Số 21 - Một vài nét về hoạt động đối ngoại của Liên bang Nga năm 1997

08:12 22/03/2012

Một vài nét về hoạt động đối ngoại của Liên bang Nga năm 1997

Tác giả: Nguyễn Đình Luân.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nước Nga lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội; vị trí và vai trò của Nga với tư cách là chủ thể chính trị kế thừa Liên Xô cũ trước đây suy giảm nghiêm trọng cả trên phạm vi toàn cầu và trong từng khu vực. Đã xuất hiện những dự báo bi quan về nước Nga. Trong một số diễn đàn an ninh khu vực ở Châu A' - Thái Bình Dương (CA-TBD) được tổ chức vào những năm đầu sau chiến tranh lạnh, vai trò của Nga thường ít được đề cập tới, hình ảnh của Liên bang Nga rất lu mờ. Tuy nhiên vẫn có những đánh giá khác. Trong bài: "Trật tự thế giới mới: Nhìn về tương lai" đăng trên The Economist ngày 9/1/1994 có nhận xét: "Nhiều người Mỹ bị thu hút bởi ý tưởng về một trục Nga - Mỹ làm trung tâm của một trật tự thế giới mới... Đối với những người Mỹ muốn tiếp tục dính vào thế giới và muốn hạn chế mức độ cố gắng mà họ cần phải đưa vào thế giới, thì một trục Nga - Mỹ là có sức hấp dẫn". Điều này làm cho chúng ta nhớ lại lời tiên đoán vào những năm 1880 của Tocqueville, nhà chính trị học nổi tiếng người Pháp, rằng Mỹ và Nga sẽ trở thành hai cực của thế giới trong thế kỷ sắp đến. Thế kỷ XX đã xác nhận tính hiện thực của dự báo này. Nhưng không biết lịch sử có còn lặp lại nữa không. Đã có những cường quốc sau khi bị suy vong như đế chế La Mã, hay nước Anh thì không còn khả năng quay trở lại vũ đài lịch sử được nữa. Còn Đức và Nhật thì lại đang nỗ lực tái xác lập vị trí cường quốc của mình và triển vọng có vẻ rất sáng sủa.

Câu hỏi đang được đặt ra cho nước Nga. Những sự kiện diễn ra trong năm 1997 cho thấy thêm nhiều điều mới mẻ của tiến trình xác lập vị trí cường quốc của Nga trên cả hai lục địa Âu - A'.

Trọng tâm của bài này là tập trung vào phân tích những chuyển động mới trong mối quan hệ Nga - Trung - Nhật và Nga - Pháp - Đức. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý đến một số nhân tố tác động trong mối quan hệ nhân - quả nhiều chiều để thấy được toàn diện hơn quá trình triển khai chính sách đối ngoại cân bằng Âu - A' của Nga trong năm 1997.

Những nhân tố kinh tế, chính trị nội bộ:

Về kinh tế: Nếu chỉ xét riêng về GDP thì Liên bang Nga quả là còn rất lép vế so với Mỹ, Đức và Nhật. Năm 1996, theo thống kê chính thức của Nhà nước, GDP của Liên bang Nga là 525,9 tỉ USD, trong khi GDP của Mỹ là 7.920 tỉ USD, Nhật: 4.820 tỉ USD, Đức: 3.740 tỉ USD. Tuy nhiên, sức mạnh tổng hợp của một quốc gia không chỉ qui giản vào chỉ số GDP, cho dù đó là một chỉ số hết sức quan trọng. Liên bang Nga có tiềm năng trí tuệ. Nếu dựa theo phương pháp đánh giá sức mạnh kinh tế trên chính sách nguồn tài nguyên và tiềm năng trí tuệ của đất nước, thì Liên bang Nga còn vượt nhiều nước phát triển, chẳng hạn hơn Mỹ từ 2 - 3 lần, hơn Đức từ 5 - 6 lần, Nhật Bản từ 18 - 20 lần. Theo đánh giá sơ bộ của Uỷ ban thống kê quốc gia, lần đầu tiên từ 8 năm nay, năm 1997, Nga có mức tăng sản lượng công nghiệp khoảng 1,2% so với năm 1996. Lạm phát 8 tháng đầu năm 1997 khoảng 9,3% (so với cùng kỳ năm ngoái là 16,2%). Theo ông Urinson, Phó Thủ tướng Chính phủ, thì nền kinh tế Nga đã dần đi vào ổn định từ năm 1995 và đang tiếp cận với sự tăng trưởng . Trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, năm 1997 cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với Nga: ngày 20/6/1997 tại Denver (Mỹ) Nga đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 và trong tương lai G7 sẽ chuyển thành G8; Nga cũng đã trở thành thành viên chính thức của câu lạc bộ Paris (17/9/1997).

