Số 21 - Ấn tượng 97

08:03 22/03/2012

Ấn tượng 97

Tác giả: Phan Doãn Nam.

Lại một năm đầy biến động nữa trôi qua. Trong những biến động đó, có cái đã được dự đoán trước, nhưng cũng có cái nằm ngoài dự tính, có cái tương đối giản đơn nhưng cũng có cái hết sức phức tạp hầu như không theo một quy luật nào. Tuy vậy, lần theo các sự kiện năm 1997 chúng ta thấy một cách rõ nét hơn những đường hướng phát triển chính của đời sống xã hội quốc tế trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh và trước thềm thế kỷ 21.

1. Nét nổi bật nhất của tình hình 1997 là sự khẩn trương đến mức hối hả của tất cả các dân tộc trong việc chuẩn bị hành trang cho thế kỷ 21. Sở dĩ có sự khẩn trương và hối hả đó là vì nhân loại đang sống những ngày cuối cùng của thế kỷ 21 và đây là giai đoạn chót, giai đoạn hoàn thiện của công cuộc chuẩn bị. Sự chuẩn bị này đã được bắt đầu từ lâu khi thế kỷ 20 chỉ còn phần tư cuối cùng. Nhưng mọi việc đều bị đảo lộn và phải chuẩn bị lại từ đầu sau khi chiến tranh lạnh và hệ thống hai cực đột ngột chấm dứt. Khi năm 1997 bắt đầu, các dân tộc bỗng nhận ra rằng họ chỉ còn trên dưới 1000 ngày để chuẩn bị cho 100 năm, thậm chí 1000 năm. Cá nhân mỗi chúng ta hiện đang có mặt trên quả đất này hầu như không ai có thể sống đến cuối thế kỷ 21. Nhưng với tư cách là một cộng đồng xã hội thế giới thì chúng ta còn tồn tại mãi không chỉ một hai ngàn năm mà hàng tỷ năm nữa. Do đó, việc chuẩn bị hành trang "cho hôm nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau" là một công việc cấp bách và thiết thực chứ không phải là ý nghĩ lãng mạn của các nhà khoa học xã hội. Nhìn lại hoạt động của thế giới trong năm 1997, có thể thấy tất cả các dân tộc lớn nhỏ đều xem việc vạch ra các chiến lược an ninh và phát triển là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình với một mục tiêu chung là cố giành cho dân tộc mình một vị thế tốt nhất trong hệ thống quốc tế của thế kỷ 21, một thế kỷ mà người ta có cơ sở tin rằng tuy còn phức tạp nhưng sẽ yên bình hơn, phồn vinh hơn so với thế kỷ 20 được coi là đẫm máu nhất trong lịch sử.

Không những tất cả các dân tộc mà tất cả các tổ chức quốc tế và khu vực đều rầm rộ chuẩn bị cho thiên niên kỷ mới. Tuy nhiên có những nơi việc chuẩn bị chỉ diễn ra âm thầm lặng lẽ, nhưng có những nước, nhất là các nước lớn, riêng việc chuẩn bị hành trang của họ cũng đã là một sự kiện trọng đại thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, thế giới rất quan tâm đến những gì đã diễn ra ở Trung Quốc với hai sự kiện có tầm quan trọng lịch sử xuyên thế kỷ là việc thu hồi Hồng Kông và Đại hội lần thứ 15 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc thu hồi Hồng Kông không chỉ dừng lại ở chỗ là niềm kiêu hãnh của nhân dân Trung Quốc trong việc chấm dứt 155 năm thống trị của phương Tây đối với một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc, mà tầm quan trọng đối với việc này là ở tương lai, ở lời cam kết của Trung Quốc sẽ tiếp tục để cho chế độ tư bản tồn tại ở đặc khu kinh tế này 50 năm nữa. Lời cam kết này không những vì lợi ích của Trung Quốc muốn tiếp tục thu nhặt những "quả trứng vàng" của "con ngỗng" này, mà còn tạo ra một tiền lệ lịch sử không tiền khoáng hậu về "thể chế một nước hai chế độ" nhằm tạo điều kiện để đưa Đài Loan trở về Trung Quốc một cách hoà bình. Do đó, việc Trung Quốc có thực hiện lời cam kết này hay không sẽ quyết định không những tương lai của Trung Quốc trong thế kỷ tới, mà còn có tính quyết định đối với nền an ninh phát triển của toàn khu vực. Nền ngoại giao hoà bình "quyết không xưng bá" của Trung Quốc là thực hay giả thì vấn đề Hồng Kông sẽ là hòn đá thử vàng. Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội lần thứ 15 của Đảng Cộng sản Trung Quốc được sắp xếp để tổ chức ngay sau khi Hồng Kông được thu hồi và trước khi Chủ tịch Giang Trạch Dân thăm Mỹ. Thoạt nhìn, ba sự kiện này hình như không liên quan gì đến nhau vì đều đã nằm trong chương trình được định sẵn từ lâu. Tuy nhiên tất cả chúng đều có ý nghĩa xuyên thế kỷ, hỗ trợ lẫn cho nhau, sự kiện trước hỗ trợ cho sự kiện sau, sự kiện sau tạo điều kiện thực hiện những điều dự định trong sự kiện trước đó. Nếu sắp xếp thứ tự khác đi thì kết quả sẽ không được như mong muốn.

