Số 20 - Về những phương châm mới trong quan hệ an ninh Mỹ - Nhật

03:43 22/03/2012

Về những phương châm mới trong quan hệ an ninh Mỹ - Nhật

Tác giả: Lê Linh Lan.

Ngày 24 tháng 9 năm 1997, Nhật Bản và Mỹ đã chính thức công bố bản báo cáo cuối cùng (1) về sửa đổi phương châm hợp tác phòng thủ song phương. Việc hợp tác phòng thủ sẽ được tiến hành trong khuôn khổ Hiến pháp Nhật Bản và trong 3 trường hợp: hợp tác phòng thủ bình thường ; các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Nhật Bản và trong trường hợp khẩn cấp tại các khu vực xung quanh Nhật Bản ( không được chỉ rõ bao gồm những khu vực nào). Theo phương châm hợp tác phòng vệ Mỹ - Nhật mới, lần đầu tiên các lực lượng phòng vệ Nhật Bản được đóng một vai trò hạn chế trong việc hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ. Theo phương châm cũ được xét duyệt lại năm 1978, Nhật Bản chỉ có thể đưa quân ra nước ngoài để tham gia vào các hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên Hợp quốc. Thoả hiệp mới cho phép binh sĩ Nhật Bản sử dụng tàu quét mìn để quét thuỷ lôi trong hải phận quốc tế hoặc cung cấp nhiên liệu và phụ tùng cho máy bay và tàu bè của Mỹ, nhưng không có nghĩa vụ cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân đội Mỹ.

Đây là một sự kiện rất quan trọng đối với an ninh châu A' - Thái Bình Dương (CA-TBD), bởi nó tác động trực tiếp đến quan hệ giữa các nhân tố chủ chốt trong quan hệ quốc tế ở khu vực này. Ngay lập tức, Trung Quốc và sau đó là Bắc Triều Tiên công khai phản đối. Các nước khác trong khu vực hoặc tỏ thái độ hoan nghênh như Nga, Hàn Quốc, Australia, Philippines, hoặc tỏ thái độ trung lập như Indonesia. Bài viết này tập trung phân tích những tính toán của Mỹ và Nhật khi mở rộng phạm vi hợp tác phòng thủ; những nguyên nhân đằng sau thái độ các nước trong khu vực đối với phương châm hợp tác phòng thủ Mỹ - Nhật mới, đặc biệt là thái độ của Trung Quốc, và tác động của việc mở rộng hợp tác an ninh Mỹ - Nhật đối với an ninh ở khu vực CA-TBD.

Y' đồ của Mỹ và Nhật:

Quyết định tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi hợp tác phòng thủ Mỹ - Nhật bất chấp những thăng trầm trong quan hệ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng tỏ rằng hai nước vẫn có những lợi ích to lớn trong việc duy trì và nâng cấp một liên minh quân sự mà mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của nó đã chấm dứt tồn tại cùng với sự kết thúc của chiến tranh lạnh.

Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc duy trì một môi trường an ninh ổn định ở khu vực này vì trước hết Mỹ cũng là một cường quốc Thái Bình Dương. Sự phồn vinh và phát triển của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào các nền kinh tế năng động nhất thế giới hiện đang tập trung ở Đông A'. Khi mà buôn bán với châu A' chiếm 40% tổng thương mại của Mỹ, thì việc bảo đảm sự tiếp tục phát triển thịnh vượng của các nền kinh tế châu A' có ý nghĩa sống còn với Mỹ. Thắt chặt liên minh Mỹ - Nhật và qua đó tiếp tục duy trì sự sự hiện diện quân sự của mìn ở Đông A' nằm trong những tính toán về kinh tế lâu dài của Mỹ. Tuy nhiên, ở đây không chỉ có những tính toán kinh tế. Những tính toán chiến lược của Mỹ cũng không kém phần quan trọng khi Mỹ chủ trương mở rộng hợp tác an ninh Mỹ - Nhật. Quyết tâm giữ vai trò chủ đạo trong các vấn đề ở khu vực và ngăn chặn sự nổi lên của một cường quốc có khả năng thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân chính trong việc Mỹ mở rộng phạm vi hợp tác Mỹ - Nhật. Đối với Mỹ, Trung Quốc là một cường quốc đang nổi lên và có nguy cơ đe doạ vai trò chủ đạo của Mỹ ở CA-TBD. Không những thế, Mỹ còn lo ngại về tương lai chưa rõ ràng của Trung Quốc, cách thức Trung Quốc sẽ xử sự với Đài Loan trong tương lai. Vì vậy, rõ ràng Mỹ vẫn có những lợi ích an ninh và kinh tế vô cùng to lớn trong việc tiếp tục duy trì sự hiện diện và thông qua đó là duy trì ảnh hưởng của mình ở CA-TBD.