Về chính trị, qua quá trình giải quyết các mâu thuẫn chính trị nội bộ xung quanh các vấn đề bất tín nhiệm chính phủ và ngân sách năm 1998, có thể thấy, một mặt, lực lượng chính trị do đương kim Tổng thống Eltsin đứng đầu vẫn chiếm ưu thế trên chính trường Nga, và mặt khác, đã hình thành một cơ chế tổ chức "bộ tứ" để giải quyết những bất đồng chính trị. Điều này chứng tỏ nền chính trị Nga sẽ dần dần đi vào ổn định.

Những nhân tố cơ bản nêu trên tạo điều kiện thuận lợi cho Nga triển khai có hiệu quả chính sách đối ngoại của mình. Theo hướng ưu tiên "cận ngoại biên", trong năm 1997, Liên bang Nga đã ký "Hiệp ước hữu nghị và hợp tác" với Ucraina, và "Hợp tác Liên minh Nga - Belarus". Đồng thời Nga cũng tăng cường tìm kiếm những giải pháp phù hợp để nhanh chóng ổn định mối quan hệ với ba nước Baltic. Ngày 24/10/1997 tại Matxcơva Tổng thống Nga và Tổng thống Lítva đã ký Hiệp ước phân định biên giới giữa hai nước. Có thể nói đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của Nga, mở ra một giai đoạn mới trong việc cải thiện quan hệ giữa Nga với các nước Baltic, ổn định dần ở vùng "cận ngoại biên" tạo đà cho Nga đẩy mạnh quan hệ với các khu vực khác.

Trong lịch sử cận đại, chưa bao giờ có hoạt động ngoại giao cấp cao nào dồn dập như vậy ở khu vực Đông - Bắc A'. Trước cuộc gặp gỡ cấp cao Nga - Trung (từ 9 - 11/11), đã có cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống Nga B. Eltsin với Thủ tướng Nhật Hashimoto tại Krasnoiask (Siberia) từ 1 - 2/11 và ngày 11/11 từ Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nga Primakov đã bay thẳng đến Nhật để bắt đầu ngay các cuộc hội đàm chuẩn bị cho việc ký kết một Hiệp định hoà bình giữa Nga và Nhật vào năm 2000 như đã thoả thuận trong cuộc gặp giữa B. Eltsin với Hashimoto ở Siberia trước đó. Tiếp nữa, cũng vào ngày 11/11 Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản 6 ngày. Đang có một hướng chuyển động mới trong quan hệ Nga - Trung - Nhật xoay quanh ba trục chính là chính trị, an ninh và kinh tế ở không gian Đông Bắc A' (ĐBA) trong thời gian chuyển tiếp sang thiên niên kỷ thứ ba.

