Số 22 - Kết quả đàm phán của WTO về dịch vụ tài chính

08:11 26/03/2012

Kết quả đàm phán của WTO về dịch vụ tài chính

Tác giả: Ngô Duy Ngọ.

Tháng 12 năm 1997, 102 nước thành viên đã ký Hiệp định dịch vụ tài chính trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva nhằm tự do hoá thị trường dịch vụ nói trên. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào tháng 3/1999 và được thực hiện cho tới khi các bên đạt được thoả thuận mới trong vòng đàm phán tổng thể về dịch vụ dự kiến vào năm 2000. Đây là một trong 3 hiệp định lớn về tự do hoá thương mại được ký kết năm 1997, (Hiệp định viễn thông ký vào tháng 2 và Hiệp định các sản phẩm công nghệ thông tin ký vào tháng 3/1997). Dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS). GATS có 3 nguyên tắc cơ bản: quá trình tự do hoá áp dụng cho toàn bộ các loại hình dịch vụ, trừ một số dịch vụ liên quan đến hoạt động của chính phủ; nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) và nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT). Tuy nhiên Hiệp định cũng cho phép áp dụng những ngoại lệ đối với 3 nguyên tắc kể trên.

Dịch vụ tài chính bao gồm các loại dịch vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, tín dụng, kinh doanh tiền gửi, cho vay vốn, dịch vụ bảo lãnh, dịch vụ thuê mướn, môi giới tiền tệ, thông tin, tư vấn tài chính ngân hàng, kinh doanh các loại tài sản, và các dịch vụ quản lý tài chính khác... dịch vụ bảo hiểm gồm bảo hiểm nhân thọ, phí nhân thọ, tái và nhượng bảo hiểm, dịch vụ tư vấn xử lý các tranh chấp trong bảo hiểm... Đàm phán về dịch vụ tài chính bắt đầu từ những năm 1990 và là một trong những vấn đề khó khăn nhất chưa được giải quyết dứt điểm khi vòng đàm phán Uruguay kết thúc, do vậy các nước quyết định tiếp tục thương lượng nhằm cải thiện toàn diện vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ tài chính. Ngay từ khi bắt đầu, tại Uruguay, 82 quốc gia đã đưa ra những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ nói trên và định ra thời hạn cuối cùng để kết thúc vòng đàm phán vào 30/6/1995, và sau đó được kéo dài đến ngày 28/7/1995. Tại thời điểm này, mặc dù 43 nước đã đồng ý cải thiện các cam kết của họ so với cam kết đã đưa ra tại Uruguay, nhưng Mỹ đã không thoả mãn với những cam kết của các nước, nhất là các nước NICs châu A', nên quá trình thương lượng bị bế tắc. Do lập trường cứng rắn của Mỹ, các nước tham gia đàm phán đã chấp nhận đề nghị của EU là sẽ thực hiện cam kết của họ cho đến tháng 1/1997, và trong thời gian 60 ngày họ có thể sửa đổi các cam kết. Thoả thuận này được thể hiện trong Nghị định thư thứ hai của Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ được ký tháng 11/1996 nhằm hợp pháp hoá kết quả đàm phán. Mỹ cũng đệ trình danh mục cam kết mới nhưng không ký nghị định thư trên. Như vậy, theo Nghị định thư, nguyên tắc Tối huệ quốc sẽ áp dụng cho tất cả các thành viên WTO, trong đó có Mỹ. Ngược lại, Mỹ không áp dụng những ưu đãi mới cho các nước thành viên WTO khác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính - đó là nét đặc thù của bộ danh mục các cam kết về dịch vụ tài chính lần thứ hai này. Trước tình hình đó, tháng 12/1996, tại Singapore, Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên WTO lần thứ nhất đã kêu gọi các nước, nhất là Mỹ nối lại vòng đàm phán để có thể sớm ký kết Hiệp định về thương mại Dịch vụ tài chính vào năm 1997. Tháng 4/1997, Uỷ ban về Thương mại dịch vụ của WTO đã tiếp tục hoạt động trở lại và đã định ra thời hạn cuối cùng để thông qua Hiệp định vào tháng 12/1997.