Thoả thuận cho phép Nhật Bản có một vai trò an ninh quân sự lớn hơn trước không có nghĩa Mỹ đã từ bỏ chính sách kiềm chế Nhật Bản. Xét cho cùng, đây là sự phân công trách nhiệm ít bất bình đẳng hơn so với trước kia khi mà Mỹ đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ bảo vệ Nhật Bản, và tất cả điều mà Nhật có thể làm chỉ là ký séc. Trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh, khi mục tiêu ngăn chặn kẻ thù trực tiếp lớn nhất của mình là Liên Xô (cũ) đã không còn, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đứng trước thách thức to lớn là làm sao thuyết phục được những người dân Mỹ về sự cần thiết tiếp tục duy trì 100.000 quân ở Đông A'. Vì vậy, đây không phải là lần đầu Mỹ gây sức ép để Nhật phải đảm nhiệm một vai trò lớn hơn tuy vẫn trong khuôn khổ liên minh Mỹ - Nhật.

Đối với Nhật, có thể thấy 3 nguyên nhân chủ yếu đằng sau việc tăng cường hợp tác phòng thủ với Mỹ. Nguyên nhân thứ nhất là do những ràng buộc của Hiến pháp hoà bình 1947 (điều 9), Nhật Bản hiện không đủ khả năng tự bảo vệ. Mặc dù ở Nhật có không ít tiếng nói ủng hộ Nhật sửa đổi Hiến pháp và trở thành một nước "bình thường", việc sửa đổi Hiến pháp của Nhật vẫn là một vấn đề gây tranh cãi và ngay nội bộ Nhật cũng chưa đạt được sự nhất trí. Vì vậy, ít nhất trong tương lai ngắn hạn, Nhật vẫn phải tiếp tục dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình. Tuy hiện thời, Nhật không có kẻ thù mà Nhật coi là mối đe doạ trực tiếp như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng trong đánh giá của Nhật, ngoài thực tế chiến lược chưa rõ ràng ở khu vực, ít nhất có 3 vấn đề có khả năng đe doạ an ninh của Nhật là vấn đề bán đảo Triều Tiên, tiềm năng quân sự và đặc biệt là kho vũ khí hạt nhân của Nga và sự nổi lên của Trung Quốc. Thứ hai, việc tăng cường hợp tác phòng thủ với Mỹ vẫn trong khuôn khổ liên minh an ninh Mỹ - Nhật giúp cho Nhật mở rộng vai trò chính trị và an ninh của mình trong khu vực, một vai trò tương xứng hơn với địa vị siêu cường thứ 2 về kinh tế mà không gây ra sự phản đối của các nước khác trong khu vực (trừ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, vì hai nước này coi việc củng cố liên minh an ninh Mỹ - Nhật là nhằm vào Đài Loan và bán đảo Triều Tiên). Đối với các nước ở khu vực, một vai trò an ninh mở rộng của Nhật trong vòng kiềm toả của Mỹ là điều dễ chấp nhận hơn. Cuối cùng, dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình vẫn là phương cách đỡ tốn kém và hiệu quả, cho dù Nhật đã tăng lên đáng kể đóng góp của mình trong dàn xếp an ninh Mỹ - Nhật (25 tỷ cho 3 năm tới so với mức trung bình 5 đến 6 tỷ mỗi năm trước đây. Ngay cả khi đóng góp tài chính cho Mỹ tăng lên như vậy, chi phí quân sự của Nhật vẫn nằm ở dưới mức 1% GDP).

Thái độ của các nước:

Trung Quốc đã bày tỏ thái độ phản đối của mình đối với việc tái khẳng định và mở rộng Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ và đặc biệt là bản báo cáo ngày 24 tháng 9 của Nhật và Mỹ về việc sửa đổi phương châm chỉ đạo hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ. Ngày 24/9, tại Bắc Kinh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thẩm Quốc Phóng tuyên bố: "Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ là một vấn đề do lịch sử để lại và là một thoả thuận song phương... bất kỳ hành động nào dù là trực tiếp hay gián tiếp ở eo biển Đài Loan trong khuôn khổ hợp tác phòng thủ Mỹ - Nhật đều là một sự can thiệp và vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc" (2).

Có thể thấy 4 nguyên nhân sau đây giải thích tại sao Trung Quốc lại có thái độ phản đối với việc Mỹ - Nhật củng cố hợp tác an ninh - một vấn đề mà từ trước đến nay Trung Quốc vẫn coi là một vấn đề do lịch sử để lại và không đi ngược lại lợi ích của mình.