Qui luật cạnh tranh với đối thủ mạnh hơn buộc cả Nga, Trung và Nhật phải nỗ lực tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia để có thể đủ sức chạy đua với Mỹ trong thế kỷ XXI sắp đến. Đông - Bắc A' (ĐBA) là một khu vực kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng phát triển. Cả Nga, Trung và Nhật đều có lợi ích kinh tế rất lớn ở vùng Viễn Đông và Siberia - một vùng rất giầu tài nguyên và khoáng sản chưa được khai thác, đặc biệt tiềm năng về dầu khí và kim loại hiếm. Những thứ mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang có nhu cầu rất lớn. Mặc dù hôm nay người ta nói nhiều đến toàn cầu hoá và khu vực hoá kinh tế, đến các vai trò của công ty xuyên quốc gia, nhưng hợp tác và phát triển kinh tế chỉ có thể được đẩy mạnh một cách thường xuyên và bền vững trên một nền tảng chính trị và an ninh nhất định. Kinh tế thị trường tự do chỉ có thể vận động và phát triển trong những điều kiện xác định. Chính vì vậy, như một điều kiện tiên quyết, cả Nga, Trung, Nhật đều đang cố gắng giải quyết những vấn đề chính trị đã chín muồi. Trước hết đó là những vấn đề tranh chấp lịch sử về biên giới và lãnh thổ. Đây là một trong những trọng tâm cơ bản được thảo luận trong các cuộc gặp cấp cao Nga - Nhật, Nga - Trung, Trung - Nhật vừa rồi.

Giải quyết tương đối cơ bản vấn đề biên giới với Trung Quốc và thoả thuận được với Nhật về việc hai bên sẽ ký Hiệp ước hoà bình vào năm 2000 là một thắng lợi ngoại giao lớn của Nga trong năm 1997, và như một hệ quả tiếp theo là Nga lại giành tiếp được thành quả lớn nữa: Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vancouver (Canada) từ 24 - 25/11 đã thoả thuận sẽ kết nạp Nga làm thành viên mới từ 1998. Cả trung Quốc và Nhật đều ủng hộ tích cực để Nga đạt được điều này. Ơ đây không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế hay vấn đề "có đi có lại". Với việc tham gia của Nga vào diễn đàn APEC trong năm tới, một mặt, tạo điều kiện để lãnh đạo cấp cao của cả Nga, Trung, Nhật có thêm một lần cùng gặp nhau trong mỗi năm để có thể thảo luận các vấn đề cùng quan tâm; mặt khác, tạo ra một thế cân bằng mới trong quan hệ của Nga, Trung và Nhật với Mỹ ở ĐBA. Từ phía lợi ích của mình, có thể ASEAN và một số nước khác, trong đó có Australia sẽ dễ bị tổn thương một khi Mỹ, Nhật, Trung, Nga cùng thao túng, chỉ đạo APEC. Nhưng đó cũng mới chỉ là một khả năng, còn có những khả năng khác nữa. Chẳng hạn, không thể loại trừ kịch bản là Nga, Trung, Nhật có thể cùng nhau hợp tác trong một phạm vi nhất định để ngăn chặn và hạn chế "bá quyền" của Mỹ ở khu vực. Đồng thời khi Nga trở thành thành viên của APEC cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho các nước ở khu vực, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh quan hệ đầu tư, thương mại với Nga trong tương lai.

Với việc được chấp nhận sẽ chính thức tham gia APEC vào năm 1998, Nga bắt đầu đứng vững cả "hai chân" trong hai cơ chế đa phương ở khu vực CA-TBD (ARF và APEC). Điều này kết hợp với việc đẩy mạnh quan hệ song phương với cả Trung Quốc và Nhật Bản ở ĐBA sẽ tạo thêm nhiều lợi thế mới để Nga mở rộng ảnh hưởng và dần từng bước xác lập vai trò cường quốc toàn cầu. Từ đây, có thể nói rằng, Nga đã bắt đầu hợp thức hoá vị trí cường quốc của mình ở khu vực CA-TBD. Còn Nga sẽ có vai trò đến đâu là tuỳ thuộc vào lực và thế của Nga trong hiện tại và tương lai. Nếu nhìn về triển vọng sắp đến thì có nhiều cơ sở để dự báo về một vai trò khá quan trọng của Nga trong khu vực.