Như vậy từ tháng 4 đến tháng 12/1997, Uỷ ban về Thương mại Dịch vụ đã tổ chức nhiều cuộc họp chính thức và không chính thức để các nước thành viên tiếp tục cải thiện những cam kết của họ và chuẩn bị cho việc ký Nghị định thư thứ 5 của GATS về dịch vụ tài chính. Ngoài ra, các nước có thị trường tài chính quan trọng trên thế giới cũng tiến hành đàm phán song phương để giải quyết những vướng mắc về lợi ích kinh tế của mỗi bên, cố gắng đạt được những thoả thuận chung. Nhằm khai thông bế tắc, các nước thành viên tham gia thương lượng đã lần lượt đưa ra những cam kết mới, thể hiện sự nhân nhượng của họ về khả năng mở cửa thị trường, nhưng những cam kết này hết sức khác nhau về mức độ và các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, xu hướng chung là ngày càng có nhiều nước cho phép các ngân hàng nước ngoài, các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm hoạt động rộng rãi hơn tại nước họ, mặc dù kèm theo những điều kiện, hạn chế khác nhau. Trong suốt quá trình đàm phán, các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ đặt trọng tâm hàng đầu vào vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ tài chính các nước NICs châu A'.

Mỹ và EU là những thị trường tài chính lớn trên thế giới, tiếp tục gây sức ép đối với các nước đang phát triển đặc biệt là các nước NICs châu A' phải loại bỏ các biện pháp bảo hộ thị trường tài chính. Bởi vì, theo họ thị trường tài chính của Mỹ và EU có mức độ tự do lớn hơn so với các nước khác. Mỹ cho phép 100% sở hữu nước ngoài trong các công ty bảo hiểm nội địa, thay đổi chế độ quản lý đối với ngân hàng nước ngoài; các công ty nước ngoài được phép lập ngân hàng ở các bang của Mỹ, đồng thời chính phủ chú trọng hơn đến việc giải quyết yêu cầu xin mở ngân hàng mới của các nước khác. Còn đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), mặc dù thị trường tài chính tiền tệ của họ tương đối tự do, song vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định đối với một số vấn đề bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm ô tô, nhưng EU đã cam kết sẽ xem xét các vấn đề có thể gây tác động tiêu cực đến thị trường bảo hiểm nội địa.

So với thị trường Mỹ và EU, thị trường dịch vụ tài chính Nhật Bản được bảo hộ chặt chẽ hơn. Nhật Bản chỉ cho phép các công ty nước ngoài kinh doanh dịch vụ bảo hiểm nếu các hoạt động kinh doanh đó được thực hiện qua trung gian. Từ 4/1998 Nhật không hạn chế kinh doanh dịch vụ ngân hàng và các loại dịch vụ tài chính khác. Ngoài ra, Nhật Bản chấp nhận "đa phương hoá" hiệp định bảo hiểm song phương Nhật - Mỹ bằng việc đưa ra thời gian biểu cho quá trình tự do hoá thị trường bảo hiểm trong nước nghĩa là các nước thành viên WTO sẽ được hưởng thành quả đàm phán trước đây của Nhật với Mỹ.

Đối với Canada, chính phủ nước này đã xem xét và điều chỉnh các quy định khắt khe trong lĩnh vực tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài kinh doanh tại thị trường dịch vụ nội địa. Hiện tại, hơn 40 ngân hàng nước ngoài có chi nhánh đang hoạt động tại Canada.

