Số 20 - Tiến trình gia nhập EU của Thụy Điển

03:50 22/03/2012

Tiến trình gia nhập EU của Thụy Điển

Tác giả: Nguyễn Thị Bình.

Ngày 1/1/1995, Thuỵ Điển đã trở thành thành viên EU- một trang mới trong lịch sử phát triển của Thuỵ Điển. Người ta cho rằng quyết định của Quốc hội Thuỵ Điển thông qua Hiệp ước gia nhập Liên hiệp châu Âu vào một ngày đông giá lạnh của tháng 12/1994 có lẽ là một quyết định quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1) .

Là một nước Bắc Âu, Thuỵ Điển đã từng được biết đến như là một mô hình tiên tiến về phát triển kinh tế, xã hội trong nhiều thập kỷ qua với đặc điểm nổi bật là rất ổn định và cân bằng giữa các trung tâm quyền lực khác nhau. Người Thuỵ Điển coi việc gia nhập EU là một bước đi có ý nghĩa của "một đất nước quyến rũ, khôn ngoan, phồn vinh, đang bắt đầu cuộc đổi mới".

Việc xem xét lại quá trình gia nhập EU của Thuỵ Điển, làm rõ những nhân tố thúc đẩy việc tham gia này cũng là điều hữu ích đối với các nước vừa và nhỏ trong xu thế liên kết, hợp tác đang diễn ra dồn dập ở các khu vực. Điều khá thú vị là Việt Nam, năm 1995 cũng đã trở thành thành viên ASEAN - một tổ chức gặt hái nhiều thành công và ngày càng có uy tín ở Đông Nam A' (ĐNA). Tuy xa cách nhau về địa lý, xã hội, nhưng Việt Nam và Thuỵ Điển có mối quan hệ hữu nghị gắn bó từ lâu. Những kinh nghiệm của Thuỵ Điển trong quá trình tham gia EU thiết nghĩ cũng là những tham khảo hữu ích đối với Việt Nam.

1. Giới thiệu khái quát về Thuỵ Điển.

Thuỵ Điển là một nước nằm trên bán đảo Scandinavia, với diện tích 450.000 km2, gấp rưỡi Việt Nam, lớn nhất Bắc Âu, đứng thứ 5 châu Âu sau Nga, Ucraina, Pháp, Tây Ban Nha; với số dân gần 9 triệu người. Có lẽ Thuỵ Điển là một trong số rất ít dân tộc trên thế giới được hưởng một nền hoà bình lâu dài như vậy. Kể từ năm 1814 đến nay (qua hai cuộc chiến tranh thế giới), Thuỵ Điển không bị gánh chịu hậu quả tàn phá của chiến tranh. Nhờ có môi trường hoà bình này, cộng với một chính sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp đã đem lại cho Thuỵ Điển một thành tích nổi bật từ một nước nông nghiệp lạc hậu đầu thế kỷ trở thành một nước công nghiệp phát triển cao, là một trong số 10 nước giàu nhất thế giới trong vài thập niên qua. "Mô hình Thuỵ Điển" đã trở thành hình mẫu mà nhiều nước đang phát triển ngưỡng mộ. "Một nhà nước phúc lợi" trong đó người lao động có điều kiện sống, làm việc đầy đủ ; người dân tham gia vào những vấn đề quan trọng của đất nước mình thông qua lá phiếu bầu.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Châu Âu bị chia thành hai khối quân sự và hai hệ tư tưởng đối lập nhau. Một Tây Âu dưới ảnh hưởng của Mỹ và một Đông Âu dưới ảnh hưởng của Liên Xô. Thuỵ Điển tiếp tục xa lánh những cam kết chính trị, quân sự đối với bất kỳ khối nào, và thi hành chính sách trung lập. Chính sách trung lập đã trở thành đặc điểm chính của chính sách đối ngoại của Thuỵ Điển trong thế kỷ 20. Các nhà vạch chính sách Thuỵ Điển cho rằng thi hành chính sách trung lập nhằm hai mục đích : một để tránh nằm dưới ảnh hưởng của siêu cường gần đó (Liên Xô cũ) và mặt khác tránh trở thành cứ điểm đe doạ của siêu cường kia (Mỹ). Suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, chính sách trung lập của Thuỵ Điển được thực thi với phương châm "không tham gia vào các liên minh trong thời bình để trung lập trong thời chiến", cộng với một nền phòng thủ mạnh mẽ. Điều này gần như đã trở thành một học thuyết được sự ủng hộ áp đảo trong nước, trong đó nhấn mạnh : là một nước nhỏ cần độc lập với các cường quốc và đoàn kết với thế giới thứ ba. Khác với Thuỵ Sĩ, tính chất trung lập của Thuỵ Điển chưa bao giờ ghi trong Hiến pháp. Điều đó nhiều lúc lại là một lợi thế cho phép Thuỵ Điển đóng một vai trò độc lập; chính sách này được thể hiện rõ nét khi Chính phủ do Đảng Xã hội - Dân chủ nắm quyền: chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chỉ trích các nước lớn can thiệp vào các nước nhỏ - như trường hợp Mỹ can thiệp vào Việt Nam, Liên Xô can thiệp vào Afghanistan, dành viện trợ cho các nước nghèo vô tư, hào phóng, không kèm điều kiện chính trị, và là một số ít nước đạt được mức 0,7% GNP của Liên Hợp quốc đề ra, thậm chí có năm đạt được 1% GNP (Mỹ 0,25%, Nhật 0,32%).