Nếu các bước đi của Trung Quốc trong việc chuẩn bị cho thế kỷ 21 có vẻ chững chạc đường hoàng và tự tin (ít nhất là người ta có ấn tượng như thế), thì các hoạt động của Mỹ theo hướng này lại gây cho người ta một ấn tượng ngược lại. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại, là nước mạnh nhất thế giới, đặc biệt là về quân sự và khoa học công nghệ. Nhưng điều đó không làm cho Mỹ có một tư thế đĩnh đạc khi hướng tới tương lai. Dường như Mỹ bị hẫng hụt trong việc xác định kẻ thù mới. Tình trạng không có kẻ thù đã làm Mỹ mất phương hướng chiến lược và đi đến chỗ khi nhìn bất cứ nước nào cũng sợ họ sẽ nổi lên thách thức quyền lực của mình. Không những Mỹ nhìn vào các nước lớn, nhất là các đối thủ cũ với con mắt như vậy, mà còn nhìn các nước nhỏ như Cuba, Iraq, CHDCND Triều Tiên, Lybie, Iran đều với con mắt nghi ngờ. Chính sự khủng hoảng về thiếu kẻ thù đó khiến Mỹ đã làm cái điều mà không ai làm sau chiến tranh lạnh, khi không có kẻ thù chung, là mở rộng và nâng cấp các liên minh quân sự, di sản của thời chiến tranh lạnh. Liên minh quân sự với nhau nhưng không xác định được kẻ thù cụ thể là nguyên nhân sẽ dẫn đến sự mất phương hướng và mâu thuẫn nội bộ trong tương lai. Trong chiến tranh lạnh, Mỹ dùng Liên Xô làm "con ngáo ộp" để buộc đồng minh nằm dưới sự chỉ huy của mình, nay "con ngáo ộp" đó không còn nữa thì liệu còn bao nhiêu nước đồng minh sẽ tiếp tục làm theo gậy chỉ huy của Mỹ? Học thuyết Clinton về "mở rộng dân chủ" không những gặp sự phản đối của các dân tộc mà bản thân trong nội bộ Mỹ, nhất là giữa Tổng thống và Quốc hội cũng không có sự thống nhất. Nguyên nhân chủ yếu là chính sách ngoại giao của Mỹ không dựa vào lợi ích dân tộc mà dựa trên lợi ích các tập đoàn tài chính và nhất là lá phiếu của các cộng đồng người Mỹ gốc nước ngoài. ở các bang miền Nam nước Mỹ, nơi có số phiếu đại cử tri lớn cũng là nơi có những cộng đồng người châu A' và Mỹ La Tinh đông nhất. Do chế độ bầu cử ở Mỹ cho nên phiếu bầu của cử tri các cộng đồng này thường có tác dụng như giọt nước làm tràn cốc nước. Hệ thống chính trị của Mỹ cứ 4 năm bầu cử tổng thống 1 lần đã làm cho tầm nhìn của một tổng thống Mỹ thường chỉ giới hạn trong 4 năm. Trong cả nhiệm kỳ đầu, người ta chỉ lo chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2 và sau khi trúng cử nhiệm kỳ 2 Tổng thống nào cũng muốn làm một cái gì có tiếng vang để được ghi tên vào lịch sử. Do đó những người thực sự có tầm nhìn chiến lược dài hơi thường không phải là những người nắm quyền mà chính là giới học giả trí thức. Nhưng những người này lại không có quyền. Điều này cắt nghĩa tại sao ta thấy Mỹ có sự lúng túng khi nhìn về tương lai.