Riêng đối với một số nước NICs trong khu vực Đông - Đông Nam A' do cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính xảy ra vào đúng thời điểm của vòng đàm phán nói trên nên các quốc gia này đã phải nhân nhượng nhiều hơn so với thời gian trước đó, để có thể tranh thủ được sự giúp đỡ từ các nước phát triển nhằm nhanh chóng đưa nền kinh tế của họ hoạt động trở lại bình thường. Vì vậy Indonesia cho đến phút cuối của vòng thương lượng mới đưa ra cam kết mới theo đó đến năm 2020 sẽ xoá bỏ mọi hạn chế liên quan đến thâm nhập thị trường và chế độ đãi ngộ quốc gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính - phi ngân hàng (non-bank financial services); các công ty dịch vụ tài chính phi ngân hàng nước ngoài có thể chiếm 100% cổ phần trong thị trường chứng khoán ; không hạn chế nước ngoài kinh doanh bảo hiểm nếu không có công ty bảo hiểm nội địa kinh doanh trong lĩnh vực đó hoặc các công ty Indonesia không muốn kinh doanh loại bảo hiểm này; nước ngoài có thể mua 49% cổ phần của các ngân hàng địa phương.

Khác với các quốc gia trong khu vực, mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính nhưng Malaysia không kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Tuy vậy trong quá trình thương lượng họ đã có những nhân nhượng bằng việc cam kết tăng mức sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm từ 49% lên 51% mà không phải là 100% như phía Mỹ đòi hỏi. Hiện tại Malaysia cho phép 13 công ty 100% vốn nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng ở nước này giữ nguyên cơ cấu cổ phần trước đây và 44 trong số 49 công ty bảo hiểm có số vốn nước ngoài ngang bằng hoặc chiếm ưu thế so với phần vốn của nước chủ nhà,nhưng họ quy định là một ngân hàng ngoại thương không được phép có cổ phần ở ngân hàng ngoại thương khác. Đối với các công ty mới thì phần vốn nước ngoài không được quá 30%.

Philippines cam kết sẽ mở cửa thị trường rộng rãi hơn nữa nhưng luôn cố gắng gắn với các mục tiêu phát triển của đất nước, khuyến khích tăng trưởng thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ. Về lĩnh vực ngân hàng, 70% số tài sản phải do các ngân hàng trong nước quản lý, trong đó người Philippines chiếm đa số. Đối với các loại dịch vụ tài chính khác, Philippines cho phép các công ty nước ngoài chiếm tới 51% tổng số vốn trong lĩnh vực dịch vụ mua bán chứng khoán, đầu tư, 40% dịch vụ cho thuê, môi giới giao dịch tiền tệ, đồng thời cam kết bảo hộ các công ty hiện đang có mức vốn cao hơn so với quy định. Một điều dễ hiểu là khả năng cạnh tranh của các công ty nội địa rất yếu so với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, nên so với tỷ lệ cho phép nắm giữ cổ phẩn như trên, nếu có nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh thì chính phủ sẽ không thể kiểm soát được thị trường quan trọng này. Đó là lý do tại sao Philippines hạn chế chỉ cho phép lập 10 chi nhánh ngân hàng mới trong thời gian đến năm 2000.

Do phải giải quyết khủng hoảng tiền tệ tài chính trong nước, Thái Lan đã tạm thời không áp dụng, trong thời gian quá độ là 10 năm, chính sách bảo hộ quy định các công ty nước ngoài chỉ được sở hữu 25% tổng số vốn của các công ty tài chính và ngân hàng nội địa, cam kết giữ nguyên cơ cấu cổ phần vốn hiện có của các chi nhánh các ngân hàng nước ngoài trong hoạt động kinh doanh các loại dịch vụ tài chính.

Singapore là nước ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trong khu vực đã quyết định xem xét việc nới lỏng hơn các qui định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng thông qua việc đổi mới cách quản lý, nhấn mạnh biện pháp giám sát hơn là biện pháp điều tiết. Singapore cho phép các công ty nước ngoài chiếm 49% số vốn của các công ty nội địa, các công ty trung gian tái bảo hiểm có thể lập chi nhánh và các công ty tài chính được phép kinh doanh ngoại tệ, vàng, có thể mua lại các tồn trữ ngoại tệ, cổ phần công ty hoặc mua lại các khoản nợ.

