Số 22 - Hội thảo "khái niệm an ninh toàn diện và hệ quả liên quan đối với châu Âu"

08:43 26/03/2012

Hội thảo "khái niệm an ninh toàn diện và hệ quả liên quan đối với châu Âu"

Tác giả: TT-TL.

(Hội thảo diễn ra tại Nhật Bản từ 23 - 25/1/1998).

Đây là cuộc Hội thảo do Khoa Chính trị học thuộc trường Đại học Tổng hợp Amsterdam (Hà Lan) phối hợp với Khoa Luật và Chính trị thuộc Đại học Rikkyo của Nhật tổ chức. Tham gia Hội thảo là các giáo sư của các trường đại học, nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu từ các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore cùng một số nước châu Âu như Hà Lan, Đức, Anh và Mỹ.

Tại Hội thảo, các học giả đã tập trung thảo luận về khái niệm an ninh tổng thể, và qua đó đề cập đến những phát triển các hình thức hợp tác trong các tiểu khu vực nói riêng và toàn khu vực Châu A' - Thái Bình Dương (CA-TBD) nói chung. Dưới đây là một số nội dung chính rút ra từ các tham luận.

1. Về khái niệm an ninh toàn diện/tổng thể

Nhật Bản tự cho mình là nước có "bản quyền" về khái niệm an ninh tổng thể. Năm 1980, Thủ tướng Ohira đã lập ra một nhóm nghiên cứu để khuyến nghị chính sách cho thập kỷ mới. Nhóm này đã lần đầu tiên sử dụng khái niệm này, với nội dung là kêu gọi Nhật Bản sử dụng ở mức tổng thể các công cụ kinh tế, chính trị và quân sự để đảm bảo an ninh. Nhìn chung, cách hiểu như vậy về an ninh sau này đã được nhiều nước trong khu vực CA-TBD áp dụng, nhất là vào cuối thập kỷ 80 khi môi trường quốc tế có những chuyển biến quan trọng. Nó đã thể hiện sự chuyển hướng trong chính sách của nhiều nước trong khu vực từ nhấn trọng tâm vào các mối quan hệ an ninh tập thể (tham gia hiệp ước, liên minh quân sự để chống lại mối đe doạ hữu hình) và củng cố sức mạnh quân sự, sang phát triển sức mạnh kinh tế và tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế, tạo môi trường hoà bình ổn định và xây dựng khả năng (capabilities) trong nước cũng như các cơ chế quốc tế để đối phó và ngăn ngừa những bất ổn định tiềm tàng.

Tuy nhiên, các học giả châu Âu, từ kinh nghiệm của châu Âu đã đưa ra một cách diễn giải khác về an ninh toàn diện/tổng thể. Theo họ, cách hiểu của châu A' chủ yếu nhấn mạnh về chính sách quốc gia để bảo đảm an ninh của từng nước bằng tăng cường tiềm lực quốc gia tổng thể, trong khi đó, châu Âu đang thiên về xây dựng những cơ chế có tính tổng thể để đảm bảo an ninh. Điều này thể hiện qua nỗ lực của các nước châu Âu củng cố và hoàn thiện hình mẫu CSCE để có thể trong tương lai châu Âu tự đủ sức giải quyết các vấn đề an ninh của mình. Xét về tình hình khu vực CA-TBD hiện nay, trên khía cạnh các cơ chế khu vực để xây dựng lòng tin, ngăn chặn và giải quyết xung đột còn đang phôi thai và vì thế các nước khu vực đều ủng hộ cách tiếp cận từ từ (gradual approach) đối với các vấn đề an ninh, trong khi nhất trí về sự có mặt tiếp tục của Mỹ. Các học giả châu Âu một mặt "thông cảm" những điểm đặc thù của khu vực CA-TBD, mặt khác cũng cho rằng châu Âu đã đi trước trên lĩnh vực an ninh này.

Ngoài ra, một số học giả cũng nhấn mạnh rằng khái niệm an ninh tổng thể nhìn chung thích hợp với giai đoạn hiện nay khi cục diện thế giới đang chuyển tiếp từ trật tự hai cực sang trật tự đa cực trong tương lai, nhưng trước mắt sẽ là đơn cực do Mỹ chi phối. Với những đặc điểm nổi bật là xu thế hoà hoãn hình thành và tiếp diễn, nhất thể hoá kinh tế toàn cầu tăng mạnh và giao lưu dân gian được dễ dàng bởi công nghệ vận tải và thông tin, khái niệm "an ninh toàn diện" đã thay thế cho khái niệm "chiến tranh toàn diện". Thay vì tìm mọi cách để loại trừ đối phương như trước, ngày nay các nước đều tìm cách cải thiện quan hệ với các nước khác, không nêu danh kẻ thù cụ thể và tìm cách tăng cường hợp tác, tránh sử dụng vũ lực. Như vậy, hoàn cảnh thế giới và khu vực thay đổi đã đưa vào trong khái niệm cũ những nội dung mới, tức là việc đánh giá cục diện mới của thế giới và khu vực là yếu tố rất quan trọng cho các chính sách an ninh.