Một là: nhân tố chính trị nội bộ. Ơ đây có sự hội tụ về lợi ích trong một phạm vi nhất định giữa Tổng thống Nga B. Eltsin với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto. Từ nay đến năm 2000 rất có thể là thời hạn chót của sự nghiệp chính trị của Tổng thống B. Eltsin, nên ông đang nỗ lực để có thể ghi đậm dấu ấn vẻ vang của mình vào lịch sử phục hưng nước Nga. Sau Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Giang Trạch Dân cũng đang tập trung củng cố quyền lực lãnh đạo của mình. Còn ở Nhật Bản trong vài năm gần đây chính trường diễn ra đầy kịch tính, Thủ tướng Hashimoto đang bị áp lực từ nhiều phía trong nước, ông cũng rất cần các "điểm số" hay "bàn thắng" đối ngoại. Trong bối cảnh đó, Nga, Trung và Nhật sẽ có nhiều cơ hội để xích lại gần nhau hơn.

Hai là: mẫu số chung của nhu cầu chiến lược. Nga là một nước lớn về chính trị và quân sự, nhưng lại đang yếu về kinh tế. Trung Quốc cũng là một nước lớn về chính trị, song cũng đang bị hạn chế rất nhiều về quân sự và kinh tế. Còn Nhật thì hùng mạnh về kinh tế, nhưng lại yếu về chính trị và quân sự. Cả Nga, Nhật và Trung Quốc đều đang bị Mỹ - siêu cường toàn diện duy nhất - kiềm chế cả "cứng" và "mềm", và Mỹ không muốn các nước này vươn lên thách đố bá quyền lãnh đạo của Mỹ.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ đã thực thi chiến lược kiềm chế "kép" cả Liên Xô cũ và đồng minh của Mỹ là Cộng hoà liên bang Đức và Nhật Bản. Sau chiến tranh lạnh chiến lược này vẫn được tiếp tục. Trong số các lý do giải thích tại sao mặc dù Nhật vẫn biết Mỹ kiềm chế mình, nhưng vẫn tiếp tục nâng cấp Hiệp ước an ninh với Mỹ (17/4/1996) và ngày 24/9/1997, Nhật Bản và Mỹ đã chính thức công bố bản báo cáo cuối cùng về sửa đổi phương châm hợp tác phòng thủ song phương, có vấn đề về mối đe doạ hạt nhân từ phía Nga và vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở 4 đảo phía Bắc. Nhật là một đảo quốc và lịch sử thăng trầm của Nhật đã làm nẩy sinh và nuôi dưỡng "chủ nghĩa dân tộc phòng ngự" Đó cũng là một lẽ khách quan.

Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều đổi thay rất lớn. Do có nhu cầu chiến lược chung mà Nga đã nhanh chóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tuyên bố Nga - Trung về một thế giới đa cực rất có lợi cho Nhật Bản. Mặt khác, và đây là một nhân tố hết sức quan trọng, do nhu cầu chiến lược ở toàn cầu và khu vực, nên Nga đang phải có những điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại. Nga không thể phục hưng kinh tế lâu dài được nếu không phát triển vùng Siberia và Viễn Đông, và để làm được điều này Nga phải hội nhập vào cơ cấu hợp tác kinh tế khu vực CA-TBD (APEC) và đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại với Nhật Bản. Nhu cầu giải quyết các vấn đề chính trị giữa Nga với Nhật đã trở nên bức xúc. Tháng 6/1997, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Boris Nemtsov thăm Nhật và chuyển tới Thủ tướng Nhật Hashimoto bức thư do chính Tổng thống Nga B. Eltsin viết. Trong thư có đoạn: "Giữa Nga và Nhật không tồn tại những mâu thuẫn mà không thể giải quyết được". Tiếp theo, sáng 20/8 tại Denver (Canada) nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của G8, đã diễn ra cuộc gặp giữa B. Eltsin và Hashimoto, cuộc gặp lúc đầu dự định trong 30 phút, nhưng sau kéo dài thành một tiếng. Trong cuộc gặp này, Tổng thống Nga đã chủ động đề nghị thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản bao gồm: gặp gỡ cấp cao định kỳ, thiết lập đường dây nóng, ủng hộ Nhật vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, không chĩa vũ khí hạt nhân vào Nhật Bản. Đồng thời Nga cũng đã giảm quân ở "bốn hòn đảo phía Bắc" từ 10 nghìn vào năm 1995 xuống còn 3.500 như hiện nay.