Trong lĩnh vực ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm do tình hình khó khăn về kinh tế, tài chính, Hàn Quốc đã đưa ra 34 cam kết mới có tiến bộ hơn so với các cam kết tại các vòng đàm phán trước. Tuy vậy những nhân nhượng trên không thoả mãn đòi hỏi của Mỹ, bởi Hàn Quốc không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ vốn tới mức để có thể kiểm soát hoạt động của các ngân hàng nội địa, Đây chính là nguyên nhân mà Mỹ sử dụng gây sức ép buộc Hàn Quốc phải đưa nhưng nhân nhượng mà họ đã cam kết khi ra nhập Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) vào trong khuôn khổ của WTO, đồng thời Mỹ cho rằng cải thiện các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ tài chính là một phần trong nội dung chương trình thảo luận giữa Hàn Quốc và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về trợ giúp cho cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay.

Là một quốc gia ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mexico năm 1994 và với một nền kinh tế phát triển ổn định trong nửa cuối những năm 90, Brazil đã có những quyết định mạnh dạn trong điều tiết kinh tế vĩ mô, theo đó chính phủ cam kết giảm vai trò của nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, tăng cường tư nhân hoá các ngân hàng nhà nước. Ngân hàng nước ngoài có thể mua lại các ngân hàng nội địa, nếu được Hội đồng Tiền tệ Quốc gia phê duyệt, nghĩa là cho phép thành lập các ngân hàng, công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài.

Â'n Độ là nước đang phát triển có vai trò quan trọng trong các vòng đàm phán của WTO, lại không có những khó khăn về tài chính và tiền tệ như các quốc gia khác, nên nước này không có cam kết cụ thể gì hơn về bảo hiểm và ngân hàng, mà họ chỉ cho phép, như đã cam kết trước đó, mỗi năm mở thêm 12 chi nhánh ngân hàng nước ngoài so với 8 chi nhánh được qui định hiện nay đồng thời cam kết sẽ cho phép nước ngoài có thể tăng gấp đôi số lượng chi nhánh nhỏ trên toàn lãnh thổ từ 6 lên tới 12.

Như vậy trong quá trình thương lượng, 52 nước đã cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm rộng hơn so với trước, 59 nước cam kết sẽ cho phép 100% sở hữu nước ngoài trong các chi nhánh ngân hàng, 44 nước sẽ cho phép nước ngoài sở hữu 100% tổng số vốn trong các công ty chứng khoán. Qua nhiều phiên đàm phán căng thẳng, nhưng đến thời hạn cuối cùng là 12/12/1997 các nước tham gia thương lượng vẫn chưa đạt được thoả thuận cuối cùng, do mâu thuẫn cơ bản giữa Mỹ và Malaysia. Mỹ cho rằng họ cho phép công ty nước ngoài sở hữu 100% tổng số vốn của các công ty bảo hiểm nội địa, do vậy Malaysia cũng phải cho các công ty nước ngoài mà cụ thể là American International Group, hưởng qui chế tương tự. Malaysia trước đây đã cho phép nước ngoài sở hữu 100% vốn nhưng cho đến thời điểm này đã rút lại qui định trên và chỉ cho phép các công ty bảo hiểm nước ngoài nắm giữ tối đa 51% cổ phần, do đó Mỹ đã phản ứng gay gắt, gây trở ngại cho việc Ký kết Hiệp định. Trước lập trường thiếu xây dựng đó các nước châu A' đã lên án Mỹ là đã quá vì lợi ích của các công ty bảo hiểm của họ mà đẩy quá trình thương lượng vào tình trạng bế tắc. Các nước ASEAN kêu gọi Mỹ cần tính tới những khó khăn của cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính ở châu A', trong đó có Malaysia và nên có nhượng bộ. Cuối cùng, Mỹ đã thoả hiệp, nhưng vẫn bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Malaysia nếu nước này không cải thiện những cam kết trên trong thời gian trước và ngay cả sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Cũng như dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính là một trong những thị trường tạo ra những lợi nhuận lớn nhất trên thế giới. Doanh số thương mại dịch vụ tài chính trên thế giới lên tới 60 nghìn tỷ USD, trong đó các khoản vay của các ngân hàng là khoảng 38 nghìn tỷ USD, tiền đóng bảo hiểm 2,8 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trái phiếu là 10 nghìn tỷ USD. Vì vậy các nước phát triển và đang phát triển tìm mọi biện pháp để bảo hộ thị trường trong nước đồng thời tìm cách thâm nhập thị trường nước khác. Có thể nói đây là thắng lợi lớn của Mỹ và EU trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu A', họ đã khai thác triệt để những khó khăn mà một số quốc gia Đông - Đông Nam A' đang gặp phải để gây sức ép buộc các nước này phải nhân nhượng và đưa ra những cam kết mới về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính tiền tệ. Rõ ràng là chỉ sau khi đạt được những mục đích mà họ đã từng mong muốn có được ngay trong vòng đàm phán Uruguay, chính quyền Mỹ mới tích cực can thiệp vào cuộc khủng hoảng nói trên.