Nhìn sang châu Âu chúng ta thấy người ta chuẩn bị hành trang cho thế kỷ 21 với một quyết tâm rất cao nhằm biến châu lục này từ chỗ là nơi bùng nổ hai cuộc chiến tranh lớn nhất thế giới -có thể gọi là các cuộc nội chiến ở châu Âu -và cuộc chiến tranh lạnh dài nhất thế kỷ thành một châu lục thống nhất có một đồng tiền chung, một nền ngoại giao và an ninh chung. Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp thì ngay trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Liên hợp châu Âu sẽ đi đầu thế giới trong vấn đề nhất thể hoá ở trình độ cao và sẽ bao gồm đại bộ phận các nước châu Âu chứ không chỉ riêng 15 nước như hiện nay. Điều gây trở ngại cho công cuộc nhất thể hoá này là nhịp độ và bước đi của nó đang gây ra sự khác nhau trong cách đề cập của từng nước châu Âu riêng biệt vì khó khăn về kinh tế, nhất là nạn thất nghiệp, vấn đề lương bổng và phúc lợi của công nhân, thâm hụt ngân sách của các nước không giống nhau đòi hỏi những cách giải quyết khác nhau. Mặt khác người ta thường hỏi liệu châu Âu là nơi sản sinh ra những quốc gia - dân tộc đầu tiên trên thế giới sẽ có thể trở thành nơi đầu tiên xoá bỏ quốc gia - dân tộc không. Những sự chuẩn bị tương tự như vậy cũng đã diễn ra ở các nước khác như Nhật, Nga, Â'n Độ v.v... và các nước bậc trung. Lần đầu tiên trong lịch sử, các chương trình nghị sự xuyên thế kỷ đã được vạch ra cho các tổ chức quốc tế và khu vực. Nhiều hội nghị quốc tế chủ yếu gồm những nước có sử dụng một ngôn ngữ chung, như cộng đồng Pháp ngữ, hoặc vốn cùng một hệ thống thuộc địa mà ra như khối Thịnh vượng chung của Anh v.v... trước đây chỉ chú ý đến các vấn đề ngôn ngữ văn hoá, thì giờ đây cũng đã thảo luận đến các vấn đề xuyên thế kỷ, trước hết là vấn đề phát triển trong thế kỷ tới.

Tất nhiên người ta cũng thấy bên cạnh sự nhộn nhịp của hầu hết các dân tộc trên thế giới trong việc chuẩn bị cho tương lai, thì cũng có một số dân tộc, bộ tộc đang sống đếm từng ngày, sống hôm nay mà không biết có ngày mai trong các cuộc xung đột sắc tộc và nghèo đói.