Đáp lại nhu cầu và thiện chí của Nga, Thủ tướng Nhật Hashimoto đã tuyên bố 3 nguyên tắc mới trong quan hệ với Nga. Đó là "tin cậy lẫn nhau", "cùng chung mục đích" và "có quan điểm lâu dài". Sự hội tụ về nhu cầu chiến lược đã dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức Nga - Nhật tại Siberia vào đầu tháng 11/1997 và kết quả của nó thật ý nghĩa: mở ra một giai đoạn mới về chất trong quan hệ Nga - Nhật. Ơ đây, cần chú ý thêm các động tác của quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa cả Nga - Trung, Nga - Nhật và Trung - Nhật. Biên giới "cứng" giữa các quốc gia không còn là giới hạn cho các hoạt động kinh tế nữa và điều này đòi hỏi Nga, Trung và Nhật phải có cách tiếp cận mới đối với các tranh chấp biên giới, lãnh thổ nhằm xây dựng môi trường hoà bình hữu nghị cho phát triển kinh tế.

Mặt khác, nhu cầu chiến lược về phát triển kinh tế trong thế kỷ tới được đặt ra không chỉ đối với Nga và Trung, mà cả đối với Nhật. Hiện nay Nhật đang là cường quốc kinh tế số 2 của thế giới (sau Mỹ), nhưng điều đó không có nghĩa là sang thế kỷ tới Nhật sẽ giữ được mãi vương miện "á hậu kinh tế thế giới". Nền kinh tế Nhật cũng đang có những vấn đề. Hơn nữa, nếu Nhật chậm chân ở thị trường Trung Quốc và thị trường Nga thì chắc chắn sức mạnh kinh tế của Nhật sẽ bị suy giảm.

Như vậy, có thể dự báo được rằng, do có nhu cầu chung về chiến lược mà trong thời gian tới quan hệ Nga - Trung - Nhật sẽ tương đối ổn định và phát triển theo chiều hướng tích cực.

Ba là: cùng nỗ lực sắm vai các diễn viên chính (chủ thể chính) trong việc tạo dựng một cơ chế an ninh mới ở khu vực CA-TBD. Lâu nay các học giả và chính khách thường chỉ đề cập đến quan hệ Mỹ - Trung - Nhật, nhưng dần dần quan niệm này đã trở nên không phù hợp với thực tế nữa. Không thể loại Nga ra khỏi cơ cấu an ninh khu vực, đặc biệt là ở ĐBA. Cả Nga, Trung và Nhật đều không muốn phục hồi các thể chế chiến tranh lạnh. Một thế giới đa cực là phù hợp với lợi ích chiến lược của cả ba nước và như một tiểu hệ thống của thế giới này, ĐBA cần có một cấu trúc an ninh phù hợp với tương quan lực lượng năng động giữa các đối tác chủ yếu.

Tháng 3/1997 tại Maxcơva đã diễn ra Hội nghị không chính thức lần thứ tư giữa ba bên Nga, Nhật, Mỹ với sự tham gia với tư cách cá nhân của các quan chức chính phủ, quân đội và các học giả nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa ba bên, đặc biệt là giữa Nhật và Nga. Trong chuyến thăm Nhật tháng 11/1997, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã tỏ ý quan tâm đến đề nghị của cựu Thủ tướng Nhật Nakasone về việc Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Nga sẽ thành lập một diễn đàn để trao đổi các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực CA-TBD. Liệu ý tưởng này có được biến thành hiện thực hay không thì còn phải chờ đợi thời gian, nhưng có lẽ cũng đã đến lúc các nước lớn ở khu vực, trong đó có Nga, bên cạnh việc thiết lập các đường "dây nóng" song phương, cũng cần có một phương thức đa phương thích hợp để trao đổi kịp thời các vấn đề an ninh cấp bách.