Thứ nhất, Mỹ - Nhật củng cố hợp tác an ninh song phương vào một thời điểm không thể nào không làm cho Trung Quốc nghi ngờ rằng Trung Quốc là mục tiêu mới của hợp tác an ninh Mỹ - Nhật. Tuyên bố chung Mỹ - Nhật ngày 17 tháng 4 năm 1996 trong đó Mỹ - Nhật khẳng định sẽ tiến hành sửa đổi phương châm chỉ đạo hợp tác phòng vệ được đưa ra chỉ một tháng sau khi Trung Quốc triển khai 150.000 quân ở tỉnh Phúc Kiến và tiến hành 3 cuộc tập trận liên tục ở eo biển Đài Loan. Ngay trong bản tuyên bố chung đó, khu vực nằm trong vùng hợp tác an ninh Mỹ - Nhật được mở rộng có thể ngầm hiểu là bao gồm cả khu vực Đài Loan. Hơn nữa, gần đây các nước phương Tây và đặc biệt là Mỹ đã rầm rộ đưa ra thuyết "mối đe doạ Trung Quốc" cũng như sự cần thiết phải "lôi kéo tích cực Trung Quốc" hay "kiềm chế Trung Quốc". Vì vậy Trung Quốc có đủ các lý do để nghi ngờ rằng Trung Quốc, hay ít nhất cũng là "sự không rõ ràng về tương lai của Trung Quốc" đã trở thành mục tiêu mới cho hợp tác an ninh Mỹ - Nhật thời kỳ sau chiến tranh lạnh.

Thứ hai, Trung Quốc tin rằng Đài Loan nằm trong "khu vực xung quanh Nhật Bản", mặc dù ngay sau khi công bố phương châm hợp tác phòng thủ Mỹ - Nhật mới, để làm giảm bớt nỗi lo ngại của Trung Quốc về việc liệu Đài Loan có nằm trong "vùng xung quanh Nhật Bản hay không", và như vậy có thuộc phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật hay không, Mỹ và Nhật xác nhận "nguyên tắc tính đến tính chất của sự việc chứ không phải khái niệm địa lý" (3), và không trực tiếp đưa khu vực Đài Loan vào nội dung phương châm mới. Tuy nhiên, điều này cũng không thể làm giảm bớt sự nghi kỵ sâu sắc của Trung Quốc rằng Đài Loan thuộc phạm vi hợp tác an ninh Mỹ - Nhật - một điều Trung Quốc không bao giờ có thể chấp nhận (4).

Đây có thể là nguyên nhân quan trọng nhất khiến Trung Quốc có phản ứng gay gắt về vấn đề tăng cường hợp tác an ninh Mỹ - Nhật. Quyết tâm thu hồi Đài Loan của Trung Quốc, bằng hình thức này hay hình thức khác, chưa bao giờ suy giảm, vấn đề chỉ là thời điểm và thứ tự ưu tiên. Trong vòng 5 đến 10 năm tới, trọng tâm của Trung Quốc vẫn là tăng cường sức mạnh kinh tế. Tuy nhiên, Đài Loan là "lãnh thổ bị mất" cuối cùng mà Trung Quốc phải thu hồi. Từ sau sự kiện eo biển Đài Loan 1996, Lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nhắc đến việc Trung Quốc không từ bỏ sử dụng vũ lực khi cần thiết trong vấn đề Đài Loan, và gần đây nhất trong Báo cáo chính trị Đại hội 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc, phương châm không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực lại được nêu lên. Vì vậy, có thể thấy được tại sao Trung Quốc phản ứng gay gắt trước bất kỳ một sự can thiệp nào vào vấn đề mà theo Trung Quốc hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Thứ ba, việc tái khẳng định hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và phương châm chỉ đạo hợp tác phòng thủ Mỹ - Nhật đã đẩy vai trò an ninh của Nhật lên một mức độ mới. Tờ Asahi Shimbun ngày 25/9 nhận xét, với sự kiện này quan hệ liên minh an ninh Mỹ - Nhật đã vượt khỏi khuôn khổ trước đây, vai trò quân sự của Nhật được mở rộng, chính sách an ninh của Nhật Bản đứng trước bước ngoặt mới. Và điều này làm Trung Quốc thực sự lo ngại. Ngoài mục đích ngăn chặn Liên Xô, một trong những nguyên nhân chủ yếu khác khiến Trung Quốc ủng hộ Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật trước đây, là bởi Hiệp ước này có tác dụng kiềm chế và ngăn chặn Nhật tái vũ trang và theo đuổi chính sách quân sự như thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2. Sự nghi kỵ sâu xa của Trung Quốc đối với Nhật vẫn còn đó. Với sức mạnh kinh tế của Nhật Bản hiện nay, nhiều nhà phân tích chiến lược Trung Quốc cho rằng Nhật Bản rất dễ dàng trở thành một cường quốc quân sự hạt nhân chỉ trong một thời gian rất ngắn. Hơn nữa, đối với Trung Quốc, Nhật cũng là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trong việc giành vai trò lãnh đạo ở Đông A', bởi xét cả về mặt địa lý - chính trị lẫn văn hoá, chỉ có Nhật và Trung Quốc mới là một phần của Đông A' (5) . Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác phòng thủ Mỹ - Nhật và việc mở rộng vai trò an ninh của Nhật làm Trung Quốc lo ngại rằng việc này tiếp tay cho Nhật sửa đổi hiến pháp, tái vũ trang và trở thành một nước "bình thường".