2. Một nét lớn khác cực kỳ quan trọng của tình hình thế giới năm 1997 là sự hình thành các quan hệ đối tác chiến lược có tính chất xây dựng giữa các nước lớn trên cơ sở song phương. Đã hình thành những cặp quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất như Nga - Trung, Nga - NATO, Trung - Mỹ, Nga - Â'n, Trung - Â'n, Trung - Pháp, Nga - Mỹ hoặc việc cải thiện quan hệ chiến lược giữa Trung - Nhật, Nga - Nhật v.v... Điều này cho thấy tất cả các nước lớn trên thực tế đã công nhận hệ thống thế giới ngày nay là đa cực. Điều quan trọng hơn là họ đã cam kết không xem nhau là kẻ thù, cùng nhau tăng cường tiếp xúc, đối thoại, kể cả bằng đường dây nóng để giải quyết các tranh chấp song phương cũng như quốc tế. Bản thân việc xem nhau là đối tác chiến lược có tính chất xây dựng đương nhiên không có nghĩa là các tranh chấp và mâu thuẫn sẽ tự nhiên biến mất hoặc sẽ sớm được giải quyết, nhưng ý nghĩa của nó là các nước lớn đã thay đổi cách đề cập đối với các vấn đề bất đồng khó giải quyết, không để chúng cản trở việc cải thiện quan hệ, và thông qua việc cải thiện quan hệ để tiến tới giải quyết việc tranh chấp. Quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước lớn ngày nay không giống sự hoà hoãn giữa họ với nhau trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Hoà hoãn giữa các nước lớn trong thời kỳ chiến tranh lạnh thường diễn ra trên lưng các nước thứ ba. Trong cuộc họp báo ngày 29/10 tại Nhà Trắng nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, chính tổng thống Mỹ Bill Cliton đã thú nhận là "trong chiến tranh lạnh Mỹ rất vui sướng khi thấy Liên Xô và Trung Quốc xung đột với nhau", mặc dù Mỹ tiến hành hoà hoãn với cả hai. Trong chiến tranh lạnh, các nước nhỏ, nhất là các nước đang đấu tranh cho nền độc lập của mình, thường là nạn nhân của sự hoà hoãn giữa các nước lớn. Liệu giờ đây mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước lớn có làm hại đến lợi ích của các nước thứ ba và đặc biệt đối với các nước nhỏ hơn hay không ? Vấn đề này cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm, nhưng trong quan hệ quốc tế mới theo hướng đa cực, người ta thấy không có cơ sở để xảy ra điều đó. Một là, các nước lớn xem nhau là những đối tác bình đẳng, không muốn trở lại thời kỳ đối đầu trong chiến tranh lạnh, do đó khả năng một nước lớn này câu kết với một hoặc nhiều nước lớn khác để chống một nước lớn thứ ba là không có, vì điều đó chẳng phục vụ lợi ích ai cả mà chỉ đưa thế giới trở lại thời kỳ đối đầu. Hai là, trong quan hệ quốc tế trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh, tính độc lập, tự cường của các dân tộc rất cao, không còn sự phụ thuộc một chiều mà là cùng phụ thuộc lẫn nhau. Ba là, tuy xem nhau là đối tác chiến lược, nhưng nước nào cũng đặt lợi ích dân tộc mình lên trên hết và nước nào cũng muốn vươn lên hàng đầu, do đó những mâu thuẫn cơ bản giữa các nước còn lâu mới được giải quyết, thậm chí không thể giải quyết. Cho nên chưa có thể nói từ nay quan hệ giữa họ với nhau chỉ có "nồng ấm". Ngày 29/10/1997, khi trả lời các nhà báo ở Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đã nói rõ: "Bên trong cụm từ này (quan hệ đối tác chiến lược có tính xây dựng) có nghĩa là muốn xây dựng mối quan hệ bè bạn và điều đó không nhất thiết được hiểu rằng hiện nay đã có mối quan hệ bè bạn chiến lược, mà là cùng cố gắng phấn đấu cho mục tiêu này".

Trong hệ thống thế giới đa cực đang hình thành hướng tới thế kỷ 21, sẽ không có nước nào hoặc cặp quan hệ nào có khả năng chi phối toàn thế giới. Tuy vậy cũng cần thấy rằng sự đột phá trong quan hệ Trung - Mỹ qua chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc và cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật là những sự kiện có ảnh hưởng tích cực đến quan hệ quốc tế.