Vai trò của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Irắc vừa rồi chứng tỏ trong những tình thế cụ thể Nga có thể phát huy vai trò chủ đạo của mình trên sân khấu ngoại giao quốc tế. Hiện nay Nga và Nhật chưa tham gia trực tiếp vào việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng trên thực tế, Mỹ sẽ không thể không tham khảo ý kiến của Nhật, còn Trung Quốc đối với Nga cũng như vậy. Sau khi đã dàn xếp tương đối ổn thoả các quan hệ song phương với Trung Quốc và Nhật Bản, chắc chắn Nga sẽ dần từng bước phát huy vai trò chủ động của mình trong việc tạo dựng cơ chế an ninh khu vực.

Một khi Nga - Trung - Nhật tăng cường hợp tác cả về chính trị và an ninh thì, một mặt cả ba nước sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong ARF và trong việc giải quyết các "điểm nóng" ở khu vực, khi đó cũng sẽ có vấn đề đặt ra với ARF: rất có thể vai trò của ASEAN sẽ bị suy giảm; mặt khác, điều này cũng tác động đến liên minh an ninh Nhật - Mỹ và vai trò của Mỹ ở khu vực. Ơ đây có một nhân tố cần phải lưu ý thêm là sau chiến tranh lạnh, chủ nghĩa khu vực và quyền tự quyết khu vực đang được cộng đồng quốc tế quan tâm. Đây cũng là một nhân tố đang tác động đến ý thức tự quyết của cả Nga, Trung, Nhật trong một số vấn đề an ninh ở ĐBA.

Bốn là: sự bổ sung cho nhau về kinh tế, khoa học - công nghệ và thương mại.

Như đã phân tích ở trên Nga, Trung và Nhật do tiềm năng kinh tế, tài nguyên và sức mạnh kinh tế, khả năng mở rộng thị trường cũng như điều kiện gần gũi về địa - kinh tế, có thể cùng hợp tác tạo ra một sức mạnh phát triển kinh tế tổng hợp cho cả ba quốc gia. Chỉ riêng việc hợp tác trong vấn đề khai thác và buôn bán dầu khí đã có tầm quan trọng đặc biệt. Một trong những thách thức lớn mà Trung Quốc phải đối phó vào thế kỷ tới là cuộc khủng hoảng về năng lượng. Còn Nhật Bản vẫn phải nhập một khối lượng lớn dầu mỏ từ Trung Đông. Trong khi đó Nga lại có tiềm năng dầu khí khổng lồ ở Siberia. Hợp tác khai thác dầu khí ở Siberia bảo đảm được lợi ích chung cả ba nước.

Bên cạnh những nhân tố tích cực đang thúc đẩy quan hệ Nga - Trung - Nhật phát triển, cũng cần phải nhận thức rõ những lực cản trong quan hệ tay ba này. Trước hết đó là mối nghi ngờ lẫn nhau vốn có từ lịch sử không dễ gì xoá bỏ một sớm một chiều, chủ nghĩa dân tộc nước lớn ở cả ba nước cũng đều phát triển khá mạnh mẽ, điều này có thể dẫn tới những mâu thuẫn nhất định, và cuối cùng để tiếp tục phát triển kinh tế cả ba nước đều rất cần đến sự hợp tác với Mỹ, do vậy họ không thể hoàn toàn tự quyết định mọi vấn đề ở khu vực, đó là chưa tính đến vai trò của các nước ASEAN và Â'n Độ.

Nhìn chung, có thể nói năm 1997 là năm có những chuyển động mới trong quan hệ Nga - Trung - Nhật. Đồng thời, quan hệ Nga - Pháp - Đức cũng có những bước phát triển đáng lưu ý.

Tháng 4/1997, Tổng thống Nga B.Eltsin thăm Cộng hoà liên bang Đức hai ngày. Trong số các nội dung quan trọng mà hai bên đề cập đến có vấn đề quan hệ Nga - NATO, Nga tham gia G7, CLB Paris và WTO. Tháng 9/1997 Tổng thống Pháp J.Chirac thăm Nga ba ngày. Trong thời gian ở Strasbourg (Pháp) từ 10-11/10/1997 để tham gia Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu, Tổng thống Nga B. Eltsin đã thoả thuận với Tổng thống Pháp J.Chirac và Thủ tướng Đức H.Kohl về việc sẽ tiến hành cuộc gặp cấp cao ba bên hàng năm. Ngày 30/11/1997, trong chuyến thăm không chính thức Nga, thủ tướng Đức H. Kohl và Tổng thống Nga B.Eltsin đã nhất trí rằng cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa ba nước sẽ được tổ chức tại Ekaterinburg (Nga) vào nửa đầu năm 1998. Trước đó, ngày 29/11, Tổng thống Nga B.Eltsin đã thảo luận kế hoạch này với Tổng thống Pháp J.Chirac qua điện thoại và hai bên đã hoàn toàn nhất trí.

