ máy cơ quan chuyên trách đến tuyên truyền, giới thiệu, trao đổi đoàn. Ngoài Uỷ ban Quốc gia điều phối các hoạt động về ASEAN, các Bộ, ngành có liên quan đều lập cơ quan chuyên trách về ASEAN. Uỷ ban ASEAN - COCI của Việt Nam đặt tại Bộ văn hoá - thông tin (VH-TT). Theo số liệu của Vụ HTQT (Bộ VH-TT), đến nay đã tham gia đầy đủ và đóng góp tích cực vào cả ba cuộc họp lớn về ASEAN - COCI. Chỉ tính trong năm 1996, ASEAN - COCI Việt Nam đã triển khai 34 hoạt động với 40 đoàn, 132 lượt quan chức trực tiếp tham gia; đã thực thi 12 dự án tại Việt Nam với tổng kinh phí hơn 170.000 USD(5). Các hoạt động trong lĩnh vực này được chia thành4 nhóm chủ yếu sau : 1) Văn bản học và nghiên cứu ASEAN, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện cho ra các tác phẩm văn hoá, nghiên cứu về ASEAN. 2) Nghệ thuật nghe nhìn và sân khấu, chuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật, biểu diễn, triển lãm về các ngành nghệ thuật như múa, nhà hát, nghệ thuật dân tộc... và làm các băng hình giới thiệu về các loại hình đó. 3) Về phát thanh, truyền hình, điện ảnh, video có trách nhiệm thực hiện các dự án chuyên ngành như trao đổi tin tức, các chương trình riêng về ASEAN, tổ chức tuần phim tại các nước... (năm 1998 sẽ có tuần phim ASEAN ở Việt Nam). 4) Về in ấn và thông tin để trao đổi, hợp tác, giúp đỡ nhau trong công tác xuất bản, thu thập, xử lý thông tin. Năm 1997, trong đời sống chính trị, tinh thần các nước ASEAN có nhiều sự kiện trọng đại : kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội, kết nạp thêm Lào và Myanmar nên các hoạt động trên càng được đẩy mạnh hơn so với các năm trước. Tổng kinh phí chi cho hoạt động, giao lưu văn hoá đã lên tới 3,5 triệu USD, gấp 1,8 lần so với 1996 (6).

Mấy năm qua, nhất là 1997, một luồng sinh khí mới thổi vào đời sống văn hoá - tinh thần các nước ASEAN nhờ quá trình hội nhập và tăng cường hợp tác văn hoá giữa các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo sự điều phối chung và cơ chế thúc đẩy, bản thân từng nước cũng có cố gắng với nhiều việc làm bổ ích, thiết thực. Về phía Việt Nam, đó là: Báo chí (truyền hình, phát thanh, báo viết) thường xuyên giới thiệu về lịch sử, văn hoá, phong tục, con người ASEAN, có những chuyên mục, chương trình đặc biệt về ASEAN, tổ chức các cuộc thi ca nhạc, giao lưu giữa các ca sĩ ASEAN - Việt Nam trên sóng phát thanh - truyền hình ; Hội nhạc sĩ tổ chức thi sáng tác Bài ca chính thức ASEAN ; Cuộc thi tìm hiểu về ASEAN cho học sinh ; Tổ chức xuất bản nhiều ấn phẩm về ASEAN ; Tháng 8/1997 đã trao giải thưởng ASEAN về văn hoá (cho tập thể 2 đài: Phát thanh và Truyền hình Việt Nam) và thông tin (cho Hội nhạc sĩ). Đặc biệt chúng ta đã tích cực tham gia và giành được thành tích khá tại các kỳ Sea Games (nhất là bóng đá, bóng bàn, bơi lội, bắn súng...) gần đây làm tăng vị thế của Việt Nam trong làng thể thao khu vực v.v... và v.v... Tất cả các hoạt động đó đã tạo khí thế sôi động hơn, góp phần nâng cao hiểu biết, tình cảm và nhận thức của các dân tộc trong khu vực với nhau, qua đó giáo dục tình cảm hoà bình, hữu nghị.