Như chúng ta đã biết, từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, quan hệ Trung - Mỹ diễn ra ấm lạnh thất thường. Giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc. Mâu thuẫn lớn nhất là giữa tham vọng lãnh đạo thế giới của Mỹ với sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một siêu cường trong thế kỷ 21 đe doạ vai trò lãnh đạo đó. Do đó Mỹ luôn bị ám ảnh bởi "mối đe doạ Trung Quốc". Trung Quốc luôn luôn xem Mỹ có ý đồ lật đổ chế độ chính trị của Trung Quốc, chia cắt và phá hoại công cuộc 4 hiện đại hoá. Mỹ luôn luôn nêu các vấn đề Đài Loan, nhân quyền, tôn giáo (Tây Tạng), phổ biến kỹ thuật hạt nhân, thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc v.v... để tiếp tục cấm vận bán kỹ thuật cao cho Trung Quốc. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược có tính xây dựng giữa hai nước không làm cho các mâu thuẫn này tan biến đi. Cách đề cập mới sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho hai nước thông qua đối thoại tìm ra giải pháp thoả hiệp có lợi cho cả hai bên. Trong các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc thì Đài Loan là vấn đề "tiến thoái lưỡng nan" đối với cả hai bên. Trung Quốc không thể không tìm cách đưa Đài Loan về với lục địa trước khi nước CHND Trung Hoa tròn 100 tuổi. Trung Quốc cũng chưa bao giờ tuyên bố là họ sẽ không dùng vũ khí nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Mỹ tự ràng buộc mình với tương lai của Đài Loan bằng đạo luật "Quan hệ với Đài Loan" năm 1979. Không một Tổng thống nào của Mỹ dám làm ngược lại cái đã được biến thành luật. Do đó, có thể khi quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, cả Mỹ và Trung Quốc hy vọng thông qua đối thoại để tìm ra một công thức thoả hiệp kiểu "một Đổng Kiến Hoa cho Đài Loan" mà hai bên và cả Đài Loan cũng chấp nhận được chăng ?

Quan hệ Nga - Nhật lâu nay dẫm chân tại chỗ chủ yếu vì vấn đề "lãnh thổ phương Bắc". Chính vì vấn đề này mà giữa Nhật với Liên Xô (nay là Nga) vẫn chưa ký được Hoà ước sau 52 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2. Chưa biết trong Hoà ước mà hai nước định ký vào năm 2000, vấn đề "lãnh thổ phương Bắc" sẽ được đề cập theo phương thức nào, nhưng ý đồ không để vấn đề này cản trở quá trình cải thiện quan hệ 2 nước là một hướng đi đúng và có lợi cho cả 2 bên. Nó sẽ cung cấp cho Nhật một thị trường mênh mông và tài nguyên phong phú của Nga, đồng thời tạo cho Nga điều kiện để có vốn và công nghệ của Nhật để có thể hội nhập thật sự vào châu A' và tăng cường tiếng nói của mình ở khu vực này. Việc Nga được kết nạp vào APEC (kể từ 1998) sẽ tạo điều kiện cho người đứng đầu các nước lớn, trước hết là Mỹ, Trung, Nga, Nhật, gặp nhau không chính thức hàng năm. Có lẽ đó cũng là một điều tích cực.