Tóm lại, với chính sách nhậy bén, kịp thời, có lúc tỏ ra thực dụng, Thuỵ Điển đã thành công trong việc duy trì môi trường hoà bình ổn định để phát triển và đạt được sự phát triển cao. Tuy là nước nhỏ nhưng có vị trí và uy tín trên thế giới.

2) Chính sách của Thuỵ Điển đối với EEC.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các nước Tây Âu dù thắng trận hay bại trận đều suy kiệt về kinh tế và quân sự. Vị thế chính trị bị yếu kém lại đứng trước những thách thức mới nẩy sinh : sự ngờ vực lẫn nhau vẫn chưa chấm dứt, ngoài ra lại phải đối phó với các nước ở phía Đông gắn bó với Liên Xô. Mỹ được hưởng lợi trong chiến tranh đã phát triển vượt bậc về kinh tế, độc quyền về vũ khí hạt nhân, trở thành một cực trong thế quan hệ hai cực Xô - Mỹ. Trong tình hình như vậy, Tây Âu lựa chọn là dựa vào Mỹ về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế ; Tây Âu tập hợp lại trong một loạt các cơ cấu do Mỹ chi phối. Mặt khác, sự hợp tác Đại Tây Dương này tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các nước Tây Âu khôi phục kinh tế và thúc đẩy chính xu hướng hợp tác giữa các nước này với nhau mà Cộng đồng than - thép châu Âu ra đời như là một sự mở đầu tiến trình liên kết châu Âu. Lợi ích 6 nước thành viên đã được ràng buộc xen lẫn nhau trong một lĩnh vực cụ thể. Thành công này tạo điều kiện, đồng thời cũng đòi hỏi 6 nước này mở rộng liên kết của mình sang các lĩnh vực kinh tế khác (2) .

Ngày 25/3/1957 đã ra đời Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) và Cộng đồng năng lượng nguyên tử.

Ơ phía Đông châu Âu, hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời, gắn bó chặt chẽ với Liên Xô, hình thành một liên minh trên thực tế về nhiều mặt; những tổ chức kinh tế, quân sự mang tính chất khối ra đời : Hội đồng tương trợ kinh tế (COMECON), Hiệp ước Warsava (1955) đối trọng lại với Cộng đồng kinh tế châu Âu (ECC), khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO 1949), đã vạch ra một đường phân chia Đông-Tây và là khởi điểm một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài vài thập niên sau đó.

