Số 21 - Nhìn lại quan hệ Mỹ - Trung Quốc nhân chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Giang Trạch Dân

08:08 22/03/2012

Nhìn lại quan hệ Mỹ - Trung Quốc nhân chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Giang Trạch Dân

Tác giả: Nguyễn Văn Thuộc.

Từ sau chiến tranh lạnh đến nay, quan hệ Mỹ - Trung Quốc trở thành cặp quan hệ quan trọng nhất, có ảnh hưởng rộng lớn không chỉ đối với khu vực châu A' - Thái Bình Dương mà cả trong toàn bộ quan hệ quốc tế. Mối quan hệ này thuận hay nghịch đều có tác động tích cực hay tiêu cực lên toàn bộ quan hệ quốc tế và khu vực. Nhân chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, chúng ta hãy nhìn lại những vấn đề mới nổi lên trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua.

Nếu như trong chiến tranh lạnh, Trung Quốc là đối tượng được Mỹ tranh thủ trong chiến lược bao vây kiềm chế Liên Xô, thì từ sau chiến tranh lạnh đến nay, quan hệ giữa hai nước đã thay đổi sâu sắc. Thời điểm đánh dấu sự thay đổi này có thể tính từ năm 1989, khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn, Mỹ và phương Tây đã đồng loạt cấm vận Trung Quốc. Vào thời điểm này, CNXH đã sụp đổ ở các nước Đông Âu. Tuy Liên Xô chưa tan rã, nhưng không còn đủ thế và lực để đối phó với Mỹ và liên minh phương Tây. Việc Liên Xô tan rã vào năm 1991 kéo theo sự thay đổi sâu sắc cán cân quyền lực quốc tế, buộc Mỹ phải điều chỉnh lại chiến lược của mình. Một mặt không còn nhu cầu về Trung Quốc trong chiến lược kiềm chế Liên Xô của Mỹ, mặt khác, do ảnh hưởng của chiến tranh lạnh, học thuyết quân sự của Mỹ và phương Tây, dưới thời chính quyền Bush, trong nội bộ Mỹ có xu hướng coi Trung Quốc là kẻ thù . Từ khi Bill Clinton lên cầm quyền, quan hệ của Mỹ với Trung Quốc cũng đã qua một số điều chỉnh thay đổi từ đối đầu chuyển sang thoả hiệp hợp tác. Có thể chia mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thành những giai đoạn sau:

Giai đoạn một (từ 1989 đến 1992): đặc trưng của giai đoạn này là trừng phạt, cấm vận và chống trừng phạt. Lợi dụng sự kiện Thiên An Môn (tháng 6/1989), chính quyền Mỹ đã thực hiện chính sách cấm vận toàn diện Trung Quốc. Quốc hội Mỹ liên tục thông qua các nghị quyết đòi can thiệp vào nội bộ Trung Quốc, chính quyền Bush đã cắt đứt các cuộc tiếp xúc cấp cao về quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc, đồng thời phối hợp với các nước đồng minh phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế đình chỉ các khoản cho vay và viện trợ cho Trung Quốc. Về phần mình, sau một thời gian gặp khó khăn, Trung Quốc đã triển khai một chiến lược mau chóng giải toả sự cấm vận này. Cách làm của Trung Quốc là đàm phán riêng rẽ với từng đồng minh của Mỹ và sử dụng tiềm năng to lớn của thị trường Trung Quốc để lôi kéo tranh thủ các đối thủ thương mại của Mỹ, bắt đầu từ Nhật Bản. Kết quả là Nhật Bản và một số nước phương Tây khác đã lần lượt xoá bỏ cấm vận đối với Trung Quốc, nối lại các khoản cho Trung Quốc vay. Trước nguy cơ bị các đối thủ của mình cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc, chính quyền Bush đã buộc phải có một số thay đổi, xoá bỏ dần chính sách cấm vận.