3. Trong lúc quan hệ giữa các nước lớn đang phát triển theo chiều hướng ổn định thì tiếc rằng tình hình ở các khu vực khác nhau trên thế giới tiếp tục đầy biến động, bất trắc và hình như không theo một qui luật nào. ở Đông Bắc A', tình hình có dịu hơn do việc các bên liên quan đã thoả thuận đi vào nói chuyện 4 bên (Mỹ, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc). Nhưng chưa có một dấu hiệu cho thấy triển vọng lạc quan. Các nhà chính trị thế giới vẫn chưa xác định khả năng nào sẽ xảy ra ở bán đảo Triều Tiên (theo phương án hạ cánh nhẹ nhàng; thống nhất kiểu hai nước Đức; hay thống nhất bằng chiến tranh). Chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh nhằm đảm bảo quân Mỹ một lúc có thể chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh cục bộ lớn thì một cuộc được dự kiến xảy ra Đông Bắc A', cuộc thứ hai là ở Trung Đông. Trong năm 1997, tình hình Trung Đông lại trở nên căng thẳng, đe doạ xoá bỏ những thành quả đã đạt được giữa Palestine và Israel dưới thời cố Thủ tướng Israel Rabin. Dư luận thế giới cho rằng thái độ ngoan cố của Chính quyền Netanyahu sẽ không kéo dài bao lâu nếu không có sự nương nhẹ của Mỹ. Chính thái độ thiên vị đó của Mỹ giải thích vì sao phần lớn các nước Arập hoan nghênh Nga quay trở lại đóng vai trò hoà bình ở khu vực này. Khi những dòng này được viết ra thì "bóng ma của cuộc bão táp sa mạc 1991" lại đang lởn vởn trên bầu trời Trung Đông do Mỹ phản ứng trước yêu cầu của Iraq xem xét lại thành phần các đoàn thanh tra vũ khí của Liên Hợp quốc ở Iraq. Nhưng khác với năm 1991, lần này Pháp, Nga và Trung Quốc tuy vẫn yêu cầu Iraq nên có thái độ mềm dẻo, nhưng không tán thành việc Mỹ dùng quân sự chống lại Iraq. Thái độ của đại đa số các nước Arập đối với Iraq cũng khác với năm 1991. Họ không tán thành việc Mỹ dùng quân sự chống Iraq. Đặc biệt chuyến đi thăm của Tổng thống Mandela (Cộng hoà Nam Phi) đến Lybie bất chấp sự phản đối của Mỹ cho thấy thế lực của Mỹ ở khu vực này đã suy yếu hơn trước. Qua những diễn biến trong năm 1997, có thể thấy thời kỳ sau chiến tranh lạnh, trong hệ thống thế giới đa cực, các nước lớn có thể giúp làm dịu tình hình xung đột ở một số khu vực, nhưng muốn giải quyết dứt điểm mâu thuẫn về lãnh thổ, chính trị, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo ở các khu vực là tuỳ thuộc vào các bên trực tiếp liên quan. Tiếc rằng những mâu thuẫn loại này ở đâu cũng có và thường kéo dài năm này qua năm khác.

Những diễn biến ở Châu Phi trong những năm gần đây làm cho dư luận thế giới không còn xem khu vực này là một lục địa bị bỏ quên nữa. Nếu như năm 1996 thế giới kinh hoàng về các vụ thảm sát sắc tộc ở quanh vùng Hồ Lớn, thì năm 1997 những biến động chính trị ở Châu Phi cho thấy lục địa này đang trở mình. Chính quyền độc tài Mobuto tồn tại hơn 30 năm ở Zaire bị lật đổ. Nước CHDC Congo được thành lập thay cho Zaire đã giúp cho Cựu Tổng thống Ngusso của nước Cộng hoà Congo (Brasavilla) trở lại cầm quyền và lực lượng UNITA chống chính quyền Angola phải tháo chạy. Kết quả bầu cử Hội đồng địa phương ở Algerie cho thấy chính quyền ở đây bước đầu đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên tình hình lục địa đen này còn rất phức tạp và tương lai còn đầy bất trắc.