Khi đó, Thuỵ Điển và một số nước Bắc Âu khác là Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Iceland tham gia Hội đồng Bắc Âu (1953). Sự hợp tác trong các nước Bắc Âu về kinh tế đã phát triển một thị trường chung về lao động và một số lĩnh vực văn hoá - xã hội. Tuy nhiên, song song với hợp tác trong nội bộ Bắc Âu, các nước này sau đó đều tham gia vào EFTA (khu vực mậu dịch tự do châu Âu) gồm những nước phương Tây nằm ngoài EEC. Về an ninh, sau một cố gắng không thành về nền phòng thủ chung Bắc Âu do Thuỵ Điển đề nghị với một chính sách an ninh quốc phòng độc lập với các khối, Na Uy, Đan Mạch đã tìm kiếm sự đảm bảo an ninh quốc gia bằng việc gia nhập NATO. Điều này làm cho Thuỵ Điển củng cố nhận thức phải xây dựng, phát triển nền quốc phòng vững mạnh, có khả năng thực hiện chính sách đứng giữa các khối.

Giai đoạn 1951 - 1960:

Khi EEC ra đời, thành viên ban đầu gồm 6 nước của Cộng đồng Than - thép châu Âu : Y', Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Lúc-xăm-bua. Đây là tổ chức hợp tác khu vực đầu tiên ở Châu Âu. Nếu như các nước phương Đông đáp lại bằng việc ra đời tổ chức hợp tác COMECON, thì một số nước phía Tây còn lại cũng đáp lại bằng việc tham gia khu vực thương mại tự do Châu Âu EFTA (1959) gồm các nước Anh, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, A'o, Thuỵ Sỹ, Bồ Đào Nha; các nước này cho rằng theo hiệp ước Rôma khi thành lập EEC, các nước thành viên cam kết hợp tác kinh tế, chính trị ngày một chặt chẽ, các nước này (ngoài EEC) ủng hộ một hệ thống thương mại tự do lỏng lẻo hơn bao gồm cả Châu Âu (Organization for European Economic Cooperation) nhưng không thành. Sau này OEEC trở thành OECD bao gồm cả Mỹ, Nhật, Canada. Các nước ngoài EEC cho rằng ở trong hệ thống tự do thương mại lỏng lẻo như vậy sẽ không phải hy sinh chủ quyền, thuế quan, được loại bỏ giữa các nước thành viên và họ vẫn tự do trong quan hệ thương mại với các nước khác.

Thuỵ Điển chia sẻ quan điểm trên, hơn thế nữa, lúc này Thuỵ Điển nhìn nhận EEC là hình thức liên kết trên cơ sở khối - 11/12 nước thành viên EEC là thành viên NATO. Thủ tướng Thuỵ Điển lúc đó là Erlander cho rằng chức năng chính của EEC là tăng cường cho NATO như là một cánh tay kinh tế của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Chính phủ Thuỵ Điển kế tiếp nhau đều sợ rằng những mối quan hệ kinh tế với EEC sẽ kéo Thuỵ Điển vào những cam kết về chính trị. Điều đó đe doạ không chỉ tính trung lập mà còn đe doạ cả tính độc lập vạch chính sách của Thuỵ Điển. Xuất phát từ những quan điểm trên, Thuỵ Điển không gia nhập EEC. Năm 1959, cùng với Anh, Na Uy, Đan Mạch, áo, Bồ Đào Nha, Thuỵ Sĩ (Phần Lan là thành viên không chính thức) thành lập Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA). Mục đích của EFTA chỉ là hợp tác kinh tế thuần tuý, một tổ chức không có nền tảng "ý thức hệ" như EEC là phù hợp với Thuỵ Điển lúc đó.

Giai đoạn 1961 - 1972 :

Thuỵ Điển đã xem xét lại sự xa lánh EEC của mình sau khi Anh cùng Đan Mạch bất thần xin gia nhập EEC vào tháng 8/1960.