Giai đoạn hai (từ năm 1993 - 1995): Mỹ thi hành chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, quan hệ hai nước rất căng thẳng. Đây là giai đoạn Bill Clinton lên cầm quyền nhiệm kỳ đầu. Chính sách cứng rắn với Trung Quốc là hệ quả tất yếu của chiến dịch tranh cử tổng thống, khi đó Clinton và những người Dân chủ phê phán chính quyền Bush "nương nhẹ với ban lãnh đạo độc tài" ở Bắc Kinh. Vì vậy, Nhà Trắng đã gắn vấn đề Tối huệ quốc với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và làm to chuyện việc Trung Quốc cung cấp kỹ thuật tên lửa cho Iran, nam châm đặc biệt có thể chế tạo vũ khí hạt nhân cho Pakistan và bán kỹ thuật hạt nhân và vũ khí hoá học cho Libi. Trong giai đoạn này, Mỹ đã gây ra vụ khám xét tầu Ngân Hà của Trung Quốc, nghi tàu này chở vũ khí hoá học cung cấp cho Arập Seoudite. Mỹ còn cho rằng Trung Quốc đã bán cho Iran và Irak (là những nước thù địch với Mỹ) xe tăng chủ lực, các tên lửa chống tăng có điều khiển và tên lửa đất đối đất. Đồng thời Mỹ tìm mọi cách ngăn cản Trung Quốc đăng cai thế vận hội Olympic năm 2000, khai thác vấn đề Đài Loan và WTO để gây sức ép với Trung Quốc. Việc Mỹ cấp thị thực cho Lý Đăng Huy, tổng thống Đài Loan thăm Mỹ đã mở đầu cho một giai đoạn căng thẳng gay gắt nhất giữa hai nước kể từ năm 1972. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở eo biển Đài Loan, trong giai đoạn này đã xuất hiện sự khởi đầu cho việc xem xét lại chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Clinton nhiệm kỳ đầu. Bất chấp sự chống đối của Quốc hội, Nhà Trắng đã vận động gia hạn qui chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc vào năm 1994 và từ bỏ những cam kết khi vận động tranh cử, tổng thống Bill Clinton đã đi đến một quyết định mang tính chiến lược là tách thương mại ra khỏi vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Giai đoạn ba (từ năm 1996 đến nay): đặc điểm của giai đoạn này là hai nước giảm quan hệ căng thẳng và cải thiện quan hệ song phương. Sau đợt Trung Quốc thử tên lửa đe doạ Đài Loan, bước vào năm 1996, chính phủ Trung Quốc và Mỹ đều có nỗ lực chung nhằm giảm căng thẳng và thúc đẩy quan hệ song phương, vì lợi ích tương hỗ của mối quan hệ này rất to lớn. Sau khi nhận rõ những tác hại của chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền Clinton đã tiến hành điều chỉnh, đưa ra một cách tiếp cận mới với Trung Quốc trên cơ sở chính sách "tăng cường can dự và hợp tác với Trung Quốc". Chính sách này manh nha từ cuối nhiệm kỳ đầu và trở nên rõ nét trong quá trình vận động tái cử nhiệm kỳ hai của Clinton, nó gắn liền với chính sách của Mỹ đối với khu vực châu A' - Thái Bình Dương, trong đó có chính sách lôi kéo các quốc gia hàng đầu khác trong khu vực. Tuy không nói ra nhưng rõ ràng chủ trương này nhằm vào Trung Quốc. Sau khi tái đắc cử, Clinton đã sớm triển khai một chính sách châu A' - Thái Bình Dương mới dựa trên cơ sở tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống trong khu vực đi đôi với tăng cường can dự với Trung Quốc. Ngày 20/1/1996, tổng thống Bill Clinton đã khẳng định vai trò quan trọng của Trung Quốc qua tuyên bố: "Khuynh hướng mà Trung Quốc sẽ lựa chọn trong vài năm tới, cách thức họ xác định tầm vĩ đại của mình trong tương lai sẽ góp phần quyết định thế kỷ tới là thế kỷ xung đột hay hợp tác"(1). Với chủ trương thiết lập một mối quan hệ mới với Trung Quốc, chính quyền Clinton hy vọng sẽ tăng cường ổn định tại châu A' - Thái Bình Dương và coi đây là một trong những nhiệm vụ đối ngoại ưu tiên trong nhiệm kỳ hai của mình. Đặc biệt, Nhà Trắng đã thành công trong việc thuyết phục quốc hội Mỹ đồng tình với chủ trương mới đối với Trung Quốc. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà Bob Dole cũng đưa ra các chủ trương chính sách đối với Trung Quốc giống như Đảng Dân chủ là tăng cường can dự hợp tác với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Thượng và Hạ viện Mỹ tiếp tục bỏ phiếu thông qua việc gia hạn quy chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc. Sự khẳng định chính sách tăng cường can dự với Trung Quốc được đánh dấu bằng chuyến thăm Trung Quốc của cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Anthony Lake. Trong chuyến đi này, Lake khẳng định tầm quan trọng của cuộc "đối thoại chiến lược" với Trung Quốc và đã thoả thuận với phía Trung Quốc về chuyến thăm Mỹ 1997 của chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cũng như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Bill Clinton năm 1998. Khi nội các mới hình thành, các nhân vật hoạch định chiến lược đối ngoại chủ chốt của Clinton được lựa chọn, chính quyền Clinton đã đưa ra một chủ trương rõ ràng hơn là xây dựng "một mối quan hệ bạn bè chiến lược" với Trung Quốc. Chủ trương này là kết quả tất yếu sau những thất bại trong chủ trương đối đầu với Trung Quốc trong thực tế bốn năm của nhiệm kỳ đầu. Song những mỹ từ này thực chất chỉ là hình thức che đậy chủ trương của Mỹ kiềm chế Trung Quốc dưới hình thức mới. Trong tựa đề cho cuốn sách "Cuộc đụng đầu sắp tới với Trung Quốc", Nhà xuất bản Alfred A. Knoff nhận xét: "mối quan hệ đối tác chiến lược mới được quảng cáo rùm beng này chỉ còn là một hồi ức"(2). Về phần mình, Trung Quốc đã có nỗ lực và nhân nhượng để đạt được Hiệp định song phương với Mỹ về quyền sở hữu trí tuệ nhằm loại trừ cuộc chiến tranh mậu dịch tiềm tàng giữa hai nước. Ngoài việc tuyên bố ngừng các cuộc thử hạt nhân, Trung Quốc còn cam kết không lắp đặt thiết bị hạt nhân không an toàn ở các nước khác. Đồng thời Trung Quốc cũng cử nhiều đoàn đại biểu kinh tế tài chính, mậu dịch và kỹ thuật sang Mỹ nhằm thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao và cải thiện các quan hệ song phương với Mỹ.