4. Đối với Đông Nam A', 1997 là một năm vui vẻ kể từ 1991 đến nay. ASEAN đã kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, nhưng giấc mơ về một Đông Nam A' thống nhất vẫn chưa thực hiện được. Người ta phấn khởi bao nhiêu khi Lào và Myanmar được kết nạp vào ASEAN, thì người ta càng suy nghĩ bấy nhiêu về việc chưa kết nạp Campuchia (CPC). Điều éo le là ASEAN đã bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước phương Tây khi kết nạp Myanmar, nhưng lại không nhất trí được với nhau trong thái độ đối với CPC. Các nước ASEAN cũng không đứng ra bảo vệ quyền đại diện ở Liên Hợp Quốc của Chính phủ Hoàng gia CPC do hai ông Ung Huôt và Hun Sen đứng đầu mặc dù có giấy uỷ quyền do Quốc Vương Norodom Sihanouk ký. Điều này cho thấy thế lực can thiệp bên ngoài vào Đông Nam A' vẫn còn mạnh và cái gọi là "vấn đề CPC" vẫn chưa chết hẳn. Tình hình chính trị Đông Nam A' trong năm 1997 trở nên căng thẳng và phức tạp hơn, rõ ràng không phải chỉ do sự biến tháng 7 ở CPC, mà còn do các cuộc khủng hoảng chính trị, khủng hoảng chính phủ ở một số nước thành viên khác như ở Thái Lan. Song điều làm cho dư luận bất ngờ và khiến Đông Nam A' lâm vào tình thế khó khăn nhất từ trước tới nay là cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bắt đầu từ việc phá giá đồng Bạt ở Thái Lan. Chấn tâm của nó từ Thái Lan đã làm rung chuyển toàn bộ vùng Đông Nam A' với cường độ mạnh nhất là ở Indonesia và Philippines. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ này không những làm cho các nước nói trên thua thiệt không dưới 300 tỷ đô la, mà còn kìm hãm tốc độ phát triển của họ cũng như toàn Đông Nam A'. Nó làm rung chuyển thị trường chứng khoán Hồng Kông, Tokyo, Seoul và thậm chí New York và Luân Đôn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này, và nhiều báo chí thế giới đã đề cập đến. Điều nên rút ra ở đây là qua vấn đề CPC và khủng hoảng tài chính ở một số nước Đông Nam A', có thể thấy sự phát triển của Đông Nam A' cả về chính trị và kinh tế chưa thật bền vững như chúng ta tưởng. Con đường tiến lên phía trước bao giờ cũng đầy thách thức. Đó là quy luật của phát triển. Tiền đồ của Đông Nam A' cũng như toàn bộ châu A' - Thái Bình Dương rất sáng lạn. Nhưng phải chăng qua kinh nghiệm 1997 chúng ta cần suy nghĩ lại: bước đi dù có chậm nhưng phải thật vững chắc. Có nhiều bài học cần phải được rút ra. ở đây chỉ xin gợi ý một vài điểm. Trước mắt muốn có phát triển bền vững thì cần phải dựa vào tích luỹ trong nước là chính chứ không thể ỷ vào tiền vay nước ngoài. Hai là cần đa dạng hoá thị trường chứ không thể để nền kinh tế của mình quá phụ thuộc vào một thị trường nào, dù đó là thị trường Mỹ, và ba là việc gắn giá trị đồng tiền của mình vào đồng tiền nước ngoài dù đó là đồng đôla Hoa Kỳ cũng đầy may rủi. Có thể những lý do này đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ này.

Tuy nhiên, bức tranh Đông Nam A' 1997 không phải chỉ toàn màu tối. Trong khó khăn, các nước Đông Nam A' một mặt phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển theo hướng thắt lưng buộc bụng, trên tinh thần tự lực tự cường, nhưng vẫn tin tưởng nhìn về tương lai. Điều đó được thể hiện qua Hội nghị cấp cao các nước ASEAN họp ở Kuala Lumpur (12/1997) với "tầm nhìn 2020" vạch ra hướng đi cho toàn khu vực. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và đặc biệt là khu vực Châu A' - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, một số ý kiến cho rằng thời kỳ hoàng kim của các nền kinh tế Đông Nam A' đã chấm dứt, nhưng đại đa số ý kiến vẫn tin tưởng rằng sóng gió ở Đông Nam A' rồi sẽ qua đi và Đông Nam A' vẫn tiếp tục là một trong những khu vực kinh tế có tiềm lực phát triển năng động nhất và có tầm quan trọng chiến lược nhất nhì thế giới. Lần đầu tiên ASEAN đã có cuộc đối thoại trực tiếp ở cấp cao nhất với Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc. Tuyên bố ký giữa nguyên thủ 9 nước ASEAN với Trung Quốc về quan hệ láng giềng thân thiện hướng tới thế kỷ 21 mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc với Đông Nam A'. Hội nghị nhóm 15 nước đang phát triển họp ở Malaysia đã nhất trí thiết lập quỹ châu A' để giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng tiền tệ trong khu vực. Cũng là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh các nước có sử dụng tiếng Pháp được tổ chức ở Việt Nam, một nước Đông Nam A', và vấn đề hợp tác kinh tế là một trọng tâm của Hội nghị. Điều đó cho thấy Đông Nam A' đang có sức hấp dẫn đối với những nước lâu nay chưa có nhiều quan hệ KT - TM với khu vực này. Việc APEC quyết định kết nạp Việt Nam vào tổ chức này cùng nằm trong xu hướng trên./.

Cùng chuyên mục