Việc một số nước thành viên ban đầu của EFTA rút khỏi tổ chức này và xin gia nhập EEC đã làm suy yếu tổ chức vốn đã lỏng lẻo và tác động mạnh tới chính sách EEC của Thuỵ Điển. Những cuộc tiếp xúc, tiếp cận nhằm tăng cường quan hệ về kinh tế với EEC của Thuỵ Điển được duy trì, thậm chí Thuỵ Điển ngỏ ý muốn trở thành thành viên không chính thức (theo điều 238 của Hiệp ước Roma) để có thể có được những thoả hiệp thương mại từ phía EEC. Phía Thuỵ Điển tiếp tục duy trì các mối quan hệ với EEC và đã có những thảo luận với EEC về một hình thức hợp tác nào đó phù hợp với tính trung lập của Thuỵ Điển. Tuy nhiên, Chính phủ Thuỵ Điển do thủ tướng Tage Erlander lúc bấy giờ vẫn bác bỏ việc Thuỵ Điển trở thành thành viên đầy đủ. Tiếp theo, mùa xuân 1970, Thủ tướng Thuỵ Điển sang thăm các nước Tây Âu. Tuy không phải trong số các ứng cử viên xin gia nhập EEC, nhưng Thuỵ Điển đã cố gắng đạt được một thoả thuận với EEC bằng sự khẳng định những yếu tố chính trị về chủ quyền và trung lập sẽ không hạn chế việc tham gia hợp tác kinh tế với EEC. Những cố gắng này đã đưa lại kết quả ; Thuỵ Điển đã ký được một thoả thuận thương mại với EEC : hai bên cùng giảm và từng bước loại bỏ quan thuế đối với hầu hết hàng công nghiệp (trừ sản phẩm nông nghiệp và cá) và thoả thuận này không bao hàm các lĩnh vực khác như lao động, vốn, giao thông vận tải. Thoả thuận không buộc Thuỵ Điển vào bất cứ cam kết nào về chính trị, mặc dù nó chứa đựng một "tiến trình mở" liên quan đến việc mở rộng các mối quan hệ sang các lĩnh vực khác trong tương lai.

Giai đoạn 1973 - 1982 :

Thuỵ Điển tiếp tục phát triển hợp tác với EEC trên cả hai bình diện quan hệ song phương và trong khuôn khổ hợp tác EEC - EFTA. Hai nhóm nước đã đạt được thoả thuận cho một hiệp định tự do thương mại và loại bỏ thuế quan đánh vào hàng hoá công nghiệp có hiệu lực từ 1977 (hoàn tất 1984).

Về phía EEC, sau khi mở rộng thêm 3 nước thành viên mới (Anh, Đan Mạch, Ai Len) bị vướng vào các vấn đề kinh tế do cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973 và 1979. Trong bối cảnh đó các nước Tây Âu co lại bảo vệ những lợi ích quốc gia và sao nhãng các cố gắng xây dựng cộng đồng. Việc kết nạp thành viên mới cũng làm nảy sinh một số bất đồng, đặc biệt với Anh trong vấn đề đóng góp ngân sách chung của cộng đồng.

Về nội bộ Thuỵ Điển : năm 1976, chính phủ do Đảng Xã hội - Dân chủ nắm quyền bị thất bại trong cuộc bầu cử, chính quyền chuyển sang liên minh cánh hữu, không ưu tiên trong quan hệ với EEC. Đảng Trung tâm của Thủ tướng Thorbjon Falldin lúc đó còn chỉ trích EEC và phản đối Thuỵ Điển quan hệ gần gũi với EEC.

Với những lý do trên, trong giai đoạn này quan hệ giữa Thuỵ Điển và EEC không có những đột phá quan trọng.