Như vậy, tuy nhìn bề ngoài quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã diễn ra theo quá trình đối đầu - thoả hiệp - hợp tác, song thực tế bên trong vẫn là đối đầu trên qui mô thế giới và khu vực. Tại khu vực châu A' - Thái Bình Dương, sự đối đầu giữa hai nước thể hiện trong việc tranh giành quyền kiểm soát khu vực bờ Tây Thái Bình Dương vừa giầu tài nguyên, vừa có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả hai nước.

Vậy nhân tố gì đã tác động đến quan hệ Mỹ - Trung Quốc ? Có thể thấy một số nhân tố sau đây:

Nhân tố chính trị chiến lược:

Sau khi Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc, cả Mỹ và Trung Quốc đều điều chỉnh chiến lược. Mỹ triển khai chiến lược "dính líu và mở rộng" (được điều chỉnh hàng năm) trong đó có mục tiêu xây dựng "Cộng đồng Thái Bình Dương mới", khuyến khích kinh tế thị trường và tự do dân chủ. Bill Clinton đã khởi đầu chiến lược này bằng cách biến diễn đàn APEC thành cuộc gặp cấp cao hàng năm các nước thành viên của tổ chức này và cuộc gặp đầu tiên diễn ra tại Hội nghị APEC ở Seattles 11/1993. Trong chiến lược Đông A' - Thái Bình Dương công bố tháng 2/1995, Mỹ khẳng định lợi ích của Mỹ là duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực, không để xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, duy trì tự do giao thông tàu thuyền trong khu vực và lôi kéo Trung Quốc vào các sinh hoạt quốc tế để hạn chế Trung Quốc phổ biến vũ khí hạt nhân. Mỹ ngừng quá trình rút lực lượng và cam kết duy trì 100.000 quân ở khu vực và gắn việc này với chủ trương ngăn chặn sự xuất hiện một bá chủ khu vực. Chiến lược Đông A' - Thái Bình Dương (2/1995) của Mỹ nêu rõ: "Sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực hỗ trợ cho phần lớn các mục tiêu rộng lớn của chúng ta và của các đồng minh. Sự hiện diện này đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển quan trọng sống còn đối với nguồn cung cấp dầu lửa của Trung Đông, giúp ngăn chặn xung đột vũ trang trong khu vực và đẩy mạnh hợp tác khu vực. Sự hiện diện của Mỹ cũng phủ nhận sự kiểm soát về kinh tế hay chính trị đối với khu vực châu A' - Thái Bình Dương của một cường quốc thù địch hay một liên minh các cường quốc, ngăn cản bất kỳ nhóm nào như vậy có quyền kiểm soát đối với các nguồn lực khổng lồ, tài sản to lớn và kỹ thuật tiên tiến của khu vực châu A' - Thái Bình Dương". Mục tiêu này rõ ràng nhằm vào Trung Quốc, ngăn cản Trung Quốc nắm quyền chủ đạo trong khu vực. Trong chiến tranh lạnh, suốt trong hai thập kỷ 70 và 80, Mỹ đã thành công trong việc chơi con bài Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô. Ngày nay, trước nguy cơ Trung Quốc lớn mạnh, có khả năng tranh giành ngôi vị bá chủ của khu vực châu A'- Thái Bình Dương của Mỹ, Mỹ đã chuyển sang kiềm chế Trung Quốc. Chủ trương "xây dựng mối quan hệ bạn bè chiến lược với Trung Quốc" thực chất là sự che đậy ý đồ của Mỹ kiềm chế Trung Quốc dưới hình thức mới (có người gọi là hình thức kiềm chế mềm), bởi vì đồng thời với việc đưa ra chủ trương như vậy, Mỹ đã thúc đẩy xây dựng một "vành đai Thái Bình Dương mới" chạy dài từ Nhật Bản tới Australia. Tất nhiên Trung Quốc hiểu rõ điều này và không thể cam chịu, vì quyết tâm của Trung Quốc thực hiện tham vọng chính trị chiến lược của họ cũng rất quyết liệt.