Thứ tư, điều Trung Quốc vẫn thường lo ngại nhất là khả năng Mỹ - Nhật liên kết thành một mặt trận để kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc cần cả Mỹ và Nhật về phương diện vốn đầu tư, thị trường và công nghệ, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay khi toàn bộ nỗ lực của Trung Quốc dồn vào việc thực hiện thành công chương trình hiện đại hoá nền kinh tế của mình. Hơn nữa, đối với Trung Quốc, việc Mỹ - Nhật tăng cường mối quan hệ đồng minh chiến lược có nghĩa là Trung Quốc khó có thể lợi dụng mâu thuẫn giữa Nhật và Mỹ một cách có lợi cho mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Cuối cùng, thái độ phản đối của Trung Quốc có thể được giải thích là nhằm mục đích gây áp lực với Mỹ và Nhật. Trung Quốc cũng hiểu rằng Mỹ và Nhật đều nhận thức được vai trò của Trung Quốc và bất chấp những lo ngại về Trung Quốc, cả hai nước đều cố gắng củng cố quan hệ với nước này. Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc còn có thể hiểu là nhằm vào nội bộ Trung Quốc chứ không chỉ có mục đích đối ngoại.

Ngoài Trung Quốc, Bắc Triều Tiên cũng có thái độ công khai phản đối, chủ yếu là bởi bán đảo Triều Tiên nằm trong phạm vi của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Một số nước trong khu vực tỏ thái độ hoan nghênh như Nga, Hàn Quốc, Australia và Philippines. Các nước khác trong khu vực giữ thái độ trung lập. Nhìn chung, việc mở rộng liên minh Mỹ - Nhật tạo ra cảm xúc hỗn tạp đối với nhiều nước. Một mặt, các nước trong khu vực coi sự hiện diện của Mỹ có tác dụng cân bằng trong cán cân lực lượng chưa ổn định ở khu vực và tuy không công bố rõ ràng, các nước không muốn Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Đông A', ít nhất là ở thời điểm này khi mà ở khu vực còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng. Hơn nữa, về cơ bản các nước trong khu vực cho rằng một vai trò được mở rộng cho Nhật Bản sẽ tương xứng với địa vị cường quốc kinh tế của nước này. Mặt khác, điều lo ngại lớn nhất đối với các nước là thái độ phản đối của Trung Quốc. Ngoài ra, các nước trong khu vực chưa hẳn đã hoàn toàn yên tâm về việc Nhật tăng cường vai trò an ninh, bởi người ta cũng không dễ gì quên được tội ác chủ nghĩa quân phiệt Nhật gây ra hồi chiến tranh thế giới thứ 2 và giấc mơ không thành của "Đất nước mặt trời mọc" về một "Khối Thịnh vượng chung Đại Đông A'" (6) .

Tác động đối với an ninh ở CA-TBD:

Một điều không thể tranh cãi là với bản báo cáo vừa qua về sửa đổi phương châm hợp tác phòng vệ Mỹ - Nhật, vai trò an ninh của Nhật đã chuyển sang một giai đoạn mới. Sự sụp đổ của Liên Xô (cũ) - mục tiêu chiến lược chung của Mỹ - Nhật và sức mạnh kinh tế ngày nay của Nhật đã làm thay đổi tính chất phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ hai nước. Nếu như trước kia mối đe doạ trực tiếp và những ràng buộc về Hiến pháp của mình, Nhật hoàn toàn phải dựa vào Mỹ để duy trì an ninh cho mình và cũng chính vì vậy, Nhật phải phụ thuộc vào Mỹ trong hầu hết các vấn đề khác, thì giờ đây tình hình đã thay đổi. Mức độ độc lập của Nhật trong quan hệ giữa hai nước tăng lên rõ rệt. Nhật đang trên con đường trở thành đối tác gần như ngang hàng với Mỹ. Và điều này không nhất thiết làm các nước trong khu vực lo ngại, bởi mặc dù Nhật Bản có vai trò tương đối lớn hơn so với trước, nhưng những thay đổi này vẫn nằm trong khuôn khổ Hiến pháp hoà bình của Nhật và trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Việc sửa đổi phương châm phòng thủ Mỹ - Nhật sẽ tác động phần nào tiêu cực đến quan hệ giữa các nước lớn vốn đã không ổn định ở khu vực này. Quan hệ Mỹ - Trung vốn đã bị căng thẳng bởi một loạt những bất đồng không phải một sớm một chiều khai thông được như vấn đề Đài Loan, dân chủ, vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân và cả những bất đồng về thương mại và quyền sở hữu công nghiệp, nay sẽ phải chịu thêm một nguồn gốc gây căng thẳng nữa. Từ khi Tuyên bố chung an ninh Mỹ - Nhật được Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Nhật Hashimoto đưa ra ở Tokyo tháng 4 năm 1996, gần như tất cả các quan chức cao cấp Mỹ đi thăm Bắc Kinh đều truyền đạt lại rằng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật là chủ đề A trong các cuộc thảo luận với những người đồng nghiệp Trung Quốc của họ (7) . Không những nghi ngờ rằng chính mình trở thành mục tiêu chiến lược cho Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật thời kỳ sau chiến tranh lạnh, việc Mỹ củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản là bức thông điệp rất rõ ràng về sự tiếp tục hiện diện của Mỹ ở khu vực này và là một sự thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở khu vực (8) .

Nhưng có lẽ chính quan hệ Trung - Nhật mới là quan hệ có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn cả sau việc Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác an ninh. Mặc dù gần đây do có một số nỗ lực đặc biệt từ phía Nhật, quan hệ 2 bên có ấm lên, nhưng sự nghi kỵ giữa hai bên vẫn còn rất đậm nét. Ngoài những lý do do lịch sử để lại, giữa Trung Quốc và Nhật còn có tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, một vấn đề cách đây không lâu đã nổi lên làm u ám quan hệ giữa hai nước.

Kết luận:

Ngoài tác dụng cân bằng như đa số các nhà phân tích trong khu vực nêu ra, khó có thể phủ nhận thực tế là việc Mỹ - Nhật củng cố và mở rộng phạm vi hợp tác phòng thủ còn có một số tác động bất lợi đối với môi trường an ninh ở khu vực. Trong khi Diễn đàn an ninh ASEAN và Hội đồng hợp tác An ninh CA-TBD -CSCAP đang cố gắng để tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, thì ngoài những lợi ích chiến lược lâu dài mà hiệp ước này có thể mang lại, nó có tiềm năng gây căng thẳng và tăng thêm nghi kỵ vốn có trong quan hệ giữa những diễn viên chính trong nền chính trị quốc tế ở khu vực CA-TBD. Tuy nhiên, ý thức được điều này sẽ giúp cho Mỹ và Nhật hành động có trách nhiệm hơn đối với an ninh khu vực, đặc biệt là trong quan hệ đối với Trung Quốc. Một trong những sáng kiến theo hướng đúng đắn được đưa ra gần đây là việc Mỹ - Nhật đã đề nghị không chính thức với cơ quan nghiên cứu ngoại giao của chính phủ Trung Quốc tiến hành đối thoại an ninh tay ba giữa Mỹ, Nhật và Trung Quốc (9) . Ngoài ra, mặc dù Mỹ và Nhật tiến hành việc trao đổi về phương châm hợp tác phòng thủ đã 16 tháng, nhưng mãi đến tận kỳ họp lần thứ tư ARF thì hai nước mới thông báo cho các nước thành viên ARF về thoả thuận mới này. Điều này cũng gây ra một số nghi ngại. Vì vậy, Mỹ và Nhật cần tiếp tục những nỗ lực trong việc giải thích ý đồ đối với việc mở rộng hợp tác an ninh Mỹ - Nhật để làm yên lòng các nước trong khu vực, không chỉ Trung Quốc mà còn cả những nước ASEAN. Điều này càng đặc biệt tế nhị trong một môi trường chiến lược chưa ổn định và tiềm tàng những bất trắc ở CA-TBD./.

Cùng chuyên mục