Giai đoạn 1983 - 1994 :

Ơ Tây Âu, giữa những năm 1980 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình xây dựng thị trường chung. Với vị trí kinh tế suy yếu so với hai trung tâm Nhật - Mỹ, đã buộc các nước Tây Âu phải đặt vấn đề xem xét lại các hoạt động liên kết kinh tế của mình nhằm tìm cách khai thông tình trạng trì trệ và đem lại cho nhất thể hoá kinh tế một đà phát triển mới. 1985, EEC ra "sách trắng" về thiết lập một thị trường chung với sự tự do di chuyển vốn, dịch vụ, hàng hoá, lao động. Sau đó Định ước Châu Âu duy nhất ra đời, Định ước này, lần đầu tiên đã nêu về mặt pháp lý một loạt các chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng thị trường nội địa như chính sách xã hội, chính sách môi trường...(3).

Ơ Thuỵ Điển, sau cuộc bầu cử 1982, chính quyền lại về tay những người Xã hội - Dân chủ. Những chuyển động trên của EEC đã tác động mạnh mẽ đến Thuỵ Điển. 1983 thủ tướng Thuỵ Điển Olof Palme đã tới thăm chính thức Uỷ ban EEC ở Brusel, lần đầu tiên một Thủ tướng Thuỵ Điển thăm Uỷ ban này. Trong dịp đó, ông nhấn mạnh "chính phủ Thuỵ Điển mong muốn tham gia tích cực vào việc hoàn tất cho một thị trường tự do Tây Âu, thị trường được định tính bởi tinh thần đoàn kết,...", mối liên hệ chính trị ở cấp cao giữa các quan chức Brusel và những nhà lãnh đạo Xã hội - Dân chủ Thuỵ Điển lại được tiếp tục. Trong nước đã có những cuộc thảo luận sôi nổi về quan hệ tương lai của Thuỵ Điển với EEC. Năm 1987, chính phủ Thuỵ Điển đệ trình đạo luật quan trọng "Thuỵ Điển và liên kết Tây Âu" kêu gọi tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực trừ chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng. Đạo luật này được Uỷ ban thường trực đối ngoại quốc hội, nội các ủng hộ. Do vậy chính phủ Thuỵ Điển đã tạo ra sức mạnh để chỉ đạo các tổ chức điều phối trung ương thực thi các hợp tác với EEC. Một mặt Thuỵ Điển tăng cường quan hệ song phương với EEC và mặt khác tiếp tục các nỗ lực trong EFTA để có một lập trường chung trong thương lượng với EEC. Thực tế trong những năm qua, do sự gần gũi về địa lý, về chính trị, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa EEC và EFTA được xúc tiến mạnh hơn dưới nhiều hình thức : đầu tư trực tiếp, liên doanh và hợp tác kỹ thuật. Ngoài những lĩnh vực trọng yếu trên, những lĩnh vực hợp tác về giao thông vận tải, môi trường cũng đã được tiến hành. Một bước tiến quan trọng nữa trong sự hợp tác EEC và EFTA, đó là trong Tuyên bố chung Luxemburg 1984, thể hiện mong muốn thiết lập một khu vực tự do thương mại rộng rãi hơn giữa hai bên gọi là không gian kinh tế Châu Âu EEA (Europe Economic Area) hoặc EES (Europe Economic Space).