Việc Trung Quốc điều chỉnh chiến lược và tăng cường thế lực cũng làm Mỹ lo ngại. Thời kỳ chiến tranh lạnh, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là bảo vệ sự tồn tại của đất nước, vì thế lực lượng vũ trang của Trung Quốc đặt mục tiêu đảm bảo giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống xâm lược nước ngoài. Ngày nay, môi trường thế giới và khu vực thay đổi, Liên Xô tan rã, Nga suy yếu chưa có khả năng đe doạ xâm lược Trung Quốc, Mỹ cũng có những khó khăn, Trung Quốc đánh giá Mỹ chưa có ý định phát động một cuộc chiến tranh tấn công Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Trong một công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc, Yan Xuletong, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại nhận xét: "Sau chiến tranh lạnh, một cuộc chiến tranh trên qui mô lớn có xu hướng không xảy ra trong thời gian khá dài sắp tới. Vì vậy ưu tiên về an ninh của Trung Quốc đã chuyển từ an ninh bảo vệ sự tồn tại của quốc gia sang an ninh kinh tế. Nhiệm vụ quốc phòng của Trung Quốc chủ yếu là ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh xâm lược, không để nó phá hoại thành tựu kinh tế của Trung Quốc, là tạo môi trường quốc tế hoà bình để thực hiện bốn hiện đại hoá"(3). Yan Xuetong giải thích chiến lược an ninh của Trung Quốc bao gồm: Ngăn ngừa không để chiến tranh xâm lược chống Trung Quốc xảy ra; ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh có thể nổ ra trong tương lai ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc; bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc bên trong lãnh thổ, bầu trời và vùng biển của mình. Nội dung này bao hàm việc Trung Quốc đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển và đảm bảo các hoạt động kinh tế của Trung Quốc trên biển. Tài liệu phòng thủ của Trung Quốc tháng 4/1987 đã xác định lại chiến lược với lập luận rằng các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và sức ép về tài nguyên đất và năng lượng đang tăng lên, không gian vũ trụ và các đại dương sẽ trở thành nơi tồn tại như một nguồn tài nguyên chiến lược mới; hệ thống vũ khí tương lai sẽ dựa vào phương tiện chuyên chở ở sâu dưới đại dương nhiều hơn so với hiện nay, Trung Quốc cần phá vỡ sự độc quyền vũ trụ và các đại dương càng sớm càng tốt như họ đã từng phá vỡ độc quyền hạt nhân trước đây. Do tính toán như vậy, Trung Quốc đã tăng cường lực lượng quốc phòng, nhất là không quân và hải quân. Mỹ cho việc làm của Trung Quốc là đe doạ con đường vận tải biển huyết mạch của các đồng minh của Mỹ và cản trở sự di chuyển của hạm đội Thái Bình Dương từ Â'n Độ sang Thái Bình Dương. Đồng thời, Trung Quốc thực hiện chiến lược phòng thủ tích cực đối với Biển Đông, theo chiến lược này, hải quân sẽ trở thành công cụ cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc - cũng làm Mỹ lo ngại. Mỹ cho rằng việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực hải quân và không quân sẽ có hiệu quả tiêu cực, vì nó khuyến khích chạy đua vũ trang trong khu vực và có nguy cơ phá vỡ cân bằng chiến lược dẫn đến sự mất ổn định khu vực.

Như vậy, từ chỗ tranh thủ lợi dụng lẫn nhau chống Liên Xô trong chiến tranh lạnh, việc Mỹ và Trung Quốc điều chỉnh chiến lược đã đẩy hai nước đến chỗ đối lập nhau.