Cả Đức và Pháp đã ủng hộ nhiệt tình để Nga gia nhập CLB Paris và đang nỗ lực giúp Nga trở thành thành viên của WTO. Sắp tới, vào đầu năm 1998 sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tay ba đầu tiên. Phải chăng, Đức và Pháp đang xích lại gần Nga nhằm xoa dịu phản ứng của Nga đối với việc mở rộng NATO sang phía Đông ? Đúng là có khía cạnh đó ở mức độ nhất định, nhưng chắc không phải là tất cả và cũng không phải là điều quan trọng nhất.

Từ lịch sử, hiện tại và triển vọng sắp đến có thể nêu ra một số động lực phát triển của mối quan hệ Nga - Pháp - Đức như sau:

Thứ nhất: đó là lợi ích chung về chiến lược phát triển bước sang thế kỷ XXI. Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, quan hệ Pháp - Mỹ không phải lúc nào cũng ổn thoả. Pháp luôn luôn muốn châu Âu độc lập hơn, nhất là trong vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại. Để thực hiện điều này, một mặt, Pháp đã khởi xướng và thúc đẩy quá trình khu vực hoá ở Tây Âu, mặt khác, Pháp luôn coi Liên Xô cũ và giờ đây là Nga là đối tác duy nhất ở châu Âu có thể đối trọng lại với Đức và hạn chế được bá quyền của Mỹ. Do vậy, Pháp rất chú ý tăng cường quan hệ với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Sau chiến tranh lạnh, Đức ngày càng ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của quan hệ Đức - Nga. Để có vị trí chính trị quốc tế tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình, Đức rất cần tới sự hậu thuẫn và ủng hộ của Nga. Cũng như Pháp, Đức có lợi ích chiến lược trong tiến trình mở rộng NATO, nhưng đồng thời Đức cũng luôn nhận thức được ý đồ kiềm chế Đức của Mỹ và muốn vươn lên thì Đức phải quan tâm đến Nga.

Nga là một quốc gia Âu - A' nên Nga không thể chấp nhận vai trò "chầu rìa" ở châu Âu. Nhưng Nga cần phải làm gì để từng bước khẳng định vai trò cường quốc của mình ở châu Âu khi mà sức mạnh của Nga vẫn còn đang hạn chế, trong khi hai cơ cấu EU và NATO đang ngày càng lớn mạnh có khả năng chi phối mọi diễn biến chính ở châu Âu ? Một trong những lựa chọn tối ưu đối với Nga là đẩy mạnh các quan hệ song phương với các nước có ảnh hưởng ở châu Âu mà trước hết là với Pháp và Đức. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà chỉ riêng trong năm 1997, Tổng thống Nga B. Eltsin đã gặp Thủ tướng Đức H. Kohl tới 6 lần.

Tăng cường hợp tác chính trị giữa Nga với Pháp và Đức, một mặt mỗi nước sẽ phát huy mạnh hơn ảnh hưởng và vai trò của mình trên sân khấu chính trị ở châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung; mặt khác, cũng sẽ hạn chế được sự kiềm chế và chi phối của Mỹ. Nếu chú ý đến một thực tế khác là Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh quan hệ với cả Đức và Pháp thì có thể thấy rõ hơn cấu trúc đa cực trong thế kỷ sắp tới. Một thế giới đa cực không chỉ phù hợp với lợi ích chiến lược của Nga, Trung, mà còn là nguyện vọng lâu dài của cả Pháp và Đức. Trên phương diện đó, mối quan hệ Nga - Pháp - Đức sẽ rất có triển vọng và tầm quan trọng đặc biệt ở châu Âu.