Phía EFTA đã thoả thuận với nhau về một kế hoạch để thương lượng với EEC tại hội nghị Tampere (Phần Lan) 6/88. Còn các nước EEC (1989) đã thông qua sáng kiến của Chủ tịch đương nhiệm EEC lúc đó, ông Que Selard. Từ nỗ lực của hai phía đã dẫn đến cuộc họp cấp bộ trưởng giữa EEC và EFTA tại Brusel tạo nên bước tiến cho các cuộc thảo luận trên qui mô mới toàn châu Âu về hợp tác kinh tế giữa hai tổ chức này. 1992, hai bên đã đạt được một hiệp định khu vực kinh tế châu Âu về tự do thương mại trong 4 lĩnh vực : vốn, lao động, dịch vụ, hàng hoá. Một không gian kinh tế châu Âu bao gồm 18 nước với số dân 370 triệu người hình thành. Người ta nói rằng Hiệp định EEA như là một bước đệm để các nước trong EFTA tham gia EU, bởi theo EEA, các nước EFTA sẽ tuân thủ đến 80% các qui định đề ra của Liên minh châu Âu. Một bằng chứng khác nữa, các nước trong khối EFTA đã lần lượt xin gia nhập EU. Thuỵ Điển (1/7/1991), Phần Lan (28/3/1992), Thuỵ Sĩ (16/5/1992), A'o (6/1994) và kết quả là ngày 1/1/1995 Thuỵ Điển cùng với Phần Lan, A'o đã trở thành thành viên đầy đủ của EU, nâng tổng số thành viên EU lên 15 nước.

3. Những nhân tố chính trị, kinh tế:

Sau gần 40 năm thành lập EU, Thuỵ Điển mới tham gia, một sự tham gia muộn mằn hay vẫn đúng lúc ? Thuỵ Điển là một nước theo kinh tế thị trường với nền công nghiệp phát triển cao và thể chế chính trị theo mô hình phương Tây là hai điều kiện đủ và tiên quyết cho một nước xin gia nhập EU.

- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi hầu hết các nước phương Tây đều chấp nhận sự lựa chọn là dựa vào Mỹ về mọi mặt. Kế hoạch Marshall thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế của các nước này. Còn Thuỵ Điển vẫn lựa chọn con đường đứng giữa của mình. Có thể lý giải được rằng tuy chiến tranh đã kết thúc nhưng tiếp sau lại là cuộc đối đầu trong chiến tranh lạnh giữa Xô - Mỹ, thể hiện tập trung của đối đầu Đông - Tây ở châu Âu. Với vị trí địa lý, chính trị hết sức nhạy cảm của Thuỵ Điển cùng với nước láng giềng Phần Lan nằm trong khu đệm giữa hai khối, cả hai đều hết sức tránh dính líu vào các cuộc xung đột để chống bên này hoặc bên kia. Thậm chí Phần Lan tuy là nước phương Tây nhưng lại ký hiệp ước hoà bình hữu nghị với Liên Xô. Sự lựa chọn này chắc chắn được thôi thúc bởi kinh nghiệm của hai cuộc chiến tranh thế giới vừa qua, với chính sách trung lập, có lúc thực dụng đã giúp Thuỵ Điển thoát khỏi đạn bom tàn phá, nhờ đó kinh tế được duy trì và tạo đà phát triển "kỳ diệu" sau này. Ngược lại cũng chính do bảo toàn được cơ sở kinh tế - xã hội, nên lại giúp cho Thuỵ Điển độc lập lựa chọn chính sách đứng giữa hai khối trong môi trường chiến lược quốc tế đầy phức tạp lúc đó.

- Thuỵ Điển lúc đầu nhìn nhận EEC như là một tổ chức khối, xuất phát từ quan điểm như vậy nên chính sách của Thuỵ Điển trong gần 7 thập kỷ là không tham gia, mặc dù ngày càng có nhiều mối quan hệ kinh tế, chỉ sau khi Liên Xô - Đông Âu tan rã, chiến tranh lạnh chấm dứt, nguy cơ xung đột giữa các cường quốc không còn nữa, đây là nhân tố quan trọng nhất chi phối quyết định của Thuỵ Điển ra nhập EU.

- Từ thay đổi môi trường chiến lược và chính trị ở Châu Âu dẫn đến việc ngày nay Thuỵ Điển coi liên kết kinh tế châu Âu là một cơ chế "ổn định chính trị" và tư cách thành viên EU là phù hợp với lợi ích của Thuỵ Điển.