Nhân tố kinh tế thương mại:

Sau hơn bốn thập kỷ chạy đua để chiến thắng đối thủ tư tưởng chính trị của mình là Liên Xô, Mỹ đã nhận ra rằng họ đã và đang phải đương đầu với một loại đối thủ mới khác, nhưng lần này là trong lĩnh vực kinh tế. Đó là sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật, Đức, Tây Âu và Trung Quốc. Từ khi lên cầm quyền, Clinton đã tập trung ưu tiên phục hồi nền kinh tế Mỹ thông qua cải tiến kỹ thuật và tìm kiếm các thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc là một thị trường tiềm tàng rất cần cho việc phục hồi kinh tế Mỹ. Tiềm lực của thị trường Trung Quốc rất lớn, tính đến 1996, bình quân mỗi người Trung Quốc mới chỉ mua 9,25 USD hàng hoá của Mỹ so với mỗi người Hàn Quốc mua 550 USD, trong khi buôn bán hai chiều Mỹ - Hàn mới chỉ đạt 25 tỷ USD, kém xa buôn bán Mỹ - Trung (trên 60 tỷ USD). Dự tính Trung Quốc sẽ nhập một khối lượng hàng lên tới 700 tỷ USD trong 3 năm tới(4) .

Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm mọi cách thoát ra khỏi chiến dịch bao vây cấm vận của phương Tây sau sự kiện Thiên An Môn 1989. Chuyến công du phương Nam của Đặng Tiểu Bình năm 1992 đã tạo ra một đà mới để Trung Quốc mở cửa phát triển kinh tế và chống lại chiến dịch cấm vận của Mỹ và phương Tây. Trong việc thực hiện chủ trương mở cửa toàn diện của mình, Trung Quốc luôn coi Mỹ là thị trường quan trọng. Xuất phát từ lợi ích chung, Mỹ và Trung Quốc đã cải thiện quan hệ và tăng cường hợp tác kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã làm hai nước xích lại gần nhau sau giai đoạn cấm vận, nhưng cũng làm nảy sinh nhiều tranh chấp gay gắt giữa hai nước. Mỹ và Trung Quốc đều có chung lợi ích kinh tế, nhưng quan hệ mậu dịch giữa hai nước đã xuất hiện những mâu thuẫn khó hoà giải. Mỹ tố cáo Trung Quốc vi phạm tiêu chuẩn lao động (sử dụng tù nhân, trẻ em vị thành niên sản xuất hàng xuất khẩu) và vi phạm bản quyền trong lĩnh vực nghe nhìn. Chính quyền Mỹ coi đây là cái cớ để ngăn cản Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Còn chính Trung Quốc cho rằng Mỹ là trở ngại chính cho việc Trung Quốc tham gia các tổ chức kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, qui mô của quan hệ kinh tế song phương Mỹ - Trung đã trở thành một sức ép rất lớn, đôi khi vượt ra khỏi ý muốn và khả năng khống chế của chính quyền Mỹ. Sự thâm nhập quá sâu của Mỹ vào thị trường Trung Quốc đã dẫn đến một thực tế là các đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc đều gây thiệt hại đáng kể cho Mỹ. Các chuyên gia ước tính, nếu Mỹ xoá bỏ qui chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc, hằng năm các công dân Mỹ phải trả thêm hàng tỷ USD tiền thuế đánh vào hàng hoá tiêu dùng nhập từ Trung Quốc. Trong khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc căng thẳng do việc Trung Quốc thử tên lửa đe doạ Đài Loan, Đức và Pháp đã tranh thủ nhẩy vào ký với Trung Quốc nhiều hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD (bán máy bay chở khách Airbus cho Trung Quốc, làm hãng Boeing bị thua thiệt).

Việc các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ có nhiều quyền lợi ở Trung Quốc cũng tăng cường sức ép đòi Nhà Trắng thi hành một chính sách thực dụng với Trung Quốc - cũng tác động vào quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Theo Richard Bernstein và Ross H. Muro, Nhà xuất bản Alfred A. Knoff, tập đoàn hoá chất hàng đầu thế giới của Mỹ Procter & Gamble bán được nhiều xà phòng ở Trung Quốc hơn là ở Mỹ, hãng Motorola làm ăn rất phát đạt ở đây, 10% sản phẩm của hãng Boeing được bán cho Trung Quốc(5) . Đấy là chưa kể các tập đoàn tài chính Mỹ như Merrill Lynch, Lehman Brother, Goldman Sach, AIG đang làm ăn thành công tại thị trường chứng khoán Thượng Hải; các tập đoàn dầu lửa như Exxon, Amoco, Arco đã giành được những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí quan trọng trên đất liền cũng như ngoài khơi Trung Quốc. Sự vận động của các tập đoàn này cũng là nhân tố tác động tích cực đến quan hệ Mỹ - Trung Quốc, giúp cho quan hệ hai nước giảm được đối đầu.