Thứ hai: đó là mối quan tâm chung về an ninh tập thể và an ninh toàn diện. Sau chiến tranh lạnh, sự bùng nổ xung đột ở Nam Tư cũ và ở một số nơi thuộc Liên Xô cũ đe doạ trực tiếp đến hoà bình, ổn định ở châu Âu. Chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa khu vực cùng song song tồn tại. Mặc dù Nga có sức mạnh quân sự lớn mạnh, nhưng như người xưa đã từng nói: "có thể dùng hàng ngàn chiến mã để bành trướng mở rộng lãnh thổ, nhưng không thể dùng hàng ngàn chiến mã để bảo vệ bờ cõi", nên Nga khó có thể một mình tự bảo đảm an ninh cho mình, đặc biệt là trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ và đa dạng như hiện nay. Nga vẫn phải cần sự hậu thuẫn và ủng hộ từ bên ngoài, trong đó có Đức và Pháp. Mặt khác, Đức và Pháp cũng cần tới sự hợp tác với Nga trong việc giải quyết các vấn đề an ninh nói chung. Ví dụ, hiện nay Nga đang cùng Pháp và cả Mỹ nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa Acmênia và Azecbaizan ở Karabak.

Dù muốn hay không Nga cũng không thể ngăn cản được quá trình mở rộng NATO. Nhưng trong tình thế đã rồi thì vẫn còn những khả năng khác nhau đối với vai trò của Nga trong Hội đồng tư vấn thường trực NATO - Nga. Quan hệ tốt hơn với Pháp và Đức sẽ tạo cơ hội cho Nga tác động mạnh hơn lên các quyết định của NATO. Mâu thuẫn Pháp - Mỹ là một nhân tố mà Nga có thể khai thác. Ngoài ra, hợp tác tốt với Đức và Pháp, Nga còn tạo thế đứng vững hơn trong CSCE.

Thứ ba: đó là xu thế khu vực hoá ở châu Âu. Về phương diện chính trị, Nga đã tham gia Hội đồng châu Âu, những ý kiến và sáng kiến của Nga sẽ dễ được chấp nhận hơn một khi được Pháp và Đức ủng hộ và ngược lại. Còn về mặt kinh tế, năm 1998 Nga sẽ tham gia APEC, nhưng Nga không thể đứng ngoài quá trình liên kết kinh tế ở châu Âu. Hiện nay buôn bán với châu Âu chiếm gần một nửa ngoại thương của Nga. Các cơ sở kinh tế, khoa học lớn của Nga đều nằm ở phần lãnh thổ Đông Âu. Mặt khác, trong khi vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về triển vọng kinh tế Đông A', thì EU chắc chắn đang và sẽ vẫn là một trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Đức và Pháp (hiện nay Đức là bạn hàng số một của Nga), Nga sẽ thiết lập được các kênh cơ bản để hội nhập kinh tế với châu Âu, đồng thời có thêm nhiều điều kiện để nhanh chóng phục hưng nền kinh tế của mình. Trong lĩnh vực này, nhìn về chiến lược phát triển trong tương lai thì Nga có tiềm năng và lợi thế rất lớn về khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ hàng không - vũ trụ. Mới đây, trong cuộc gặp không chính thức, Tổng thống Nga B. Eltsin và Thủ tướng Đức H. Kohl đã thoả thuận về hợp tác chế tạo loại máy bay vận tải quân sự của châu Âu trên cơ sở máy bay vận tải AN - 70 do Nga và Ucraina chế tạo.

Những động lực cơ bản nêu trên sẽ thúc đẩy quan hệ Nga - Pháp - Đức tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Có thể nói, năm 1997, so với từ trước đến nay, là năm Nga gặt hái được nhiều thành tựu đối ngoại nhất. Tuy nhiên, những thành quả đối ngoại mà Nga đã đạt được chỉ có thể được bảo tồn và phát triển tiếp tục một khi Nga ổn định được chính trị và phục hưng được kinh tế./.

Cùng chuyên mục