- Xu hướng liên kết kinh tế, liên kết khu vực và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng là một nhân tố tác động mạnh mẽ. Thực tế Thuỵ Điển cũng thấy nền kinh tế của họ có quan hệ chặt chẽ với bên ngoài. Con số xuất - nhập khẩu của Thuỵ Điển sau đây cho thấy quan hệ thương mại của Thuỵ Điển với các nước, đặc biệt với EU chiếm phần lớn.

                  1993                        Xuất       Nhập

                   EC                        53,4%      55%

                 EFTA                      19,1%      17%

                Bắc Mỹ                      11%         9%

          Đang phát triển                9,4%       7,5%

- "Mô hình Thuỵ Điển" sau những thập kỷ 50, 60, 70 phát triển đầy ấn tượng, nay gặp khó khăn, tỷ lệ phát triển kinh tế chậm lại, thâm hụt ngân sách, thất nghiệp và lạm phát gia tăng, hàng hoá kém khả năng cạnh tranh, trong khi thị trường trong nước lại nhỏ hẹp.

Các công ty hàng đầu của Thuỵ Điển đã mở rộng các quan hệ kinh tế và đạt được những kết quả đáng kể với EU, như công ty Elextrolux và công ty viễn thông bưu điện Erisson đã có mặt ở hầu hết các nước châu Âu. 1988, công ty ASEA liên kết với Brown Boreri của Thuỵ Sĩ thành tổ hợp ABB hoạt động ở 140 nước là những ví dụ. Sự phát triển kinh tế của Thuỵ Điển sẽ do một loạt các nhân tố quyết định. Tuy nhiên mối liên hệ thương mại với EC càng trở nên là mối quan hệ cộng sinh giữa Thuỵ Điển, Bắc Âu và EU. Tháng 5/1991 Thuỵ Điển quyết định gắn đồng Krone trong hệ thống tiền tệ do đồng đôla Mỹ chi phối sang liên kết với hệ thống đơn vị tiền tệ châu Âu (ECU) là một chứng minh rõ nét việc Thuỵ Điển ngày càng muốn hoà nhập vào châu Âu.

*

Trong thập niên 80, EEC có những quyết định cần tăng cường liên kết kinh tế mạnh mẽ, khi khả năng cạnh tranh với các trung tâm kinh tế Mỹ, Nhật trong thị trường toàn cầu tỏ ra không chắc chắn. Mặc dù còn có những thách thức, nhưng về lâu dài, EU sẽ là một tổ chức khu vực có ảnh hưởng nhất ở châu Âu.

Là thành viên EU, Thuỵ Điển sẽ có một thị trường rộng lớn cho mọi sản phẩm hàng hoá của mình, tự do hoá thương mại hàng năm sẽ làm lợi cho Thuỵ Điển 4-7 tỷ Krone. Song cũng phải chịu những không thuận lợi khác về thương mại như giá nhập khẩu sẽ tăng từ 2 tỷ - 2,7 tỷ Krone do phải áp dụng chung chính sách thương mại EU trong quan hệ với các nước thứ ba. Ngoài ra, những tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực y tế, môi trường, an toàn lao động mà Thuỵ Điển đã đạt được có thể bị ảnh hưởng.

Trở thành thành viên EU không phải giúp Thuỵ Điển gặt hái được nhiều lợi ích ngay trước mắt mà điều quan trọng đối với Thuỵ Điển là giành được "quyền bỏ phiếu ở Châu Âu" và có cơ hội gây ảnh hưởng đối với quyết định của EU - mà những quyết định này, dù Thuỵ Điển đứng ngoài vẫn sẽ có ảnh hưởng tới.

Do vậy, việc tham gia EU của Thuỵ Điển là đúng lúc và có cơ sở cho sự phát triển trong bước hội nhập này, trước hết là hội nhập kinh tế./.

Tài liệu trích dẫn:

1. Bức tranh toàn cảnh của Thụy Điển.

2. Liên minh Châu Âu.-NXB CTQG.

Cùng chuyên mục