Nhân tố chính trị nội bộ mỗi nước:

Diễn biến chính trị nội bộ mỗi nước cũng tác động đến quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, đã diễn ra cuộc đấu tranh nội bộ để chuẩn bị cho thời kỳ sau Đặng. Thái độ Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan và mối quan hệ Trung-Mỹ là những đề tài lớn được lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Hội nghị Bộ chính trị mở rộng (28/5/1995) có các nguyên lão tham dự để tham khảo ý kiến là một bằng chứng.

Về phía Mỹ, kể từ cuộc bầu cử quốc hội năm 1994, Đảng Cộng hoà đã kiểm soát cả Thượng và Hạ viện. Họ gây sức ép đòi Clinton thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng Cộng hoà. Một trong những xu hướng được Đảng Cộng hoà hậu thuẫn là ủng hộ Đài Loan độc lập. Việc Mỹ cấp thị thực cho Lý Đăng Huy là kết quả vận động của các nghị sĩ Đảng Cộng hoà. Bên cạnh đó còn có nhóm vận động người Đài Loan tại Mỹ, trong một thời gian dài từ 1949 đến 1972, họ tích cực vận động cơ quan lập pháp và hành pháp Mỹ ủng hộ Đài Loan về kinh tế, chính trị, giúp Đài Loan phát triển như ngày nay. Nhóm này thiên về dựa vào các nghị sỹ Đảng Cộng hoà để vận động cho Đài Loan. Các thế lực chống Trung Quốc tại Mỹ còn đưa ra thuyết "mối đe doạ của Trung Quốc" để vừa thuyết phục quốc hội Mỹ có thái độ cứng rắn với Trung Quốc, vừa cảnh báo các nước trong khu vực về nguy cơ Trung Quốc để từ đó khẳng định sự có mặt quân sự của Mỹ tại Đông A' là cần thiết. Thuyết "Mối đe doạ của Trung Quốc" đã lên đỉnh điểm vào năm 1996 khi Trung Quốc thử tên lửa ở eo biển Đài Loan và tập trận gây áp lực lên cử tri Đài Loan ngay trước cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan. Song không phải đại bộ phận người Mỹ tin vào thuyết này. Trước tiên, chính quyền Clinton đã ra sức bác bỏ nó.

Vào cuối nhiệm kỳ thứ nhất, khi tổng thống Bill Clinton thực hiện bước điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối với Trung Quốc, tách vấn đề nhân quyền ra khỏi quan hệ kinh tế thương mại và tiếp tục gia hạn qui chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc, những người Cộng hoà đã ra sức tấn công, cho rằng Clinton đã phản bội lại cương lĩnh lúc tranh cử của ông ta là phải cứng rắn với Trung Quốc. Sau này khi ông Clinton tái cử, các nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng hoà (như Bob Dole bị thất cử, Newt Gingrich bị dính líu đến vụ bê bối về gian lận thuế...) đã không đủ uy tín để tập hợp lực lượng ngăn cản chủ trương "tăng cường can dự với Trung Quốc" của chính quyền Clinton. Từ đó, Quốc hội và chính quyền Mỹ tỏ ra thống nhất với nhau hơn trong chính sách đối với Trung Quốc. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là từ nay về sau yếu tố Trung Quốc không còn là vấn đề gây tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Mới đây trong các chuyến thăm dò của phó tổng thống Al Gore và chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich tới Trung Quốc tháng 4 và 5/1997, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã thể hiện thái độ khác nhau với Trung Quốc. Trong khi Al Gore chỉ bàn đến các nội dung hợp tác với Trung Quốc (6) kể cả hợp tác quân sự, thì Newt Gingrich lại ngang nhiên tuyên bố tại Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ Đài Loan bị đe doạ quân sự. Theo Ai Li trong tạp chí Beijing Review ngày 2/8/1997, sở dĩ có mâu thuẫn trong thái độ của Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đối với Trung Quốc là do trong nội bộ Mỹ tồn tại ba học thuyết quân sự chiến lược. Học thuyết thứ nhất cho rằng Mỹ vẫn phải duy trì quyền lợi của mình trên thế giới trong khi thế lực đang suy giảm, cần chuyển trọng tâm sang các vấn đề kinh tế đối nội, cho nên về đối ngoại cần hợp tác với các đồng minh truyền thống và cả các nước lớn khác như Trung Quốc, Nga, Â'n Độ. Học thuyết thứ hai được gọi là "chủ nghĩa biệt lập mới", chủ trương Mỹ tăng cường bảo hộ mậu dịch và muốn chính phủ Mỹ dàn xếp với các nước để bảo vệ quyền lợi kinh tế Mỹ, nhưng không muốn Mỹ can thiệp quân sự ở nước ngoài. Và học thuyết thứ ba là "chủ nghĩa can thiệp mới", cho rằng Mỹ cần đóng vai trò lãnh đạo thế giới, thiết lập một trật tự thế giới mới và trừng phạt bất kỳ nước nào ngăn cản trật tự này.