Không dừng lại ở đó, thời gian mấy năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN về giáo dục - đào tạo cũng được đẩy mạnh. Hàng ngàn cán bộ, công chức, sinh viên Việt Nam đã và đang học tập, khảo sát, nâng cao trình độ (ngoại ngữ, hiểu biết, thẩm mỹ, chuyên môn, nghiệp vụ) thuộc đủ mọi lĩnh vực, kể cả về ngoại giao, quản lý kinh tế... Ngược lại, nhiều công chức, sinh viên các nước ĐNA (nhất là Lào, Campuchia...) đến Việt Nam để tìm hiểu, học tập về văn hoá, ngôn ngữ và kinh nghiệm... phục vụ cho việc tham gia tốt hơn vào các hoạt động của ASEAN. Các trường đại học, viện nghiên cứu trong các nước ASEAN thường xuyên trao đổi các đoàn học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên... và có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề... nên đã góp phần thúc đẩy hợp tác về văn hoá nói riêng và khoa học, kinh tế nói chung. Việc này không những mang ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa văn hoá ở chỗ chúng đã góp phần tăng thêm sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực, giúp họ vươn lên và dần hình thành ý thức chung sống hoà bình, hữu nghị và phấn đấu cho mục tiêu phát triển. Nghĩa là thông qua hợp tác văn hoá và các lĩnh vực khác mà ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN sẽ dần hình thành luồng tư tưởng tình cảm - nhân cách tốt hơn trong đó mỗi quốc gia - dân tộc không bị mất đi bản sắc của mình mà hợp tác chặt chẽ với dân tộc khác để cùng phát triển. Nói cách khác, phương châm của Việt Nam ta "hội nhập để cùng phát triển nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc" đã được thực tế đời sống - trong đó có QHQT - mấy năm qua khẳng định là đúng đắn.

Sẽ là khiếm khuyết nếu chỉ đi sâu vào những "cái được" mà không đề cập đến mặt tồn tại. Đó là sự khác biệt và không đồng đều về trình độ dân trí, nhận thức giữa các nước. Thêm vào đó, mặt trái tiêu cực của kinh tế thị trường tác động đến sự phát triển là không tránh khỏi. Tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia... dư luận rất lo ngại cho sự gia tăng của lối sống thực dụng, chạy theo lợi nhuận, đồng tiền bất chấp tất cả. Đã có những ý kiến rằng liệu sau một vài thế hệ nữa có còn giữ được bản sắc riêng của dân tộc Singapore, Malaysia, Thái Lan... hay sẽ bị "hoà tan" mất (7). ở Việt Nam, tuy chúng ta đi vào kinh tế thị trường sau và hệ thống phổ cập giáo dục - chính trị khá sâu rộng nhưng cũng đã lởn vợn xuất hiện ít nhiều những biểu hiện tương tự khiến nhiều người không khỏi quan ngại. Mặt khác, văn hoá nói riêng và kiến trúc thượng tầng tuy có tác động trở lại nhưng trước hết phụ thuộc vào và do kinh tế (cơ sở hạ tầng) quyết định. Mà về trình độ phát triển kinh tế thì Việt Nam vẫn đang "tụt hậu" và có khoảng cách khá xa so với một số nước trong ASEAN.