2. Đánh giá về tình hình CA-TBD:

Việc các học giả châu Âu cho rằng CA-TBD vẫn còn phải lệ thuộc nhiều vào Mỹ để bảo đảm an ninh báo hiệu một số tác động tiêu cực đối với các nước khu vực, bởi vì Mỹ đang có thêm lợi thế để ép các nước khác rập khuôn mô hình Mỹ. Một học giả thậm chí đã ví cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay ở một số nước châu A' như là sự "sụp đổ bức tường Berlin ở châu A'" hiểu theo nghĩa là Mỹ đã tung hai đòn chí tử, một vào khu vực Liên Xô (cũ) - Đông Âu - để ép các nước này cải cách thể chế chính trị ; và một vào Đông A' - để ép các nước trong khu vực cải cách chế độ kinh tế và phần nào là chính trị, tất cả đều theo mô hình Mỹ. Một số học giả khác cho rằng so sánh như vậy không chính xác , nhưng việc Mỹ đóng vai trò lợi dụng những sai lầm về đường lối chính trị và kinh tế và mâu thuẫn nội tại ở cả hai khu vực này làm tác nhân cho những đảo lộn về chính trị và kinh tế, kết hợp với các nguyên nhân khác, là không nên bỏ qua. Đại biểu của các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tham gia Hội thảo như Hàn Quốc và Nhật Bản đều nói về sức ép ngày càng tăng của Mỹ đòi các nước này phải cải tổ hệ thống tài chính, ngân hàng. Mặc dù các nước này đều đã thấy những điểm yếu trong chính sách kinh tế của mình và quyết tâm sửa đổi chúng, nhưng việc Mỹ không quan tâm giúp đỡ (chỉ cam kết giúp sau khi có nguy cơ bị tác động lan truyền) và tăng sức ép đòi cải cách để Mỹ có lợi trong việc xâm nhập thị trường làm cho các nước này thêm bất bình. Có đại biểu đã nói về sự nhẫn nhục mới (sau những chính sách của Mỹ áp dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh đối với các nước này) để có ngày "tính sổ" với Mỹ.

Cuộc khủng hoảng này còn làm sáng tỏ thêm một điều là các nền kinh tế lớn của châu A', tuy quan hệ chặt với nhau nhưng vẫn còn bị chi phối bởi chính trị và không có thể có được một hành động "tự cứu tập thể" nào. Ví dụ điển hình là dự trữ ngoại tệ của Đài Loan, Hồng Công, Nhật Bản và Trung Quốc cộng lại lớn gấp nhiều lần bất kỳ con số nào mà IMF có thể đưa ra. Nhưng các nước và vùng lãnh thổ này vẫn còn bị chia rẽ, nghi ngờ nhau, và vì tư lợi cùng với những mâu thuẫn chưa dàn xếp xong nên không thể hợp lực giải quyết được những vấn đề, nếu không giống nhau thì cũng gây tác động lan truyền cho nhau. Sự không thống nhất đó càng làm cho Mỹ có lợi thế áp đặt.

Trong khi đó, việc từng nước vừa trông mong vào IMF, vừa "tự cứu", lại sinh ra những căng thẳng mới trong quan hệ song phương. Điển hình nhất là quan hệ Nhật - Hàn Quốc mấy tháng qua. Việc Nhật đặt điều kiện giải quyết tranh chấp lãnh thổ trước khi giúp đỡ Hàn Quốc về tài chính và đột ngột chấm dứt hiệp định đánh cá song phương đã gây ra sự bất bình sâu sắc trong lãnh đạo và dân chúng Hàn Quốc. Tình cảm chống Nhật đã tăng lên rất mạnh ở Hàn Quốc.