Những nhân tố khác:

Nhân tố Đài Loan: Đài Loan là vấn đề hết sức nhạy cảm trong nền chính trị Trung Quốc. Trung Quốc luôn lo ngại xu hướng vận động độc lập cho Đài Loan sẽ khuyến khích phong trào ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng, tác động bất lợi đến việc thu hồi Hồng Kông của Trung Quốc, đẩy Trung Quốc đến chỗ tan rã như Liên Xô. Vì vậy Trung Quốc đã tỏ thái độ hết sức cứng rắn. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: "Trung Quốc tuy coi trọng quan hệ với Mỹ nhưng nguyên tắc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đặt cao hơn tất cả". Đồng thời Trung Quốc áp dụng một loạt biện pháp để trả đũa Mỹ như rút đại sứ ở Mỹ về nước, ngừng các cuộc đàm phán về tên lửa đạn đạo với Mỹ. Đỉnh cao của các biện pháp này là Trung Quốc tiến hành tập trận và thử tên lửa đạn đạo ở eo biển Đài Loan. Đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, Đài Loan là vấn đề thể diện, Trung Quốc có thể nhượng bộ Mỹ trong những vấn đề khác, song đối với vấn đề Đài Loan, ban lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra kiên quyết không khoan nhượng.

Trong khi đó ở Mỹ, những người Cộng hoà chiếm đa số tại Quốc hội đòi thông qua nghị quyết công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Tình trạng đối đầu về vấn đề Đài Loan trong giai đoạn 1994 - 1995 đã đẩy quan hệ Mỹ - Trung lên mức căng thẳng nhất kể từ năm 1972. Vào đúng thời điểm đó, chủ tịch quốc hội Mỹ Newt Gingrich đã đưa ra một khuyến nghị đòi công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Để tránh làm xấu thêm quan hệ hai nước, tổng thống Bill Clinton đã phải bác bỏ khuyến nghị này. Sau này khi đã đạt được một số cải thiện quan hệ với Mỹ, phản ứng của Trung Quốc đối với thái độ của Mỹ trong vấn đề Đài Loan có ôn hoà hơn. Thậm chí ngay cả khi chủ tịch quốc hội Mỹ Newt Gingrich thăm Đài Loan và tuyên bố ngay tại Bắc Kinh nhân chuyến thăm Trung Quốc tháng 4/1997 rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị đe doạ bằng vũ lực, Trung Quốc cũng không phản ứng mạnh mẽ.

Vấn đề dân chủ nhân quyền: Sau chiến tranh lạnh, mức độ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về hệ tư tưởng có giảm xuống, song mâu thuẫn về hệ thống giá trị lại tăng lên, trong đó có vấn đề dân chủ nhân quyền đã được Mỹ và phương Tây sử dụng thường xuyên để chống lại các nước không theo hệ thống giá trị của họ. Đây tuy là vấn đề cũ mà Mỹ và phương Tây thường sử dụng để chống lại các nước XHCN, song trong giai đoạn hiện nay nổi lên chi phối quan hệ Mỹ - Trung nhiều hơn trước. Tháng 3/1995, Mỹ ủng hộ một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Trung Quốc thu hồi Hồng Kông, phía Mỹ luôn lên tiếng đòi Trung Quốc phải duy trì dân chủ ở Hồng Kông như đã thoả thuận trong thông cáo Trung - Anh. Nhiều nhà phân tích cho rằng, một khi quan hệ hai nước căng thẳng, vấn đề dân chủ cho Hồng Kông sẽ lại nổi lên tác động vào quan hệ hai nước. Frank R. Wolf, hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà trong khi vận động ngăn cản Quốc hội Mỹ thông qua việc gia hạn qui chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc đã tố cáo Trung Quốc thanh trừng những người Thiên chúa giáo, đàn áp ở Tây Tạng và cả việc cấy ghép thận và giác mạc lấy từ những tội phạm bị hành quyết. Mới đây nhất, ngày 17/9/1997, Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức điều trần về dự thảo "Luật chính sách đối với Trung Quốc" tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền và đòi chính phủ Mỹ phải đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của cuộc gặp Bill Clinton - Giang Trạch Dân vào 28/10 tới. Trong số các biện pháp trừng phạt Trung Quốc mà dự luật này đưa ra có việc không cấp thị thực cho các quan chức chính phủ Trung Quốc mà phía Mỹ cho là có dính líu đến đàn áp chính trị, tôn giáo... Mỹ cũng quyết định tăng công suất và thời lượng phát thanh của đài Châu A' Tự do vào Trung Quốc, mở thêm chương trình phát thanh bằng tiếng Tây Tạng để kích động gây chia rẽ trong nội bộ Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cho rằng việc Mỹ dùng các tiêu chuẩn dân chủ nhân quyền của Mỹ để phán xét Trung Quốc là không đúng đắn, vì Trung Quốc có những điều kiện dân tộc riêng; hiện nay nhân dân Trung Quốc đang tận hưởng những quyền rộng rãi về kinh tế xã hội và Trung Quốc đã tham gia 17 tổ chức nhân quyền quốc tế. Dân chủ, nhân quyền sẽ còn tiếp tục là nhân tố tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước, nhất là khi mối quan hệ này trở nên căng thẳng.