Nêu những trở ngại trên, đồng thời ta vẫn thấy những thuận lợi cơ bản: Việt Nam đã tiến hành đổi mới được hơn 10 năm và thu được nhiều kết quả, củng cố niềm tin của người dân rằng chúng ta đã đúng hướng khi tích cực hội nhập với khu vực và thế giới cả về kinh tế lẫn văn hoá; dân tộc ta có truyền thống giữ gìn bản sắc riêng của người Việt Nam và cao hơn hết là ý thức dân tộc, chưa bao giờ trong lịch sử bị "hoà tan" mất v.v... Trong khi đó, các nước trong Hiệp hội đều đã cam kết hợp tác vì sự phát triển nhưng vẫn tôn trọng và giữ bản sắc dân tộc. "Tuyên bố Băng Kok về thành lập ASEAN (8/1967) nêu rõ các nước thành viên sẽ cùng nhau hợp tác để tăng cường sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá. Tinh thần hợp tác văn hoá tiếp tục được đề cao tại Hội nghị cấp cao Bali (2/1976)" (8). Không những thế, "Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ IV tại Singapore tháng 1/1992 đã nhấn mạnh rằng ASEAN cần đẩy nhanh quá trình hình thành bản sắc và đoàn kết khu vực" (9). Mặt khác, không như các lĩnh vực khác, hợp tác trên lĩnh vực văn hoá giữa các nước ASEAN có nguồn tài trợ quan trọng về tài chính, đó là Quỹ văn hoá ASEAN. Quỹ được thành lập 12/1978 do Thủ tướng Nhật Bản, ông Fukuda cam kết năm 1977 với số lượng ban đầu 25 triệu USD. Chỉ dành riêng cho hợp tác phát triển văn hoá trong Hiệp hội, Ban điều hành Quỹ đã gửi số tiền đó vào 2 ngân hàng Singapore và Malaysia (khi dùng mới rút ra một phần) nên nay số tiền Quỹ đã lên tới 40 triệu USD. Mọi hoạt động giao lưu, hợp tác văn hoá theo chương trình của ASEAN đều lấy tiền từ Quỹ này, các nước thành viên không phải đóng góp.

Với tất cả những thuận lợi trên cùng sự đồng tâm, hợp lực của mọi quốc gia thành viên, với truyền thống của mỗi nước và cả khu vực, chúng ta có quyền hy vọng quan hệ văn hoá của Việt Nam với ASEAN thời gian tới sẽ phát triển mạnh, đúng hướng và thu được nhiều kết quả hơn nữa, sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ nhiều mặt của Việt Nam với các nước ASEAN lên một tầm cao mới.

* Chú thích :

1) Cao Xuân Phố - "Văn hoá Đông Nam á với sự hội nhập khu vực" - Nhân Dân cuối tuần số 32 (445) ra ngày 10/8/1997.

2) + 3) "Tương đồng và khác biệt - Những nét cơ bản trong nghệ thuật Đông Nam á - PTS. Trần Thị Lý - Tạp chí "Việt Nam và Đông Nam á ngày nay" số 11/1995, tr. 31.

4) - "Lịch sử chữ viết của người Việt" - PTS. Nguyễn Văn Chiến - Tạp chí "Việt Nam và Đông Nam á ngày nay". 8/1995, tr. 35.

- "Thư phác thảo cấu trúc lịch sử khu vực Đông Nam á" - Sakurai Yumbo - Tạp chí "Nghiên cứu Đông Nam á" số 25 - tháng 4/1996, tr. 37-40.

5) + 6) Báo cáo hằng năm của Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ VH-TT.

7) "Asiaweek" 30/VII/1995, 19/IX/1997.

8) + 9) "ASEAN và sự hội nhập của Việt Nam" - Học viện hợp tác quốc tế - Nxb Chính trị quốc gia 1997, tr. 63-64.

* Tài liệu tham khảo

- Tạp chí "Việt Nam và Đông Nam á ngày nay" : các số 11/1995 ; 8 + 9 + 10/1996

- Tạp chí "Nghiên cứu Đông Nam á" các số 19 (2/1995) + 25 (4/1996).

- "Việt Nam - ASEAN" - Viện nghiên cứu Đông Nam á, Nxb KHXH - Hà Nội, 1996.

- "The Economist" 25/VIII ; 6/IX/1997.

- "Far Earsten Economic Review" các số ra trong tháng 8/1995 ; 1/1997 và 8/1997./.

Cùng chuyên mục