Các đại biểu châu Âu một mặt coi cải tổ kinh tế để vượt qua khủng hoảng là cần thiết, mặt khác cũng tỏ ý lo ngại về mô hình Mỹ thống trị. Theo họ, Mỹ đang ở vào thời điểm thuận lợi để "răn dạy thiên hạ", nhưng bản thân hình mẫu kinh tế - chính trị của Mỹ cũng đầy rẫy khiếm khuyết, và chính phủ Mỹ cũng không thể kiểm soát hết các lực lượng thị trường. Cho nên, đến khi kinh tế Mỹ đi vào suy thoái theo chu kỳ khủng hoảng thì có thể Mỹ sẽ bớt cao giọng đi. Châu Âu, theo họ, cũng có thể là một giải pháp đáng tham khảo với mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước phúc lợi kết hợp tương đối thành công các lực lượng chính trị và kinh tế, nhà nước và thị trường, và do đó giảm bớt được những thái quá của cả hai mô hình Mỹ và châu A'.

3. So sánh hai hình mẫu hợp tác Đông Nam A' (ĐNA) và Đông Bắc A' (ĐBA)

Theo các học giả, trong khu vực CA-TBD có hai tiểu khu vực khá riêng biệt nhau về hình thức hợp tác dựa trên những đặc điểm về chính trị và kinh tế, văn hoá.

Khu vực ĐNA sau chiến tranh lạnh đã khá thành công trong việc xây dựng chủ nghĩa khu vực vững mạnh, mở rộng tổ chức ASEAN, xây dựng lòng tin, thoả thuận được về một hành vi xử thế chung giữa các nước vừa và nhỏ với nhau. Những thành tích về chính trị kể trên đã tạo điều kiện cho các nước ĐNA thân thiện với nhau hơn về chính trị, và tạo ra những cơ sở vững chắc cho hợp tác kinh tế và hợp tác trên các mặt khác. Những khó khăn nhất thời cũng như những mâu thuẫn vẫn tồn tại không đảo ngược được xu thế lớn này.

Tình hình ở khu vực ĐBA hoàn toàn khác. Các vấn đề lịch sử, các mâu thuẫn kinh tế, lãnh thổ cùng với các tàn tích của cuộc chiến tranh lạnh vẫn còn là những lực lượng nổi trội chi phối quan hệ giữa các nước, bao gồm ba nước lớn (Trung, Nhật, Nga), một nước bị chiến tranh lạnh chia cắt đến nay chưa thống nhất và một số nền kinh tế lớn. Những biểu hiện của không khí nghi kỵ, thậm chí thù địch vẫn còn thấy rõ. Tuy nhiên, ở khu vực này có một số trung tâm kinh tế lớn và mức độ hợp tác kinh tế đã rất cao.

Xuất phát từ những hoàn cảnh cụ thể đó, dường như hình mẫu hợp tác từ high politics đến low politics (tức là giải toả các vấn đề chính trị an ninh để tiến tới xây dựng lòng tin làm nền tảng cho hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác) là thích hợp với ĐNA và đang thể hiện khá rõ ở tiểu khu vực này. Trong khi đó ở ĐBA, có lẽ hình mẫu hợp tác từ low politics đến high politics sẽ thích hợp hơn. Một số học giả đã cho biết hợp tác về môi trường, nhất là ô nhiễm biển, chất thải hạt nhân, cũng như chống tội ác, ma tuý đang được các nước khu vực ĐBA tích cực tham gia vì cùng chung lợi ích ; và nếu kết hợp với đầu tư và thương mại tăng cường thì hy vọng sẽ cải thiện được môi trường hợp tác chính trị ở khu vực này.

Các đại biểu châu Âu một lần nữa đề cao hình mẫu hợp tác của châu Âu "nhuần nhuyễn", kết hợp cả low politics và high politics trong một quá trình hợp tác đi đến nhất thể hoá cao dần cho toàn Châu lục. Tuy nhiên họ cũng nhấn mạnh sự khác biệt về hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực và nêu kinh nghiệm châu Âu cũng chỉ có tính tham khảo mà thôi.

Kết luận:

Theo các đại biểu, việc xác định nội dung mới cho khái niệm an ninh gắn chặt với sự đánh giá lại trật tự thế giới mới, tập trung vào làm sáng rõ những bộ phận cấu thành cơ bản của trật tự đó với những vận động nội tại của chúng và tác động qua lại giữa chúng với nhau trên một tầm tổng thể. Đây rõ ràng là một công việc phức tạp và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa, mà hội thảo này mới chỉ dừng ở mức "xới lên" vấn đề. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, theo như nhất trí chung, cách đề cập nói chung về an ninh và chính sách an ninh cụ thể (liên quan đến chính sách kinh tế, đối ngoại, quân sự, xã hội...) nói riêng cần linh hoạt và không nên gò ép và sao chép theo một hình mẫu nào. Tuy nhiên, các đại biểu châu Âu vẫn muốn hình mẫu của châu Âu được tham khảo nhiều hơn./.

Cùng chuyên mục