Tuy còn tồn tại nhiều bất đồng trong quan hệ giữa hai nước, song Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích trong việc duy trì mối quan hệ song phương và tránh không để đi đến chỗ đổ vỡ, trong việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế mỗi nước và đối phó với những thách thức mới hiện nay đang đặt ra cho họ. Trên những mức độ khác nhau, cả Mỹ và Trung Quốc đều ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, muốn giải quyết vấn đề Campuchia. Trung Quốc và Mỹ đều là những nước lớn trên hành tinh cả trên phương diện dân số cũng như địa lý. Những vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, bệnh dịch hiểm nghèo, buôn bán ma tuý và tội phạm quốc tế đều ảnh hưởng đến hai nước. Trung Quốc và Mỹ có nhu cầu hợp tác với nhau trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu.

Vì vậy xu thế phát triển quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong thời gian tới sẽ là giảm đối đầu, tăng cường hợp tác đối thoại. Xu thế này cũng có lợi cho các nước trên thế giới và trong khu vực châu A' - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm Mỹ (từ 26/10 đến 3/11/1997) của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cũng nằm trong bối cảnh đó. Cả hai bên đều mong muốn xây dựng một khuôn khỏ pháp lý mới cho quan hệ giữa hai nước bước vào thế kỷ tới. Kết quả của chuyến đi cho thấy tuy còn những bất đồng khó hoà giải về dân chủ nhân quyền và vấn đề Đài Loan, hai nước đã khẳng định (trong Thông cáo chung 29/10/1997) có nhiều điểm đồng về duy trì hoà bình thế giới và khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu khác.

Tài liệu tham khảo

(1) Diễn văn của Tổng thống Bill Cliton ngày 20-11-1996 nhân chuyến thăm Australia.

(2) Cuộc xung đột sắp tới với Trung Quốc, Richard Bernstein và Ross H. Muro, NXB Alfred Aknoff, Mỹ, 1997.

1. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ 2/1996.

2. Động hướng chiến lược Trung Quốc - Mỹ - Triệu Vân Sơn, Trung Quốc Đại lục (Đài Loan), số 5/1995.

3. Sự thay đổi của học thuyết quân sự Trung Quốc, mối quan hệ giữa chiến tranh nhân dân và khoa học công nghệ - Hwang Byong Moo, Các vấn đề Đông A', số 1, Hàn Quốc.

4. Tứ giác chiến lược Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ ở Đông A', Michael Mandelbaun, Council of Foreign Affairs, New York.

5. Trung Quốc: Cường quốc hay một Đại trung Hoa mở rộng, Rudiger Machetzki và Manfred Pohd, Viện nghiên cứu về các thông tin châu A', Đức, 1995.

6. Các cường quốc của thế giới mới - Marisol Courtaine, Paris, 1996.

7. US - Vietnam Economic Normalization: Charting the Nexts Steps - The Educational Affiliate of US - Vietnam Trade Council, (Anh) 5 - 10 - 1995.

8. Cuộc xung đột sắp tới với Trung Quốc, Richard Bernstein và Ross H. Muro, NXB Alfred A. Knoff, Mỹ, 1997.

9. Beijing Review, 2 - 8/6/1997.

10. Thử tìm một quan hệ hợp tác Trung - Mỹ, Ai Li, Beijing Review, 2/8/1997.

11. Foreigns Affairs, tháng 4/1997.

12. Mỹ, thành trì chống chủ nghĩa phiêu lưu Trung Quốc, Le Figaro 30/6/1997.

13. Tiến tới quan hệ Trung - Mỹ trong thế kỷ 21, Diễn văn của Tiền Kỳ Tham tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại Mỹ ngày 29/4/1997.

14. "Quan hệ Trung - Mỹ: Sự cần thiết phải đưa ra một chiến lược mới", Chu Shulong, Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, tháng 11/1996./.

Cùng chuyên mục