Thực tế trong quá trình đàm phán, Mỹ luôn sử dụng vai trò là một cường quốc về kinh tế với thị trường tài chính rộng lớn, cộng với sự hậu thuẫn của các công ty bảo hiểm, tài chính, ngân hàng để gây sức ép đối với các nước khác nhằm đạt được mục đích là bảo vệ lợi ích của họ ở nơi nào cần thiết.

Qua các cuộc đàm phán, về thương mại dịch vụ nói chung có thể thấy rõ xu hướng là các nước phát triển sử dụng diễn đàn WTO một cách triệt để, chỉ tập trung lực lượng vào những lĩnh vực nào có lợi ích sống còn đối với họ. Bởi vì khi kết thúc vòng đàm phán Uruguay, các nước thành viên đều nhất trí cần phải tiếp tục thương lượng 3 lĩnh vực dịch vụ quan trọng trong khuôn khổ GATS : đó là dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông và di chuyển sức lao động. Nhưng dịch vụ tài chính và dịch vụ viễn thông là những vấn đề mà các nước phát triển quan tâm hơn cả thì họ xúc tiến và thúc đẩy nhanh, còn vấn đề di chuyển sức lao động là mối quan tâm của các nước đang phát triển thì vẫn đang trong tình trạng bế tắc.

Hiệp định về tự do hoá thị trường dịch vụ tài chính có những tác động tích cực cũng như tiêu cực đối với các nước đang phát triển. Một mặt, nó loại bỏ dần hàng rào bảo hộ các quốc gia, tạo môi trường cạnh tranh trên thị trường làm cho giá thành sử dụng loại hình dịch vụ này giảm đáng kể, tạo điều kiện thu hút nguồn đầu tư nước ngoài qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Mặt khác, việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính cũng tạo ra những khó khăn, đối với nhiều nước đang phát triển. Trong khi các nước phát triển đã sẵn sàng thâm nhập vào thị trường mới thì các nước đang phát triển còn phải đương đầu với những khó khăn về kinh tế, chưa có kinh nghiệm hoạt động, trình độ quản lý yếu kém, công nghệ tài chính ngân hàng lạc hậu nên khó có thể cạnh tranh với các công ty của Mỹ, EU, Nhật Bản. Hơn nữa thông qua cơ chế giải quyết các tranh chấp của WTO, các nước phát triển có một công cụ về mặt pháp lý để ép buộc các nước đang phát triển phải mở cửa thị trường nội địa cho các công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài vào hoạt động. Hiện tại, ở mức độ khác nhau, các nước đang phát triển vẫn tìm cách kiểm soát hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ nhằm khống chế sự lũng đoạn của các công ty nói trên tại thì trường trong nước. Đồng thời bản thân họ cũng nhận thức được là cần phải thực hiện tự do hoá từng bước thị trường tài chính, tiền tệ nhằm thích nghi dần với môi trường tự do cạnh tranh trên thế giới vì nguồn vốn, kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm quản lý... do các nước phát triển nắm giữ, nếu không như vậy thì họ sẽ luôn luôn ở trong tình trạng phụ thuộc./.

Cùng chuyên mục